Để đạt được mục tiêu giảm nhập siêu trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu là cần thiết bởi điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, sản xuất trong nước có điều kiện giành thêm giá trị gia tăng. Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhằm hạn chế nhập siêu cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật,
phân tích rõ cơ cấu nhập khẩu số lượng lớn hàng tiêu dùng không thiết yếu để biết được những mặt hàng nào trực tiếp phục vụ sản xuất và những mặt hàng gì chỉ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ định hướng chính sách rà soát để có cơ sở cấp vốn vay nhập hàng, cũng như sử dụng các biện pháp khác, trong đó có việc cấp giấy phép tự động, nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Theo các điều khoản về cán cân thanh toán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước thành viên có quyền áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu với những điều kiện nhất định nhằm bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán. Trong trường hợp các nước đang phát triển, biện pháp này còn để bảo đảm mức dự trữ đủ để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế. Việc mở cửa nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là gia nhập WTO và tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đã làm gia tăng nhập khẩu. Nếu nhập khẩu tăng làm nảy sinh những vấn đề mới cho nền kinh tế trong nước thì Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu, miễn là phù hợp với luật pháp trong nước và các cam kết quốc tế. Tuy nhiên nếu siết mạnh quản lý nhập khẩu sẽ gây trở ngại cho phát triển của nền kinh tế trên mọi phương diện, do đó việc xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu phải được tiến hành một cách thận trọng nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như của doanh nghiệp nói riêng và của một số sản phẩm hàng hóa đã không cạnh tranh được với hàng nước ngoài, nếu chúng ta siết quá mạnh, quá đột ngột, sẽ làm tắc nghẽn hoạt động kinh tế trên mọi phương diện, tác động sẽ nguy hại hơn. Cho nên việc điều hành xuất nhập khẩu và kiềm chế nhập siêu phải được tiến hành rất thận trọng, có tính toán để giảm thiểu tác động đến kinh doanh và xuất nhập khẩu. Để hạn chế nhập siêu trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc tăng rào cản thuế và phi thuế đối với hàng nhập khẩu không thiết yếu phục vụ sản xuất tiêu
dùng cần phải tuân thủ lộ trình giảm thuế đã được cam kết. Cần rà soát lại các khoản thuế, dòng thuế với các hàng hóa nhập khẩu, nhất là nhóm hàng hạn chế nhập khẩu và áp dụng đến mức cao nhất mà lộ trình cam kết với Tổ chức thương mại thế giới. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra giá tính thuế hàng nhập khẩu trong khâu thông quan, thông qua việc đưa vào danh mục quản lý rủi ro từ 13 nhóm mặt hàng lên 20 nhóm mặt hàng.