Chè được rải trên nền sạch, chiều dày của lớp chè dưới 25cm cách 1,5-2 giờ thì tiến hành đảo rũ một lần, thời tiết không thuận lợi thì thời gian đảo rũ là 1giờ/lần. Đồng thời nhà máy sử dụng hệ thống quạt để làm héo nhanh hơn nhằm tránh hiện tượng ôi ngốt trong khối chè, ngoài ra làm cho lượng nước trên bề mặt lá chè thoát ra nhanh hơn. Trong quá trình làm héo yêu cầu công nhân phải đi giật lùi, hạn chế sự giẫm đạp và các tác động cơ học lên khối chè. Thời gian héo kéo dài từ 4-5 giờ. Kết thúc giai đoạn héo, yêu cầu bề mặt lá chè không còn nước, khi đó hàm lượng nước trong chè còn khoảng 73-75% cánh chè mềm dẻo. Trong quá trình sản xuất chè, nếu hàm lượng nước trên bề mặt lá quá nhiều thời gian diệt men kéo dài dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm cả về hương và vị. Đặc biệt, nước pha chè có màu đỏ ảnh hưởng đến chất lượng cảm quan của chè.
Theo Nguyễn Duy Thịnh (2004), trong công nghệ sản xuất chè xanh thì giai đoạn làm héo chỉ áp dụng với những loại nguyên liệu có búp to, lá dày hoặc khi gặp mưa, khi muốn giảm vị đắng của nguyên liệu. Phương pháp làm héo được dùng là phương pháp héo tự nhiên trong thời gian 6-8 giờ, cung cấp không khí mát và dùng tay đảo chè. Như vậy, với giống chè trung du búp nhỏ mà nhà máy sử dụng, việc héo này có thể có lợi về hương và vị, nhưng có thể ảnh hưởng xấu đến màu sắc của nước chè pha sau này (khó giữ màu xanh vàng đặc trưng do có thể tỷ lệ nguyên liệu bị dập sẽ tăng lên trong quá trình này). Tuy vậy qua tìm hiểu, Nhà máy phải áp dụng thêm công đoạn này một phần cũng là do mấy tháng đầu năm mưa nhiều lên nguyên liệu thường xuyên bị ướt khi đưa về nhà máy.