Để đẩy mạnh xuất khẩu cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều biện pháp. Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tận dụng được lợi thế so sánh tĩnh về lao động và tài nguyên. Kết quả là tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu gồm những ngành hàng sử dụng lao động với giá trị gia tăng thấp, nhất là các mặt hàng nông nghiệp và tài nguyên khoáng sản. Tỷ trọng các mặt hàng sử dụng công nghệ hiện đại thấp so với Trung Quốc và các nước ASEAN.Trong bối cảnh Chính phủ đang đặt ra nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nước ta phải cải thiện cơ cấu xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sử dụng công nghệ hiện đại trên cơ sở đổi mới công nghệ. Ngoài ra, để cải thiện cơ cấu xuất khẩu không thể không tính đến vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì hiện tại khu vực này chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và là kênh quan trọng kết nối kinh tế trong nước với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, việc định hướng xuất khẩu mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam cần phải có chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI có chất lượng. Bên cạnh đó, việc tận dụng triệt để các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại song phương chính là một giải pháp quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay khi các thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách về thuế cũng sẽ góp phần quan trọng để khuyến khích xuất khẩu. Trong thời gian qua Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Về khuyến khích xuất khẩu, chỉ tính riêng trong tháng 8/2011, Bộ Tài chính đã ban hành một số thông tư điều chỉnh chính sách thuế. Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 103/2011/TT-BTC quy định áp dụng thu thuế nhập khẩu mức 10% đối với mặt hàng thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo để
hạn chế gian lận thương mại; Thông tư 102/2011/TT-BTC sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng đào lộn hột chưa bóc vỏ (từ 5% xuống 3%) để giảm chi phí đầu vào cho ngành sản xuất điều; điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu mặt hàng sắt thép phế liệu, phế thải (giảm từ mức 22 % xuống 15%) nhằm khuyến khích xuất khẩu phế liệu, phế thải trong nước không sử dụng được, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Một vấn đề đặt ra trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn đó là các rào cản, các quy định khắt khe của các thị trường đó. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, đồng thời phải tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã của các mặt hàng. Thực tế đã chứng minh nếu các doanh nghiệp có thể nâng cao được chất lượng của sản phẩm mình thì không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn thu hút thị trường trong nước, qua đó giảm tình trạng nhập siêu. Vấn đề thứ hai cũng hay xảy ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam đó là các vụ kiện bán phá giá và không làm đúng các quy định của các nước. Đối với việc này thì các doanh nghiệp không nên lẩn tránh như trong quá khứ mà nên tích cực hợp tác. Sự hợp tác điều tra sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điều lợi hơn và tránh được thiệt hại không cần thiết. Để chủ động với các vụ kiện chống bán phá giá của nước ngoài trước hết chính phủ cần tích cực triển khai đàm phán song phương, đa phương để tranh thủ nhiều nước thừa nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, do dó không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Công thương cần dự báo các danh mục các ngành hàng và mặt hàng của nước ta có khả năng bị kiện phá giá trên cơ sở rà soát theo tình hình sản xuất, xuất khẩu từng ngành hàng của Việt Nam và cơ chế chống bán phá giá của từng quôc gia để từ đó có sự phòng tránh cần thiết. Việt Nam cần xây dựng chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu để phân tán rủi
ro. Chúng ta cần tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một nước vì điều này có thể tạo ra cơ sở để các nước khởi kiện bán phá giá. Theo hướng đó, các doanh nghiệp nên hướng vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản…các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Úc…các thị trường mới như Trung Đông, Nam Phi…Bên cạnh đó, cần khai thác thị trường nội địa - một thị trường đầy tiềm năng phát triển.
Trong vấn đề xuất khẩu thì bản thân sự can thiệp cũng như các quy định và sự giúp đỡ của chính phủ là rất cần thiết. Chính phủ nên có những biện pháp tìm hiểu về các quy định về các mặt hàng xuất khẩu của nước ta và thông báo với các doanh nghiệp để họ có thể thuận lợi tìm thị trường phù hợp với doanh nghiệp mình. Ngoài ra, việc biên giảm các khâu thủ tục không cần thiết trong vấn đề xuất khẩu cũng là một điều quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Việc các ngân hàng mới đây cung cấo mức lãi suất cho vay quá cao (từ 20 – 25%) đã khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn. Vì thế, Bộ Công Thương cần đề nghị với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại có giải pháp cụ thể về tín dụng lưu động cho các ngành hàng để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận vốn thuận lợi, dễ dàng yên tâm sản xuất.