3. Nghệ thuật tiếp cận hiện thực trong phóng sự Nguyễn Tuân
NHỮNG NÉT RIÊNG CỦA PHÓNG SỰ NGUYỄN TUÂN
Không riêng gì phóng sự mới mang những nét riêng, độc đáo của Nguyễn Tuân. Ông bước vào nghề viết văn như là để chơi ngông với thiên hạ. Nhu cầu chơi ngông buộc ông đẩy mọi cái thông thường tới cực đoan, thậm chí trở thành nghịch thuyết, kỳ thuyết. “Vì thế người ta thấy ở Nguyễn Tuân , cái gì cũng thành ra “chủ nghĩa” này khác: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mĩ, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa cảm giác, chủ nghĩa tài tử (dilettantisme), chủ nghĩa ẩm thực, và bao trùm lên tất cả là chủ nghĩa độc đáo” (Nguyễn Đăng Mạnh - Những bài giảng văn về tác gia văn học Việt Nam hiện đại,
Nxb Đại học Sư phạm, tr.287). Căn nguyên của những tư tưởng nghệ thuật ấy có lẽ là do phản ứng của chủ nghĩa cá nhân kiêu ngạo theo kiểu:
Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất Không ai bè bạn nổi cùng ta.
(Hy Mã Lạp Sơn -Xuân Diệu)
Một phần nữa là do Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân siêu nhân của Nietzche, quan niệm con người cao đẳng của Andre Gide. Nguyễn Tuân rất sợ mất cá tính, sợ giống người khác. Ông ao ước khi chết đi được đem luôn mình đi theo “nguyên cảo” chứ không để lại bản sao nào ở đời. Quan niệm ấy tạo nên phong cách độc đáo của Nguyễn Tuân từ lối sống đến văn chương. Nói phóng sự mang nét riêng độc đáo của Nguyễn Tuân cũng không nằm ngoài quy luật này. Tức là đặc điểm phóng sự thống nhất trong phong cách và tư tưởng nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân.
Nét riêng độc đáo của phóng sự Nguyễn Tuân không chỉ biểu hiện ở cách tiếp cận hiện thực mà còn ở vốn tri thức uyên bác hơn đời, thích viết về những cảm giác dữ dội thú vị, thích khoe chữ nghĩa bằng vốn từ phong phú, vốn văn hoá phong phú của mình, lối viết giàu hình ảnh gây ấn tượng, kết hợp nhuần nhuyễn văn phong báo chí với văn phong nghệ thuật…