1.8.3.1. Cơ sở lý luận
- Phương pháp dạy học này xuất phát từ nguyên lý về mối liên hệ phổ biến: “Mọi sự vật, hiện tượng đều tồn tại trong những mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau”. Từ mối liên hệ đó, trong xã hội thể hiện là mối liên hệ giữa cá nhân và tập thể: Cá nhân tồn tại trong tập thể với tư cách là một tế bào, cá nhân biểu hiện bản sức của mình qua hoạt động tập thể, nhưng không hoà tan vào tập thể; cá nhân không tồn tại một cách đích thực nếu không gắn với một tập thể nhất định.
- Phương pháp dạy học hợp tác là một phương pháp dạy học tích cực, hỗ trợ cho các phương pháp dạy học tích cực khác.
Trong hoạt động tập thể học sinh có hứng thú và động cơ học tập hơn, kiến thức được các em học sinh khám phá tìm tòi, được tiếp thu từ nhiều chiều như: qua thầy, qua bạn, qua thành công, qua thất bại. Từ đó học sinh nắm kiến thức vững chắc hơn, hiểu biết vấn đề sâu sắc hơn.
1.8.3.2. Khái niệm
- Phương pháp dạy học hợp tác là phương pháp dạy học ở đó học sinh được học tập trong một nhóm, có sự cộng tác của các thành viên trong nhóm một cách trực tiếp và tích cực nhằm lĩnh hội kiến thức, đạt mục đích chung của nhóm.
- Dạy học hợp tác bao gồm 5 thành tố cơ bản: Sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực, sự tương tác trực tiếp tác động đến sự thành công của nhau, thể hiện rõ được trách nhiệm của cá nhân trong nhóm, phát triển kỹ năng giao tiếp, phải được rút kinh nghiệm qua hợp tác nhóm.
- Quá trình dạy học hợp tác sẽ đạt được hiệu quả khi đáp ứng được các điều kiện:
+ Mục đích học tập phải được xác định rõ ràng.
+ Các thành viên trong nhóm phải trực tiếp và tích cực có trách nhiệm cao. + Có sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực giữa các thành viên. + Hình thành được động cơ hợp tác
+ Sự phân nhóm hợp lý, sự phân trách nhiệm hợp lý
1.8.3.3. Những hình thức tổ chức dạy học hợp tác
- Thi kiến thức theo đội - Thi trò chơi theo các đội
- Học ghép trong nhóm: Mỗi cá nhân trong nhóm nghiên cứu một phần nhiệm vụ, sau đó hợp tác lại để đưa ra kiến thức chung.
- Kiến thức theo nhóm: Các cá nhân trong nhóm tự kiểm tra kiến thức của nhau.
- Hợp tác trong hợp tác: Giáo viên phân chia bài học theo các chủ đề và phân công từng nhóm, sau đó các nhóm có trách nhiệm trình bày trước tập thể kết quả của nhóm mình.
1.8.3.4 Lưu ý khi dạy học hợp tác
- Chia học sinh thành các nhóm nhỏ, đồng thời trong mỗi nhóm không đồng nhất về năng lực, giới tính…
- Trong việc hoạt động nhóm giáo viên phải để ý đến việc hoạt động của các nhóm bởi trong một nhóm có thể có những học sinh nổi trội, do đó có thể gây ra tính thụ động của một số học sinh khác trong nhóm.
- Do kiến thức trong bài bị chia nhỏ thành các phần nên vai trò tổ chức, điều khiển của người thầy là rất quan trọng.