Thuốc phiện huỷ hoại cả thể xác và nhân cách

Một phần của tài liệu phóng sự thống nhất trong sự nghiệp sáng tác của nguyễn tuân (Trang 28 - 32)

Không chỉ dừng lại ở việc liệt kê đủ loại nhân vật trong cái thế giới nghiện, để nhấn mạnh việc thuốc phiện đã trở thành đại nạn không thể làm ngơ bởi nó không chỉ huỷ hoại thể xác mà còn nguy hại hơn ở chỗ nó như con “hồ li tinh hút hết sinh khí”, huỷ hoại nhân cách của những ai làm bạn với nó, Nguyễn Tuân đã khắc hoạ sinh động đủ loại chân dung thể xác cũng như tinh thần của con nghiện.

Với thuốc phiện, khi đã nghiện thì kẻ sống cũng như người chết rồi, hình hài của họ khác gì nhau đâu. Muốn biết sức huỷ hoại của thuốc phiện đối với thể xác người ta như thế nào, hãy xem tác giả mô tả cái sắc mặt của người nghiện đã chết với người nghiện đang sống “Không, cũng không khác gì mấy. Nước da xám bệch, cặp môi thâm và tí lòng trắng ở cặp mắt mệt mỏi của chú Trô, cũng chỉ đến xám bệch, thâm và mệt mỏi bằng cái nước da, bằng cặp môi và mắt của một số đông những bạn tôi đang sống nhan nhản ở giữa Hà Nội của tiệm hút” (chương I - NĐDL). Rùng rợn nhất là cảnh đám con nghiện vây quanh bên bàn đèn trông giống những “cái xác chết đợi nhập quan”, như “một bức hoạ bằng thứ thơ đầy tử khí” (chương V - NĐDL). Nguyễn Tuân đã miêu tả chân thực đến sởn tóc gáy những cơn thuốc phiện vật con nghiện: người mỏi, buồn chân buồn tay muốn đập phá, nặng hơn thì thấy nó như có ròi đục trong tuỷ xương, bụng thấy no tuy miệng đói, lúc nào cũng chỉ muốn nằm thôi, “… hai vai mỏi luôn. Khớp xương như rão hết cả ra. Mí mắt rất nặng. Mồm bã ra. Thấy nước sợ như người bị chó dại cắn […]. Cáu một cách vô lý với mọi người.” ( chương XI - NĐDL). Nói chung, nói đến dân nghiện thuốc phiện, qua phóng sự Nguyễn Tuân, người ta hình dung ra hình hài tiều

tụy, dở người dở ngợm, nhếch nhác bẩn thỉu: mắt trắng dã, môi thâm sì, đầu bù răng bựa, quần áo xô xệch. Nhấn mạnh tác hại của thuốc phiện, ông còn dẫn lời của ông Trương Quốc Dụng - vị quan to triều vua Tự Đức - trong cuốn Thoát thực kí văn: “Nha phiến do ở Tầu, Tây đưa lại, hình trạng giống như cứt gà, có thể làm nát ruột gan, có thể làm mất thần trí người ta. Người nào nghiện nó cũng phải khuynh gia bại sản, hại tính hại đời. Cái độc của loài cây cỏ, không có thứ gì khốc liệt bằng nó.” (chương V - TĐDL).

Thật vậy, với thuốc phiện, một khi đã nghiện, thì con nghiện không còn tâm trí đâu để nghĩ đến thời gian, đến Tạo Vật, Tự Nhiên, với họ, thế giới thu hẹp lại quanh cái bàn đèn thuốc phiện. Nói cách khác, thuốc phiện đã nô dịch hoàn toàn tâm trí của con nghiện: “nói đến giết thời giờ còn ai bền và kéo dài bằng dân ken cờ”. Tác giả gọi đó là đức tính “kềnh càng” và là “đức tính số một của dân nghiện” (chương I - NĐDL). Thuốc phiện không chỉ làm con nghiện vô cảm với thời gian mà còn hơn thế, con nghiện sẵn sàng chà đạp lên tất cả những đạo lý tình cảm thiêng liêng của con người. Hãy nghe một con nghiện sau gần mười năm làm bạn với ả phiền đã tự sám hối: “Tôi làm bạn với nàng, đến bây giờ đã mười năm thiếu mấy tháng. Bao nhiêu là kỉ niệm. Ngày vui, tôi gọi đến nàng. Đêm buồn, tôi cũng gọi đến nàng. Xa nàng, tôi thấy nhớ. Rồi đau, rồi ốm. Thiếu nàng, đôi phen tôi đã thấy cuộc đời là vắng vẻ. Vì nàng, tôi đã hy sinh bao nhiêu là thứ tình thiêng liêng. Tình vợ, tình bạn, tình của một công dân trai tráng đối với đất nước giữa những giờ trọng đại. Thế mà nàng vẫn chưa vừa lòng. Nàng còn muốn tôi tự diệt tôi đi nữa.” (chương II - NĐDL). Nói cách khác, thuốc phiện không chỉ huỷ hoại thể xác làm cho con nghiện tiều tuỵ, xơ xác về hình hài mà nó còn hút hết tâm trí, huỷ hoại nhân cách của họ, biến họ thành người vô tình với người thân, vô trách nhiệm với đất nước, tự huỷ diệt một cách vô nghĩa chính sự sống của mình. Khả năng quan sát sắc sảo giúp Nguyễn Tuân phát hiện ra đủ thói hư tật xấu của dân nghiện. Vô công rồi nghề, phần lớn thời gian

họ thường hay tụ tập bên khay đèn để hút thuốc phiện và nói xấu người vắng mặt (chương IV - NĐDL). Ích kỷ vô trách nhiệm với những người thân như Lưu Thần (chương II - TĐDL). Lưu Thần bị “thuốc phiện bỏ tù” tới mức, bỏ mặc vợ con, không thể rời xa được cái thế giới tiệm hút ở Hà Nội để về giỗ kỵ. Có thể nói anh ta đã bị thuốc phiện bào mòn nhân cách trở thành một người con bất hiếu, người cha, người chồng vô trách nhiệm, người bạn bất tín với bạn bè, vô trách nhiệm với công việc. Thuốc phiện không chỉ làm cho người nghiện bẩn thỉu nhem nhuốc ở ngoại hình mà còn làm cho nhân cách khả ố, nhếch nhác bẩn thỉu, vô sỉ, ví như nhân vật Ba Quynh (chương IV - NĐDL). Có thể nói, Ba Quynh là bức chân dung điển hình cho loại con nghiện vô học, nhếch nhác từ ngoại hình đến nhân cách: “Này, tôi mời các ông các bà thử ngắm hộ tôi xem. Ông Quynh nhà tôi mặc một cái áo vải trắng dài cũ, thời gian đã bắt ngả màu khói gác bếp, chân đi một đôi giày tầu đế cao su. Khăn sếp đội trên đầu mép đã lòi ruột con bấc trắng; chữ nhân sộc sệch và tụt mất một nửa, thành ra khăn đã hoá chữ nhất; và mấy vành khăn bóng nhoáng như quệt mỡ, tìm mãi không thấy được lấy một hạt cát của thứ hàng lượt. Cái khăn ấy, ông Quynh nhà tôi chỉ cầm ở tay lấy điệu, chứ tôi chưa bao giờ thấy ông đội nó lên đầu. Đầu luý ấy à? Tóc lông cò, mái tóc gọng kính và tóc gáy cụp chân soắn vào như tóc các nhà thầy xấu chân máu. Nước da thì bợt ra như sắc mặt một thằng chết đường bị sương móc làm nhợt bệch ra từ hôm trước, mắt trắng dã, môi thâm sì. Cái thứ môi thâm dày cặp nướng chả được, mỗi lúc cười huếch ra, lại để lộ ra ít cái răng đen hạt huyền múi na; cái bựa răng ấy mà làm chất gắn chân muỗi Sài Gòn tàn diêm, thì có đốt chết cả một toán lính cũng còn thừa vô khối. Kinh nhất là cái hơi người ông ta. Khét lèn lẹt. Lại còn mùi thuốc sái nữa. Phải, cứ lướt qua người ông Ba Quynh là đủ biết ông ấy nghiện ngập. Khói ngọn đèn dầu lạc tẩm mãi cái áo của ông đến nỗi gọi áo là dẻ lau thì tủi cho ông ta quá nhưng tưởng cũng không có danh từ nào đúng hơn được. Lại còn những cái móng tay thì là sự kiệt tác của bẩn thỉu. Trông mười

đầu móng để tang, cố cậy ra mà viên lại thành một cục lớn thì có nhẽ được đến mấy đồng cân cáu ghét ba thứ rượu, sái, dầu hoà lại”. Không cần bình phẩm gì thêm, cái ngoại hình ấy đã tự nói lên phần nào cái nhân cách nhếch nhác, khả ố, vô sỉ của con nghiện này. Y sộc vào nhà người lạ chèo kéo cứ ngậu cả lên. Giữa đường, giữa phố, y cười nói “như một người ngậm ngải vào rừng tìm kỳ, lúc quá ngày quên đường về, hoá điên xé quần áo và cười nhẩy như người rừng giữa sơn cước”, không cần để ý đến thái độ của người tiếp chuyện mình như thế nào.

Người phàm tục đã vậy, đám nhà sư vốn là những người được coi là kẻ sinh ra để cứu nhân độ thế, truyền dạy đạo lý ở đời cho chúng sinh. Vậy mà vì thuốc phiện nên không chỉ sao nhãng Phật pháp mà còn sa đoạ nhân cách. Sư Tâm Hoan để có tiền hút thuốc phiện đã trở thành một lái buôn thuốc phiện, không chỉ tích trữ buôn bán thuốc phiện kiếm lời mà còn ăn bớt tiền trùng tu chùa để hút thuốc phiện. Tác giả đã không ngần ngại khi viết về chùa Giải Oan, nơi hoà thượng Tâm Hoan trụ trì như thế này: “Thấy nhà chùa nói đến chuyện trùng tu chùa hàng năm, tôi mới để ý đến mấy mẩu gỗ vứt ngổn ngang ở trước cửa chiền. Tất cả bấy nhiêu gỗ, có lẽ cũng nấu vừa nồi bánh chưng to đủ cho mộ gia đình năm miệng ăn tết đến hôm hoá vàng thôi. Ngờ đến lòng sư cụ chùa đây đã phải tàn nhẫn bóc lột Phật Tổ, sẻ rất nhiều của của nhà chùa cho được đủ hút, tôi nhớ thêm rằng ban nãy lên chỗ bệ thờ Phật, tôi thấy bát nhang nào cũng không được đầy chân nhang. Lơ thơ quá cái bát nhang ở chùa Bà Đanh nơi bờ sông Châu Giang. Chẳng nhẽ ở đây sư và tiểu xỉa răng dữ dội đến thế? Thế này thì ra hương và nến đã biến cả sang khói thuốc và dầu lạc rồi. Nơi tam bảo chùa Giải Oan, hương có lạnh, khói có tàn, thì nơi cỗ tĩnh của Tâm Hoan hoà thượng, hoạ chăng mới ấm được ngọn đèn.” (chương VIII - TĐDL). Thuốc phiện đã làm cho sư Tân Hoan mất hết cả tự trọng khi sà vào bàn đèn cùng nằm “thụ a phiến” với khách thập phương. Thậm tệ hơn, vị hoà thượng này còn xé cả sách Kinh Phật để lau chùi bàn đèn thuốc phiện phục vụ cho cái thú vui hút thuốc phiện của mình. Không chỉ có

hút thuốc phiện, vị hoà thượng này còn phàm tục hơn cả những kẻ phàm tục, đi tu nhưng vẫn ăn mặn, nói láo, đánh bạc ăn tiền, chửi tục… Có thể nói nhân vật Tâm Hoan hoà thượng là điển hình cho loại con nghiện nhà Phật phá giới. Phải đặt vào hoàn cảnh lúc bấy giờ khi người ta đang hô hào chấn hưng Phật giáo thì mới thấy được giá trị phê phán sâu sắc và thâm thuý của những trang phóng sự này.

Chúng ta đánh giá cao các phóng sự của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Trọng Lang, Nguyễn Đình Lạp…vì nội dung xã hội tích cực của các phóng sự ấy thì tại sao lại không xem xét đúng mức hơn đến phóng sự của Nguyễn Tuân? Thiết nghĩ, Nguyễn Tuân phơi bầy tình trạng sa đoạ, truỵ lạc cùng với sức huỷ hoại ghê gớm về thể xác và tinh thần con người của thuốc phiện để thức tỉnh cộng đồng xã hội quan tâm giải quyết, để những con nghiện tỉnh ngộ nếu không muốn trở thành “phế nhân” lại kém giá trị xã hội và không đáng trân trọng hay sao? Ngay trong xã hội hiện tại của chúng ta ngày nay, vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự của nó đấy thôi!

Một phần của tài liệu phóng sự thống nhất trong sự nghiệp sáng tác của nguyễn tuân (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w