VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
6.4.2. Phương thức huy động vốn
Đổi mới giải pháp huy động nguồn tài chính của cộng đồng, lấy xã hội hóa
nguồn tài chính làm trọng tâm: vận động và tổ chức, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của nhân dân, của các thành phần kinh tế và toàn xã hội đầu tư vào sự nghiệp ứng phó với BĐKH; phát huy nội lực người sử dụng đóng góp một phần chi phí xây dựng và toàn bộ chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng và quản lý công trình; vận động các nhà tài trợ để thu hút thêm vốn ODA và các nguồn tài trợ khác cho Chương trình.
Tập trung ưu tiên cho các dải ven biển, các vùng miền núi, vùng khó khăn và các vùng thường xuyên bị thiên tai.
1) Vốn ngân sách nhà nước
Vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho Chương trình được xác định một cách thoả đáng, tương xứng với vị trí của của Chương trình trong chiến lược phát triển KT- XH của đất nước.
Vốn NSNN cho Chương trình cần có sự lồng ghép, phối hợp với các dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia khác ngay từ khi thẩm định và trình duyệt.
2) Vốn vay tín dụng ưu đãi
Nhu cầu vốn tín dụng cho Chương trình rất lớn. Để đạt được kế hoạch này, cần tăng thêm nguồn vốn tín dụng, đồng thời mở rộng phạm vi, đối tượng phục vụ của Quỹ tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình. Vốn tín dụng chủ yếu dạng trung hạn và dài hạn với lãi suất thấp hoặc không thu lãi.
3) Vốn của dân và vốn của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để huy động các hộ gia đình
tham gia các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác, của tư nhân sẽ được chú trọng huy động để thực hiện Chương trình thông qua việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, khơi dậy nguồn vốn từ nội lực của nền kinh tế; khuyến khích tham gia của khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư xây thực hiện các dự án BĐKH thông qua các chính sách ưu đãi như chính sách về đất đai, giảm thuế, miễn thuế, ưu tiên khi vay tín dụng ưu đãi…
4) Vốn viện trợ Quốc tế
Với phương thức tiếp cận tranh thủ tối đa nguồn vốn Quốc tế, Chương trình đang và sẽ nhận sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế và các Tổ chức phi chính phủ (NGOs), trong đó lâu dài và cơ bản là các nguồn quỹ đa phương về BĐKH, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và các quỹ song phương của các nước phát triển.
Nguồn vốn này bao gồm vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay dài hạn, lãi suất ưu đãi, được huy động thông qua các hình thức hợp tác đa phương, song phương. Hỗ trợ tài chính của quốc tế thông qua việc đóng góp chung cho quỹ trợ cấp và quỹ tín dụng, trợ cấp cho các dự án hoặc một khu vực.
Vốn viện trợ quốc tế cho Chương trình phải được kế hoạch hoá ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt và thể hiện trong kế hoạch hàng năm của Chính phủ.