khoán hóa còn quá mới vẻ, nên so với mô hình trung gian thanh toán thì mô hình trung gian chuyển đổi phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.
3.2.3 Giải pháp để áp dụng kỹ thuật chứng khoán hóa thành công tạiViệt Nam Việt Nam
Xây dựng hệ thống pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa
Thứ nhất: chế độ pháp lý đối với bên khởi tạo tài sản
Theo Luật Doanh nghiệp 2005, chỉ có hai hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với chức năng của bên khởi tạo tài sản thế chấp là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn vì những doanh nghiệp này được phép phát hành chứng khoán (công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ có thể phát hành chứng khoán nợ). Hiện nay, pháp luật Việt Nam cho phép thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán được quản lý bởi công ty quản lý quỹ và có một số đặc điểm pháp lý gần giống với quỹ tín thác. Tuy nhiên quỹ đầu tư chứng khoán lại không thể là một hình thức tổ chức phù hợp cho bên khởi tạo tài sản thế chấp trong giao dịch chứng khoán hóa tại Việt Nam.
Như vậy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua giao dịch chứng khoán hóa, các nhà làm luật Việt Nam cần nghiên cứu việc cho phép các doanh nghiệp thành lập quỹ tín thác cho các giao dịch chứng khoán hóa. Quỹ tín thác này có tài sản hoàn toàn tách bạch với bên thế chấp và đi vay và chỉ đầu tư vào các khoản phải thu và được phép phát hành chứng khoán dưới dạng chứng chỉ quỹ với các mức độ ưu tiên thanh toán khác nhau.
Thứ hai: Chế độ đăng ký kinh doanh
Theo quy định hiện hành, mọi doanh nghiệp đều phải đăng ký ngành nghề kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh (theo hệ thống mã số ngành nghề theo quy định). Trong giao dịch chứng khoán hóa, bên khởi tạo tài sản bị hạn chế không cho phép tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Do vậy, trong tương lai, khi thị trường chứng khoán hóa bắt đầu hình thành, cần cho phép bổ sung ngành nghề hoạt động chứng khoán hóa để có thể đăng ký kinh doanh cho các bên khởi tạo tài sản.
Thứ ba: Luật Phá sản
Luật Phá sản Việt Nam mặc dù đã ban hành nhưng vẫn còn nhiều bất cập, đối với các nhà đầu tư trong giao dịch chứng khoán hóa, việc tòa án có thể coi các giao dịch bán tài sản trong vòng sáu tháng trước ngày nộp đơn phá sản của doanh nghiệp là vô hiệu và phải được hoàn trả lại cho doanh nghiệp phá sản là một rủi ro pháp lý đáng cân nhắc. Ngoài ra Luật Phá sản doanh nghiệp cũng chưa quy định rõ cách thức xử lý phần vốn góp của doanh nghiệp phá sản trong vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp khác. Do vậy, trong trường hợp bên thế chấp và cho vay phá sản, các nhà đầu tư vào chứng khoán nợ do bên khởi tạo tài sản thế chấp (nếu do bên thế chấp và cho vay tài sản thành lập) phát hành có thể gặp một số rủi ro. Một là tòa án có thể yêu cầu các bên mua hàng trong giao dịch gốc phải thanh toán trực tiếp cho bên thế chấp và đi vay để lấy tiền trả nợ. Hai là nếu tổ chức tập hợp tài sản thế chấp được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì tổ chức tập hợp tài sản thế chấp này có thể bị giải thể vì thành viên sáng lập bị phá sản. Như vậy, Luật Phá sản cần nghiên cứu hoàn thiện theo hướng:
- Coi mọi khoản phải thu đã được bên thế chấp và đi vay chuyển nhượng hợp thức cho bên khởi tạo tài sản là tài sản của bên khởi tạo tài sản và không được sử dụng để thanh toán nợ cho bên thế chấp và đi vay.
- Khẳng định sự tồn tại độc lập của bên khởi tạo tài sản thế chấp trong trường hợp bên thế chấp và đi vay bị phá sản và tạo ra cơ chế cho phép một tổ chức quản lý sẽ đứng ra quản lý tổ chức tập hợp tài sản thế chấp và thu hồi các khoản phải thu cho bên khởi tạo tài sản.
Ngoài ra cũng cần xác định cơ quan quản lý nhà nước đối với các giao dịch chứng khoán hóa. Các giao dịch chứng khoán hóa khi được thực hiện tại Việt Nam có thể nằm trong tầm quản lý của ba cơ quan Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó có thể chỉ định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan cấp phép và quản lý các giao dịch chứng khoán hóa.
Sự bảo trợ của Chính phủ
Chứng khoán hóa các khoản vay luôn ra đời cùng với sự bảo trợ của Chính phủ, Chính phủ tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng và hoạt động của thị trường vốn, cụ thể là:
- Thành lập hoặc cho phép thành lập các công ty chứng khoán hóa (các SPV) và các tổ chức liên quan để hỗ trợ cho chứng khoán hóa.
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân cho các thành phần tham gia quá trình chứng khoán hóa (các ngân hàng, công ty chứng khoán hóa, nhà đầu tư…).
- Trong giai đoạn đầu cần hỗ trợ người dân mua nhà từ các dự án chương trình chứng khoán hóa. Tại Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Chính phủ đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc áp dụng chứng khoán hóa. Với mục tiêu quản lý kinh tế vĩ mô, các chương trình xã hội là lý do để Chính phủ bảo trợ cho chứng khoán hóa.
Thành lập công ty có mục đích đặc biệt (SPV)
Để chứng khoán các khoản vay mua nhà, các quốc gia thường có hai hướng thực hiện: cho phép các ngân hàng chứng khoán hóa các khoản cho vay mua nhà của mình hoặc thành lập SPV chuyên mua lại các khoản cho vay và phát hành trái phiếu chứng khoán hóa. Hầu hết các quốc gia hình thành chứng khoán hóa từ hướng thứ nhất và phát triển kỹ thuật này theo hướng thứ hai. Các SPV có thể là các công ty con của ngân hàng hay là công ty độc lập do tư nhân, nhà nước thành lập nhằm thúc đẩy quá trình chứng khoán hóa.
Thành lập và phát triển công ty đánh giá định mức tín nhiệm Ngoài các công ty chứng khoán hóa, các quốc gia còn phải thiết lập các tổ chức hỗ trợ cho hoạt động của các công ty chứng khoán, các tổ chức này tham gia vào từng công đoạn trong một quy trình chứng khoán hóa nhằm thúc đẩy phần việc trong quy trình này: tổ chức hỗ trợ thanh khoản, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức quản lý tài sản và tổ chức định mức tín nhiệm. Trong đó tổ chức định mức tín nhiệm với vai trò là tổ chức cung cấp mức độ an toàn của các chứng khoán được phát hành trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm, là điều không thể thiếu và có ý nghĩa quan
trọng đối với kỹ thuật chứng khoán hóa, tạo niềm tin, cơ sở đảm bảo cho nhà đầu tư khi mua chứng khoán. Điều này càng quan trọng hơn khi các nhà phát hành muốn vươn ra thị trường quốc tế.
Phát triển dịch vụ tư vấn bảo lãnh phát hành chứng khoán
Thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả hơn so với cách thức huy động vốn truyền thống qua ngân hàng. Hơn nữa, nếu các doanh nghiệp chuộng sử dụng nguồn vốn từ cổ phiếu mà không cân đối với nguồn vốn nợ sẽ tạo nên chi phí sử dụng vốn cao nên trong tương lai thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh nhằm tiết kiệm chi phí sử dụng vốn. Do đó, tiềm năng phát triển dịch vụ tư vấn bảo lãnh phát hành chứng khoán là rất lớn. Hiện tại, phương pháp phát hành chứng khoán tại Việt Nam áp dụng hình thức đấu thầu theo kiểu Hà Lan, đã làm giảm tính chất cạnh tranh của các công ty chứng khoán, vai trò của dịch vụ tư vấn bảo lãnh phát hành cũng vì vậy mà không được quan tâm do giá cả được quyết định bởi thị trường. Trong tương lai, Việt Nam cần chuyển sang áp dụng phương thức đấu giá theo kiểu Mỹ để đảm bảo sự cạnh tranh, nâng cao tính chuyên nghiệp trên trường quốc tế.
Nâng cao năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp
Để áp dụng và phát triển kỹ thuật chứng khoán hóa, các doanh nghiệp cần có những bước đi cần thiết để nâng cao năng lực quản trị tài chính và kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các chương trình tài trợ phát triển và hỗ trợ đổi mới doanh nghiệp.
Kết luận chương 3
Ngày nay, chứng khoán hóa đã trở thành một phương thức phát hành chứng khoán thông dụng ở các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu…. Chứng khoán hóa tạo một kênh huy động vốn dài hạn với lãi suất hấp dẫn bằng việc chuyển rủi ro trực tiếp cho các nhà đầu tư. Qua những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, Việt Nam đã bắt đầu có những định hướng, chuẩn bị các điều kiện để có thể thực hiện nghiệp vụ chứng khoán hóa, tạo một kênh huy động vốn mới hữu hiệu cho nền kinh tế.
Kết luận chung
Thị trường vốn Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ từ năm 2006 đến nay. Cùng với việc gia nhập WTO, những cam kết mở của thị trường tài chính và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đã tạo một tiền đề vững chắc cho sự phát triển. Nhìn chung, thị trường tài chính Việt Nam hiện còn ở giai đoạn sơ khai, chưa có cả ngân hàng đầu tư lẫn nghiệp vụ chứng khoán hóa. Nhưng Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị để hình thành mô hình ngân hàng tổng hợp với các nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư, cũng như chuẩn bị về mọi mặt để thực hiện nghiệp vụ chứng khoán hóa trong tương lai gần, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.
Trong đề tài nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã đi sâu phân tích hoạt động cơ cấu và các nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư cùng với quy trình và các sản phẩm của chứng khoán hóa. Từ đó đưa ra phân tích tiềm năng phát triển của ngân hàng
đầu tư và kỹ thuật chứng khoán hóa tại Việt Nam. Những giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra là cần có khung pháp lý để điều chỉnh cho hoạt động ngân hàng đầu tư và kỹ thuật chứng khoán hóa, tạo ra môi trường thuận lợi cho chứng khoán hóa phát triển, đưa ra các mô hình chứng khoán hóa phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Những vấn đề đưa ra trong đề tài vẫn còn nhiều khía cạnh hạn chế và sẽ được nghiên cứu hoàn thiện trong những đề tài sau.