Trước hết cần tăng cường quản lý giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu; thường xuyên cập nhật Danh mục quản lý rủi ro về giá đối với các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa phải nộp thuế ngay, mặt hàng có thuế suất cao, có giá trị lớn làm cơ sở tập trung kiểm tra có trọng điểm việc khai báo trị giá tính thuế, đảm bảo việc kiểm tra, tham vấn giá, xác định trị giá tính thuế đạt hiệu quả, kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận trong khai báo qua giá tính thuế.
Một cán bộ của ngành hải quan cho biết: thực tế thì việc chống C/O giả cũng như bác bỏ mã số hàng hóa khai sai rất phức tạp. Nguyên nhân là việc thay đổi người có thẩm quyền trong việc ký giấy C/O ở các nước thuộc khu vực ưu đãi diễn ra thường xuyên và nhiều khi, cơ quan chức năng Việt Nam lại không thể cập nhật kịp thời chữ ký. Thêm vào đó, việc kiểm tra, đối chiếu trên các bản đăng ký chữ ký trên C/O cũng khó khăn do tờ khai đã trải qua nhiều lần photo.
Nhìn chung, hiện nay việc kiểm tra thông quan tùy theo đối tượng dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro chứ không thể kiểm tra 100% lô hàng, hải quan cũng dựa nhiều vào kinh nghiệm và các quy định quản lý về thương mại phổ biến để xác định nên những sai phạm vẫn có thể lọt qua cửa khẩu hải quan.
Chỉ trong những trường hợp có nghi ngờ về C/O form D hàng nhập khẩu, hải quan mới kiểm tra lại dấu và chữ ký trên C/O, nếu phát hiện có gian lận, cơ quan hải quan sẽ gửi công văn sang cơ quan hải quan chịu trách nhiệm cấp C/O form D của nước xuất khẩu hàng có vấn đề để yêu cầu kiểm tra. Nếu cần, hải quan 2 nước sẽ phối hợp để xử lý hàng có C/O giả.
Theo ngành hải quan, trong thời điểm hiện nay, khi công cụ hỗ trợ cho việc phát hiện việc giả C/O form D còn hạn chế, đòi hỏi hệ thống thông tin và kiến thức nghiệp vụ được bổ sung kịp thời.
Đồng thời ngành hải quan cũng cần trang bị phương tiện kỹ thuật hiên đại trong các khâu kiểm tra hải quan nhằm tránh tình trạng gian lận.
Các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cũng như các chính sách về thuế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát hiện kịp thời các sơ hở, thiếu sót trong các văn bản pháp quy để chấn chỉnh, đồng thời chủ động phát hiện vi phạm, tội phạm trốn thuế xuất nhập khẩu, điều tra, xử lý nghiêm minh các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm, thu hồi tiền thuế cho Nhà nước, bảo vệ kỷ cương pháp luật và hoạt động lành mạnh trong xuất
nhập khẩu.
Mặt khác, chính các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cũng cần chú ý tới vấn đề này khi tiến hành ký kết hợp đồng với các đối tác và phải hiểu rõ luật pháp vì thuế suất ưu đãi và không ưu đãi đối với các mặt hàng là rất lớn, nên rất dễ nảy sinh gian lận trong thương mại mà phần thiệt thòi bao giờ cũng nghiêng về phía doanh nghiệp nhập khẩu.
Cơ quan thuế phải tập trung thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN xuất nhập khẩu xăng dầu, kiểm tra sổ sách, chứng từ, tài liệu kê khai thuế xuất nhập khẩu của các doanh nhiệp.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật tới cộng đồng DN. Mặc dù doanh nghiệp nào cũng có những văn bản luật riêng, nhưng việc nghiên cứu hay không là một vấn đề. Chúng ta cần tuyên chuyền các văn bản luật tới các doanh nghiệp đồng thời có những xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi gian lận thuế. Càng phạt nặng hơn đối với các doanh nghiệp biết là vi phạm mà vẫn cứ làm.
KẾT LUẬN
Trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và trước những biến động khó tiên liệu của thị trường xăng dầu thế giới. Việc quản lý Nhà nước nói chung và công tác kiểm tra thanh tra của cơ quan hải quan, chi cục thuế nói riêng đối với việc thu thuế xăng dầu như là một nhu cầu tất yếu, một giải pháp có tính đột phá để thích nghi và phát triển.
Từ thực tiễn thuế xuất nhập khẩu xăng dầu, tôi xin đề xuất một số biện pháp nhằm hạn chế những gian lân trong thuế xuất nhập khẩu xăng dầu để giúp quản lý việc thu thuế xuất nhập khẩu, tránh tình trạng tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách nhà nước và dẫn đến thực hiên thành công mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
PHỤ LỤC.
Petrolimex kiến nghị, Thuế nhập khẩu xăng dầu nên đánh theo số tuyệt đối thay vì theo tỷ lệ % trên giá CIF hiện nay
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, khi xăng dầu tiêu thụ trong nước đã được đáp ứng từ 2 nguồn, cả nhập khẩu và sản xuất trong nước thì cách điều hành thuế xăng dầu cần phải được cải cách cho phù hợp.
Trước đây, xăng dầu tiêu thụ trong nước đều phải nhập khẩu 100% từ bên ngoài. Các khoản thu cho ngân sách chủ yếu là ở khâu nhập khẩu qua thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Các khoản thuế VAT, phí xăng dầu, thuế thu nhập doanh nghiệp nằm ở khâu bán ra. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đã có thể đáp ứng nguồn xăng dầu cho thị trường 30% nhu cầu. Nếu tiếp tục kéo dài phần thu thuế chủ yếu ở khâu nhập khẩu khi đã có nguồn xăng dầu trong nước thì sẽ trở nên bất cập.
Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng có nhiều lần điều chỉnh thuế nhập khẩu. Vì thế, Petrolimex cho rằng, nếu để thuế nhập khẩu đối với xăng dầu có mức tối đa là 40% là quá cao, có nghĩa là nhà máy lọc dầu trong nước đã được lợi nhờ bảo hộ. Như vậy, sẽ không khuyến khích các nhà máy lọc dầu trong nước hạ thấp chi phí sản xuất. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ thiếu nguồn cung do xăng dầu nhập khẩu không cạnh tranh được với xăng dầu trong nước.
Đồng thời, Petrolimex đánh giá, cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo tỷ lệ % trên giá CIF hiện nay sẽ gây tác động kép tới giá bán xăng dầu trong nước do yếu tố động của giá dầu thế giới, như vậy cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách, khó kế hoạch hoá nguồn thu.
Vì thế, Tổng công ty này kiến nghị, thuế nhập khẩu xăng dầu nên giữ ở tỷ lệ đủ để khuyến khích sản xuất trong nước. Khung thuế nhập khẩu mới nên
từ 0- 5% thay cho khung hiện nay là 0-40%. Phần còn lại, sau khi trừ 5% thu ở khâu nhập khẩu, nên chuyển sang thu theo số tuyệt đối ở khâu bán ra và có thể gọi là thuế sử dụng xăng dầu. Thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng với mặt hàng xăng là 10% tính trên giá CIF, đã có cả thuế nhập khẩu và cũng được thu ở khâu nhập khẩu. Petrolimex đề nghị thời gian tới, chuyển sang thu thuế này ở khâu bán ra và theo số tuyệt đối.
Petrolimex cho rằng, lượng xăng dầu được sản xuất trong nước cần được thu tương đương với nguồn xăng dầu nhập khẩu để bình đẳng giữa kinh doanh xăng dầu nhập khẩu với kinh doanh xăng dầu sản xuất trong nước.
Ở Việt Nam, trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, các khoản thu cho Nhà nước thường chiếm từ 30-42%, thậm chí, phần còn lại là phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 4-5%. Trong đó, thuế nhập khẩu được sử dụng làm van điều tiết, điều chỉnh linh hoạt theo biến động giá thế giới nên khó mà tạo ra được môi trường ổn định cho kinh doanh của doanh nghiệp. Các khoản thu cho ngân sách Nhà nước đối với xăng dầu như trên nên tính là số tuyệt đối trên một lít/kg xăng dầu bán lẻ trong dự toán Ngân sách Nhà nuớc hàng năm. Như vậy, sẽ vừa đảm bảo ổn định nguồn thu cho Ngân sách, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình.