Để sản xuất loại Malt-Whisky, lúa mạch được chế biến thành mạch nha bằng cách làm cho ẩm và cho nẩy mầm. Nhờ vậy enzyme được tạo thành và tạo khả năng hóa đường tinh bột sau đó. Sau 5 đến 8 ngày mạch nha xanh được hong khô. Tại Scotland người ta dùng một loại lò cổ truyền (kiln) và đốt một lượng than bùn nhất định trong lò. Việc này mang lại hương khói đặc trưng của một số Whisky Scotland. Mặc dầu là phương pháp này vẫn còn được sử dụng lác đác, việc gây mạch nha ngày nay được tiến hành trong các nhà máy lớn chuyên môn.
Để sản xuất Malt-Whisky của Scotland và Pot-Still-Whiskey của Ireland "bia" được chưng cất trong những bình bằng đồng có hình giống củ hành (pot still) có cổ phía trên giống như cổ của thiên nga (swan neck). Phần cất có nồng độ rượu từ 60% đến 75%. Tất cả các thử nghiệm thay thế đồng bằng các kim loại ít bị rỉ sét, dễ gia công và rẻ tiền hơn đều thất bại vì hương vị không đạt của Whisky được sản xuất. Việc chưng cất được tiến hành gián đoạn vì bao giờ cũng chỉ có thể gia công được một phần wash nhất định.
Các loại Whisky khác phần lớn được chưng cất bằng cột chưng cất (patent still, column still hay Coffey still). Loại cột này do một người Scot là Robert Stein phát minh và thử nghiệm vào năm 1826 và được người Ireland là Aeneas Coffey cải tiến trong những năm sau đó. Bằng những cột chưng cất này, phần cất được sản xuất có nồng độ rượu tối đa là 94,8%. Loại cột này làm việc liên tục và đây cũng là một ưu điểm lớn về mặt phí tổn.
Kiểu Lomond (Lomond still) do Alistair Cunningham và Arthur Warren phát triển vào năm 1955, một phương pháp pha trộn giữa pot still và column still với một ống xi lanh có nhiều tấm bằng đồng di động bên trong, không đột phá được. Tuy đã được sử dụng trong nhiều lò nấu rượu, ngày nay phương pháp này chỉ còn được sử dụng tại hãng nấu rượu Whisky Scapa.
Trong Liên minh châu Âu Whisky phải đạt được những tiêu chuẩn được quy định trong chỉ thị số 1576/89 ngày 29 tháng 5 năm 1989:
Được sản xuất bằng cách chưng cất từ nước mạch nha của ngũ cốc.
Được chưng cất đến nồng độ rượu ít hơn 94,8 phần trăm thể tích.
Được lưu trữ ít nhất là 3 năm trong thùng gỗ có thể chứa 700 lít hay ít hơn.
Có nồng độ rượu ít nhất là 40 phần trăm thể tích.
Nếu như sản phẩm không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu trên thì không được bán trong Liên minh châu Âu như là Whisky.
Các nước khác có những quy định khác đối với những tiêu chuẩn trên, thí dụ như tại Uruguay thời gian lưu trữ ngắn nhất được quy định là 2 năm.
(theo Wikipedia)
Whisky - Lịch sử hình thành
NGUỒN GỐC
Vào thế kỷ thứ 5 các nhà tu Ki-tô giáo, mà trước tiên là thánh Saint Patrick của Ireland, bắt đầu truyền giáo trong xứ sở của người Celt và mang các dụng cụ kỹ thuật cũng như hiểu biết về cách chế tạo dược phẩm và nước hoa đến Ireland và Scotland. Theo truyền thuyết thì họ là những người đầu tiên đã chưng cất một chất lỏng trong suốt: aqua vitae hay uisge beatha. Sự hiểu biết này lan truyền trong các thế kỷ sau nhờ vào các tu viện được thành lập mà vào thời gian đó mà thường là trung tâm của các làng mạc và có mở quán rượu riêng.
Năm 1494 aquavite lần đầu tiên được nhắc đến trong các văn kiện thuế ở Scotland (Exchequer Rolls) khi nhà tu dòng Saint Benedict, John Cor, của tu viện Lindores (thuộc vùng đất phong bá tước Fife) mua 8 boll mạch nha tại thủ đô của Scotland lúc bấy giờ là Dunfermline. Boll là một đơn vị đo lường dùng để đong ngũ cốc cũ của Scotland, tương đương với 210,1 lít hay 62 kg). Lượng 8 boll tương đương với khoảng 500 kg, đủ để sản xuất vào khoảng 400 chai rượu Whisky.
Sau cuộc di dân đến châu Mỹ, Whisky cũng được thử sản xuất từ ngũ cốc. Vì cây lúa mạch (Hordeum) khó trồng ở đây nên những người nông dân ở Bắc Mỹ bắt đầu cho lên men các loại ngũ cốc tăng trưởng tốt ở đấy là lúa mạch đen (Secale) và lúa mì (Triticum). Các lò nấu rượu lâu đời nhất xuất hiện ở Maryland, Pennsylvania và Virginia. Vì không kiếm được than bùn nên không ứng dụng được công thức sản xuất Whisky cổ truyền và vì thế mà rượu nấu ra không được ngon. Thông qua việc đốt thành than vách các thùng đựng rượu người ta cố gắng mang lại hương khói quen thuộc vào phần cất. Mãi cho đến cuối thế kỷ 18 mới có những lò chuyên nấu rượu Whisky.