3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.3.4. Đường truyền lây
Truyền lây trực tiếp: Các đường lây truyền trực tiếp của PRRSV trong và giữa các quần thể lợn bao gồm các lợn nhiễm bệnh và tinh dịch bị nhiễm virus. PRRSV được phát hiện từ nhiều loại chất tiết và các chất thải từ lợn bao gồm máu, tinh dịch, nước bọt, dịch họng, phân, nước tiểu, hơi thở ra, sữa và sữa đầu (Swenson và cs, 1994) [46]; (Will và cs, 1997) [50].
Sự truyền lây theo chiều dọc xảy ra trong suốt giai đoạn giữa đến giai đoạn cuối của thời kỳ mang thai (Christianson và cs, 1992) [21]. Tuy nhiên, khả năng qua nhau thai của virus phụ thuộc vào giai đoạn mang thai của nái khi virus xâm nhập vào cơ thể chúng. Nếu virus xâm nhập vào con nái đang chửa kỳ 1 hoặc kỳ 2 thì khả năng qua nhau thai của virus là rất thấp, thể hiện ở đàn con sinh ra tỷ lệ chết thấp, tỷ lệ thai chết lưu cũng thấp, có con non còn hầu như không có triệu chứng bệnh. Nếu virus xâm nhập vào những con nái đàn chửa kỳ 3 (92 ngày trở lên) thì khả năng qua được nhau thai là rất cao. Chúng thường gây chết lợn mẹ, hoặc tăng tỷ lệ thai chết lưu, đẻ non, con non chết yểu nhiều, tỷ lệ cai sữa thấp… Hiện tượng này được giải thích là do tính thấm của nhai thai ở các giai đoạn khác nhau của thai kỳ là khác nhau.
Truyền lây theo chiều ngang cũng đã được báo cáo qua tiếp xúc trực tiếp giữa lợn bệnh và lợn cảm nhiễm (Bierk và cs, 2001) [19] cũng như sự lây truyền qua tinh dịch của những lợn đực nhiễm bệnh (Yaeger và cs, 1993) [51].
Nhiễm trùng kéo dài: Nhiễm bệnh dai dẳng là một đặc trưng của nhóm Arterivirus (Plagemann and Moennig, 1992) [42]. Sự tồn tại dai dẳng của PRRSV gây ra lây nhiễm “âm ỉ”, virus hiện diện ở mức độ thấp trong cơ
thể và giảm dần theo thời gian (Wills và cs, 1997) [50]. Cơ chế mà virus sử dụng để tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể chưa được làm rõ. Thời gian tồn tại của virus được công bố trong nhiều nghiên cứu, nhưng kết quả rất khácnhau. Sử dụng phản ứng khuếch đại gen (PCR) ARN của virus đã được pháthiện ở lợn đực hậu bị (6-7 tháng tuổi) cho tới 120 ngày sau khi gây nhiễm (Batista và cs, 2002) [16] và sự bài thải virus sang động vật chỉ báo mẫn cảmđược báo cáo là đến 86 ngày (Bierk và cs, 2001) [19].
Về sự tồn tại dai dẳng của PRRSV ở mức độ quần thể trong một khoảng thời gian nhất định, PRRSV đã được phát hiện trong 100% trong số 60 lợn 3 tuần tuổi được gây bệnh thực nghiệm cho đến 63 ngày sau khi gây nhiễm và 90% trên cùng đàn lợn nói trên lúc 105 ngày sau khi gây nhiễm (Horter và cs, 2002) [29].
Nhiễm các bào thai trong tử cung trong khoảng 85-90 ngày của giai đoạn mang thai làm thú mắc bệnh bẩm sinh ngay khi mới sinh ra, với ARN của PRRSV được phát hiện trong huyết thanh vào ngày 120 sau khi đẻ (Benfield và cs, 1997) [18]. Lợn chỉ báo được nhốt lẫn với những lợn mắc bệnh này (98 ngày sau khi sinh) đã phát triển kháng thể PRRSV vào 14 ngày sau đó. Cuối cùng, sự tồn tại dai dẳng của PRRSV trong từng cá thể dao động trong khoảng thời gian từ 154 đến 157 ngày sau khi nhiễm đã được báo cáo (Albina và cs, 1994) [14]; (Otake và cs, 2002a) [40].
Truyền lây gián tiếp
- Các dụng cụ, thiết bị: Một số đường truyền lây gián tiếp qua các dụng cụ, thiết bị đã được xác định trong những năm gần đây. Ủng và quần áo bảo hộ đã được chứng minh là những nguồn lây nhiễm tiềm năng cho lợn mẫn cảm (Otake và cs, 2002a) [40]. Nguy cơ lây truyền qua những đường này có thể được giảm thiểu qua áp dụng các bảng nội quy: thay quần áo, giày dép, rửa tay, tắm, tạo những khoảng thời gian nghỉ khoảng 12 giờ giữa những lần tiếp xúc với lợn.
Kim tiêm cũng là phương tiện lan truyền PRRSV giữa các lợn với nhau, chứng minh cho nhu cầu phải quản lý kim tiêm hợp lý (Dee et al, 2002) [24]. - Các phương tiện vận chuyển: Các phương tiện vận chuyển là một đường chính làm lây lan PRRSV. Sử dụng một mô hình tỷ lệ 1:150, lợn mẫn cảm đã thu nhận PRRSV qua tiếp xúc ở bên trong mô hình vận chuyển vấy nhiễm virus; tuy nhiên, làm khô phương tiện vận chuyển đã làm giảm sự lây nhiễm (Dee et al, 2002) [24].
Biện pháp làm tăng thời gian sấy khô qua việc sử dụng không khí ấm với tốc độ cao (hệ thống khử tạp nhiễm và sấy khô bằng nhiệt) đã được chứng minh là một phương pháp hiệu quả để loại trừ PRRSV từ bên trong một phương tiện vận chuyển đã bị nhiễm virus (Dee et al, 2002) [24].
Kết hợp với việc sấy khô, các chất sát trùng cũng đã được sử dụng rộng rãi để làm vệ sinh các phương tiện vận chuyển sau khi được sử dụng.
- Côn trùng: Các loài côn trùng (muỗi - Aedes vexans và ruồi nhà – Musca domestica) được theo dõi thường xuyên trong phương tiện, thiết bị dùng cho lợn trong suốt các tháng mùa hè và đã cho thấy có lan truyền PRRSV bằng cơ học từ lợn nhiễm bệnh sang lợn mẫn cảm trong điều kiện thực nghiệm (Otake et al, 2002a) [40].
Trong côn trùng, virus nằm ở đường tiêu hóa. Các côn trùng không phải là vector sinh học của PRRSV (Otake et al, 2002a) [40]; vì thế khoảng thời gian tồn lưu của PRRSV trong đường tiêu hóa côn trùng phụ thuộc vào lượng virus ăn vào và nhiệt độ của môi trường. Sự vận chuyển PRRSV bởi các loài côn trùng qua một vùng nông nghiệp đã được báo cáo là có thể tới 2,4km sau khi tiếp xúc với quần thể lợn nhiễm bệnh.
- Các loài có vú khác và gia cầm: Điều tra vai trò của các loài có vú khác nhau (loài gặm nhấm, gấu trúc Mỹ, chó, mèo, thú có túi, chồn hôi) và các loài chim (chim sẻ, sáo nuôi) cho thấy không có loài nào là vector sinh
học và cơ học trong việc lây lan PRRSV (Wills et al, 1997) [50]. Zimmerman và cộng sự đã gây bệnh qua đường miệng cho vịt trời, ngan, gà lôi với khoảng 104 TCID50 virus PRRS. Họ có khả năng phân lập được virus trong phân gà (5 ngày sau khi tiêm truyền), gà lôi (5 và 12 ngày sau khi tiêm truyền), và tồn tại ở vịt trời (khoảng 5 ngày sau khi tiêm truyền). Triệu chứng lâm sàng không thấy ở bất cứ loài chim nào và chúng không có sự thay đổi huyết thanh đối với PRRSV.
- Lây lan qua không khí: Hiện nay, sự truyền lây PRRSV qua các tiểu phần lơ lửng trong không khí giữa các trang trại với nhau vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Các dữ liệu trước đây thu thập từ các ổ dịch diễn ra ở Anh cho thấy virus có thể lan truyền theo các tiểu phần lơ lửng trong không khí xa tới 3 km. Hay một vụ dịch nổ ra tại Tây Âu gần như ngay lập tức sau khi ổ dịch đầu tiên xảy ra tại Đức. Nguyên nhân của vụ dịch này được giải thích là do virus có khả năng truyền qua không khí, theo gió tới vùng Tây Âu và gây bệnh cho những lợn trong các trang trại ở khu vực này cũng chứng minh rằng virus có thể truyền qua không khí với khoảng cách lên tới 3 km.
Gần đây, từ một nghiên cứu dịch tễ học trên quy mô lớn cũng cho thấy các tiểu phần không khí là đường truyền lây gián tiếp giữa các vùng chăn nuôi lợn với nhau.