Kính trọng và đề cao vai trò của người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến người cao tuổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong Luật Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 tại Chương VII, Điều 41 [35] đã nêu rõ:“Người cao tuổi được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khỏe của mình”.
Theo Nghị quyết 45/106 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc [9], ngày 01 tháng 10 hàng năm là ngày quốc tế NCT. Ngày 01/10/1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (nay là Chủ tịch nước) đã ra lời kêu gọi các cụ phụ lão cũng như đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Liên Hợp Quốc. Lời kêu gọi đã khẳng định: “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một chính sách rất quan trọng và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta”.
Pháp lệnh về NCT được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 28/4/2000 (số 23/2000 PL-UBTVQH) [34] khẳng định rằng: “Việc phụng dưỡng
người cao tuổi là trách nhiệm chủ yếu của gia đình có người cao tuổi, người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được Nhà nước và xã hội giúp”. Đây là cơ sở pháp lý cho các hoạt động xã hội về NCT, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm sóc và phát huy vai trò của NCT trong đời sống kinh tế xã hội.
Nhằm cụ thể hóa và triển khai Pháp lệnh về NCT, Bộ Y tế đã ban hành
Thông tư số 02/2004/TT-BYT [2] ngày 20/1/2004 hướng dẫn thực hiện công tác CSSK NCT. Theo Thông tư NCT sẽ được quản lý sức khỏe và CSSK ban đầu ngay tại tuyến xã và được ưu tiên trong KCB tại tuyến trên, đặc biệt các cơ sở y tế tuyến trên sẽ có khu điều trị dành riêng cho NCT. Như vậy, NCT sẽ được quan tâm, chăm sóc một cách cụ thể hơn, qua đó phần nào đáp ứng mong muốn của NCT là được sống vui, sống khỏe, được chăm sóc sức khỏe và KCB khi ốm đau.
Nghị định số 67/2007/NĐ-CP [2] được Chính phủ ban hành quy định rõ các hình thức hỗ trợ cho NCT cô đơn, thuộc hộ nghèo, NCT còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo và đặc biệt là người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội. Các đối tượng này được trợ cấp 270 nghìn đồng/tháng, người từ 85 tuổi trở lên bị tàn tật nặng được trợ cấp 360 nghìn đồng/tháng. Mục 4, Điều 3, Luật khám bệnh, chữa bệnh (Quốc hội (2009), Luật số 40/2009/QH12) [18] cũng nêu rõ: “Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên”.
Luật NCT (số 39/2010/QH12) [19] được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ ngày 01/07/2010. Luật quy định NCT là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Để quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT, Nghị định số 06/2011/NĐ-CP được ban hành [24].
Các chính sách trên đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến người cao tuổi. Điều này thể hiện truyền thống kính lão có từ xưa của người dân Việt Nam.