Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi

Một phần của tài liệu hiệu quả mô hình quản lý, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại xã uy nỗ, huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 28 - 29)

Đặc điểm bệnh tật ở NCT là bệnh mạn tính, đa bệnh, khó phát hiện và thời gian hồi phục lâu. Ở các nước phát triển, mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe là phòng ngừa và điều trị các bệnh mạn tính (tim mạch, ung thư, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, Alzheimer…), lối sống thiếu lành mạnh (nghiện hút, lạm dụng rượu bia…), tăng hiệu quả chăm sóc nội trú, cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu có hiệu quả chi phí cao, dịch vụ chăm sóc dài hạn cho NCT. Nghiên cứu ở Mỹ năm 2002 cho thấy ba bệnh hay gặp nhất ở NCT là cao huyết áp, đái tháo đường và ung thư. Những thói quen xấu liên quan với bệnh tật ở NCT là hút thuốc, chế độ ăn và lối sống ít hoạt động. Có 80% người cao tuổi ở Mỹ mắc ít nhất một bệnh và 50% mắc ít nhất 2 bệnh [37]. Ở các nước đang phát triển vừa phải giải quyết các bệnh lây nhiễm, dinh dưỡng, vừa phải đối phó với những vấn đề bệnh tật của lối sống hiện đại, trong khi điều kiện hệ thống CSSK còn nhiều thiếu thốn [22].

Ở Việt Nam, mô hình bệnh tật của NCT đang chuyển từ bệnh lây nhiễm sang bệnh mạn tính, không lây nhiễm. Nghiên cứu của Viện Lão khoa [22] tiến hành tại 3 xã/ phường thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính khá cao. Các nhóm bệnh thường gặp theo thứ tự giảm dần là: bệnh về giác quan, tim mạch, xương khớp, nội tiết - chuyển hoá, tiêu hoá, tâm thần kinh, hô hấp, thận tiết niệu. Trong nhóm bệnh tim mạch nổi bật lên là tăng huyết áp chiếm tỷ lệ 45,6%, nhóm ≥ 75 tuổi (54,6%) cao hơn nhóm 60 - 74 tuổi (42%). Trong nhóm bệnh về xương khớp, đứng đầu là bệnh thoái hóa khớp, tiếp theo là loãng xương và viêm khớp dạng thấp. Nữ giới mắc bệnh về xương khớp nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ NCT bị đái tháo đường chiếm 5,8% và béo phì là 18,3%. Trong các giác quan, giảm thị lực đứng hàng đầu chiếm tỷ lệ 76,7%, tiếp đến là các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể… Tỷ lệ NCT có giảm thính lực là 40,1%. Sa sút trí tuệ, trầm cảm, Parkinson cũng là những bệnh thường gặp ở NCT và có liên quan chặt chẽ với tình trạng sức khỏe, tình trạng sống độc thân do góa bụa và điều kiện kinh tế. Sa sút

trí tuệ ở nữ giới cao hơn nam giới và tăng cao ở nhóm ≥ 75 tuổi (9,8%) so với nhóm 60 – 74 tuổi (3,9%) [6]. Cũng theo Phạm Thắng và Đỗ Thị Khánh Hỷ (2009), sa sút tâm thần và trầm cảm là hai bệnh đang có xu hướng tăng lên ở Việt Nam và tỷ lệ NCT mắc bệnh này tăng lên khi tuổi càng cao [23].

Nguyễn Đình Lân (2006) nghiên cứu trên 438 NCT tại tỉnh Hà Tây [13] cho thấy 96,1% NCT có bệnh, trong đó mắc 1 bệnh (61,5%), 2 bệnh (20,7%) và 3 bệnh trở lên (13,9%). NCT ở thành thị có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nông thôn (99,3 % so với 90,4%).

Hệ quả của sự thay đổi mô hình bệnh tật của NCT ở Việt Nam đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tật và tàn phế ở NCT và xu hướng này tiếp tục diễn ra trong những thập niên tới. Tình trạng này có thể khiến cho người cao tuổi bối rối, tự ti và giảm giao tiếp xã hội. Do đó, để nâng cao sức khỏe cho NCT, Việt Nam cần có những chính sách quan tâm hơn nữa đến NCT nhằm đem lại cuộc sống khỏe mạnh và tốt đẹp hơn cho nhóm người chiếm một tỷ lệ không nhỏ này.

Một phần của tài liệu hiệu quả mô hình quản lý, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại xã uy nỗ, huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 28 - 29)