Trong công tác nghiên cứu nhằm cơ giới hóa các khâu canh tác đối với cây trồng, ở Việt Nam hiện nay khâu phun thuốc bảo vệ thực vật là khâu ít
được quan tâm nhất. Số cán bộ khoa học tập trung nghiên cứu chuyên sâu về
máy phun thuốc bảo vệ thực vật tại các cơ quan nghiên cứu và đào tạo là rất ít. Tại các cơ quan đầu ngành về nghiên cứu và thiết kế máy Nông nghiệp như Viện Cơđiện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Thiết kế Máy
Nông nghiệp, trong thời gian 10 năm trở lại đây hầu như không có đề tài nghiên cứu chế tạo về máy phun thuốc bảo vệ thực vật, mặc dù có mối quan hệ hợp tác nghiên cứu với những đơn vị đối tác nước ngoài rất mạnh về lĩnh vực này, nội dung nghiên cứu chỉ gói gọn trong một số đề tài về sử dụng máy phun thuốc trừ
sâu (khảo nghiệm đánh giá tính năng của một số loại máy phun thuốc bảo vệ
thực vật đang được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam).
• Các loại thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật phun tầm thấp
Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ sản xuất, chế tạo được các máy phun thuốc bảo vệ thực vật phun ở tầm thấp (dưới 4 m), chủ yếu là các bình phun tay không có động cơ. Việc nghiên cứu thiết kế chế tạo máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ chỉ tập trung ở một số tỉnh phía Nam, do một số Công ty đầu tư tiến hành, nhưng các thiết kế chủ yếu là dựa vào thiết kế có sẵn một số loại máy phun thuốc trừ sâu của Nhật được đưa vào Việt Nam trong những năm 90 tiến hành cải tiến để phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, phần tiêu thụ trong nước chỉ rất ít.
Tiêu biểu như máy phun MPT260 (hình 1.13) của Công ty Máy Nông nghiệp Miền Nam (VIKYNO) chế tạo được sử dụng cho nông trại, vườn cây
ăn trái và gia đình. Ưu điểm của máy là khả năng di chuyển dễ dáng bằng tay ly hợp, có khả năng tự cuốn ống, gọn nhẹ dễ sử dụng.
Hình 1.13. Máy phun tự hành MPT260
Công ty TNHH MTV Nhựa Hoàng Thắng với xe phun xịt dung dịch kéo tay tựđộng phun hoặc có động cơ phun (Hình 1.14).
Hình 1.14. Máy phun thuốc kéo tay Hoàng Thắng
Ở đồng bằng Sông Cửu Long, do diện tích canh tác lớn, ngoài bình bơm tay có sử dụng thêm máy phun thuốc kéo tay và các máy phun đeo vai có
động cơ, chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản (hình 1.15).
Hình 1.15. Máy phun có động cơ sử dụng ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Đầu những năm 2000, trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh có
đề tài nghiên cứu chế tạo mẫu máy phun thuốc trừ sâu OVTA1 liên hợp với máy kéo MTZ80 (hình 1.16), máy được thiết kế theo nguyên lý khí thổi, dựa vào mẫu thiết kế của Nga, có công suất phun tương đối lớn, sử dụng để phun
cho vùng chuyên canh tập trung, tuy nhiên sau khi nghiên cứu kết quả không
được mở rộng phát triển ra thực tế sản xuất.
Hình 1.16. Máy phun thuốc trừ sâu OVTA1
Gần đây, từ yêu cầu thực tiễn sản xuất, có một số nông dân yêu thích sáng tạo kỹ thuật đã mày mò cải tiến, tự thiết kế, chế tạo ra một số loại máy phun để sử dụng trong quá trình sản xuất, tuy nhiên các máy này thường chỉ chú trọng đến vấn đề nâng cao năng suất làm việc, thuận tiện trong quá trình sử dụng, mà ít chú ý tới vấn đề giảm tác động xấu của thuốc bảo vệ
thực vật đối với môi trường (hình 1.17).
Hình 1.17. Một số máy phun dùng cho lúa
• Các loại thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật phun tầm cao dùng để
phun cho cây ăn quả, cây công nghiệp ở giai đoạn kinh doanh
Khi cây trưởng thành đến giai đoạn kinh doanh do chiều cao cây lớn, nên việc sử dụng các bình phun tay trở nên khó khăn vì cự li phun của bình
phun tay thấp, để phun được với cự li cao, người nông dân phải sử dụng máy phun có động cơ và dùng cần phun dài đưa vòi phun lên cao khi phun.
Hình 1.18. Sử dụng vòi phun tự chế cho cây công nghiệp
Nhưng khi đó việc điều khiển chính xác vị trí vòi phun rất khó khăn nên thường xảy ra việc phun không đều hay phun sót, mặt khác do độ dài vòi phun lớn nên khi thuốc phun ra áp lực nhỏ, kích thước hạt thuốc phun thường lớn, không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật.
Một số nông dân xuất phát từ thực tiễn sản xuất, thông qua tham khảo các thông tin từ nhiều nguồn như internet, sách báo, truyền hình đã chế tạo một số máy phun tầm cao để phun cho cây cao su, vải nhãn (hình 1.19), tuy nhiên các thiết kế này còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt là sự an toàn cho người vận hành và ảnh hưởng tới môi trường.
Máy phun cho cây cao su Máy phun tự chế phun thuốc cho vải nhãn ở Bắc Giang
Hình 1.19. Một số hình ảnh máy phun do nông dân cải tiến, chế tạo
Từ năm 2010 đến nay nhóm nghiên cứu thuộc khoa Cơ Điện, trường
Đại học Nông nghiệp Hà Nội hợp tác với trường Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh, Trung Quốc đã tiến hành một số nghiên cứu chuyên sâu về cơ giới hóa trong công tác bảo vệ thực vật, theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, giảm tác động xấu của thuốc bảo vệ thực vật với môi trường và con người, như đề tài nghiên cứu tự động hóa máy phun thuốc bảo vệ thực vật, nghiên cứu thiết kế chế tạo và sử dụng máy phun thuốc dạng khói dùng trong vùng trồng cây công nghiệp, cây lâm nghiệp.
Kết luận:
Qua điều tra khảo sát tình trang thiết bị cơ giới hóa bảo vệ thực vật trong nước nhận thấy việc đầu tư cho công tác nghiên cứu còn hạn chế, trang thiết bị còn thiếu, không đồng bộ; việc ứng dụng công cụ, thiết bị cơ giới bảo vệ thực vật còn manh mún, kém hiệu quả, những vấn đề trên dẫn đến công tác bảo vệ cây trồng không đáp ứng được, chí phí còn cao, năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp, mặt khác chính việc phun thuốc không tính toán, thiếu công nghệ thiết bị phù hợp còn gây tác động xấu dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Việc tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong công tác bảo vệ thực vật là rất cần thiết, công tác nghiên cứu không phải chỉ bao gồm nghiên cứu ứng dụng để thiết kế chế tạo được các mẫu máy phun phù hợp với điều kiện canh tác, kinh tế xã hội của Việt Nam, mà còn phải có những nghiên cứu cơ bản để làm nên tảng cho các nghiên cứu ứng dụng. Trong đó việc thiết kế, chế tạo được hệ thống giàn thí nghiệm kiểm định cho phép xác định thông số kỹ thuật của vòi phun thuốc bảo vệ thực vật đang
được nhập khẩu và sử dụng ở nước ta hiện nay là rất cần thiết. Hệ thống cho phép thí nghiệm kiểm định chất lượng của vòi phun, nhằm trợ giúp cho các nhà nghiên cứu thiết kế trong công tác thiết kế chế tạo, có thể lựa chọn được
loại vòi phun phù hợp với các loại máy phun cần thiết kế. Việc kiểm định chất lượng vòi phun sẽ đưa ra được các khuyến cáo cho những người tiêu dùng sử
dụng một cách hợp lý, hiệu quả các loại vòi phun thuốc bảo vệ thực vật, khi họ muốn thay thế vòi phun trong máy phun đã mua, để phun thuốc phù hợp với từng đối tượng cây trồng khác nhau.