2.3.2.1. Những biểu hiện tích cực Trường hợp ngành du lịch
Du lịch không chỉ là một hoạt động kinh tế - xã hội thuần túy mà còn là một hoạt động văn hóa, trở thành một công cụ quan trọng trong việc nâng cao mức sống, giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Trong 20 năm qua, nhờ tiến trình đổi mới và những chính sách mở cửa hợp lý, Việt Nam đã tiến một bước dài trong việc thực hiện chiến lược trên. Thực tế tại Việt Nam trong thời gian cho thấy ở đâu có du lịch phát triển, ở đó chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Hoạt động du lịch trong nước diễn ra khắp nơi, từ đô thị đến nông thôn, từ vùng sâu đến những vùng cao nguyên... đã vẽ nên một diện mạo lạc quan về sự phát triển của du lịch Việt Nam. Với thu nhập hơn 1,5 tỉ USD/năm, du lịch Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tạo ra việc làm cho hơn 250.000 lao động trực tiếp và trên 450.000 lao động gián tiếp, chiếm khoảng 6% lao động trong cả nước. Theo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc là đến năm 2015 con số 1,2 tỉ người hiện đang sống với mức thu nhập dưới 1 USD/ngày sẽ giảm còn một nửa, thì du lịch Việt Nam có nhiệm vụ phải góp phần đẩy các hoạt động du lịch phát triển hơn nữa, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các vùng, miền còn khó khăn. Mặt khác, thông qua việc tham gia vào các hoạt động du lịch, các cộng đồng dân cư mà đặc biệt là người nghèo sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống, đồng thời góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. .
Phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng và có trách nhiệm với xã hội luôn được coi là hướng phát triển căn bản của du lịch Việt Nam. Sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam ngày càng được gắn liền với các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Do đó, chúng ta cũng cần quan tâm hơn mối quan hệ giữa phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với giảm nghèo. Du lịch là ngành cần nhiều lao động, tạo việc làm cho lao động nữ và lao động trẻ, kể cả việc làm thời vụ. Việc phát triển nguồn nhân lực có thể giúp người nghèo, thể hiện bằng việc:
phát triển kỹ năng nghề, đào tạo nghề tại chỗ hay thực tập; kỹ năng phát triển sản phẩm mới và nâng cấp chất lượng sản phẩm hiện có; đào tạo cách tiếp cận thị trường, nhận thức về du lịch, dịch vụ, thân thiện và kỹ năng bán hàng; các kỹ năng xây dựng và điều hành doanh nghiệp nhỏ. Trên cơ sở đó, để khai thác có hiệu quả mối quan hệ này, cần phải tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các khóa đào tạo du lịch và thiết kế nội dung đào tạo phù hợp, tập trung hơn vào du lịch giảm nghèo, chính sách, chương trình và sáng kiến phát triển nguồn nhân lực, để xây dựng và phát triển các phương pháp phát triển nguồn nhân lực phù hợp với người nghèo, các vùng nông thôn và các điểm du lịch hiện nay.
Trường hợp ngành y tế
Tác động xã hội lớn nhất mà các dự án FDI trong ngành y tế mang lại đó là nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giải quyết một phần nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Hiện Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế bởi theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh và tổng chi phí khám chữa bệnh tại nước ngoài của người Việt Nam lên đến 1 tỷ USD cho thấy nhu cầu về dịch vụ y tế chất lượng cao của người Việt Nam là rất lớn [43]. Chính các dự án FDI đã thoả mãn phần nào nhu cầu này với kỹ thuật chuẩn trị tiên tiến và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân chu đáo.
Ngoài ra, đội ngũ y bác sỹ làm việc cho các bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài cũng được nâng cao trình độ thông qua các khoá đào tạo thêm ở nước ngoài; các dược sĩ, kỹ thuật viên học hỏi được nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật mới trong việc bào chế thuốc, sản xuất thiết bị y tế chính xác,… Nhờ đó, đội ngũ nhân lực y tế của Việt Nam không ngừng phát triển về chất lượng và cả số lượng do ngành y tế ngày càng mở rộng thì cầu lao động trong ngành này cũng ngày càng tăng. Đây sẽ là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng nền y học nước nhà trong tương lai theo hướng hiện đại để phục vụ người dân một cách tốt nhất và theo kịp các nước phát triển trên thế giới. Theo thống kê của tổng cục Thống kê năm 2011 có 480,8 nghìn người làm việc trong ngành y tế, trong đó có 16,35 nghìn người làm việc trong các
doanh nghiệp y tế có vốn FDI. Tính trung bình có 27 người hành nghề y tư nhân/100.000 dân, gần 70% số bác sỹ hành nghề tư nhân là cán bộ nhà nước [44].
Trường hợp ngành giáo dục
- Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và tin học của người Việt Nam.
Việt Nam gia nhập WTO đồng nghĩa với việc chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cần phải dần tiến tới chuẩn quốc tế. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn kém và đòi hỏi cần được đào tạo thêm rất nhiều. Khi có các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các cơ sở này đã cung cấp những chương trình học tiên tiến nhất, và tạo cho học sinh cách tư duy độc lập, sáng tạo, năng động. Không chỉ vậy, số dự án FDI vào giáo dục nghề nghiệp đang tăng dần lên cũng có những tác động trực tiếp tích cực đến chất lượng người lao động. Một trong những điểm yếu của người lao động Việt Nam chính là ngoại ngữ. Khảo sát về hiện trạng việc làm của lao động trẻ năm 2009 của Báo Người Lao động thực hiện vào cuối tháng 11, đưa ra những con số rất đáng chú ý. Trong tổng số 1.017 ứng viên được khảo sát, có 92,22% có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp trở lên; trong đó có 57,12% có bằng cấp Cao đẳng – Đại học. Tuy nhiên, chỉ có 8,77% ứng viên cho biết là giao tiếp và sử dụng được ngoại ngữ cho công việc, ít nhất có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C, hoặc IELTS, TOEFL… Trong khi đó, có đến 43,27% ứng viên chỉ dừng lại ở chứng chỉ B ngoại ngữ hoặc tương đương trình độ B (xếp theo thời lượng học ngoại ngữ hoặc tương đương trình độ B ngoại ngữ hoặc tương đương trình độ B (xếp theo thời lượng học ngoại ngữ trong quá trình học chuyên môn); thậm chí chỉ ghi chung chung: Anh văn giao tiếp. 47,95% còn lại mới chỉ học qua sơ cấp, không thể giao tiếp bằng ngoại ngữ [40]. Chính vì vậy những lao động trẻ giỏi về ngoại ngữ được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao và học có thể chọn được nơi làm việc tốt hơn, điển hình là ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nơi mà có mức thu nhập khá cao.
Tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ đã đặt người học trước một thách thức mới trong việc trang bị kiến thức cho mình. Các trung tâm ngoại ngữ do người Việt Nam thành lập và giảng dạy có nhiều hạn chế, đó là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trình độ chuyên môn của giáo viên chưa cao. Do đó, sự xuất hiện của các trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu học tiếng Anh của người dân Việt Nam. Điều đáng nói là hầu hết các trung tâm đào tạo ngoại ngữ danh tiếng trên thế giới như: Trung tâm Apollo, Language Link, Oxford English UK… đã có mặt tại Việt Nam. Với cơ sở vật chất hiện đại, giáo viên là người bản xứ đã có kinh nghiệm trong việc giảng dạy thi lấy chứng chỉ quốc tế, các trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài đã ngày càng tạo được uy tín và thu hút được đông học viên tới học. Điều đó, đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam.
Bên cạnh ngoại ngữ, tin học cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng và đặc biệt. Liên hiệp quốc cũng từng đưa ra nhận định rằng ngày nay không biết về vi tính cũng đồng nghĩa với việc mù chữ. Tại Việt Nam, hiện nay đang có trên 17 dự án FDI thực hiện đào tạo tin học, công nghệ thông tin. Với thiết bị hiện đại, giáo viên chủ yếu là người nước ngoài và có trình độ chuyên môn cao, những trung tâm đào tạo tin học có vốn đầu tư nước ngoài đã phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Việt Nam. Học viên có thể học từ những kỹ năng cơ bản nhất cho đến những kỹ năng phức tạp như thiết kế phần mềm, sửa chữa máy vi tính… Một số chứng chỉ của trung tâm tư Hanoi – Aptech rất có giá trị, được công nhận rộng rãi trên thế giới, điều này làm tăng cơ hội việc làm cho những học viên đạt chứng chỉ tại trung tâm đó.
- Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động hiệu quả.
Khi chất lượng cuộc sống của người dân tăng lên, kéo theo nhu cầu thụ hưởng giáo dục cũng tăng lên. Người dân mong muốn cho con em mình theo học ở những cơ sở giáo dục chất lượng cao, tiếp cận đến tri thức thế giới. Việc các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam đã phần nào làm thỏa mãn nhu cầu đó. Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hầu hết đem chương trình
giáo dục theo chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo của nước chủ đầu tư đến dạy cho học viên Việt Nam. Từ đó những gia đình có thu nhập khá có thể cho con em mình học tập tại những cơ sở này, tạo nên một hình thức du học mới – du học tại chỗ. Học viên vẫn được học những chương trình tiên tiến của nước ngoài nhưng lại chỉ phải trả học phí rẻ hơn nhiều lần, họ cũng không tốn sinh hoạt phí như khi ra nước ngoài học tập. Với chất lượng mang đẳng cấp quốc tế của mình, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tạo được uy tín với học viên Việt Nam. Sự hiệu quả của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài còn được thể hiện ở việc không chỉ các cơ sở này ngày càng thu hút được một lượng lớn học viên Việt Nam theo học, mà còn thu hút được cả những học viên ở nước khác tới. Một ví dụ điển hình là trường Đại học RMIT Việt Nam, hiện đã thu hút được hơn 2.500 sinh viên, trong đó có hàng trăm sinh viên đến từ các nước khác như Mỹ, Singapore, Anh, Pháp…
Chất lượng và sự hoạt động hiệu quả của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam, đưa thế hệ trẻ của Việt Nam hội nhập cùng thế giới.
- Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tạo môi trường cạnh tranh cho các cơ sở giáo dục trong nước phát triển.
Ngày nay khi thu nhập của người dân tăng lên, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các gia đình có điều kiện sẵn sàng chi một khoản tiền không nhỏ để con em mình có thể học trong một ngôi trường chất lượng. Các trường quốc tế ở Việt Nam là sự lựa chọn đầu tiên cho những gia đình này. Cơ sở vật chất hiện đại, giáo viên là người bản xứ có trình độ sư phạm cao, chương trình giáo dục tiên tiến của nước ngoài là những lợi thế của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngược lại, các cơ sở giáo dục của Việt Nam còn yếu về cơ sở vật chất, chương trình học thiên nhiều về lý thuyết, không chú trọng đào tạo ngoại ngữ… Trước sự phát triển ồ ạt của các trường quốc tế, thì để cạnh tranh các trường Việt Nam đang dần từng bước khắc phục những điểm yếu của mình. Ngày nay, số trường có chất lượng cao bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là ở cấp mầm non và
tiểu học. Các trường chất lượng cao chú trọng hơn đến việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại cho trẻ em học tập và vui chơi, họ cũng thuê những giáo viên bản ngữ để dạy tiếng Anh cho học sinh, tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa cho trẻ em vui chơi và phát triển toàn diện hơn. Một số trường mẫu giáo tư thục chất lượng cao có uy tín ở Hà Nội như Trường mần non tư thục chất lượng cao Cầu Vồng, Trường mầm non tư thục Mai Ca; ở T.P Hồ Chí Minh thì có Trường mầm non tư thục Lan Anh, Trường mầm non tư thục Sài Gòn, Trường mầm non tư thục Con Mèo vàng. Một ví dụ tiêu biểu về cơ sở giáo dục cấp tiểu học có chất lượng cao đó là Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm ở Hà Nội. Đây là một ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, nổi tiếng vì đào tạo ra nhiều học sinh giỏi, học sinh của trường tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, Olympics tiếng Anh, Thần đồng đất Việt… đều đạt những giải cao. Mỗi năm đều có một số lượng lớn các em học sinh tham gia thi đầu vào để được vào trường.
Các trung tâm dạy nghề và đào tạo ngoại ngữ của Việt Nam cũng đang vươn lên để cạnh tranh với các trung tâm của nước ngoài ở trong nước. Nhiều trung tâm dạy ngoại ngữ đã thuê giáo viên bản ngữ về giảng dạy, tổ chức cho học viên thi thử miễn phí các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, IELTS. Bên cạnh đó các cơ sở này cũng trang bị những thiết bị tốt nhất cho học viên trong việc học ngoại ngữ như máy chiếu, loa, máy vi tính, phòng lap…
Việc các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đang phát triển và hoạt động hiệu quả đã tạo sức đẩy cho các cơ sở đào tạo trong nước phải hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất, phương pháp quản lý giáo dục cũng như chất lượng giáo dục. Và người được hưởng lợi nhiều nhất từ trong cuộc cạnh tranh này chính là người học của Việt Nam.
- Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế.
Các cơ sở đào tạo có vốn FDI trong thời gian qua đã đóng góp đáng kể cho ngành giáo dục đào tạo nước ta tiếp cận được nền giáo dục quốc tế với phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, học tập… tiên tiến, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên
Việt Nam được theo học các chương trình chất lượng quốc tế ngay trên quê hương mình. Phần lớn các dự án là của các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Anh, Australia… là những nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới, có bề dày lịch sử lâu đời. Bằng cấp của các nước này được công nhận và được coi như chuẩn mực cao trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó là sự đóng góp của các trường phổ thông, trường dạy nghề đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Trong lĩnh vực đào tạo phổ thông, các dự án đều thu hút được nhiều học sinh và đã có nhiều học sinh tốt nghiệp nhận bằng tú tài quốc tế, có khả năng được các trường đại học danh tiếng trên thế giới nhận vào học. Trong lĩnh vực đào tạo nghề, đặc biết là tin học và ngoại ngữ, các dự án đều được triển khai rất nhanh, tạo được uy tín với học viên và góp phần nâng cao trình độ cho