3. MÔ HÌNH KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH
3.4.2 Khủng hoảng ngân hàng
Theo quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): “Khủng hoảng ngân hàng (NH) là trạng thái các NH lâm vào tình trạng rút tiền ổ ạt và bị phá sản. Các NH buộc phải dừng việc thanh toán các cam kết của mình, hoặc để tránh tình trạng này, Nhà nước buộc phải can thiệp bằng biện pháp hỗ trợ đặc biệt. Khủng hoảng NH có thể bùng phát tại một NH và lây truyền ra toàn bộ hệ thống”
Lý thuyết về khủng hoảng NH cho rằng tính bất ổn (dễ đổ vỡ) của hệ thống NH bắt nguồn từ những thông tin bất tương xứng, điều này dẫn tới ba vấn đề cơ bản sau:
+ Sự lựa chọn đối nghịch: Lựa chọn đối nghịch là vấn đề thông tin bất tương xứng xuất hiện trước khi giao dịch thực hiện, khi các nhà đầu tư đã tham gia vào những dự án chứa đựng nhiều rủi ro đang tìm kiếm một cách chủ động những khoản cho vay. Vì vậy, những người đi vay đưa ra những kết quả không như mong đợi lại hầu như được lựa chọn.
+ Rủi ro về đạo đức: Rủi ro về đạo đức xuất hiện sau khi giao dịch được thực hiện. Đứng trên quan điểm của người cho vay, họ sẽ quan tâm tới việc khoản vay có được sử dụng đúng mục đích hay không. Rủi ro về đạo đức có thể xảy ra khi người đi vay sử dụng tiền để đầu tư vào những dự án rủi ro cao. Nếu dự án thành công, họ sẽ nhận được những lợi ích lớn. Ngược lại khi sự dự án thất
bại, người cho vay phải là người gánh chịu hầu hết hậu quả. Mặt khác, rủi ro đạo đức còn là việc người đi vay sử dụng tiền vay cho mục đích chi dùng cá nhân hay thực hiện những dự án không có khả năng sinh lời mà chỉ nhằm vào việc tăng vị thế hay quyền lực.
+ Tâm lý bầy đàn: Những người cho vay thường cố gắng theo sự dẫn dắt của ngưới mà họ tin tưởng là sẽ có những thông tin tốt hơn. Hành vi bầy đàn có thể xuất hiện khi các nhà đầu tư thiếu thông tin về khả năng của những người quản lý quỹ của mình. Những người quản lý quỹ khả năng kém sẽ nhận thấy là hợp lý khi thực hiện theo những quyết định của những nhà đầu tư khác để không bị phát hiện. Và tính bầy đàn là hợp lý khi kết quả đối với một chủ thể theo sau một hành động gia tăng bởi vì nhiều chủ thể khác cũng thực hiện cùng hành động.
Trong thế giới tài chính đặc trưng bởi thông tin bất tương xứng, những nhà cung cấp quỹ gặp khó khăn trong việc quản lý các trung gian tài chính. Các tổ chức này cũng gặp những khó khăn tương tự đối với những người sử dụng quỹ. Vì vậy, trong khi những tài sản của NH đặc trưng bởi tính khó chuyển đổi và không dễ định giá trên thị trường, những NH với những khoản nợ của mình chủ yếu được cấu thành bởi nhu cầu tiền gửi rất dễ bị tổn thương đốivới việc đánh giá lại kỳ vọng. Điều này góp phần vào tính dễ đổ vỡ vốn có của NH. Dễ dàng nhận thấy, với sự hiện diện của những thông tin không tương xứng hay không đầy đủ, nhà đầu tư sẽ thực hiện những hành động qua đó có thể khuyếch đại những biến động về giá và gây ra những cuộc khủng khoảng bất ngờ.Những nhân tố, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng NH không chỉ là những vấn đề về bất tương xứng mà còn được gắn kết vào sự biến động có tính chu kỳ, những cú sốc bất lợi bên ngoài và tự do hóa tài chính. Tuy nhiên, nhờ vào lý luận về việc phân tích thông tin bất tương xứng ở trên, việc gia tăng trong lãi suất và gia tăng tính không chắc chắn là những nguyên nhân chủ yếu làm tăng sự đổ vỡ của NH và có thể dẫn tới sự phá sản.
Miskin đã thêm vào hai nguyên nhân tiềm ẩn làm cho khủng hoảng NH dễ xảy ra ở các nước đang phát triển hơn. Đó là:
+ Thứ nhất, các nước đang phát triển thường là những nơi sản xuất hàng hóa thô, dễ bị tác động bởi những cú sốc bên thương mại. Điều này có thể phá hỏng bảng cân đối kế toán của NH, được cấu thành chủ yếu bởi khoản cho vay đến các doanh nghiệp trong nước. Sự thiếu tính đa dạng hoá bên ngoài có thể đưa tới những vấn đề trầm trọng ở những quốc gia đang phát triển hơn là những quốc gia phát triển có sự đa dạng hoá tốt ở nhiều nước.
+ Thứ hai, các NH ở những nước đang phát triển huy động các quỹ với những khoản nợ bằng ngoại tệ. Vì vậy, một sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ có thể gia tăng tình trạng nợ nần, trong khi giá trị tài sản của NH không tăng. Kết quả là dẫn đến sự xấu đi của vốn chủ sở hữu sẽ làm gia tăng khả năng phá sản của NH.