1. Chất uyên bác hơn đời trong phóng sự Nguyễn Tuân
1.1. Tri thức sách vở trong phóng sự Nguyễn Tuân
Chúng ta đã biết, Nguyễn Tuân sinh ra trong một gia đình Nho giáo nên ngay từ nhỏ ông được thừa hưởng giáo dục Nho học, lớn lên ông lại theo học ở trường Tây học. Chính vì thế ông hội tụ đủ cả tri thức Đông - Tây - Kim - Cổ, cộng với dòng máu giang hồ xê dịch đi nhiều, biết nhiều, sống tận lực, tận tâm giúp ông có vốn sống, vốn văn hoá sâu rộng. Nhưng có lẽ vốn sống, vốn văn hoá mà Nguyễn Tuân có được cơ bản là do ông có ý thức tự học, học ở trường đời chưa đủ mà còn phải học trong sách vở- kho tri thức nhân loại. Tôi rất tâm đắc với quan niệm của ông về nhà văn, theo Nguyễn Tuân, nhà văn nếu chỉ đi nhiều thôi chưa đủ mà “Phải đọc nhiều. Đi thực tế là cần thiết nhưng chưa phải là đủ. Phải đọc nhiều, đọc rộng thì mới có kiến thức để lý
giải những điều mình thấy. Theo tôi, vốn đọc sách cũng là một nguồn thực tế. Đó là một cách tích luỹ thực tế qua kinh nghiệm của người khác” (Ngọc Trai phỏng vấn và ghi chép - Nguyễn Tuân với Huế, Tạp chí Sông Hương, số tháng 3, 4 - 1986). Đọc phóng sự Nguyễn Tuân, độc giả vô cùng kinh ngạc trước vốn tri thức sách vở ngồn ngộn của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Trước tiên là những kiến thức độc đáo về văn chương thể hiện qua những trích dẫn, những so sánh đầy ấn tượng của tác giả:
Ông vận dụng vốn hiểu biết về thơ Baudelaire để so sánh gây ấn tượng về không gian của cái chết của đám con nghiện vây quanh bàn đèn thuốc phiện: “Bọn nghiện của tiệm này là những xác chết đợi nhập quan. Cả một bức hoạ bằng thứ thơ đầy tử khí củ a Baudelaire.”(chương V - NĐDL tr.41).
Vốn hiểu biết về thư pháp, thư hoạ Trung Hoa cũng được Nguyễn Tuân khoe ra trên trang phóng sự khi mô tả cách bài trí của một tiệm hút ở Hương Cảng: “Tôi đang mải ngắm bức tranh giấy tuyên chỉ vẽ một bụi trúc. Chỉ vẻn vẹn có một bụi trúc và bốn câu thơ đề chữ rất xương kính.
Bất tạ Đông quân ý, Đan thanh độc lập danh. Mạc hiềm cô diệp lạc, Chung cửu bất điêu linh.
Bốn câu thơ của một người muốn biểu dương cái khí tiết của kẻ quân tử, gửi nỗi niềm vào một khóm trúc! Cái lối nghĩ và lối chơi cổ điển của người phương Đông muôn năm!” (chương VI - NĐDL).
Kinh nghiệm, mánh khoé, thủ thuật của nghề làm báo trên thế giới cũng được Nguyễn Tuân phô diễn ra trên trang phóng sự của mình: “Cứ nằm ở nhà mà tưởng tượng cho đúng. Tôi làm việc dựa theo phương pháp của Maurice Decobra hồi y làm báo bên Mỹ. Nghĩa là thí dụ muốn phỏng vấn một người nào, mình nghĩ sẵn lấy những
câu hỏi và thứ nhất là mình đã viết sẵn trong đầu mình những câu trả lời của người ta. Nếu lúc tìm ngưồi ta, mình gặp thì nói qua cho người ta là mình định như thế. Thế thôi. Nghĩa là có tóm được hay không mình vẫn đăng bài như thường, mặc dầu người ta không có tuyên ngôn gì cả. Khi mà mình đã đi đúng đôi guốc mình vào bụng người ta rồi, thì cứ thế mà tống ra. Mình chỉ nên thuật lại những điều họ nghĩ chứ không nên thuật lại những lời họ nói. Lời nói bao giờ cũng phản ý nghĩ. Vả chăng, nếu ở xứ mình, có những anh đi phỏng vấn không lành nghề, thì cũng có những anh bị phỏng vấn mà không hiểu câu mình nên trả lời thế nào cho phải đường phải lối” (chương VII - NĐDL).
Đọc nhiều, biết nhiều, Nguyễn Tuân đưa ra những hình ảnh so sánh thật bất ngờ, thú vị, không chỉ giúp người đọc dễ hình dung đối tượng miêu tả mà còn cung cấp cho độc giả những kiến thức về phong tục, văn hoá của những miền đất mới lạ: “Là một người của Đông phương biết tự trọng, và theo đúng lời của cổ hiền giả, họ đã đem áp dụng cái câu: “Con người ta nên ngồi hơn là nên đứng và nếu được nằm thì lại còn hơn là ngồi đúng vào thời biểu ngày ngày. Lúc nào cũng nằm. Nằm hút, rồi lại nằm ăn nữa. Họ nghển đầu lên bốc những miếng lạp sường, súc thìa cơm, hoặc gắp chiếc bánh cuốn, y như người La- mã ăn yến tiệc bao giờ cũng nằm dài trên thứ trường kỷ” (chương VIII - NĐDL).
Nguyễn Tuân am hiểu không chỉ văn chương của Pháp mà cả văn chương của Mỹ để đưa ra những liên hệ, so sánh thú vị: “Ai bảo mày đẻ ra nhiều người. Định viết theo lối Mỹ sao, mà nhung nhúc có đến mấy chục cái tên người khác nhau. Ra thuốc phiện hay gợi cho người ta làm tính nhân. Nó nhân cả không gian, cả thời gian, cả khoái lạc, giờ lại nhân luôn cái nhân số trong các tác phẩm của bọn cầm bút như anh em mình. “L,opium agrandit ce qui n,a pas de borne; Allonge
I,illimité, approfondit le temps…” Baudelaire bảo thế!” (chương IX - NĐDL).
Ông khoe kiến thức hơn người bằng một chuỗi những so sánh với đủ loại kiến thức, từ kiến trúc đến các phát minh của nhân loại mà không phải ai cũng biết đến:
“Kỹ sư Mansard đặt tên cho một tầng nhà dựng thượng lương. Ông xã trưởng Poubelle để lại tên mình vào một cái sọt hót rác. Y sĩ Guillotin lưu cái tên mình cho người sau bằng cái máy chém mang tên mình.
Nhà quí phái de Plessis- Praslin được hậu thế nhắc tới vì thứ kẹo praline có hạnh đào tán nhỏ ngào đường.
Đến bây giờ ở đây, Phùng Văn Trô đã làm giàu cho Việt ngữ thêm được một tiếng nói.”
(chương IX - NĐDL) Bàn luận về Tam Quốc - tiểu thuyết chương hồi cổ điển của Trung Quốc, thông qua cuộc đối thoại của một đám dân nghiện là trí thức văn sĩ, tác giả đưa ra hàng loạt những quan niệm, những nhận xét khá thú vị, chứng tỏ ông là người khá am hiểu về Hán thư và dịch thuật (chương I - TĐDL). Đây là đoạn ông Ấm X đàm luận về Tam Quốc: “- Xem Tam Quốc chữ Hán thú vị lắm. Các cậu ít chữ Hán, cứ phải đọc văn dịch, không thể lĩnh hội được hết cái hay. Cái lão Nghiêm Xuân Lãm dịch Tam Quốc láo quá. Có cái bản dịch của ông Phan Kế Bính, xem còn đỡ đỡ […] .Ông Ấm X thích nhất cái đoạn Nễ Hành cởi truồng đánh trống, mắng Tào Tháo giữa bàn tiệc. Tôi tỏ ý thích nhất chỗ Hạ Hầu Đôn rút mũi tên ra khỏi mắt, nuốt luôn con ngươi với câu: Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ” (chương V - TĐDL).
Chương VI - Tàn đèn dầu lạc là một chương phóng sự được tác giả dẫn ra hàng loạt tên tuổi các văn sĩ thế giới với những câu văn, câu thơ nổi tiếng của họ. Đó là Paul Valéry với câu văn gợi cảm “Gió đã lên. Phải cố mà sống”. Nguyễn Tuân cũng chứng tỏ mình đã đọc và hiểu rất sâu sắc tác phẩm Đi tìm thời gian lãng phí của nhà văn Marcel Proust: “Proust đã dành 20 trang liên tiếp chữ cỡ 8 để tả một người cựa mình vật mình trên giường. Những vị độc giả thích những chuyện có nhảy ngựa, bắn súng, lửa cháy đỏ cả tiểu thuyết, từ đầu đến cuối, hoặc người trong truyện tiêu tiền cứ phải hàng triệu một, đánh chết thể nào cũng không thưởng thức được sự quan sát tỉ mỉ rất có giá trị tâm lý này”. Nguyễn Tuân ngẫm về chuyện đặt nhan đề cho tác phẩm và đưa ra những so sánh thật thú vị thể hiện những chủ kiến nghề nghiệp, năng lực quan sát, khái quát tinh tế: “Có nhiều cái tên nó ám ảnh anh lạ. Có nhiều chữ anh không hiểu nghĩa gì cả, nhưng thanh âm của nó thừa sức quyến rũ và cám dỗ anh. Hoá cho nên tôi đã bảo đi bảo lại các anh ấy phải nên thận trọng khi mệnh danh những tác phẩm của mình. Vẫn biết cái tên sách hay không đủ làm cho hay được một cuốn tiểu thuyết dở. Nhưng một cuốn sách viết khéo, mà có cái tên hay thì vẫn câu thêm nhiều độc giả. Và nghệ sĩ có những chứng thói riêng mà chính họ cũng không hiểu được. Như Pierre Benoit, lúc đặt tên cho nhân vật truyện bao giờ cũng có chữ A đứng đầu” (chương VI - TĐDL).
Còn đây là vốn kiến thức hội hoạ của Nguyễn Tuân qua việc ông liệt kê đủ loại màu sắc một bức hoạ tấm thảm Ba Tư trong cường ký của giác quan: “Một bức hoạ một tấm thảm Ba Tư có những màu tím hoa cà, mầu sôi gấc, màu tàn nhang, màu đỏ máu vượn, màu xanh gân tre Đằng Ngà, màu khói hương, màu cổ đồng, màu đen gỗ mun, màu hồng đỗ quyên…” (chương VI - TĐDL).
Ngoài ra, trong phóng sự Nguyễn Tuân, chúng ta thấy ông còn khảo cứu cả những tài liệu cổ thư về thuốc phiện như cuốn Thoát thực
ký văn của ông Trương Quốc Dụng - Vị quan to trong triều vua Tự Đức. Không chỉ có những tài liệu trong nước mà Nguyễn Tuân còn bỏ công khảo cứu hàng loạt các tài liệu của nước ngoài có liên quan đến thuốc phiện như Tập Kỷ yếu của hội Khảo cứu Đông Dương; cuốn
Fumée divine của G. Miraben; phóng sự điều tra của Marise Querlin; cuốn Le Livre de la fumée của L.Laloy; cuốn Hạnh phúc thứ năm của Albert de Pouvourville; cuốn Fumées d,Opium, cuốn Les Civilisés của Claude Farrère; những định nghĩa thú vị về dân nghiện của Jean Cocteau - người nghiện là một tác phẩm chấp cả sự phê bình; Philippe Soupault- một danh sĩ, đồng thời một cây bút già giặn của phái siêu chân - viết về tác động của ma tuý đến tâm thần con người: “Mặt trời tịch dương nhuộm chân trời một màu máu, máu một thứ máu của những vụ án mạng do tôi gây lên bằng tưởng tượng… Tôi lắng thấy những con sâu mọt đục mòn những bức tường bằng chất kim” (chương VII - TĐDL, tr.75).
Thú vị nhất là những trang phóng sự Nguyễn Tuân thuật lại đám con nghiện là dân văn chương đàm đạo và đưa ra những quan niệm về nghề văn, nghề báo. Qua đó, chúng ta có thể thấy được phần nào quan niệm của tác giả về những lĩnh vực này:
Nguyễn Tuân đề cao thứ văn chương bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, từ hoàn cảnh cụ thể trong cuộc đời của nhà văn: “Bao giờ cũng cần phải có hoàn cảnh để mượn làm khung cảnh cho tác phẩm sáng tạo. Có gì là lạ” (chương VI - TĐDL,tr.52).
Ông đánh giá thấp cái thứ văn chương chỉ vì tiền mà chạy theo thị hiếu tầm thường của một số độc giả: “Nội tác phẩm trong nghề cầm bút, bạc nhất có nhẽ là những bài báo. Có hay tám vạn nghìn tư, qua tới ngày hôm sau chứ đừng nói chi đến năm sau là đã trở nên vô vị rồi. Ai nhắc tới làm gì.
- Đủ biết những sản phẩm về tinh thần mà căn cứ hẳn vào thời sự, nếu không thành đoảng vị thì là nhạt thếch, một khi nó không còn
ở địa hạt thời sự nữa. Có ai nhớ tới, nhắc tới một bài báo rất hay của hôm qua, hôm kia, hoặc là năm vừa rồi đâu. Ấy, xưa nay những cái gì nảy mầm bén rễ trên thời thượng của một thời khắc đều có những số mệnh yểu như thế.
- Nó cũng như là cuộc sống của mọi thời thượng về phục sức chẳng hạn. Chẳng hạn, giờ có anh nào còn nhớ tới cái mốt chơi yo yo không?
- Hoá cho nên tôi muốn quay ra nghề viết văn. Thời gian có bao giờ làm già và chết được một cuốn tiểu thuyết hoặc một vở kịch đâu, nếu truyện và kịch có một giá trị văn chương.
- Các anh là những đứa con bất tiếu của nghề. Tôi chưa biết nghề báo nó khinh bạc ở đâu, nhưng tôi hãy được biết các anh là bọn không quý nghề. Những thứ khẩu khí ấy sẽ làm nguội hết lửa thiêng liêng của phụng sự. Các anh cứ nói thế, thì những người như Albert Londres chả thành ra ngốc cả sao? Có được cái tiếng tăm của Londres cũng còn lâu mới mai một được.
- Bất hủ hay là bị quên ngay, moa không cần biết. Moa chỉ thấy bọn phóng sự như Londres là kiếm được nhiều tiền lắm. Cái đó là điều kiện tối thiểu.”
(chương I - TĐDL)
Đúng là đối với nhà văn nếu chỉ đi nhiều thôi chưa đủ mà còn phải đọc nhiều, đọc rộng. Bởi vì tri thức trong sách vở được tiếp thu qua việc đọc cũng là một nguồn thực tế của cá nhân. Chẳng thế mà qua việc đọc những phóng sự điều tra của Marise Querlin, Nguyễn Tuân biết được cả những thủ thuật tinh vi của dân chuyên chở lậu thuốc phiện, nguồn thuốc phiện lậu trên thị trường là từ đâu mà ra, những bệnh viện trá hình việc cai nghiện để cung cấp thuốc phiện cho con nghiện. Tuy đó là những chuyện ở bên Pháp nhưng ai dám chắc ở thuộc địa An Nam không có những thủ đoạn tương tự:
“Việc điều tra của Marise Querlin trong tập phóng sự “Les Drougués” còn nói rất rõ về những cách chở lậu thuốc phiện. Thường người ta hay lợi dụng những số thuốc khai ở đơn hàng y dược mà dùng làm thuốc hút. Dưới sự bảo đảm và nhân danh y giới, người ta đã có luôn luôn thuốc mà hút, mặc dầu chính phủ hết sức bài trừ. Ai cũng rõ rằng a phiến có công dụng rất lớn trong sự chữa chạy nhiều bệnh đặc biệt. Sở y tế và các bác sĩ, dược sĩ có quyền mua. Nhưng độ 1 tấn thuốc dùng vào chữa bệnh thì có đến 40 tấn a phiến và 20 tấn hồng phiến bị đánh tháo đem ra ngoài cho người tư gia hút cho đỡ nghiện, cho thoả sở thích riêng. Đánh tháo làm sao được? Đánh tháo thế nào? Đấy là cái bí quyết của các đảng buôn thuốc phiện quốc tế.[...] Bên Pháp ngày nay, có những bác sĩ dựng những bệnh viện riêng chuyên chữa những dân ghiền trong thời kỳ cai thuốc, lấy những danh từ tốt đẹp như “chuyên trị về các chứng thần kinh hệ” hoặc “các chứng về ẩm thực bồi dưỡng” v.v… Tác giả có nhắc đến ít trường hợp cai thuốc của mấy con bệnh nguyên ở thuộc địa Đông Dương về nằm điều trị ở bệnh viện ngay tại Ba lê. Nhưng những bệnh viện này đã gây ra nhiều chuện lố bịch. Như là nhiều kẻ ghiền, khi không tìm được thuốc phiện ở thị trường lậu nữa, thì xô nhau vào điều dưỡng ở đây. Chẳng gì cũng còn có thuốc- tuy ít mà hút đỡ đỡ trong ít ngày.” (chương VII - TĐDL, tr.72).
Nhờ đó, đọc phóng sự Nguyễn Tuân, chúng ta được tiếp cận một nguồn tư liệu vô cùng phong phú không chỉ về thuốc phiện mà cả vô số những tư liệu văn chương trong nước và thế giới. Nguồn tư liệu phong phú ấy cho thấy, viết hai tập phóng sự này tác giả đã phải dụng công nghiên cứu tỉ mỉ nghiêm túc như thế nào. Chính điều này tạo nên nét riêng của phóng sự Nguyễn Tuân, đó là chất văn uyên bác, tài hoa, không thể lẫn với phóng sự của các tác giả khác.