1. Chất uyên bác hơn đời trong phóng sự Nguyễn Tuân
1.2. Tri thức về nghề hút thuốc phiện
Không chỉ có nguồn tri thức sách vở phong phú Đông - Tây - kim - cổ, phóng sự Nguyễn Tuân còn thể hiện vốn hiểu biết tường tận về nghề hút thuốc phiện: nguồn gốc cây thuốc phiện, cách thức nấu thuốc phiện, cách pha trộn thuốc nước, thuốc sái, các loại dụng cụ và cách lựa chọn chúng để hút thuốc phiện, cách bài trí tiệm hút, cách tiêm thuốc, nghệ thuật thu hút khách chơi của các tiệm hút… Tất cả những kiến thức ấy không phải dễ gì có được mà là kết quả của sự quan sát, tìm hiểu nghiêm túc của tác giả. Rất có thể có người cho rằng miêu tả những chuyện ấy là gợi trí tò mò tục tĩu, là tự nhiên chủ nghĩa. Chúng tôi cho rằng đây là một khía cạnh của phong cách ngòi bút Nguyễn Tuân, ông muốn khoe chữ nghĩa, muốn khẳng định vốn hiểu biết đầy đủ sâu sắc hơn người của mình về lĩnh vực này. Điều này cũng chứng tỏ Nguyễn Tuân, khi viết Ngọn đèn dầu lạc và Tàn đèn dầu lạc, đã dụng công nghiên cứu rất nhiều tài liệu có liên quan đến thuốc phiện. Đúng là văn chương là khổ nghiệp thật!
Chẳng biết Nguyễn Tuân đã khảo cứu về cái nghề kinh doanh tiệm hút thuốc phiện ở Hà Nội như thế nào mà ông phát hiện ra người đầu tiên kinh doanh tiệm hút, ông tị tổ của nghề bán đầu tiêm ở Hà Nội mà cũng là ở xứ Bắc là Phùng Văn Trô - một Hoa kiều mà tên của ông ta được đám dân nghiện dùng như tiếng lóng để chỉ cái việc hút thuốc phiện: “Tôi mở đầu thiên phóng sự này bằng một cái chết. Cái chết của chú Trô. Chú Trô - vua tiệm xứ Bắc. Tôi lấy cái chết của ông tị tổ nghề bán đầu tiêm ở Hà Nội thay làm lời mở đầu.” (chương I - NĐDL).
Nguyễn Tuân, từ thực tế quãng đời gần mười năm tự thiêu diệt mình trong khói thuốc phiện, đã phát hiện ra đám dân nghiện rất coi trọng việc lựa chọn dụng cụ giọc tẩu. Vì đối với họ, cái giọc tẩu như đồ gia bảo gắn với sinh mệnh của con nghiện. Theo họ, nếu dùng giọc tẩu bão đăng, ôm đèn thì luôn luôn phát tài. Ngược lại, nếu dùng loại giọc tẩu mà cứ ưỡn ngửa lòng vào đèn thì đó là loại cho không đắt - vì đó là loại giọc tẩu phản chủ. Lại còn thứ giọc tẩu “độc kiếm”, sát chủ,
giết người nữa: “Mua giọc, nên xem kỹ cái đốt trúc chỗ có mấy cái mấu. Nếu có một đường hõm đánh trũng xuống thân giọc chạy lại phía đầu ngậm, nhọn hoắt thì đừng có rước vào mà chuộc lấy hoạ. Cái vết trũng những người sành sỏi đều gọi là cái độc kiếm. Nó đâm suốt vào ngực thằng hút. Thế nào cũng bất đắc kỳ tử. Chính mắt tao đã được biết một cái giọc độc kiếm chuyên tay qua bốn người nghiện, thì bốn người đều chết và vỡ tiệm cả. Cái thằng chủ thứ năm chiếc giọc đó chưa chết, nhưng hiện giờ đang nằm trong Hoả lò. Đoan sắp tịch ký nhà.” (chương IX - NĐDL).
Ngay việc hút thuốc như thế nào cũng là cả một nghệ thuật nhà nghề. Hút thuốc phải tiêm thật khéo để giữ sái nếu không sái sẽ khô cháy như than không thể dùng để đánh với thuốc nước được. Muốn vậy, hút xong một hai điếu phải lấy bút lông thấm nước lau mặt tẩu thì mới đỡ hại sái ở trong. Biết Thông Bê là người bủn xỉn, đám bạn hút muốn chơi lại đã giở ngón nghề tiêm tài tử nhà nghề điêu luyện: “Họ để điếu thuốc lên miệng chụp, kéo thuốc không lên tiếng, chỉ thấy điếu thuốc sùi mặt quỷ. Thông Bê tự hỏi: “Tụi nó chơi khôn lạ. Nó hút thuốc như thế, thì cái lũ sái trong tẩu thành ra than cả rồi. Còn ăn thua gì. Nó hút cái kiểu nghệ sĩ như thế, thành ra là vừa thuốc nước vừa là sái nhất trong một hơi thuốc đi thấu vào đến đáy phổi”. Bính trổ hết tài nghệ thuật: ban nãy tiêm toàn chôn quýt, giờ tiêm giặt lối khẩu mía, mỗi lần phóng điếu thuốc vào nhĩ, rút mạnh tiêm ra kêu đến khắc một cái, chủ nhân lại trố mắt nhìn.” (chương X - NĐDL). Những ngón nghề ấy làm cho ta liên tưởng tới nghệ thuật chặt thịt gà của thằng mõ Mới trong phóng sự Việc làng của Ngô Tất Tố.
Nhưng đấy là hút theo kiểu “tài tử nhà nghề” gặp nhau, hút để chơi
nhau. Trong phóng sự Nguyễn Tuân, chúng ta còn được chứng kiến cái lối ăn, lối hút thuốc phiện của loại dân nghiện phong lưu hiếm thấy. Đó là trường hợp ông Ấm X (chương V - TĐDL). Hãy xem tác giả miêu tả cái lối hút, lối ăn của nhân vật này: “Bên cái khay đèn có
thành có quách, có văn kỷ lắp kính mờ khảm lan cúc trúc mai phủ kín bàn đèn như một cái lồng bàn đặc mỗi khi xong bữa thuốc bao giờ ở chân giường cũng có những thực phẩm tẩm bổ, mùa nào thức ấy. […] Bởi vì lúc nào, ngày nào cạnh bàn đèn nhà ông cũng có sẵn những món ăn ngon và cầu kỳ. Nếu không là một bát yến hấp đường phèn, một chén chè cùi nhãn lồng lấy sen làm hột, thì là một con gà ác đem tần với ý dĩ trắng, một liễn bóng sống thả mươi quả trứng gà lộn gần thành hình chim con v.v…”. Đấy là còn chưa nói đến cái phòng hút của ông Ấm, nó kiêu sa, thâm trầm như là thư phòng trong cung cấm có “Hoa thuỷ tiên nở mãn khai, chè mạn sen đượm hương, hơi trầm ngát bốc ngùn ngụt từ trong ruột đỉnh” (tr.46,47). Tôi chắc Nguyễn Tuân phải là người am hiểu nghệ thuật ẩm thực và từng trải tới mức sành điệu lắm thì mới có thể có những trang văn miêu tả ăn uống mà kiêu sa, đài các, văn hoá cao đến như vậy.
Những dấu hiệu lâm sàng cho thấy người chơi a phiến đã bị nghiện cũng được Nguyễn Tuân miêu tả chính xác đến từng biểu hiện nhỏ nhất. Đây là cuộc đối thoại của Trương và Lê, hai gã thanh niên con nhà giàu, lúc đầu tìm đến thuốc phiện chỉ là để chơi mốt thời thượng nhưng rồi trở thành nô lệ của thuốc phiện lúc nào không hay. Khi nhận ra là mình đã mắc nghiện thì đã muộn:
“- Toa thấy nó bắt toa như thế nào? - Tớ cũng không rõ là nó đã bắt chưa.
- Thấy nó khác khác trong người là tự khắc biết chứ lại. - Toa thử gợi nó lên, rồi Moa nhận ra dần dần xem.
- Có phải trong người nó moi mỏi, lắm lúc buồn chân buồn tay như cần phải đập phá một cái gì phải không? Nừu để quá lắm thì nó như có dòi đục trong tuỷ xương phải không? Lại còn như thế này nữa: bụng thấy no tuy miệng đói, lúc nào cũng chỉ muốn nằm thôi.
- Ừ, ừ, có như thế. Hai vai mỏi luôn. Khớp xương như rão hết cả ra. Mí mắt nặng. Mồm bã ra. Thấy nước sợ như người bị chó dại cắn.
- Gì nữa? Cứ nhớ dần ra.
- À, à, hay gắt. Cáu một cách vô lý với mọi người. - Sao nữa?
- Tưởng như không muốn mở miệng ra nói với ai nữa. Muốn đừng ai phiền đến mình, tuy lúc ấy mình cho mình cái quyền quấy nhiễu đến mọi người. Quấy tiền, quấy yên lặng và tha hồ không kiêng nể tự do của người khác.
- Và nếu chưa được hút, thì có trông thấy gái đẹp, lòng mình cũng không đập…
Lê tủm tỉm:
- Đúng thế. Nhiều khi lại còn thấy cuộc đời như hết cả sinh thú. Người bần thần lạ.
Hai người ngắm nhau một hồi lâu. Trương và Lê đều công nhận dạo này họ không thích diện nữa. Cổ áo không cần có cà vạt, đi giầy không muốn sỏ bít tất và giá suốt ngày được đi giầy ban cho nó dễ tụt ra, thì họ sướng lắm. Móng tay họ dài và đều để tang cả. Trương hỏi tiếp:
- Đang như thế, được hút vào, thì sự thay đổi trong người có không? Lê nghĩ ngợi:
- Có lắm chứ. Tự nhiên thấy vui dần, đang như mê mà hồi tỉnh lại, tự thấy muốn nói nhiều lắm. Gái cũng nhiều và hay hứa hẹn với bạn bè những chuyện mà mình tưởng có thể làm được ngay.
Hai người suy nghĩ hồi lâu rồi đều kêu: - Bỏ thây, chính hắn rồi đấy đằng ấy ạ.
Hắn đây là thuốc phiện. Chữ hắn viết với chữ H hoa rất to.” (chương X - NĐDL)
Qua đoạn văn này, thiết nghĩ, ai nghiên cứu và điều trị dân nghiện có thể căn cứ vào đó mà xây dựng một “tét” thử để xác minh
bệnh nhân của mình được. Những hiểu biết đó một phần là kết quả của sự chiêm nghiệm từ những năm tháng tự thiêu diệt mình trong khói thuốc phiện của chính tác giả, một phần là bởi ý thức tìm hiểu, nghiên cứu, quan sát, đúc rút nghiêm túc của ông.
Nguyễn Tuân còn thông qua những tay quản lý tiệm hút để moi kinh nghiệm của nghề kinh doanh tiệm hút. Đây là lời một tay chủ tiệm nói về nghề mở tiệm: “Ty lớn một ngày được lĩnh tới 700gr, ty nhỏ 500gr… À, mở tiệm, việc cần nhất lúc đầu là gây sái. Gây sái, có như gây mẻ… Hai lạng rưỡi thuốc thì được một lạng sái - một lạng tây ăn hai lạng rưỡi ta; một đằng 100gr, một đằng 40gr. Ông tưởng một lạng thuốc đã nhiều lắm à. Bốn mươi nhăm cối ba hào chứ có bao nhiêu.” (chương VI - TĐDL).
Còn đây là kinh nghiệm phân biệt sái nhất, sái nhì cũng được một ông chủ tiệm tên là Ký Lượng trong lúc vui mồm nói ra:
“Cứ trông cái hoa sái thì biết ngay tốt hay xấu. Hễ hoa sái đỏ cánh gián, béo và nở, chắc, to thì là sái nhất. Sái nhì thì hoa nó héo, ít, lép và xuống mầu. Thuốc ty thì bao giờ hoa sái cũng chắc và óng hơn là hoa sái thuốc ngang.
- Gặp phải nồm, sái chảy ra hết thì phân biệt thế nào?
- Biết chứ lại. Sái tốt nó chẩy đẹp như mật mía láng trong lòng cóng sành. Vả chăng đó là việc của con mắt người có làm đến nghề thì mới tỏ.”
(chương VII - TĐDL)
Cả đến cái nghệ thuật nấu thuốc phiện thế nào cho nở, cho hồng cũng được Nguyễn Tuân phát hiện nhân chuyến đi Yên Tử, qua câu chuyện của Đàm Tuỳ ni cô ở chùa Vân Tiên: “Ngày xưa, Sư tổ ở đây hay nấu thuốc phiện lắm. Chính tay tôi ngồi nấu rựa, có những cục to bằng cái ấm dỏ, đắt đến trăm bạc chứ chẳng ít. Mỗi lần canh nấu cứ hàng chục chậu thau một. Lắm lúc tôi ăn cắp của Sư tổ những cục to
bằng nắm tay đem bán mà cụ không biết. Sư tổ bắt tôi ngày ngày leo núi tìm cây giềng vàng, về đem giã từng cối lớn, lọc gạn lấy nước chong, đem nấu thuốc, thuốc sẽ nở hồng và tiêm tốt lắm. Hút cả năm không hết mà lại còn đem bán xuống các chùa dưới nữa.” (chương VIII - TĐDL, tr.98).
Tóm lại, những tri thức sách vở cùng những tri thức từ thực tế nghề hút phong phú, đa dạng ấy chứng tỏ Nguyễn Tuân là người có ý thức tìm tòi, nghiên cứu, quan sát, ghi chép có chủ ý nghề nghiệp, cũng chứng minh một điều ông là người khổ công thực sự với nghề viết. Chính vì thế những trang phóng sự của ông chỉ viết về chuyện thuốc phiện nhưng không nhàm chán, đơn điệu vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với độc giả. Hấp dẫn bởi vì đọc phóng sự của Nguyễn Tuân người đọc không chỉ được cung cấp những hiểu biết về nạn thuốc phiện mà còn được biết đến những tri thức về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như văn chương, hội hoạ, lịch sử, Phật học, Hán học, tâm thần học… Nói cách khác, phóng sự Nguyễn Tuân không chỉ bó hẹp ở giá trị thời sự mà hơn thế nó còn có giá trị tư liệu hết sức phong phú nữa.