7. Bố cục của luận văn:
3.3 Kiến nghị, đề xuất đối với cơ quan tài trợ:
- Chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện chuyên viên phân tích tài chính dự án. Nhằm nắm bắt kịp thời các quy định của nhà nước để áp dụng phù hợp. Tránh tình trạng tính thiếu các chi phí như: Chi phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, chi phí thuê đất hàng năm.
- Cần thống nhất việc xác định dòng tiền của dự án, lưu ý đối với dự án có thời gian xây dựng dài. Khi tính các chỉ tiêu đánh giá tài chính cho những dự án này cần quy dòng tiền đầu tư hàng năm trong thời gian xây dựng về năm đầu tiên (hoặc đưa về năm cuối của thời kỳ đầu tư) để đảm bảo tính chính xác của dòng tiền.
- Chỉ đạo thực hiện đúng Quyết định số 2014/QĐ-BCN ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về Ban hành Quy định tạm thời nội dung tính toán phân tích kinh tế, tài chính đầu tư và khung giá mua bán điện các dự án nguồn điện. Trong đó quy định rõ “Trường hợp nguồn vốn chủ sở hữu được góp vốn từ nhiều nguồn khác nhau thì Tỷ suất sinh lợi của nguồn vốn chủ sở hữu (icsh%) dùng để xác định tỷ suất chiết khấu tài chính (if) được tính theo nguyên tắc bình quân gia quyền các nguồn vốn góp.” Không nên sử dụng lãi suất của các Ngân hàng Thương mại cổ phần để tính toán WACC.
- Cân nhắc thận trọng việc cho vay vốn đối với các dự án đầu tư. Nhất là các dự án có hệ số vốn tự có so với vốn đi vay nhỏ hơn hoặc bằng 1. Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Bạch Nguyệt thì “Đối với các dự án có triển vọng, hiệu quả thu được là rõ rệt thì hệ số này có thể nhỏ hơn 1, vào khoảng 2/3 hoặc tỷ trọng vốn tự có trong tổng vốn đầu tư có thể là 40%”. Trường hợp dự án Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 cho thấy tỷ trọng vốn tự có trong tổng vốn đầu tư chiếm tỉ trọng 28,99% là thấp (nếu so với vốn đi vay chỉ chiếm 40,82%). Trong trường hợp cần thiết phải kiến nghị cấp có thẩm quyền để quy định cụ thể các hệ số này theo từng ngành nghề đầu tư, kinh doanh.
3.4 Một số giải pháp nâng cao công tác phân tích tài chính dự án đầu tƣ
a. Đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ phân tích tài chính dự án
Vấn đề nguồn nhân lực cho quá trình phân tích tài chính dự án cũng rất quan trọng. Đội ngũ cán bộ phân tích tài chính phải là những người có chuyên môn, trình độ, sức khỏe tốt. Được thường xuyên tổ chức nâng cao, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ phân tích tài chính dự án.
Đội ngũ lãnh đạo: Cần phải xây dựng những tiêu chuẩn về khả năng, nghiệp vụ, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cho đội ngũ lãnh đạo như: Có năng lực điều hành hệ thống tổ chức; nắm vững quy trình nghiệp vụ; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thường xuyên được đào tạo nâng cao năng lực.
Đối với đội ngũ phân tích tài chính dự án
- Đây là đội ngũ trực tiếp tham gia quá trình lập dự án hoặc thẩm định dự án. Yêu cầu đối với đội ngũ này là phải có năng lực, trình độ và nắm vững quy trình nghiệp vụ phân tích tài chính dự án. Đồng thời phải có phẩm chất đạo đức nghiêm túc trong công việc và luôn đặt mục tiêu chất lượng, hiệu quả của dự án đầu tư lên hàng đầu.
- Đội ngũ phân tích tài chính phải có kỹ năng phân tích, khả năng kết nối các chỉ tiêu phân tích, khả năng đo lường và đánh giá kết quả phân tích để đưa ra một kết luận tốt nhất trong việc quyết định đầu tư dự án.
- Với những tài liệu phân tích tài chính dự án Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 nhận thấy các cán bộ phân tích dự án chưa nghiên cứu, tìm hiểu, tham khảo thêm các tài liệu chuyên ngành thẩm định dự án đầu tư.
b. Nâng cao chất lượng công tác thu thập và xử lý thông tin phục vụ phân tích tài chính dự án
Thông tin có vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong phân tích đầu tư, phân tích dự án đầu tư có giá trị lớn và thời gian đầu tư lâu dài. Không thu thập đủ thông tin để phân tích và dự báo xu hướng thì dự án đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Để hoàn thiện việc thu thập và xử lý thông tin, cần phải trang bị một hệ thống các thiết bị, công nghệ phục vụ quá trình phân tích tài chính và thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến ngành nghề kinh doanh, thông tin về cạnh tranh ngành…
Các thông tin cần thu thập: Tình hình phát triển của nền kinh tế; thông tin về các dự án đầu tư : doanh thu, chi phí, giá bán,…; sự phát triển của thị trường bất động sản; các chính sách của nhà nước; các chương trình tài trợ của các tổ chức tín dụng;…
Quá trình xử lý thông tin: Phân tích thị trường; Tổng hợp các thông tin, kiểm định tính đúng đắn của thông tin, sau đó phân tích các yếu tố: doanh thu, chi phí, sản lượng sản xuất và tiêu thụ, giá bán,… dựa trên tình hình nền kinh tế, điều kiện, hoàn cảnh của từng dự án để điều chỉnh cho dự án cho phù hợp.
Ngoài các dữ liệu được thu thập trong thực tế, các dữ liệu dụng để thay thế trong trường hợp dữ liệu không thể thu thập được cũng phải phù hợp với thực tế thị trường và có sự tính toán đối chiếu để mang lại độ tin
cậy cao khi phục vụ cho công tác phân tích tài chính.
Đối với Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam cần xây dựng một cơ sở dữ liệu riêng cho mình với các thông tin tổng hợp của các chi nhánh ngân hàng trực thuộc nhằm phục vụ tốt cho công tác thẩm định.
c. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý dự án
Quản lý dự án trong thời gian xây dựng và trong thời gian vận hành dự án là công việc mang tính quyết định tới thành công của dự án. Phân tích tài chính lại liên quan chặt chẽ đến quá trình này. Nếu quản lý dự án không tốt, dẫn đến chất lượng dự án không đảm bảo thì các dự tính về các chỉ tiêu vốn đầu tư, doanh thu cũng như chi phí phục vụ cho phân tích tài chính sẽ không chính xác, dẫn đến ảnh hưởng đến dòng tiền tính toán các chỉ tiêu tài chính của dự án. Vì vậy, để công tác phân tích tài chính dự án đạt hiệu quả cao thì bộ máy quản lý dự án cũng phải thực sự có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị dự án đầu tư.
Ngoài ra, tiến độ thực hiện dự án cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phân tích tài chính của dự án. Dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư, doanh thu, lợi nhuận của dự án, và mang nhiều yếu tố rủi ro: lạm phát, sự tăng giá của nguyên vật liệu, sự thay đổi trong các chính sách quy định của Nhà nước,… Vì vậy, trước khi quản lý dự án, cần phải lập nên một kế hoạch quản lý phù hợp với kế hoạch của dự án và đặc biệt là tiến độ thi công của dự án.
Tiến độ thực hiện dự án gắn liền với phân tích dòng chi phí của dự án. Trong nghiên cứu trường hợp phân tích tài chính dự án nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, có thể thấy, dự án sẽ không hiệu quả nếu vốn đầu tư ban đầu (chi phí dự án) tăng đến 10% trong khi các điều kiện khác không đổi. Điều này rất quan trọng đối với chủ đầu tư, đòi hỏi chủ đầu tư phải quản lý quá trình thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ, đúng kế hoạch đã xây
dựng. Muốn vậy cần quan tâm đến công tác phân tích dòng chi phí dự án. Phương pháp phân tích dòng chi phí dự án dựa trên cơ sở chi phí thực hiện theo từng công việc và số ngày hoàn thành công việc đó. Giả định chi phí được sử dụng đồng đều trong các ngày thực hiện công việc, do đó, cho phép tính được chi phí bình quân một ngày thực hiện từng công việc dự án. Dựa vào kế hoạch triển khai sớm và mức chi phí trên một ngày, xây dựng đường cong chi phí tích lũy. Đường cong này và đường cong chi phí tích lũy theo kế hoạch triển khai muộn là những cơ sở để quản lý chi phí dự án. Trên cơ sở hai dòng chi phí, các nhà quản lý quyết định lựa chọn kế hoạch triển khai sớm hoặc muộn nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Nếu dòng tiền chi phí phát sinh theo kế hoạch triển khai sớm chủ yếu vào thời kỳ đầu tiến hành dự án thì việc vay mượn đầu tư sớm hơn, đồng nghĩa với việc chi trả lại vay nhiều hơn. Như vậy, chi phí tài chính của dự án theo kế hoạch triển khai sớm sẽ lớn hơn kế hoạch triển khai muộn.
d. Hoàn thiện quy trình phân tích tài chính dự án
Giải pháp về vốn: Tăng cường tích lũy tài chính nhằm kịp thời đầu tư thay thế máy móc thiết bị, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc mở rộng đầu tư, có được nguồn vốn tích lũy cho đầu tư máy móc thiết bị hiện đại thì không những tổng vốn đầu tư tăng lên mà bản thân vốn tự có của dự án cũng tăng lên. Giải pháp này cần phải tính toán một cách cụ thể, đối với trường hợp dự án nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, cả chủ đầu tư cũng như nhà tài trợ vốn chưa tính đến nguồn vốn đầu tư tăng thêm trong quá trình dự án đi vào hoạt động. Đối với sản xuất thủy điện, các máy móc thiết bị cần được đầu tư mới hoặc thay thế chiếm khoảng 60% vốn đầu tư sau khoảng 18 năm vận hành.
Nỗ lực làm việc có hiệu quả nhất để kết quả đầu tư được vận hành một cách tốt nhất làm tăng nguồn lợi nhuận cho dự án.
Tăng cường năng lực cho bản thân doanh nghiệp, tạo uy tín trên thị trường nhằm tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho chủ đầu tư.
Giải pháp về kỹ thuật:
- Người phân tích phải tính toán các chỉ số theo đúng bản chất của chỉ số.
- Lựa chọn tỷ suất chiết khấu dòng tiền phải phù hợp với thực tế và xu hướng chung. Ngoài việc xem xét đến yếu tố rủi ro của thị trường còn phải xem xét cả tỷ lệ lạm phát chung của nền kinh tế để đưa ra tỷ suất chiết khấu hợp lý mang lại lợi nhuận thực sự cho nhà đầu tư.
- Trên cơ sở hệ thống thông tin phục vụ phân tích tài chính dự án đã được xây dựng cho toàn hệ thống hoặc ngành, cần mạnh dạn đưa vào sử dụng thêm Phương pháp phân tích mô phỏng (Monte Carlo) trong phân tích rủi ro cho dự án đầu tư. Vì đây là một phương pháp phân tích mô tả các hiện tượng có chứa yếu tố ngẫu nhiên nhằm tìm ra lời giải gần đúng. Mô phỏng được sử dụng trong phân tích rủi ro khi việc tính toán bằng cách giải tích quá phức tạp, thậm chí không thực hiện được – chẳng hạn: chuỗi ngân lưu là một tổ hợp phức tạp của nhiều tham số có tính chất ngẫu nhiên phải ước tính qua dự báo như: số lượng bán, giá bán, tuổi thọ, chi phí vận hành…
Thực chất của mô phỏng là lấy một cách ngẫu nhiên các giá trị có thể có của các biến ngẫu nhiên ở đầu vào và tính ra một kết quả thực nghiệm của đại lượng cần phân tích. Quá trình đó lặp lại nhiều lần để có một tập hợp đủ lớn các kết quả thử nghiệm. Tính toán thống kê các kết quả đó để có các đặc trưng thống kê cần thiết của kết quả cần phân tích.
- Đánh giá kết quả phân tích tài chính dự án trong ngữ cảnh hoạt động của doanh nghiệp, theo chiến lược, mục tiêu hoạt động và có sự kết nối giữa các kết quả phân tích tài chính khác nhau./-
KẾT LUẬN
Hiện nay, các doanh nghiệp nước ta đang mở rộng hoạt động đầu tư trên mọi lĩnh vực khác nhau, đầu tư trong nước cũng như hợp tác đầu tư với nước ngoài. Để dự án đầu tư mang lại hiệu quả và giảm thiểu các rủi ro, các doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác phân tích tài chính dự án ngay từ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, để đánh giá, so sánh trước khi ra quyết định đầu tư. Có thể nói, các quyết định về đầu tư dự án là những nhân tố đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên sự thành bại của một doanh nghiệp.
Các giải pháp nâng cao chất lượng phân tích tài chính dự án đầu tư, được tác giả trình bày trong Luận văn này, dựa trên cơ sở nghiên cứu về lý luận phân tích tài chính dự án, kết hợp với thức tiễn hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, minh họa một trường hợp cụ thể là dự án nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2, tỉnh Lâm Đồng. Tác giả cho rằng, việc sử dụng các giải pháp này vào công tác phân tích tài chính dự án, sẽ giúp cho chủ đầu tư, nhà tài trợ vốn có thêm cơ sở về nhận thức và lý luận cho việc đưa ra các quyết định đầu tư. Vấn đề quan trọng là việc thu thập nguồn thông tin, số liệu để phân tích có đủ và đáng tin cậy không ? Năng lực của người phân tích dự án có đáp ứng được yêu cầu của công việc không ? Cách vận dụng và thái độ của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như nhà tài trợ vốn ... Toàn bộ các vấn đề này đều liên quan đến người thực hiện và có thể nói con người là yếu tố quyết định.
Trong giới hạn về đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài, nội dung trình bày của Luận văn đã phần nào đạt được mục tiêu nghiên cứu là phân tích, đánh giá đúng thực trạng hoạt động phân tích chính dự án đầu tư và đề xuất các giải pháp chủ yếu góp phần nâng cao chất lượng công tác này tại các doanh nghiệp cũng như các nhà tài trợ vốn.
Tuy nhiên, do hạn chế về khả năng và thời gian nghiên cứu, nên luận văn có thể còn thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô giáo, các nhà quản lý, các học viên và đồng nghiệp để luận văn được hoàn chỉnh hơn./-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phước Minh Hiệp, Lê Thị Vân Đan (2007), Thiết lập và thẩm định dự án đầu tư, Nhà xuất bản Thống kê, thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Bạch Nguyệt (2008), Giáo trình Lập dự án đầu tư, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
3. Lê Thị Lanh (2011), Hoạch định ngân sách vốn đầu tư, Nhà xuất bản Lao Động, thành phố Hồ Chí Minh.
4. Phạm Xuân Giang (2010), Lập thẩm định và Quản trị dự án đầu tư, Nhà xuất bản Tài chính, thành phố Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Minh Kiều (2009), Tài chính doanh nghiệp căn bản, Nhà xuất bản Thống Kê, thành phố Hồ Chí Minh
6. Từ Quang Phương (2010), Giáo trình quản lý dự án, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
7. Lê Kinh Vĩnh (2003), Quản trị dự án đầu tư, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
8. Nguyễn Văn Tuấn (2006), Đồ án tốt nghiệp Phân tích tài chính có tính đến rủi ro dự án nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Khoa Kinh tế và Quản lý trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
9. Bùi Văn Tư, Lương Nguyễn Hoàng Phương (2011), Phân tích kinh tế- Tài chính dự án đầu tư thủy điện thượng KonTum, Nghiên cứu khoa học,
(số 04-2011), tr. 62-72.
10. Dự án đầu tư Công trình Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2
11. Báo cáo tổng hợp kết quả thẩm định dự án Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 của Chi nhánh Ngân hàng phát triển tỉnh Lâm Đồng.