Trung Quốc là bạn hàng chiếm tới 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Do đó để cải thiện nhập siêu thì phải có những biện pháp thực sự hiệu quả để cải thiện thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Thứ nhất, Việt Nam cần tăng cường quản lý, phân công các cửa khẩu chuyên nhập hàng từ Trung Quốc như cách Trung Quốc đã làm với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, cần tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập từ Trung Quốc, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ ba cần tăng cường công tác quản lý chống buôn lậu, nhập lậu tại các vùng biên giới giáp với Trung Quốc. Thứ tư, cần thực hiện chính sách tỷ giá, tiền tệ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Chúng ta cần điều hành tỷ giá theo cơ chế thả nổi, theo cung cầu thị trường và có sự quản lý của Nhà nước. Thứ năm, về trung dài hạn cần có biện pháp điều chỉnh cung để giảm hệ số sử dụng hàng nhập khẩu. Cụ thể, là cần có biện pháp dịch chuyển từ công nghệ gia công, lắp ráp sang công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Cần có chính sách ưu tiên khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất máy móc thiết bị thay thế hàng nhập khẩu để hạn chế nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng này.
KẾT LUẬN
Như vậy, với đề tài “Cán cân thương mại Việt Nam sau gia nhập WTO”, chúng ta đã đi từ phần lý thuyết chung đến thực tiễn của Việt Nam, đi từ tổng quan về cán cân thương mại của một quốc gia đến phần thực trạng của cán cân thương mại Việt Nam và từ đó đề ra một số giải pháp. Nhìn chung, ta đã biết được thế nào là cán cân thương mại, những nhân tố ảnh hưởng đến nó và ngược lại nó cũng tác động gì đến nền kinh tế một quốc gia. Qua nghiên cứu ta thấy được vấn đề nhập siêu vẫn là một bài toán khó, làm đau đầu các nhà kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên trong thời kỳ mở cửa nền kinh tế thì nhập siêu là điều bình thường. Sự tập trung của dư luận vào những con số nhập siêu cũng như đối tác nhập siêu có thể dẫn đến giới làm chính sách hướng đến những chính sách sai lầm như xây dựng thêm các hàng rào bảo hộ thương mại thay vì tập trung giải quyết nguyên nhân đích thực gây ra nhập siêu dai dẳng và ngày càng lớn như hiện nay. Nguyên nhân đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như cơ chế tỷ giá,cơ cấu hàng xuất và nhập khẩu, cùng nhân tố khách quan như sự mở cửa kinh tế, tăng trưởng kinh tế…Do đó, hạn chế tình trạng nhập siêu không thể dùng những biện pháp đơn lẻ mà phải có sự phối kết hợp của nhiều giải pháp thì mới có hiệu quả. Hơn nữa, các giải pháp này cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phối hợp hài hoà để phù hợp với thực tiễn Việt Nam, có như vậy chúng ta mới có thể phát huy được tiềm lực, ổn định cán cân thương mại trong tương lai tốt hơn tạo điều kiện hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế.