6. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Người lính
Hòa cùng dòng chảy văn học dân tộc, văn học Việt Nam hậu chiến tranh tiếp tục mang đến những giá trị nhân văn, giá trị thẩm mĩ mới. Nếu như văn học truyền thống, văn học cách mạng với tính chất phục vụ chiến tranh, đề cập nhiều đến khía cạnh con người cộng đồng, con người tập thể thì ở văn học hậu chiến các nhà văn đã mạnh dạn đề cập đến tình cảm riêng tư, thầm kín bên trong con người. Một phần ba thế kỉ đã đi qua khi đất nước ngưng tiếng súng là khoảng lùi cần thiết để những người trong cuộc lắng lòng, bình tâm suy nghĩ về những khuất lấp, “kiêng kị” trong văn học Cách Mạng. Văn học Cách Mạng là văn học của những anh hùng sử thi, của những hào khí ngất trời mang âm hưởng hùng tráng.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, giờ là lúc chúng ta quan tâm hơn đến vẻ đẹp nhân văn, nhân bản của con người với những tình cảm riêng tư, thầm kín. Sau đại hội VI của Đảng, cùng với sự manh nha đổi mới trên nhiều lĩnh vực, văn chương có điều kiện phát huy hết chức năng của mình. Trên văn đàn lúc này xuất hiện đông đảo các nhà văn chiến sĩ, nhiều nhà văn trưởng thành sau chiến tranh cũng bắt đầu cho ra đời những tác phẩm đầu mùa với sự đổi mới trên nhiều khía cạnh, mang đến một bầu không khí lạc quan cho văn học nước nhà. Lá cờ đầu trong phong trào đổi mới là thế hệ các nhà văn: Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp,…Mãi đến đầu những năm 90 Dương Hướng mới đánh dấu tên tuổi trong làng văn với Bến
không chồng. Thành công vang dội của tiểu thuyết này một phần nhờ vào sự đổi mới táo bạo trong tư duy sáng tác của Dương Hướng.
Nếu như để khắc họa hình tượng người nông dân và để tái hiện bức tranh hiện thực về làng quê trước bão lốc thời cuộc xuyên suốt một giai đoạn lịch sử dài, tác giả đã lấy không gian làng quê làm không gian trung tâm. Thì khi khắc họa hình tượng nhân vật người lính thời chiến và hậu chiến, tác giả lại đặt nhân vật của mình vào những không gian khác nhau để cho nhân vật bộc lộ tính cách. Thời chiến người lính xông pha ra chiến trường, tại đây những phẩm chất truyền thống của họ được bộc lộ và những sai lầm hạn chế của họ trong cuộc chiến cũng được nhìn nhận rõ hơn. Khi đối mặt với kẻ thù, người lính sẵn sàng xả thân chiến đấu quên mình cho lí tưởng độc lập dân tộc. Tiêu biểu như Nghĩa, Thành, Hà, Hiệp trong Bến không chồng; Đô, Bức trong Trần gian người đời; tướng Trung, Đào Vương, Nam… trong Dưới chín tầng trời.
Với tư cách là một con người đã từng tham chiến, với cái nhìn sắc sảo, đa chiều và bản lĩnh trung thực của một nhà văn, Dương Hướng không chỉ đặt người lính vào không gian chiến trường để khắc họa phẩm chất tốt đẹp của họ mà còn để nhìn thấy cả những sai lầm, hạn chế của họ trong cuộc chiến do sự tàn khốc của chiến tranh gây nên.
Để khắc họa hình tượng người lính thời hậu chiến, Dương Hướng đã trả người lính trở về không gian của cuộc sống bộn bề đời thường ở làng quê. Tác giả cho nhân vật của mình va đập với những biến động phức tạp của cuộc sống, để cho nhân vật bộc lộ rõ tình trạng bi kịch khá phổ biến của người lính thời hậu chiến. Chiến tranh đã trang bị cho họ bản lĩnh để chiến đấu và chiến thắng. Cái bản lĩnh ấy rất cần trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nhưng nó cũng làm cho người lính trở nên xơ cứng về nhận thức trước những vấn đề phức tạp của cuộc sống đời thường.
Cả ba tiểu thuyết của ông đều tỏ ra am tường, soi xét một cách thấu đáo thế giới nội tâm đa dạng, phức tạp của những con người vừa đi qua cơn bão đạn bom. Họ vừa là con người của thời hiện tại, trực tiếp đối mặt với cuộc mưu sinh thường ngày, vừa là con người của quá khứ trong nhu cầu nhận thức lại quá khứ ấy. Người lính bước ra từ chiến tranh đều ít nhiều mang thương tật về tâm hồn. Họ bị ám ảnh bởi quá khứ khủng khiếp, có khi đánh mất cảm giác về hiện tại.
Nguyễn Vạn trong Bến không chồng trở về làng Đông trong hình ảnh một vị anh hùng lấp lánh huân huy chương trên ngực áo nhưng đằng sau vẻ rạng rỡ ấy vẫn là một tính cách hằn in di chứng chiến tranh. Nguyễn Vạn sống lặng lẽ, cô đơn, lấy sự lãnh đạm, khô khan, cứng nhắc để che giấu những nỗi niềm, khao khát riêng tư, không dám “bước qua lời nguyền” giữa hai dòng họ để có được chút hạnh phúc muộn mằn sưởi ấm quãng đời còn lại. Nếp sống thời chiến, lối tư duy thời chiến ngấm sâu vào Vạn, biến anh thành một khối ý chí rắn đanh. Anh xa lạ với những buồn, vui thường tình của cõi người: “Điều dáng sợ nhất với Vạn là để mất lòng tin với với Đảng. Từ một việc nhỏ Vạn cũng phải cân nhắc xem có phải đấy là lòng dân ý Đảng. Lâu nay Vạn xét lại lòng mình và thấy rằng Vạn đã yêu thương chị Nhân. Đấy là do những giây phút yếu hèn không kìm nén được. Lí trí không cho phép Vạn làm điều ấy. Điều ấy là lỗi lầm đáng tiếc không xứng đáng với người chiến sĩ cách mạng, không xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của dân, làng họ mạc. Thời trai trẻ của vạn đã qua, Vạn sống với niềm kiêu hãnh Vạn đã có ”[30,64]. Vạn đã, đang và sẽ sống với những chuẩn mực cứng nhắc mà Vạn cho rằng cuộc đời Vạn, tuổi trẻ của Vạn đã hi sinh, cống hiến vì nó. Phút giây con người sống với cái bản ngã tự nhiên lại bị Vạn coi là “yếu hèn” “không xứng đáng”. Đó thực sự là một kiểu tật nguyền về tâm hồn. Con người xã hội, con người duy ý chí triệt tiêu những gì thuộc về con người tự nhiên, con người bản thể. Ngay cả
đến thứ tình cảm quý giá nhất là tình yêu của những người phụ nữ như Nhân, như Hạnh, Vạn cũng chối bỏ: “Chú đây cũng có thời yêu mẹ cháu. Nếu như chú không vững vàng giữ mình thì bây giờ cũng đã mất hết cả”[31,tr.67].
Trong chiến tranh, những người xả thân vì việc lớn như Vạn đáng quý biết bao. Nhưng trở lại với cuộc sống thời bình với muôn vàn những sự phức tạp, hỗn độn, Vạn không chỉ trở nên lạc loài mà còn có khi thành ra nỗi khiếp sợ đối với dân làng. Những tấm huân chương lấp lánh trên ngực từng là niềm kiêu hãnh của Vạn, là sự ngưỡng mộ của dân làng Đông đã không giúp Vạn sống hạnh phúc. Thậm chí anh ta bị đứa cháu yêu thương kết án: “Chú hèn lắm! Chú là người không có tim”. Vạn đã muốn sống như một biểu tượng của cả làng Đông: “Mày cứ nhìn chú đây mà sống”. Vạn tôn thờ quá khứ trận mạc: “Mẹ chúng mày, không có Điện Biên thì làm gì chúng mày có ngày nay, làm gì chúng mày được ngồi đây mà rửng mỡ hả? Rõ đồ phản động reo rắc mầm mống tư sản” [31,tr.216]. Vạn hụt hẫng, đau xót và phẫn nộ trước thái độ thờ ơ của mọi người. Người ta bận bịu với hiện tại, Vạn thì say mê quá khứ. Anh ta chưa bao giờ biết đến một bàn tay chăm sóc của phụ nữ, chưa bao giờ mơ về một mái ấm “Cả đời Vạn đã có một mối tình nào đâu mà biết nỗi buồn và niềm vui lạc thú của tình yêu”[31, tr.214]. Vạn tự khước từ những nhu cầu vô cùng chính đáng của một con người chỉ vì cái uy tín hão huyền “Không! Không bao giờ lại xảy ra điều khủng khiếp ấy. Trên đời này còn bao nhiêu chuyện ràng buộc: danh dự, uy tín”[31,tr.146]. Con người ấy đã sống trong niềm kiêu hãnh và sự cô độc đúng như Hạnh nhận xét” một người không ai tốt bằng nhưng cũng không ai cô đơn và khổ bằng”.
Nếu như tướng Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp lạc lõng, cô độc ngay trong ngôi nhà của mình thì Nguyễn Vạn cảm thấy cô đơn, lẻ loi trong dòng tộc, họ hàng mình. “Anh kém tính bỏ mẹ! Ai chẳng biết thằng Vạn có công, công lao của nó đối với dân với nước thì để cho dân cho
nước lo nhà cho nó. Nhà Vạn xưa nay đóng góp chó gì cho họ Nguyễn”[31,tr.27]. Đấy, sự lãnh đạm của họ tộc khiến Nguyễn Vạn đã cô độc càng cô độc hơn. Tuổi trẻ cùng với những khát vọng bỏ lại nơi chiến trường, sự hy sinh cả đời của Nguyễn Vạn giờ được đền đáp bằng cái mác: “Người vẻ vang nhất làng Đông”[31,tr.27]. Đáng buồn thay cho Nguyễn Vạn! Tuy nhiên đây chưa phải là bi kịch lớn nhất của Nguyễn Vạn khi trở về với cuộc sống thời bình. Bi kịch lớn nhất xâu xé tâm hồn Nguyễn Vạn là nỗi đau tinh thần - sự kìm nén bản năng. Trong Vạn phần con người bản năng vẫn không chịu ngủ yên, nó vẫn sống, vẫn thức dậy và nó làm cho Vạn khổ sở. Vạn luôn bị vật lộn, giằng co giữa lí trí và tình cảm, giữa lí tưởng và bản năng, giữa hành động và suy nghĩ, giữa ý thức giai cấp và tình người. Một cuộc vật lộn âm thầm, dai dẳng nhưng đầy quyết liệt: “Tâm tính Vạn cũng thay đổi. Về đêm Nguyễn Vạn cảm nhận thấy nơi đây hoàn toàn hoang dã không một ai trên đời này còn biết đến Nguyễn Vạn. … Vạn không cố tình để ý nhưng mọi diễn biến trên bến vẫn đập vào mắt Vạn. Khổ nhất là bọn đàn bà con gái lại hớ hênh phơi cái phần da thịt trắng hớn ra giữa trời đất. Gặp cảnh này, Vạn lại nhảy vào giường vật mình, vật mẩy và nhận ra mình là kẻ hư hỏng quá lắm. Ngày tháng trôi đi Vạn vẫn sống trong thế giới riêng vừa cô đơn vừa sống động…. Đến bây giờ Vạn mới thấy tiếc mình không lấy vợ sớm. Xưa nay có mấy khi Vạn nghĩ đến bản thân mình”[31,tr.27].
Dương Hướng đã nhìn thật sâu vào tâm tư của Vạn để nhận ra bi kịch của con người khốn khổ này. Vạn tự tách mình khỏi thế giới bình thường, khăng khăng làm một thánh nhân để rồi hằng đêm Vạn sống trong sự vật lộn đau đớn ê chề. Cái gì đã làm Vạn trở thành con người khốn khổ đến thế? Nỗi khổ không được là mình, không dám sống với những khao khát rất con người của mình. Vạn cứ cày xới cái quá khứ oai hùng để ngoảnh mặt quay lưng với bao điều tốt đẹp Vạn xứng đáng có. Vạn muốn làm một thánh nhân để xứng
đáng với sự ngưỡng mộ của dân làng. Chỉ trong khoảnh khắc say rượu, Vạn mới dám buông mình cho tiếng gọi mạnh mẽ của bản năng. Một lần duy nhất “Nguyễn Vạn bàng hoàng cả người không hiểu mình đang mơ hay tỉnh. Men rượu vẫn nung nấu trái tim làm tâm trí Nguyễn Vạn quay cuồng. Da thịt đàn bà nần nẫn trong vòng tay và hơi thở đầy dục vọng phả vào mặt Vạn. Sự ham muốn của Nguyễn Vạn lần này còn mãnh liệt hơn lần Vạn chạm vào ngực mụ Hơn. Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà. Lần đầu tiên trong Vạn thấy sung sướng cực độ và quên hẳn mình. Mưa gió vẫn ràn rạt ngoài cửa”[31,tr.281]. Phần bản năng đã chiến thắng phần thánh nhân của Vạn - con người ta không thể mãi mãi ép xác. Phút giây bản năng trỗi dậy hóa ra chính là thời khắc anh được làm người - một con người đúng nghĩa. Hạnh phúc ngắn ngủi trong đêm đầy giông bão không làm cuộc đời Vạn tươi sáng hơn. Trái lại, Vạn luôn sống trong cảm giác dằn vặt, tội lỗi: “Qua cái đêm giông bão của cuộc đời, Nguyễn Vạn không còn dám nhìn vào bất cứ ai ở làng Đông. Vạn tự thấy xấu hổ với cả những đứa trẻ con tí teo. Ngày đêm thu mình trong ngôi nhà trên vườn ươm với bao ý nghĩ vò xé trái tim Vạn. Bây giờ Vạn mới tỉnh ra qua cơn say và thấy hối tiếc đã đánh mất đi tình cảm thiêng liêng trong sáng ở cả hai mẹ con Hạnh, và tự vùi dập đi niềm kiêu hãnh của mình với dân làng. Vạn tự xỉ vả mình và thấy ngực nhói đau muốn cầm thanh củi chọc thẳng vào bụng. Nhục! Nhục nhã quá! Tồi tệ hơn cả lão Xung và mụ Hơn. Thế mà bao nhiêu năm nay, trong suốt cả cuộc đời, Vạn cứ đinh ninh tin tưởng vào phẩm giá của mình. Thế là hết! Vạn tưởng tượng rõ thấy mình là kẻ khốn nạn, sa đọa, hủy hoại cả cuộc đời tiết hạnh của Hạnh” [31,tr.282].
Luôn kiểm soát mình, tin vào lí trí mình, tự trói mình, Vạn không thể tránh khỏi bi kịch, tự đưa đầu vào bi kịch, suốt đời bi kịch. Đặt ra vấn đề hạnh phúc của con người giữa sự ràng buộc và quán tính của đời sống cá nhân là
đóng góp đáng kể của tiểu thuyết Dương Hướng. Vạn luôn mang trong mình một niềm tin thiêng liêng vào những chuẩn mực đạo đức đã lỗi thời. Niềm hạnh phúc bất ngờ ập đến với Vạn, khi Hạnh xuất hiện - cái hạnh phúc cả một đời anh chưa từng được hưởng, nhưng chưa bao giờ anh dám nghĩ, có thể đánh đổi uy tín danh dự để có nó cho nên anh đã để tuột mất rồi tìm đến cái chết, như một cách trốn tránh. Một cái chết gây bao thương cảm, xót xa cho dân làng, làm nên một kết thúc, không hẳn là bi quan, hay chỉ là bi quan một nửa của Bến không chồng. Dương Hướng có ý thức chọn một đám tang như một “hoá giải” cho biết bao là xót xa, lầm lạc, bất hạnh có mặt trong cõi đời; và đám tang cả làng đưa tiễn Vạn có ý vị một cuộc tiễn đưa quá khứ. Và nói “hoá giải” là nói đến một nhe nhắm, gửi gắm, về con đường mới cho làng Đông, không phải cho tất cả những ai từng sinh ra ở làng Đông, mà cho một thế hệ khác, thế hệ tương lai, có thể là đứa con của Hạnh... Làng Đông ở cuối truyện vẫn đìu hiu, quạnh quẽ sau đám tang, nhưng dòng cuối truyện đã có hửng lên một “ánh nắng xuân” trong “nhấp nhô những vành khăn tang trắng” của cả làng đưa tiễn Vạn.
Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những bi kịch tinh thần của người lính trong tiểu thuyết hậu chiến như Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng
của Chu Lai…Những người lính bước ra từ cuộc chiến oai hùng, trên ngực lấp lánh huân chương nhưng lại không thể hòa nhập nổi với cuộc sống thời bình mà họ đã không tiếc thân để bảo vệ. Cơ thể bầm dập vì chiến tranh, người lính thường ngoái lại quá khứ. Hoặc họ vì ám ảnh quá khứ mà đánh mất thực tại, hoặc họ ngộ nhận những giá trị thời chiến sẽ là những giá trị dẫn dắt thời bình. Tinh thần duy ý chí và sự áp đặt của cộng đồng đã tác động ghê gớm tới tâm lí, nhân cách con người. Cái khuôn mẫu văn hóa thời chiến ấy còn tồn tại trong thời bình dai dẳng đến mức hoặc đã đè bẹp ý thức của người
lính, khiến họ trở nên thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán, hoặc khiến họ “ép xác” mong thành những biểu tượng đẹp đẽ vĩnh viễn. Vết thương về thể xác có thể kín miệng liền da, nhưng những chấn thương tinh thần thì không dễ gì ngày một ngày hai có thể chữa lành. Nó đeo đẳng, ám ảnh con người. Nó làm con người trở nên lạc lõng xa lạ giữa thời bình chỉ vì thới quen tư duy đơn giản, rạch ròi thời chiến.
Trong tiểu thuyết Bến không chồng, ngoài Vạn được nhà văn khắc họa nổi rõ bi kịch của người lính sau chiến tranh, người đọc cũng nhận ra nhiều bi kịch không gọi thành tên của những người lính trở về từ chiến trường như Nghĩa, Thành…Với Nghĩa, quân hàm thiếu tá không giúp anh hạnh phúc hơn.