6- Đóng góp của luận văn
3.3. Giọng điệu
Trong bài nghiên cứu Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại, nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc cho rằng: “Giọng điệu là âm thanh được xét ở góc độ
tâm lí, biểu hiện các thái độ vui, buồn, giận hờn, hờ hững”... để phân biệt với giọng: là âm thanh được xét ở góc độ vật lý như cường độ, trường độ, cách phối âm, âm lượng (4). Ở đây, tác giả phân biệt giọng điệu vốn có của mỗi con người với giọng điệu văn chương. Có thể hiểu rằng, giọng điệu trong văn chương là sự thể hiện thái độ, tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ, sở trường, ngôn ngữ của tác giả, nó gắn chặt với đối tượng giao tiếp và cách tổ chức lời lẽ diễn đạt. Đối tượng của giọng điệu là các nhân vật, sự kiện, tình huống...trong tác phẩm, đối tượng nhận biết các giọng điệu ấy chính là độc giả.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm...”. Như vậy, giọng điệu là thái độ, tình cảm của nhà văn đối với sự vật hiện tượng được miêu tả mà người đọc có thể cảm nhận được qua sắc thái biểu cảm của lời văn.
Khrapchenco trong cuốn Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học đã chỉ ra rằng: “Những đặc tính cơ bản của lĩnh vực giọng điệu trong những tác phẩm nghệ thuật của nhà văn, sự ưu tiên của phong cách cũng có liên quan mật thiết với cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của nhà văn”. Như vậy, giọng điệu của một tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc nhiều vào cảm hứng nghệ thuật của tác phẩm ấy. Trước năm 1975, giọng điệu văn chương chủ yếu là khẳng định và ngợi ca với tinh thần lạc quan tin tưởng. Sau 1975, khi chiến tranh qua đi, nhịp sống đời thường trở lại với tất cả những biểu hiện phong phú, phức tạp của đời sống: sự cao thượng hay thấp hèn, sự cao cả hay thói phàm tục, lòng vị tha hay thói ích kỷ, cái tốt, xấu….đều có thể xảy ra và được phơi bày. Văn chương từ chỗ phản ánh hiện thực đến “nghiền ngẫm hiện thực”, đi vào tìm hiểu toàn bộ chiều sâu tâm hồn con người. Các nhà văn nhìn cuộc sống qua lăng kính đời tư, quan tâm đến con người cá nhân, chính vì vậy tạo nên nhiều sắc thái
giộng điệu mới. Với điểm nhìn đa diện, đa chiều đã tạo nên giọng điệu cay độc, mạnh bạo, quyết liệt trong truyện ngắn Võ Thị Hảo, chất giọng trữ tình ngọt ngào mà dữ dội của truyện ngắn Y Ban hay tiếng cười hài hước song mang tính triết lý trong truyện ngắn Ngô Phan Lưu… Nằm trong dòng chảy chung của nền văn học hiện đại Việt nam, khảo sát truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh cho thấy, cảm hứng về những con người thuộc tầng lớp trẻ tuổi trong cuộc sống hiện đại đã chi phối và làm nên giọng điệu đa thanh trong các tác phẩm của chị.