Thế nào là tình huống có vấn đề?
Bài toán Ơrixtic có chứa đựng mâu thuẫn nhận thức. Mâu thuẫn này phải có tác dụng sao cho chủ thể tiếp nhận nó không phải như một mâu thuẫn bên ngoài, mà như một nhu cầu bên trong. Lúc đó chủ thể ở trạng thái tâm lý độc đáo gọi là tình huống có vấn đề.
Tình huống có vấn đề, theo M.I. Macmutov, đó là trở ngại về trí tuệ của con người, xuất hiện khi anh ta chưa biết cách giải thích hiện tượng, sự kiện, quá trình của thực tế, khi chưa thể đạt tới mục đích bằng cách thức hành động quen thuộc. Tình huống này kích thích con người tìm tòi cách giải thích hay hành động mới. Tình huống có vấn đề là qui luật của hoạt động nhận thức sáng tạo, có hiệu quả. Nó qui định sự khởi đầu của tư duy, hành động tư duy tích cực sẽ diễn ra trong quá trình nêu và giải quyết các vấn đề.
Theo thuyết thông tin, tình huống có vấn đề là trạng thái của chủ thể có một độ bất định nào đó trước việc chọn lựa một giải pháp cho tình huống trong nhiều khả năng có thể có, mà chưa biết cái nào trong số đó sẽ xuất hiện.
Cơ chế phát sinh của tình huống có vấn đề trong dạy học nêu vấn đề.
Thời điểm quan trọng nhất của dạy học Ơrixtic là: bài toán Ơrixtic gây ra ở học sinh tình huống có vấn đề như thế nào. Nói cách khác, cơ chế xuất hiện, hình thành trạng thái này diễn ra như thế nào.
Hoạt động bao giờ cũng là hoạt động có đối tượng, tức là tác động vào đối tượng nhằm chiếm lĩnh nó, điều khiển nó.
Bản thân sự tồn tại của bài toán Ơrixtic chưa làm cho nó trở thành đối tượng của hoạt động nhận thức của học sinh trong bài lên lớp. Nó chỉ trở thành đối tượng của hoạt động này chừng nào nó làm xuất hiện trong ý thức của học sinh một mâu thuẫn nhận thức tự giác, một nhu cầu bên trong muốn giải quyết mâu thuẫn đó (tức là bài toán). Và cũng từ đó, khi học sinh chấp nhận mâu thuẫn của bài toán (cái khách quan) thành mâu thuẫn và nhu cầu bên trong của bản thân mình (cái chủ quan) thì anh ta biến thành chủ thể của hoạt động nhận thức.
Cái mâu thuẫn khách quan của bài toán Ơrixtic đã được chuyển và cấy vào trong ý thức của họ sinh thành cái chủ quan.
Từ lúc đó xuất hiện hệ hoạt động nhận thức, gồm hai thành tố: chủ thể - học sinh và đối tượng – bài toán Ơrixtic. Hai thành tố này tương tác với nhau, thâm nhập vào nhau, tồn tại vì nhau và sinh thành ra nhau trong một hệ thống trọn vẹn: sự nhận thức học tập.
Đây là mômen rất quyết định đối với dạy học nêu vấn đề - Ơrixtic. Sự chuyển và cấy cái mâu thuẫn khách quan bên ngoài thành cái mâu thuẫn – nhu cầu chủ quan bên trong của học sinh chỉ xảy ra khi nào nhà sư phạm biết kiến tạo một cách đúng đắn bài toán nhận thức. Và chỉ từ lúc đó học sinh mới
bắt đầu học! Đúng như X.L. Rubinstêin đã viết: “Người ta bắt đầu tư duy khi có nhu cầu hiểu biết một cái gì. Tư duy thường xuất phát từ một vấn đề hay từ một câu hỏi, từ một sự ngạc nhiên hay một điều trăn trở”. Tư duy bắt đầu từ một tình huống có vấn đề.
Tình huống có vấn đề được đặc trưng bởi ba nét cơ bản sau đây:
a) Thế năng tâm lý của nhu cầu nhận thức, là động lực khởi động hoạt động nhận thức của chủ thể.
b) Tính tích cực tìm tòi sáng tạo đầy hưng phấn của chủ thể trên con đường vượt chướng ngại để đi tới đáp số.
c) Niềm hạnh phúc nhận thức, sự thanh lọc mà chủ thể hưởng thụ khi đạt tới đích (“Eurêka!”).
Chính những đặc điểm bản chất trên đây của tình huống có vấn đề cho phép chúng ta đánh giá cao tác dụng trí – đức dục của dạy học nêu vấn đề - Ơrixtic. Đồng thời ta cũng thấy rằng hiệu quả này chỉ có thể đạt được, nếu nhà sư phạm biết kiến tạo thành công bài toán nêu vấn đề – Ơrixtic.
Như vậy tình huống có vấn đề là tập hợp những điều kiện và hoàn cảnh cùng nhau tạo nên một tình thế, một vấn đề cần phải được xem xét, cân nhắc và đề ra giải pháp hợp lý. Trong hoạt động dạy học, tình huống có vấn đề được coi là một thủ pháp của giáo viên nêu ra một loạt các điều kiện và hoàn cảnh đang có những điều gay cấn cần giải quyết, rồi lôi cuốn sự chú ý của học sinh, đặt các em vào tình thế đó và động viên họ tự tìm ra cách giải quyết vấn đề và rút ra được kết luận bổ ích. Đây là cách phát huy tính tích cực lĩnh hội kiến thức của học sinh, do đó kiến thức sẽ thấm sâu hơn và được ghi nhớ bền hơn.