Đền Kim Liên

Một phần của tài liệu nghiên cứu giá trị du lịch của thăng long tứ trấn phục vụ loại hình du lịch tâm linh trên địa bàn hà nội (Trang 36 - 41)

6. Kết cấu của đề tài

2.2.3 Đền Kim Liên

Đền Kim Liên: Đền Kim Liên nằm trên đường Kim Liên mới. Đền trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là phường Phương Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Đền Kim Liên xây trên gò đất cao, quay mặt về hướng Nam, trông ra một hồ rộng có tên xưa là hồ Đồng Lầm. Kim Liên, tên cũ là làng Kim Hoa, gọi nôm na là Đồng Lầm, vốn là một làng đẹp, có nghề nhuộm vải, có phong tục lễ nghi phong phú (đầm này nay không còn do bị lấp làm đường vành đai 1). Đây là một trong 23 phường thôn hợp thành tổng Tả Nghiêm, Huyện Thọ Xương cũ. Đến khoảng đầu đời Vua Thiệu Trị (1841 – 1847) – Nguyễn Phúc Miên Tông tức Nguyễn Hiếu Tổ,

vì phải kiêng húy tên của bà mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên đổi là Kim Liên sau là tổng Kim Liên.

Đền Kim Liên vốn được lập để thờ Cao Vương Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên Núi). Theo tư liệu lưu giữ tại đền, thì đền này được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tổ ngay khi vị Hoàng Đế này rời đô tới Thăng Long với mục đích để bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam. Năm 1509, quân đội của Lê Tương Dực từ Thanh Hóa tiến về Thăng Long để lật đổ Lê Uy Mục đã đi qua đây, thấy đền thờ Cao Sơn Đại Vương liền vào xin phù hộ. Sau đó một tuần, sự nghiệp của Lê Tương Dực thành công. Vị vua này liền cho xây dựng lại đền Kim Liên với kiến trúc như hiện nay.

Sau này, dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền ngay sát đầm Kim Liên và bổ xung thêm một số kiến trúc mới, tạo thành đình Kim Liên. Ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình này còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu, và Bác Hồ.

Chịu tác động của thăng trầm lịch sử, đền nay ngôi đền không còn nguyên dạng (Toàn bộ Nhà bái đường đã bị tàn phá), chỉ còn Nhà Hậu đường ba gian, tam quan, cổng gạch và hai giải vũ.

Kiến trúc của đền bao gồm hai phần tương đối rõ: phần phía trước có gò có trụ biểu, hai dãy giải vũ hai bên sân gạch rộng và phần kiến trúc chính của di tích nằm trên gò đất cao. Đi hết khoảng sân trên thì qua chín bậc gạch được xây dựng bằng những viên gạch vồ có kích thước lớn thời Lê Trung Hưng nối hai khu kiến trúc trên.

Kiến trúc chính gồm nghi môn, đại bái và hậu cung.

Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá nghiêng, cột trốn. Trên các bộ phận kiến trúc, các họa tiết trang trí sinh động, công phu mang phong cách nghệ thuật thời

Nguyễn. Các con rường chạm nổi hình mây cuốn, câu đầu và hai bẩy hai vì ngoài chạm bong kênh và chạm lộng nhiều lớp hình tứ linh.

Từ sân lên nghi môn phải qua 9 bậc xây bằng gạch vồ cổ. Chín bậc như ở bệ thống cửa điện Kính Thiên trong thành Hà Nội, gợi nơi ngự thần được xếp ngang cấp với vua ở chốn cửu trùng, phía trước là sân rộng qua cổng với hai cột đồng trụ cao vút vuông thành sắc cạnh nhìn ra chỗ nở của một lạch nước là nơi tụ thủy – tụ phúc.

Nhà đại bái gồm 5 gian được thành phố tôn tạo trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, với kiểu dáng kiến trúc truyền thống.

Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói mới. Trong nhà xây vòm cuốn, nội thất được bố trí như sau: gian ngoài cùng, có bệ cao để đặt hương án ; gian thứ hai xây bệ gạch cao để đặt long ngai và các đồ tế khí. Gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng (tôn nữ Động Hồ Trưng Vương công chúa con gái Vua Lê và Huệ Minh công chúa).

Trong đền vẫn còn Long Ngai thờ thần Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Thủy Tinh đệ Tam Tôn Nữ và Huệ Minh phu nhân. Trong đền còn giữ được tới 39 đạo sắc phong của các thời Lê và Nguyễn cho Cao Sơn Đại Vương, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của triều đình phong kiến xưa.

Đền xưa đã bị phá nhưng di vật quan trọng nhất tại đình Kim Liên là tấm bia đá cao hơn 2m5 thuộc loại bia lớn nhất ở Hà Nội, ‘‘Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh’’ do sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 tức năm 1510, vẫn còn được bảo quản trong một ngôi miếu nhỏ dưới gốc đa cổ thụ, luôn gợi ra một cảnh quan thâm nghiêm trang trọng. ‘‘Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh’’ nói về công lao của thần Cao Sơn trong việc giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích và hệ thống 39 đạo sắc phong cho Thần Cao Sơn Đại Vương, trong đó có hai sáu đạo thời Lê Trung Hưng, mười ba đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất trong đó là sắc phong có niên đại Vĩnh Tộ năm thứ hai (1620).

Tấm bia quý trên có trang trí các hình rồng, mây,hoa, lá, sóng nước phù hợp với thời điểm soạn văn năm 1510,có nghĩa là nó đã được tạc và dựng ở đầu thế kỉ XVI, nhưng mặt sau bia vào năm Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 33 tức 1772 được khắc thêm một thông tin: nguyên bia này lập tại Phụng Hóa, nó trôi nổi bến sông Bồ Đề. Năm Hoằng Định (đầu thế kỉ XVII) bản phường vớt lên đem về đặt ở đất chùa, do có nhiều điều thiêng liêng huyền bí, nhân dân lại làm lễ rước sang bên trái đình để tỏ sự tôn kính. Tấm bia rất nặng, tất nhiên không thể trôi nổi trên sông nước, nhưng đó là con đường di chuyển của vị thần Núi biểu hiện sự hội tụ âm dương, tạo nên sự linh thiêng, gắn với cả cảnh Phật và đất Vua, được thời gian kiểm chứng và khẳng định.

Văn bia cho biết Cao Sơn Đại Vương là một trong số trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã từng, giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh, đầu thế kỉ XVI lại giúp vua Lê dẹp loạn giữ yên ngai vàng. Thực chất huyền thoại trên là lớp văn hóa muộn phủ lên tín ngưỡng gốc của nhân dân về việc thờ thần Núi rất phổ biến ở miền trung du xứ Đoài, nơi có Núi Tản Viên Ba Vì, được khái quát là Cao Sơn Đại Vương hay Tản Viên sơn thánh. Thờ thần Núi vốn gốc là vùng đất tổ, gắn với buổi bình minh của dân tộc, khi đất nước thực sự phát triển trong kỷ nguyên độc lập thì thần được rước về kinh thành, lại trấn phía nam là vùng đất trũng hướng về đồng bằng đang được khai thác và mở rộng. Có thể xem Thần Núi là thiếu dương nằm trong miền đất thái âm rộng lớn.

Lễ Hội Đền Kim Liên

Đền mang uy danh của Thần Cao Sơn nên được tổ chức, dàn dựng rất trang trọng, náo nhiệt và được sự tham gia đông đảo của nhân dân trong như ngoài vùng. Trước đây, lễ hội đình Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 – 16/3 và lễ hội chính là ngày 16 thang 3 âm lịch hàng năm (ngày sinh của thần), sau giỗ tổ Hùng Vương. Ngoài nghi lễ chính còn các lễ Sóc Vọng hàng tháng, lễ Kỳ An và lễ hóa vào ngày 12 tháng 8. Những ngày này rất tưng bừng.

Cùng với nghi lễ tế nam, dâng hương nữ, nhiều điệu múa truyền thống như: múa sênh tiền, múa trống, múa rồng. Lễ hội đền Kim Liên còn được biết đến với hội thi ‘‘cắt tóc’’, một nghề truyền thống của làng Kim Liên, thu hút rất nhiều thợ từ các nơi về đăng kí dự thi.

Sáng ngày 15 diễn ra hội cắt tóc với các tay thợ trẻ vào cuộc đua tài trước sự ‘‘giám sát’’ kỹ lưỡng và công bằng của một ban giám khảo toàn các bậc cao niên có uy tín và tay nghề trong làng. Trống điểm ba hồi, các anh thợ trẻ đong đưa gương ghế ‘‘vào xới’’khoe tài. Từ cách choàng khăn đến cách cầm kéo, khua kéo, những đường cắt tỉa… và sau cùng là thời gian để hoàn thành một kiều đầu đều được chấm điểm một cách tỉ mỉ. Bởi làng Kim Liên này xưa nay vẫn nổi tiếng với những ‘‘tay thợ’’ vừa cắt tóc, vừa múa kéo như một thứ nghệ thuật với những tiếng lách cách đều đặn và vui tai, cả cách quành khăn đúng theo chiều gió vừa để giữ gìn sức khỏe cho người cắt tóc, vừa thể hiện phong cách điệu nghệ và cũng để quảng bá và phát triển một làng nghề truyền thống của người Hà Nội. Sau cuộc thi là trò chơi đẩy gậy, đập niêu… buổi tối là liên hoan ca múa nhạc.

Trong ngày chính hội (16/3). 6 giờ sáng người làng đã làm lễ Tế ở chính điện. Các bậc ‘‘bô lão’’ trong đội tế nam của làng thành kính đứng trước sân đình Tế Cáo với Thượng Đẳng thần Cao Sơn Đại Vương, ‘‘mở lối đi linh thiêng’’ để người dân bước vào ngày chính hội 16 tháng 3 âm lịch cùng những đại lễ bái rất bài bản của đội lễ mũ mão cân đai chỉnh tề. Vang vọng và linh thiêng còn ở tiếng thỉnh chiêng trống dứt khoát và ‘‘nặng cái tâm’’… Sau đó lễ dâng hương kính cẩn diễn ra trước sân đình, rồi các dòng họ dâng hương những mâm cỗ cầu kỳ tái hiện ẩm thực của người Hà Nội. Đã từng có những mâm cỗ 7 tầng chất ngất, đẹp như một tác phẩm nghệ thuật nhưng mang đầy đủ ý nghĩa của mối giao hòa giữa con người và trời đất, có những mâm cỗ ‘‘khắc’’ ông Lã Vọng áo tơi nón lá ngồi câu cá bên bờ ao mà tất cả chỉ bằng xôi và gà… Để làm được mâm cỗ ấy, người ta phải cầu kỳ chuẩn bị cả tháng trời. Tiếp sau đó là lễ rước với 4 kiệu: kiệu Long đình, kiệu ông, kiệu bà và kiệu võng, người dân địa phận của làng đi từ phố Kim Hoa đến Đào Duy Anh rồi trở về đình Kim Liên tạo nên một hình ảnh rất đẹp.

Trong lễ hội đình và đền Kim Liên còn có nhiều trò chơi truyền thống như: chọi chim, cờ người, bóng bàn, thi đấu võ thuật, múa quạt và văn nghệ truyền thống… thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng tham gia.

Một phần của tài liệu nghiên cứu giá trị du lịch của thăng long tứ trấn phục vụ loại hình du lịch tâm linh trên địa bàn hà nội (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(60 trang)
w