Hiện nay Whisky Scotland được sản xuất trong khoảng 90 lò nấu rượu tại Scotland (thời điểm tháng 10 năm 2005). Ngoài ra trong thời gian gần đây còn có hằng trăm lò nấu rượu khác đang ngưng hoạt động hay không còn tồn tại nữa. Để có được một cái nhìn tổng quát, các lò nấu rượu riêng lẻ và các loại Whisky được sản xuất từ các lò nấu rượu này được phân chia theo vùng. Các loại Whisky riêng lẻ của từng vùng cũng được cho là có cùng một khẩu vị đặc trưng. Cho đến nay người ta không đi đến được một cách phân chia thống nhất có sự đồng thuận theo vùng địa phương:
Vùng Highlands trải dài ở phía Bắc của đường thẳng tưởng tượng giữa Edinburgh và Glasgow. Vùng này lại thường được tiếp tục chia ra thành Central Highlands, Northern Highlands, Western Highlands và Eastern Highlands. Các loại Whisky ở đây được cho là mạnh.
Speyside được hiểu là vùng đất dọc theo sông Spey trong các vùng đất bá tước Morayshire và Banffshire và như vậy thật ra là lại nằm trong vùng Highlands. Vùng này được coi là vùng
trung tâm của Whisky Scotland với trên 50 lò nấu rượu tập trung trong một diện tích hẹp.
Vùng Lowlands nằm ở phía Nam của đường tưởng tượng giữa Edinburgh và Glasgow. Whisky được sản xuất ở đây "mềm" và nhẹ.
Whisky xuất xứ từ đảo Islay thông thường được xem là "đặc biệt mạnh" bất chấp là có hương khói và hương than nhiều hay ít.
Ngược lại, Whisky từ các đảo khác như Arran, Mull, Jura, Skye, Orkney, và có thể là lúc nào đó cũng từ Shetland, thì đúng ra là không có đặc trưng chung.
Việc chia Campbeltown ra thành một vùng riêng biệt với chỉ còn 3 lò nấu rượu tồn tại thật ra chỉ còn tính chất lịch sử, vì thế mà vùng này cũng được xếp vào vùng Highlands hay vùng đảo.
Tập đoàn United Distillers (Diageo) có một chiến lược tiếp thị tương ứng với các vùng khác nhau bao gồm 6 cái gọi là Classic Malts trong chương trình tiếp thị. Biện pháp này rất thành công về kinh tế, các loại Classic Malts này thuộc về các Single Malts thành công nhất nói chung.
Bên cạnh các doanh nghiệp là chủ của các lò nấu rượu còn có nhiều hãng đóng chai độc lập bán Whisky trên thị trường. Các hãng này mua từ các nhà sản xuất phần nhiều là các loại Whisky đặc biệt còn trong thùng và bán đi sau khi vô chai dưới nhãn hiệu riêng. Nổi tiếng là các loại chai Whisky của Adelphi, Gordon & MacPhail, Signatory hay Wm. Cadenhead Ltd và nhiều hãng khác. Nhưng chủ nhân của các lò nấu rượu, các tập đoàn rượu mạnh lớn, cũng chào bán trên thị trường các xê ri rượu của các năm sản suất hay của các lò nấu rượu đã được lựa chọn. Các xê ri có tiếng thí dụ như là xê ri Flora & Fauna hay Rare Malt Series.
Phần cất từ mạch nha là nền tảng của Malt-Whisky từ Scotland mà trong đó mạch nha thường còn được hun khói bằng than bùn. Lúa mạch đã nẩy mầm được hong khô trong một lò gọi là kiln. Nếu được hong khô bằng cách dùng than bùn Whisky có phảng phất hương khói. Độ hương khói được biểu thị bằng nồng độ ppm (parts per million) của phênol. Các loại Whisky như của hãng Lagavulin (khoảng 30 ppm) hay của hãng Laphroaig (trên 30 ppm) là các loại Whisky có nồng độ phênol cao. Whisky có hương khói than bùn nhiều nhất là Octomore của lò nấu rượu Bruichladdich, được cho là có trên 80 ppm phênol. Những người trong cuộc còn nói là có cả những mẫu của phần cất với nồng độ phênol lên đến 300 ppm.
Một phần cất được phép gọi là Scotch Whisky khi được sản xuất trong một lò chưng cất tại Scotland, có ít nhất 40 phần trăm thể tích rượu và được trữ ít nhất là 3 năm tại Scotland trong những thùng làm từ gỗ sồi có niêm phong của thuế quan. Thời gian trữ thông thường là 8 đến 12 năm nhưng cũng có thể kéo dài đến 15, 20, 25, 30 và 50 năm. Tùy theo lò nấu rượu, sau nhiều năm trữ khác nhau mà Whisky đạt đến được một tối ưu cân bằng giữa đặc tính chưng cất và ảnh hưởng của thời gian lưu trữ. Ở tại đa số các loại Whisky thời gian này nằm giữa 12 và 15 năm. Các Whisky lâu đời thì đặc biệt là hay "mềm" và "nhẹ" nhưng lại trả giá bằng tính chất riêng biệt vì ảnh hưởng của thùng ngày càng chiếm ưu thế. Vì thế quan niệm phổ biến cho rằng Whisky càng lâu đời càng tốt chỉ đúng có giới hạn.
Ngược với Mỹ, gần như không bao giờ những thùng gỗ sồi còn mới được sử dụng để trữ mà chỉ những thùng trước đó chứa Bourbon hay Sherry, trong vài trường hợp riêng lẻ là những
thùng chứa rượu Porto hay Rum (trường hợp ngoại lệ duy nhất: "Glenfiddich Solera Reserve" – một phần của loại Whisky này được trữ chín mùi trong một thời gian ngắn trong các thùng mới). Được sử dụng chủ yếu là các thùng gỗ sồi (Quercus alba) từ Mỹ mà vừa trữ Whiskey Mỹ xong. Đầu tiên xuất phát từ nguyên do phí tổn, ngày nay việc này trở thành một phần quan trọng trong truyền thống của Whisky vì việc này mang lại cho tất cả các loại Whisky một phần lớn vị đặc trưng của chúng. Ngoài ra việc trữ trong các thùng mới không khuyến khích đặc tính riêng biệt của một Single-Malts vì vị vanill-caramel đặc trưng của Bourbon Whiskey sẽ phủ trùm lên các tính chất này. Nguyên nhân phí tổn vẫn còn đóng một vai trò quan trọng: giá một thùng từ Mỹ vào khoảng 30 Euro trong khi thùng từ Tây Ban Nha là 300 Euro. Các thùng đã chứa Sherry từ Tây Ban Nha (Quercus robur) rất thích hợp cho loại Whisky "ngọt" của Speyside trong khi loại thùng gỗ sồi Mỹ đã chứa Bourbon được dùng cho Whisky của các đảo vì hương khói. Hãng làm thùng Speyside Cooperage tại Craigellachie đóng hằng năm khoảng 100.000 thùng gỗ sồi và sửa chửa thùng cho những lò nấu rượu lân cận. Trong năm 2004 vào khoảng 18 triệu thùng Whisky được trữ tại Scotland.
Whisky trong thùng, tùy theo độ mạnh lúc vô chai và thời gian trữ theo lệ thường có đến 70 phần trăm thể tích, được pha loãng với nước đến nồng độ uống. Loại vô chai không pha loãng, trực tiếp vô chai với độ mạnh của thùng và vì vậy hay có mùi thơm nồng hơn, ngày càng được ưa chuộng.
Scotland xuất khẩu hằng năm 700 triệu chai Whisky, chủ yếu là sang Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và Nhật.