6. Cấu trúc luận văn
2.1. Khái lược về nhân vật tiểu thuyết
Trung tâm của mọi tác phẩm văn học là nhân vật. Chính vì thế khi bắt đầu sáng tác điều đầu tiên mà nhà văn nghĩ đến là nhân vật. Qua nhân vật nhà văn giãi bày những tư tưởng, những suy nghĩ, tình cảm, hay cách tiếp nhận cũng như cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời thông qua nhân vật, nhà văn cũng thể nghiệm những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của mình. Có thể nói khi nhân vật hình thành thì coi như tác phẩm của nhà văn đã được định hình. Nhân vật là nơi thâu tóm mọi ý đồ của tác giả. Và nếu nhân vật càng chân thật và sống động thì sức sống của tác phẩm càng mạnh mẽ và bền lâu với thời gian. Đối với độc giả thì nhân vật không chỉ là phương tiện kết nối với nhà văn mà còn là người dẫn dắt họ vào một thế giới riêng trong ở những thời kỳ lịch sử nhất định. Văn học chỉ có thể là “tấm gương phản chiếu đời sống” thông qua phương tiện chủ yếu của nó chính là nhân vật.
Trong văn học nhân vật được hiểu rất rộng.
Giáo trình Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên cho rằng: “Nhân vật văn học là con người được thể hiện bằng phương tiện văn học”[46,tr.279]
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học, nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho rằng: nhân vật là “hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người. nhân vật văn học có khi là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được người ta gắn cho những đặc điểm giống với con người” [3,tr.241]. Như vậy, nhân vật không phải chỉ là con người mà còn là các loài cây, là con vật, sự vật mang tính cách, tình cảm, hình dáng của con người. Ví dụ như nhân vật Dế Mèn, Bọ Ngựa, con mèo lười trong truyện thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài, là chúa sơn lâm trong thơ Thế
Lữ, là những bông hoa hồng, là vầng trăng trong thơ Bác, là trăng trong thơ Hàn Mặc Tử.... Không những thế trong văn học phương tây còn xuất hiện loại nhân vật hóa thân. Ban đầu họ là con người nhưng sau do một lý do nào đó họ hóa thành con vật. Tuy nhiên chỉ hình dáng bề ngoài của họ là đội lốt con vật còn tâm tư tình cảm của họ vẫn là của con người, loại nhân vật này ta thường thấy trong tác phẩm của Kafka... Chính sự phong phú, đa dạng về nhân vật làm cho văn học phản ánh hiện thực cuộc sống được cả bề rộng lẫn chiều sâu; đồng thời lại phù hợp với từng đối tượng độc giả. Và cũng do sự đa dạng về loại hình nhân vật nên khi phân loại nhân vật người ta thường phải dựa vào những tiêu chí khác nhau. Nếu xét đến vai trò của nhân vật trong tác phẩm, ta có nhân vật chính, nhân vật phụ, và nhân vật trung tâm. Xét về hệ tư tưởng của nhà văn hoặc quan hệ đối với lý tưởng của nhà văn thì ta có nhân vật chính diện (còn gọi là nhân vật tích cực), nhân vật phản diện (còn gọi là nhân vật tiêu cực). Tuy nhiên, khi phân loại nhân vật theo tiêu chí này ta cần phải lưu ý đến quan niệm đạo đức của từng thời đại, cũng như từng nền văn hóa khác nhau. Mặt khác, trong văn học hiện nay ta thường thấy hiện tượng giao thoa giữa hai loại hình nhân vật này. Có nghĩa là trong một nhân vật có cả những mặt tiêu cực và tích cực, cho nên ta không nên phân loại một cách máy móc và áp đặt. Bên cạnh đó còn có loại nhân vật tư tưởng. Những nhân vật này thường được nhà văn sáng tạo nên để minh họa cho tư tưởng của nhà văn hoặc của thời đại: Độ trong Đôi mắt (Nam Cao), Giave, Giăng Van Giăng trong Những người khốn khổ (V. Huygô). Ngoài ra, trong văn học cổ đại ta thường thấy sự xuất hiện loại hình nhân vật chức năng. Những nhân vật này chỉ thực hiện một số những chức năng nhất định như ban phát hạnh phúc: ông bụt, cô tiên, bà tiên.. hay chức năng cản trở, hãm hại người tốt: phù thủy. Tuy nhiên sự phân loại trên cũng chỉ mang tính chất tương đối bởi khi văn học
càng đào sâu, áp sát đời sống thì sự xuất hiện của những con người mới trong văn học là điều không thể tránh khỏi.
Các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học quan niệm về nhân vật có phần thu hẹp hơn: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống. Nó có chức năng cơ bản là khái quát tính cách của con người và chức năng này cũng mang tính lịch sử. Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Nó là chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian, mang tính chất trừu tượng”[26,tr.235]
Nói chung, các quan niệm trên có khác nhau về cách diễn đạt. Song vẫn xoay quanh đối tượng trung tâm trong tác phẩm nghệ thuật là con người, vậy nhân vật văn học là một đối tượng được miêu tả một cách tập trung đến mức có sức sống riêng nào đó ở bên trong theo một nhiệm vụ nghệ thuật mà tác giả trao cho nó.
Tiểu thuyết là một thể loại tự sự nên nhân vật cũng được coi là một trong những yếu tố cốt tử, nhân vật chính là trung tâm của tiểu thuyết. Từ nhân vật sẽ đưa nhà văn đến những sáng tạo nghệ thuật khác: chọn chi tiết, cốt truyện, tình huống... Những cuốn tiểu thuyết lớn vượt qua được thời gian đều là những tác phẩm có sự sáng tạo bậc thầy trong cách xây dựng nhân vật: Đônkihôtê của Xecvantec, AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Chí Phèo của Nam Cao... Với đặc trưng về thể loại, tiểu thuyết không chỉ có khả năng miêu tả một cách tỉ mỉ và khá toàn diện về cuộc đời của nhân vật mà còn đưa vào nó một khối lượng nhân vật đồ sộ. Với số lượng nhân vật lớn khả năng phản ánh hiện thực của tiểu thuyết rộng hơn, đồng thời nó có thể đi sâu vào khám phá những ngóc ngách của đời sống thông qua những số phận cá
nhân. Còn đối với độc giả, nhân vật trong tiểu thuyết chính là cái chìa khóa để giải mã những vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm. Như vậy, nhân vật là vấn đề trung tâm trong sáng tạo nghệ thuật của nhà tiểu thuyết. Nhân vật chính là sức mạnh của cuốn tiểu thuyết.
Theo Biêlinxki, tiểu thuyết là một tác phẩm miêu tả cuộc sống với tất cả chất văn xuôi của nó, nghĩa là “ một chuyện hư cấu về những việc có tính chất xác thực của cuộc sống nhân loại”. Ông cũng cho rằng tiểu thuyết là sử thi của đời tư do chỗ nó miêu tả những tình cảm, dục vọng và những biến cố thuộc đời sống riêng tư và đời sống nội tâm của con người. Nhân vật tiểu thuyết vì thế, cũng được xây dựng theo những cách riêng nhằm đáp ứng đến mức cao nhất yêu cầu nhận thức theo chiều rộng và chiều sâu của thể loại này.[71,tr.12]
Nhân vật tiểu thuyết, bên cạnh những đặc điểm giống với nhân vật của các thể loại văn học khác, thì vẫn có những đặc điểm riêng, khác biệt. Trước hết do hình tượng văn học là hình tượng “phi vật thể”, cho nên các nhân vật của văn học là nhân vật của liên tưởng, tưởng tượng, nó hiện dần trong quá trình. Mỗi thể loại đều có cách thể hiện nhân vật của mình. Trong thơ, con người - nhân vật trữ tình “sống” bằng tâm trạng, hiện lên trong tác phẩm chủ yếu là ở những khoảng khắc xúc cảm. Có thể gọi đó là chân dung khắc họa tâm hồn con người. Trong kịch, con người - nhân vật trữ tình, xuất hiện ở những thời điểm “nóng” nhất của số phận và bị đẩy nhanh vào trục xung đột chính của tác phẩm
M.Bakhtin, tác giả công trình nghiên cứu nổi tiếng Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, đã giành nhiều công sức để tìm hiểu về đặc trưng của tiểu thuyết trên nhiều bình diện, trong đó có nhân vật. Theo ông, nhân vật tiểu thuyết có những đặc trưng cơ bản sau:
Nhân vật tiểu thuyết “không tương hợp với số phận và vị thế của nó”[4,tr.80]. Bởi trên thực tế, con người không thê hóa thân đến cùng vào cái thân xác lịch sử - xã hội hiện hữu. Trong tiểu thuyết, tính tuần hoàn của con người biến mất. Thay vào đó xuất hiện sự phân lập giữa con người bên ngoài và con người bên trong. Ở con người tiểu thuyết luôn tồn tại “một con người bên trong con người”. Tuy nhiên sự phân lập đó không làm giảm đi sức sống và tính chân thật trong hình tượng nhân vật. Ngược lại “sự sống đích thực của cái bản ngã diễn ra dường như ở cái điểm con người không trùng hợp với bản thân mình ấy, ở cái điểm con người vượt ra ngoài giới hạn của toàn bộ cái hiện hữu của nó, như một thể sinh tồng mà ta có thể rình xem, có thể nhận định, tiên đoán ngoài ý muốn của nó, sau lưng nó”[4,tr.292]
Nhân vật tiểu thuyết, do đặc thù của thể loại với khuôn khổ rộng lớn, không gian, thời gian cũng rộng lớn không cho phép người viết khai thác số phận nhân vật một cách toàn diện, tỉ mỉ theo từng bước thăng trầm của số phận được. Nhân vật có thể là cá nhân đơn lẻ trong quá trình vận động của nó, hoặc là tập hợp những cá nhân ấy thành hệ thống - thế giới các nhân vật.
M.Bakhtin cũng khẳng định: nhân vật trong tiểu thuyết chủ yếu được khám phá từ chiều sâu tâm lý. Và trong tư cách là một quan điểm, một cách nhìn thế giới và bản thân được miêu tả thực sự, không hòa lẫn với tác giả, không trở thành cái loa phát tiếng nói tác giả. Cái được khám phá và thể hiện ở nhân vật không phải là “hiện thực về nó” mà là “cái kết quả cuối cùng của ý thức và sự tự ý thức của nó”, xét cho cùng là “lời nói cuối cùng của nhân vật về bản thân và về thê giới của mình”[4,tr.267]
M.Kundera - tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp gốc Tiệp, trong cuốn
Tiểu luận, cũng đưa ra những ý kiến về nhân vật tiểu thuyết. Theo ông, “tiểu thuyết là một sự chiêm nghiệm về cuộc đời được nhìn thấy qua những nhân vật tưởng tượng”. như vậy, trong quan niệm của ông, nhân vật tiểu thuyết
không phải là sự mô phỏng con người thật mà hoàn toàn có thể là một con người tưởng tượng, một “cái tôi thử nghiệm”. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nhà văn xa dời thực tế mà vẫn bám chắc các vấn đề đời sống trong quá trình xây dựng nhân vật[71,tr.14]
Nói chung các đặc điểm của nhân vật tiểu thuyết là rất đa dạng, phong phú và phức tạp. Mỗi nhà văn, nhà nghiên cứu, mỗi thời đại đều có những quan niệm và cách thức thể hiện nhân vật khác nhau, tùy theo tài năng và cảm nhận của từng cá nhân để đáp ứng nhu cầu của độc giả thời đại ấy.