6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Người nông dân
Nông thôn là đề tài không mới nếu không muốn nói đã có quá nhiều cây bút đã thành công xuất sắc. Nhưng với một tình yêu cháy bỏng dành cho
mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, Dương Hướng thực sự làm phong phú hơn mảng văn học viết về nông thôn với một cái nhìn rất riêng. Mỗi làng quê Việt Nam bên cạnh nét chung vẫn có những nét khu biệt về văn hóa, phong tục, lối sống. Và đó chính là nguồn cảm hứng bất tận để Dương Hướng được bày tỏ tình yêu đối với quê hương mình. Nhà văn cho biết: “Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tôi nhận ra người nông dân quê tôi thật tuyệt vời. Tôi muốn dành cả cuộc đời sáng tác của mình cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở làng Đông. Cho dù đời sống tinh thần, vật chất của người dân quê tôi còn nghèo khó, lạc hậu, nhưng tấm lòng thủy chung và sự hi sinh chịu đựng của họ thật phi thường. Cho dù tôi có đi chân trời góc bể nào, khi về đến đầu làng là tôi xúc động, cảm thấy lòng mình ấm lại. Tình quê, tình người và cả sự tươi tốt non tơ kì diệu của cỏ cây hoa lá, cả sự lam lũ lấm lem của người nông dân trên đồng đất khoai lúa rơm rạ quê nhà vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho tôi. Và quan trọng hơn cả bởi tình đời, tình người, tình cha mẹ, tình anh em ruột thịt, tình bạn bè và cả sự linh thiêng của mùi khói hương trên bàn thờ tổ tiên, gia tộc nhà mình…”[22].
Sau năm 1945, gương mặt nông thôn Việt Nam mới bắt đầu thay đổi, với Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, với Cải cách ruộng đất và Sửa sai, rồi phong trào hợp tác hoá... Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn những hạn chế và tiêu cực cản trở sự phát triển và gây ra nhiều nhức nhối. Những cuộc “cách mạng” mà nông thôn đã trải qua sau Cách mạng tháng Tám như Cải cách ruộng đất và Sửa sai, tiếp đến là phong trào hợp tác hoá đã đem lại cho người nông dân những lợi ích và một gương mặt mới, nhưng lại đi kèm với bao mất mát và thảm hoạ. Vì thế, ngay sau thời điểm 1986, với sự xuất hiện một loạt các tác phẩm như Thời xa vắng (Lê Lựu), Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng)... các tác giả
đã trở lại thực trạng nông thôn, với gương mặt đích thực của nó, mà suốt một thời gian dài bị che khuất bởi sự tránh né hoặc bởi một cách nhìn giản đơn, sơ lược. Bến không chồng ra đời vào thời điểm mở đầu năm 90, quả đã góp được một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến kéo dài những hơn 40 năm, với gánh nặng về phía khách quan không phải chỉ là chiến tranh, mà còn là những lầm lạc trong đời sống của con người, trong bối cảnh đất nước có quá nhiều biến động và thử thách, mà tất cả những ai “do lịch sử để lại” đã không đủ tầm và sức để vượt qua. Đó là thử thách của Phát động quần chúng giảm tô và Cải cách ruộng đất; của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp; của phá đình, chùa và của cả những nề nếp trong tâm lý, ý thức con người trong gia tộc, dòng họ vẫn còn nguyên sự lạc hậu, chưa thể nào thay đổi được trong một xã hội nông nghiệp manh mún lạc hậu và tâm lý làng xã lưu cữu ngàn đời. Tất cả gom lại, làm nên những nguyên cớ cho mọi tai họa tạo thành những bi kịch, mà con người phải nhẫn nhịn chịu đựng trong cả một thời gian dài như một áp đặt của định mệnh. Phải chờ đến giữa hai thập niên 80 và 90, con người như được bừng tỉnh để thấy mình vừa là nạn nhân vừa là tội nhân. Gắn nối hai thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, gắn nối thử thách của chiến tranh và thử thách trong thời bình, gắn số phận cá nhân, gia đình, dòng họ và đất nước.
Tiểu thuyết của Dương Hướng không thiên về phong tục, nhưng rõ ràng ông nhìn ra số phận của rất nhiêu người nông dân đã bị chi phối, đè nặng bởi những tập tục, hủ tục và những suy nghĩ mê muội . Hóa ra làng quê nhỏ bé không hề bình yên. Ở đó cuộc sống luôn bị khuấy đảo, sôi lên vì những quan hệ, những mâu thuẫn, những định kiến làm điêu đứng bao người.
Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường đã đi sâu vào một trong những vấn đề phức tạp và rắc rối nhất ở nông thôn là quan hệ dòng tộc. Tác phẩm phơi bày hiện thực mâu thuẫn gay gắt dâng lên thành
những đỉnh điểm, cao trào với những màn đấu trí, đấu lực dựa trên lòng hận thù. Nhưng xung đột cơ bản và quyết liệt nhất là dòng họ nào thắng sẽ nắm mọi quyền bính trong làng. Nguyễn Khắc Trường đã khắc hoạ nên bức tranh về sự biến chất, tha hoá của con người. Ở đó quan hệ giữa người với người có lúc còn tàn bạo hơn cả loài dã thú và nguy hiểm hơn vì nó mang danh Đảng, chính quyền để hạ bệ nhau, rửa thù hận bằng những mưu mô thủ đoạn độc ác một cách tàn bạo, trắng trợn. . Cũng đề cập đến vấn đề bi kịch gia tộc, dòng họ, nhưng trong tác phẩm của mình, Dương Hướng lại khai thác ở khía cạnh mới. Không còn là sự tranh giành địa vị, giai cấp, chức danh, thứ bậc trong làng xã,
Đọc Bến không chồng mới thấy hết mối thù giữa hai dòng họ Vũ và Nguyễn đã làm cho con đường đi đến hạnh phúc của Hạnh và Nghĩa gian nan biết chừng nào. Vì lời nguyền quyết liệt “Nước sông đình ngàn năm không cạn. Cầu đá bạc vạn kiếp trơ trơ. Bến tình còn đẹp như mơ. Mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi”, Hạnh lấy chồng không được về nhà chồng ở bởi cả họ Nguyễn coi việc đó chẳng khác nào “rước voi về giày mả tổ”. Và có lẽ chẳng có câu chuyện tình nào từ cổ chí kim trên thế giới miêu tả đêm tân hôn đặc biệt như đêm tân hôn của vợ chồng Hạnh: “Đám cưới tan. Làng Đông chợt lặng đi. Cô dâu chú rể lại dắt nhau ra bờ sông” . Hạnh và Nghĩa quyết tâm bước qua lời nguyền để đến với nhau, chấp nhận làm hai kẻ bất hiếu. Cho nên, đám cưới của họ chỉ có thanh niên nam nữ trong làng, các cụ không ai có mặt. Khổ nhất cho đôi bạn trẻ là cưới nhau rồi, nhà cửa có nhưng không được về ở. Vậy là đêm tân hôn diễn ra nơi bờ sông. Những ngày Hạnh sống bên nhà chồng là những ngày cô chịu sự dò xét, soi mói của cả dòng họ. Cũng bởi lời nguyền đó mà :“Bao nhiêu năm nay thanh niên làng cứ phải mò sang làng khác lấy vợ. Gái làng Đông ta xưa nay nết na mà cứ phải khăn gói đi làm dâu thiên hạ. Cả làng này sao không thấy gương nhà chị Toan, chị Sang đi lấy
chồng làng Hạ - người bị chồng đánh phát điên, người bị mẹ chồng nay đuổi mai xua phải bỏ về làng ở” [31,tr.83]. Hạnh, sau bao khó khăn mới được bước chân về ở nhà chồng, cũng vẫn bị lời nguyền đeo đẳng: “Vợ chồng thằng Nghĩa đã phản lại lời nguyền của cụ Tổ…Nó rước kẻ thù về làm vợ. Nó làm điều ác, gia đình nó sẽ tuyệt tự. Con Hạnh sẽ chẳng bao giờ có con”[31,tr.231]. Hạnh không có lỗi nhưng hàng ngày cô lại phải sống trong mặc cảm tội lỗi với dòng họ tổ tiên nhà chồng vì không sinh cho Nghĩa mụn con nối dõi. Với Hạnh, thiếu thốn, hi sinh mất mát có lẽ vẫn dễ chịu hơn phải chịu đựng lời nguyền độc ác đeo đẳng: “Hạnh cảm nhận rõ sẽ có tai họa dội xuống đầu Hạnh. Từ ngày Hạnh được ở ngôi nhà mới này, dân làng Đông và người trong họ Nguyễn nhìn Hạnh không còn đằm thắm như xưa. Hạnh khiếp sợ những ánh mắt lạnh lùng và những lời dị nghị “Bà thiếu tá phu nhân họ Nguyễn bị điếc”. Cứ nghĩ đến những lời rủa cay độc ấy Hạnh lại thấy rã rời và chìm nghỉm trong ảo ảnh”[31,tr.233]. Hạnh đã phải cay đắng thốt lên với chồng: “Lời nguyền của cả họ nhà anh vẫn còn đó, nó ngấm sâu vào da thịt ngàn đời không bao giờ rửa sạch” [31, tr.273]. Rất nhiều bi kịch gia đình đã xảy ra chỉ vì không có con nối dõi, và người thiệt thòi nhất là những người phụ nữ. Bản thân họ không được quyền làm mẹ cũng đã là một nỗi đau, họ không được thông cảm mà luôn phải hứng chịu con mắt ghẻ lạnh, khinh thị của người đời. Mang “tội bất hiếu ” với dòng họ nhà chồng thì kinh khủng biết nhường nào. Vì thế, cô Dâu trong một cuộc họp dòng họ đã phẫn nộ: “Cái họ nhà mình rõ lạc hậu, suốt đời toàn làm khổ nhau bằng những chuyện đâu đâu”[31,tr.219]. Quả là “người ta yêu nhau hoặc ghét nhau nhưng đều làm khổ nhau”( Nam Cao). Cũng vì ý thức tộc họ mù quáng mà lão Xung đã làm những hành động độc ác như đốt từ đường, ăn cắp tiền, xúi giục người trong họ tẩy chay vợ chồng Hạnh… để rồi lương tâm day dứt sinh ra dở điên, dở dại. Ông Khiêm trưởng tộc chết trong nỗi đau xót, kiêu hãnh mà cô đơn vì
không chỉ họ tộc, làng xóm mà cả đến vợ con ông cũng không hiểu được những suy nghĩ phức tạp giằng xé trong ông.
Vạn, một chiến sĩ Điện Biên, một thương binh về làng với niềm tự hào về quá khứ anh hùng và phẩm chất Cách mạng của mình, lại chính là nạn nhân của những quan niệm, những nhận thức cứng nhắc, tự cầm tù mình trong cuộc sống khổ hạnh mà anh cho là như thế mới xứng với phận vị mình. Vạn sống với niềm kiêu hãnh của một người lính từ chiến trường trở về. Nhưng quan trọng là Vạn đã không dám vượt qua những e ngại, những định kiến và dư luận, tự chôn sâu mối tình với chị Nhân - vợ của người đồng đội đã hi sinh. Cuộc đời với Vạn đã trở thành bi kịch bởi một phần do anh luôn nhìn thấy hào quang của một anh chiến sĩ Điện Biên, một người hùng, một phần anh cũng không dám bước qua sự thù hằn của hai dòng họ để đến với hạnh phúc mà đáng ra anh được hưởng. Cái chết của Vạn giải thoát cho anh khỏi cuộc đời bất hạnh nhưng để lại cho người đọc bao xót xa. Chiến tranh và những định kiến đã khiến Vạn trở thành một con người vừa vô thần, vừa vô cảm. Những số phận như Hạnh, Vạn…được đặt trên cái nền làng Đông rất điển hình. Một làng quê bé nhỏ, mang nhiều nét truyền thống và cũng là nơi tích tụ những xung đột xã hội dữ dội, những thăng trầm, biến thiên không thể nói là không đau xót. Cái không khí o bế, ngột ngạt và căng thẳng của những tập quán xấu đã làm quằn quại lòng người không ít. Ở đó con người phải sống trong một môi trường tinh thần lẫn lộn bao nhiêu niềm tin thiêng liêng với những mê muội ngu tín. Trong những tấn bi kịch của các nhân vật đều có một phần nguyên nhân từ sự chấp nhận tự nguyện hay cam chịu của họ trước những định kiến và ràng buộc nghiệt ngã của ý thức dòng họ.
Trong Trần gian người đời đó là cảnh thù hằn giữa hai dòng họ Đinh và Vũ chỉ vì dòng họ Đinh đào ao chống hạn bị coi là “ triệt long mạch” nhà họ Vũ. Thế mà cảnh đổ máu xảy ra: “Họ mê muội hung dữ xả vào chân nhau,
bổ cả vào đầu nhau. Mặc lúa má khô héo sâu bệnh, mặc trẻ con ốm đau, suốt ba tháng trời, dân làng Nguyệt Hạ mất ăn mất ngủ vì việc đào ao đào cử, để rồi cuối cùng dân làng phải chứng kiến một cảnh tượng rùng rợn. Một cơn ác mộng xảy ra đối với ngôi đình làng Nguyệt Hạ, đầu của Vũ Bách Thiên rời khỏi cổ mà mắt vẫn mở trừng trừng nằm lăn lóc dưới chân cột. Lưỡi kiếm sáng loáng băm vào cây cột đình sâu ba tấc. Còn Đinh Tử Túc nằm giữa đình, bụng phơi ra một đống bùng nhùng gan ruột”[32,tr.32]. Vì những cách nghĩ rất ấu trĩ và hồ đồ, con người đôi khi hành động mê muội, làm khổ nhau, thậm chí giết nhau. Bản thân mỗi người nông dân cũng đau đớn khổ sở khi luôn phải nuôi dưỡng trong mình, cho con cháu mình mối thù như thế nhưng họ lại không thể và không cho phép mình nguôi quên. Quá khứ là một cái gì đó quá nặng nề, từ đời này qua đời khác, người ta không để cho nó ngủ yên mà liên tục đánh thức nó như là một thước đo lòng trung thành với dòng họ.
Cũng trong Trần gian người đời, Lão Kình mang một nỗi hận ghê gớm đối với người đã giết con trai mình, lão ngày đêm âm mưu trả thù cho con bất chấp phải dùng những thủ đoạn đê tiện. Lão dùng số tiền ki cóp cả đời dụ dỗ Quất ăn cắp chiếc vòng hòng chia rẽ tình yêu của Nga và Đô, sẵn sàng đổi trắng thay đen, cốt bắt được con gái kẻ thù về làm dâu nhà mình để hành hạ: “Chúng phải nhớ, phải nhớ đời hiểu chưa? Chúng phải nhớ và khắc ghi vào lòng về cái chết oan uổng của bố chúng mày”. Việc Bức yêu Nga bị cả nhà lão coi là việc táng tận lương tâm, bất trung bất hiếu. Nhìn thấy cảnh Bức tình cảm với vợ, anh trai Bức đã đánh Bức và rít lên: “Mày là thằng nhu nhược. Mày đã quên mất lời ông dạy…Lần này tao chỉ cảnh cáo, lần sau vi phạm tao đâm thủng bụng”.
Dương Hướng mang đến cho người đọc cái nhìn không hề đơn giản về người nông dân. Họ có thể chỉ là những người lao động an phận quanh năm bới đất lật cỏ nhọc nhằn kiếm miếng ăn, không gây thù chuốc oán với ai,
nhưng khi khảo sát họ trong quan hệ dòng họ sẽ thấy ở họ tiềm ẩn một sức mạnh tinh thần khủng khiếp. Thế giới nội tâm của họ cũng đầy phức tạp, luôn tồn tại những nỗi dằn vặt, vò xé đau đớn. Bức yêu vợ nhưng không dám trái lệnh ông. Vì thế con người ngỡ như thô lậu cục cằn đó có lúc Bức đã nức nở khóc. Bức khóc cho nỗi làm người, khóc vì không sao thoát khỏi tấn bi kịch giằng xé đấu tranh giữa tình yêu và bổn phận, giữa lương tâm và nghĩa vụ: “Ông tôi không bao giờ tha thứ….Tôi chỉ làm việc theo kế hoạch của gia đình để thực hiện được ý đồ lớn. Nhưng bây giờ thì tôi đã phản bội lại ông bà, bố mẹ và các anh tôi. Tôi…tôi đã yêu mình” [32,tr.142]. Người nông dân đã sống trong bao nhọc nhằn cơm áo lại còn bị vây bủa và tự cầm tù trong bao tăm tối lầm lạc. Khi họ đã mang một mối hận nào đó thì nghĩa là họ sẽ nô lệ cho nó suốt đời, hơn thế họ còn truyền lại cho con cháu, giam cầm con cháu trong xiềng xích vô hình. Bức xin vợ tha thứ cho những người thân của mình vì đã hành hạ cô, đó chính là lời tự thú sâu sắc: “Thu Nga, hãy tha thứ cho họ. Định kiến và sự thù hận đã ăn sâu vào máu luôn hủy hoại cuộc sống vốn đã khốn cùng của họ. Lòng tốt và sự chân thành của họ chính là lòng tin. Họ đã tin và tôn thờ điều gì họ sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình để giữ lòng tin ấy. Dẫu họ có phải ăn đói mặc rách quanh năm nhưng đến ngày giỗ bố phải có manh quần tấm áo mới ngồi trước mâm cỗ đầy ắp xôi thịt. Họ dám nhẩy vào lửa để cứu người, dám xoay trần ra, vật lộn với dông bão để cứu lúa, họ dám xả thân nơi bom đạn tiêu diệt kẻ thù…miễn là đừng lừa dối họ. Họ là thế đấy”[32,tr.216].
Dương Hướng đã bộc lộ qua lời nhân vật một tâm lí đầy trắc ẩn, bao dung. Ông không chỉ một chiều phê phán định kiến mù lòa, sự tăm tối mông