Giọng điệu dằn vặt, hoài nghi, bất lực

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện ngắn phan thị vàng anh (Trang 82 - 92)

6- Đóng góp của luận văn

3.3.2. Giọng điệu dằn vặt, hoài nghi, bất lực

Cảm hứng phê phán xã hội chi phối và làm nên giọng điệu châm biếm, hài hước, mỉa mai suồng sã: Châm biếm những kẻ sống giả dối, ích kỉ, cơ hội, những kẻ cửa quyền hách dịch; Những kẻ trí thức có lối sống tiêu cực đáng lên

án ( Người có học, Một cuộc du ngoạn ngắn ngủi, Nhật ký...); châm biếm cuộc

sống đơn điệu, tẻ nhạt, mỉa mai những cuộc tình lãng mạn nhưng mù quáng của lớp trẻ (Khi người ta trẻ, Nhật ký, Sau những hẹn hò, Si tình, Yêu…). Bên cạnh đó, những bức xúc, day dứt, trăn trở của nhà văn trước những vấn đề đáng quan tâm hiện nay cũng được thể hiện rõ qua giọng điệu dằn vặt, hoài nghi, chất vấn, bất lực.

Giọng điệu dằn vặt, hoài nghi, bất lực được nhà văn sử dụng khi thể hiện nhân vật trong những tình huống gắn với tâm lý, tâm trạng và trong những tình huống tự nhận thức để từ đó hoàn thiện nhân cách và tâm hồn. Đây cũng là giọng điệu nổi bật trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh. Trở lại với nhân vật Xuyên trong truyện ngắn “Khi người ta trẻ”, người đọc bắt gặp những câu nói nhát gừng, vớ vẩn, không hào hứng. “Về làm gì?”. “Hết tiền!”. “Có gặp Ngân không? Vui không?”. “Không, chán rồi! Nó cà chớn lắm!”… “Mệt lắm! Chẳng muốn tí nào!”. Giọng điệu lấp lửng, trống không này chứng tỏ tâm lý nhân vật đang ngổn ngang, trống trải và bế tắc. Trong truyện ngắn “Sau những

hẹn hò”, có khi nhà văn để nhân vật Chân tự bộc lộ cảm xúc của mình thông

qua những giọng điệu lo âu, dằn vặt và buông xuôi. “Tao không biết sẽ đi tới đâu, ông bồ tao không biết có bỏ vợ được không?”. “Chuyện đó theo tao có gì khó khăn nếu người ta muốn!”… “Mày tưởng, còn đứa con, ổng nói tội nghiệp thằng con, ổng còn muốn sống chẳng qua cũng vì nó!”… Có khi là những lời lẽ khái quát tỏ ra am hiểu cuộc đời của nhân vật. “Tao muốn chết quách đi cho rồi! Vì sao những người hoàn hảo đều vội đi lấy vợ?”. “Mày ngu lắm, đáng lẽ mày phải nói: sao đàn ông phải đợi đến lúc có vợ rồi mới trở nên hoàn hảo?”…Theo mày, hoàn hảo là sao?”. “Khó nói lắm. Tao thấy họ không chấp nhất và nhút nhát như bọn con trai, họ không kiêu căng và ghen tuông vớ vẩn!”. “Bởi vì họ đã mất hết quyền để làm những việc ấy với bất cứ ai, ngoài các bà vợ!”. Qua đây, người đọc còn cảm nhận được tâm lý ngổn ngang khổ sở của nhân vật bởi cô luôn bị ám ảnh là hình như mọi chuyện đã hỏng hết rồi, không sao cứu vãn nổi. “Đừng ngại, kể ra đi cho đỡ khổ, vì sao chúng mày chia tay?”. “Tao không biết!”. “Mày u uất quá, giá mày khóc, mày sẽ nhẹ hơn!”. “Tao không khóc vu vơ được, phải có lý do, mà tao nói rồi, tao không biết lý do!”…(Yêu-94). Một lần nữa nhân vật của Phan Thị Vàng Anh lên tiếng mong mỏi được quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với khát vọng về tình yêu, hạnh phúc.

Giọng điệu hoài nghi, chất vấn còn được nhà văn sử dụng khi miêu tả về cách nhìn cùng với thái độ phản ứng của tuổi trẻ trước các vấn đề xã hội. Trong truyện ngắn “Khách đêm”, nhân vật Tam cứ nhắc mãi chuyện người khách đêm dừng chân ở nhà mình, ông đã hứa lợp bếp cho nhà cô. “Mẹ tôi xúc động: “Ban đêm mưa gió mà đến được, thật là chịu khó quá!”. Tam hỏi: “Có sửa nhà cho mình không mẹ?”. “Nhưng hứa rồi mà! Nếu không thì hứa làm gì, phải không mẹ?”. “Vào đi Tam. Từ hứa đến làm còn bao nhiêu thứ rắc rối. Thế là tốt lắm rồi”. “Có người còn không dám hứa bất cứ cái gì nữa kia! Như thế này, ít ra còn an ủi được mẹ con mình tí chút!”. Ở đây, hẳn người lớn đã làm mất lòng tin nơi lớp trẻ khiến họ cảm thấy khó chịu và thất vọng. Truyện ngắn

“Hoài cổ” kể về một buổi lễ cúng đình hàng năm được tổ chức có quy mô, hầu

như tất cả các bậc lão niên đều tập trung về đây để bày tỏ tấm lòng “hoài cổ” đối với phong tục của cha ông. Thế nhưng, câu chuyện được kể dưới góc nhìn của một người trẻ tuổi trực tiếp tham gia, bởi thế giọng điệu ở đây là giọng điệu của những người trẻ. “Kinh quá! Toàn người già!”. “Rồi chúng ta cũng vậy thôi!”… “Bác Mãi có chức gì không?”. “Hàng cắc ké kỳ nhông!”… “Chắc sẽ rất lâu- Lữ lẩm bẩm- cứ nói rề rà như thế này thì phải đến chiều mới hết!”… “Bác và chị Tương ở lại coi hát bội à? Mình có ở lại không?”. Tôi gật đầu, Lữ ngồi quay lại, chán chường: “Lại ư ử, ư ử, chẳng nghe được gì cả!”… “Chịu thôi! Đến các cụ còn bất nhất thế!”…

Ở truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, người ta còn thấy có nhiều giọng điệu khác. Một ngòi bút tỉnh táo, sắc lạnh, không phải không tìm thấy đâu đó giọng điệu trữ tình sâu lắng tạo nên những nốt nhạc buồn. Đồng thời, không thiếu những đoạn văn, câu văn mang tính triết lý. Giọng văn ấy kéo người đọc vào một cuộc tranh luận ngầm hoặc gửi tới người đọc những thông điệp, những châm ngôn ngắn gọn đúc kết lẽ sống, triết lý về cuộc đời. Giọng điệu trữ tình sâu lắng qua những suy nghĩ trăn trở của nhân vật (Nghỉ hè, Cha tôi, Thăm

cha). Giọng điệu mang tính triết lí sâu sắc về cuộc sống và con người ( Sau

những hẹn hò, Mưa rơi…). Tất cả được nhà văn thể hiện qua từng câu chữ,

cách ngắt nhịp, xuống dòng...làm nên một giọng điệu đa thanh phong phú, sinh động. Ẩn sau đó người đọc không khỏi bị ám ảnh bởi những tính cách, lối sống, bản chất của con người trong tác phẩm, từ đó khái quát thành những bài học nhân sinh sâu sắc.

Đọc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, người ta nhận ra những đặc điểm rõ rệt của phong cách. Ngôn ngữ nghệ thuật và giọng điệu là một phần tạo nên những dấu hiệu riêng. Ngôn ngữ người kể chuyện trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh luôn “gián cách”, khách quan và lạnh lùng. Và thế giới nhân vật trong đó cũng tự thể hiện mình thông qua ngôn ngữ độc thoại, ngôn ngữ đối thoại mà bên dưới luôn là những gợn sóng diễn biến của tâm lý. Những dằn vặt, cô đơn, những nghịch cảnh đời sống và tâm trạng tạo nên những giọng điệu riêng trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh- có khi là sự châm biếm giễu nhại, có khi là giọng hoài nghi bất lực…Chính sự phong phú của tính cách, tâm lý nhân vật đã chi phối và tạo nên nét riêng trong ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh.

PHẦN KẾT LUẬN

Văn học Việt nam từ sau 1975 đã và đang chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục và đầy hứng khởi của thể loại truyện ngắn. Từ một nền văn học mang nặng tính tuyên truyền, gắn với tiêu chí giai cấp, coi nhẹ cá tính sáng tạo trở thành một nền văn học nghệ thuật thực sự. Càng những tác phẩm văn học về sau càng đổi mới rõ nét và gặt hái được nhiều thành tựu. Người đọc đã quen với lối viết mới, kể cả những thử nghiệm, không khí văn học sôi động bởi những cái mới lạ được chính những người viết tạo ra. Trong sự phát triển của văn xuôi đương đại, đặc biệt là sự xuất hiện và thành công của những cây bút nữ, Phan Thị Vàng Anh đã tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả nhờ sự độc đáo đầy cá tính sáng tạo mang tính chất khám phá những điều mới mẻ của cuộc sống hiện đại, tạo nên dấu hiệu thẩm mỹ riêng làm nên phong cách nhà văn.

Qua tìm hiểu hai tập truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, chúng tôi rút ra kết luận như sau:

1- Phan Thị Vàng Anh là một nhà văn có niềm đam mê nghệ thuật và ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Chị rất trung thực khi đưa những trang đời vào trang viết của mình. Với thể loại truyện ngắn, Phan Thị Vàng Anh đã thành công ở hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Một nhà văn luôn tìm tòi sáng tạo dựa trên những kế thừa của nền văn xuôi truyền thồng đồng thời không ngừng khám phá những phương diện của đời sống hiện đại. Qua đó, Phan Thị Vàng Anh gửi gắm quan niệm thiết thực về cuộc sống và con người.

2- Về tư tưởng nghệ thuật, ở Phan Thị Vàng Anh, đáng chú ý nhất là cảm quan về cuộc sống và con người hiện đại với tất cả sự đa dạng và phức tạp của nó. Cuộc sống trong truyện ngắn của chị là cuộc sống hiện đại với dòng chảy hối hả và sự vận động không ngừng để tạo ra những cái mới. Trong đó, con người là một trong những nhân tố không thể thiếu được.

Cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Phan Thị Vàng Anh là cảm hứng về cuộc sống của lớp người trẻ tuổi, họ đang là học sinh- sinh viên, là cán bộ công chức có những nhìn nhận, suy nghĩ, đánh giá về cuộc sống và con người ở góc độ riêng, góc độ của những con người trẻ trung, năng động, đầy cá tính. Những hoài nghi, tự vấn, dằn vặt làm nên những trang phân tích tâm lý sắc sảo của nhà văn. Đồng thời, thông qua những cô đơn, chán nản và cả những dấn thân quyết liệt, Phan Thị Vàng Anh đã vẽ nên khá đầy đủ và sinh động chân dung tuổi trẻ thời đại.

Khảo sát các tác phẩm truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh cho thấy, sáng tác của chị thể hiện khả năng quan sát tinh tế và khái quát hoá hiện thực cuộc sống bằng cảm nhận giàu triết lí.

3- Về nội dung, quan niệm về cuộc sống hiện đại với những đổi thay không ngừng đã chi phối toàn bộ sáng tác của Phan Thị Vàng Anh. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của chị phần đông là thế hệ trẻ, ở môi trường đó người đọc bắt gặp một lớp trẻ có diện mạo khác, mà nét căn bản là họ có đời sống tinh thần sâu sắc, tinh tế, có tâm hồn phong phú. Bởi vậy, thế giới nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh hết sức đa dạng, với những kiểu nhân vật mới mẻ, vừa thể hiện khả năng quan sát của nhà văn, vừa khắc họa được sâu sắc những vấn đề của xã hội đương đại. Đó cũng là nơi nhà văn thể hiện sự cảm nhận của mình về xã hội, vừa gửi gắm khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Để khắc họa nhân vật mang ý nghĩa xã hội rõ nét, Phan Thị Vàng Anh đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau cùng với cách dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn, gây ấn tượng sâu đậm. Tình huống truyện ngắn của chị không có gì thật đặc biệt, chỉ là những chuyện hết sức bình thường. Song, chính những tình huống đó con người bộc lộ tính cách, phẩm chất thậm chí cả bản chất thực sự của mình. Nhà văn đã đi sâu khám phá con người hiện đại bằng sự trải nghiệm sâu sắc, qua đó phát hiện ra những kiểu dạng nhân vật khác nhau: nhân vật có

nhiều trải nghiệm; nhân vật cô đơn, hoài nghi; nhân vật cá tính “góc cạnh”….Đọc truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, người ta bắt gặp đâu đó những con người trong đời thường. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, không phải tất cả người đọc đều có thể nhận ra hoặc chấp nhận và đồng cảm với những gì mà nhà văn đã tạo dựng, thế nhưng, dù sao cũng có thể khẳng định việc nghiên cứu thế giới nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh góp phần khẳng định sự đổi mới trong nghệ thuật truyện ngắn đương đại. Phan Thị Vàng Anh đã rất thành công khi xây dựng lên một thế giới nhân vật đa dạng, đó là sự phản ánh cái nhìn đa phương diện của nhà văn trước xã hội.

4- Về nghệ thuật, nghiên cứu tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh cho thấy, ở chị luôn có một văn phong trẻ trung, độc đáo, nhạy bén, sắc sảo mang dấu ấn cá nhân đậm nét, thể hiện ở nghệ thuật xây dựng cốt truyện, nhân vật, bình diện ngôn từ, giọng điệu...Tất cả tạo nên sự thống nhất và logic chặt chẽ trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Có vẻ như Phan Thị Vàng Anh không thiết tha gì tới phong cách nhưng đích thực đó là phong cách. Trong xu thế đổi mới văn chương thời đại, Phan Thị Vàng Anh và nhiều nhà văn khác đã thoát khỏi con đường mòn quen thuộc đem đến cho độc giả một luồng sinh khí mới, điều đó thực sự cần thiết cho tất cả những ai đang quan tâm đến sự phát triển của nền văn học của nước nhà.

Đi sâu tìm hiểu nghệ thuật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh chúng ta thấy, nhà văn không ngừng tìm tòi sáng tạo trong sự cách tân nghệ thuật. Trước hết là nghệ thuật xây dựng nhân vật với những kiểu dạng khác nhau: nhân vật có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống hiện đại; nhân vật cô đơn, hoài nghi… từ đó tạo ra một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh cũng thể hiện rõ dấu ấn phong cách. Các nhân vật luôn sống hết mình, phơi bày tận cùng trong những tình huống để rồi họ chuyện trò, cãi cọ, mỉa mai…tạo nên những đối thoại sinh động, bộc lộ

mọi suy nghĩ và tính cách. Việc sử dụng ngôn ngữ hết sức tự nhiên có phần thô mộc, suồng sã thường ngày cùng với những từ ngữ chỉ trạng thái cảm xúc, những câu hỏi tu từ diễn tả tâm trạng băn khoăn, day dứt trong tình cảm của nhân vật. Đọc truyện của Phan Thị Vàng Anh, chưa thể nói về tính đa thanh trong giọng điệu, nhưng người ta có thể nhận ra nhiều loại giọng, trong đó tiêu biểu là giọng châm biếm mỉa mai, giọng dằn vặt hoài nghi, ngoài ra, người đọc còn cảm nhận được giọng điệu suy ngẫm triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc qua những câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu…Từ đó nhà văn bộc lộ sự đồng cảm chia sẻ với nhân vật của mình. Chính cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Phan Thị Vàng Anh tạo nên những “cốt truyện” và cả một thế giới nhân vật cùng với giọng điệu “riêng có” của nữ nhà văn này. Tập trung nhìn vào thế hệ mình, rộng hơn là thế hệ tuổi trẻ, truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh đưa ra một cách nhìn hiện thực xã hội, một cách bình giá các giá trị nhân sinh khá thuyết phục. Và đó là những đóng góp đáng được ghi nhận của cây bút nữ Phan Thị Vàng Anh.

Với những thành công mà mình đạt được, Phan Thị Vàng Anh đã góp phần không nhỏ cho nền văn học thời kì đổi mới, chứng tỏ niềm đam mê nhưng cũng đầy trách nhiệm đối với sự nghiệp văn chương mà mình theo đuổi.

THƢ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2009) Từ điển thuật ngữ văn học, NXBGD, Hà Nội.

2. Phương Lựu (chủ biên) Lí luận văn học, (2002), NXBGD, Hà Nội.

3. Nguyễn Đăng Mạnh( 2000) Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. NXB Giáo dục.

4. Nguyễn Hồng My (2010) Ngôn ngữ nghệ thuật trong Văn học Việt Nam hiện đại, Đề cương bài giảng. ĐHSP Thái Nguyên.

5. Trần Đình Sử, Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Vụ Giáo viên, Bộ Giáo dục đào tạo.

6. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, Giáo trình, Đại học Huế, NXBGD, hà Nội. 7. Trần Đình Sử, (2009) Thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học ở Việt

Nam thế kỉ XX. Tạp chí nghiên cứu văn học số 2 (444).

8. Bùi Việt Thắng, (2000), Truyện ngắn- Những vấn đề lí thuyết và thể loại,

NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

9. Lê Hương Thủy,( 2006), Truyện ngắn sau 1975- một số đổi mới về thi pháp,

Tạp chí nghiên cứu văn học số 6,( 417).

10. Phan Thị Vàng Anh, Tập truyện ngắn Khi người ta trẻ, NXB Hội nhà văn (1993).

11. Phan Thị Vàng Anh, Tập truyện ngắn Hội chợ, NXB trẻ 1995. 12. Phan Thị Vàng Anh, Truyện vừa Ở nhà, NXB trẻ 1994.

13. Phan Thị Vàng Anh, Tản văn Nhân trường hợp chị thỏ bông, NXB Hội nhà văn.

Một phần của tài liệu đặc điểm truyện ngắn phan thị vàng anh (Trang 82 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)