Công chức là người “công bộc” của nhân dân, phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tận tuỵ phục vụ và tôn trọng nhân dân. Công chức hành chính nhà nước có nghĩa
vụ phải giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật.
Là người “công bộc” của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, công chức hành chính nhà nước phải có kiến thức tâm lý quản lý trong giao tiếp với nhân dân, phải lịch sự, nhã nhặn, thực hiện văn minh công sở.
Nhìn khái quát thì chúng ta tưởng chừng việc giao tiếp với công dân là điều đơn giản nhưng thật ra đó là một vấn đề lớn, là nghệ thuật cho nên công chức nhà nước cần phải không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng của mình.
Ý nghĩa và vai trò của công tác tiếp dân:
Cụm từ “ tiếp dân” hiện nay đang ngày càng trở nên quen thuộc và cần thiết trong sinh hoạt đời sống xã hội. Có thể nói, đây là cấu nối để lãnh đạo chính quyền, cán bộ nhà nước gần và sát dân hơn. Thông qua các buổi tiếp dân, cán bộ lãnh đạo sẽ có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, trăn trở của nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết hợp tình hợp lý, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp. Đây cũng là thể hiện bản chất của nhà nước chúng ta, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, thói quan liêu, nhũng nhiếu, hạch sách, nạt nộ dân của một số nhân viên công quyền, một vài vị quan chức, sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, đó là những biểu hiện xa lạ đối với chế độ ta cần phải lên án và ngăn chặn.
Kinh nghiệm ở một số địa phương cho thấy, để có một buổi tiếp dân đạt chất lượng, sau khi bộ phận tiếp nhận đơn có giấy hẹn ngày tiếp công dân, công việc phải chuẩn bị trước một cách chu đáo. Một khi cán bộ tiếp dân, nhất là các vị lãnh đạo chính quyền, được các bộ phận tham mưu chuẩn bị hồ sơ, đề xuất, tham mưu hướng giải quyết, thì việc tiếp dân sẽ diễn ra thuận lợi. Để hỗ trợ cho công tác tiếp dân đạt hiệu quả cao, chính quyền các cấp phải ráo riết, bám sát công việc, vì lợi ích chung, không ngại va chạm với lợi ích cục bộ, thiểu số. Người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên tiếp cận với các điểm nóng, đi thực tế, xử lý các đơn thư trực tiếp, các sự việc mà đài, báo nêu, không để tồn đọng, “dồn toa”, sẽ khó nắm bắt được vấn đề một cách sâu sát, dẫn đến thiếu chu đáo trong giải quyết vướng mắc, nguyện vọng của người dân.
Và nếu như làm tốt công tác này, cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết tốt, triệt để, sâu sát các vấn đề. Lắng nghe ý kiến của nhân dân từ đó sẽ giúp cho chủ thể quản lý hoàn thiện được hoạt động quản lý của mình.
Một số trường hợp cần lưu ý:
- Đáng lo ngại là hiện nay, hiện tượng trên không phải là cá biệt nữa, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Hình ảnh các công chức mang bộ mặt “ đâm lê”, hách dịch, mất lịch sự khi tiếp xúc với dân không phải là ít, nhất là ở cấp phường, xã. Những nhân viên công quyền đó, không hiểu họ có ý thức được nghĩa vụ của họ là phải phục vụ nhân dân cho thật tốt, chứ không phải là để quát nạt dân, hành dân. Họ phải biết rằng, chính nhân dân là người nộp thuế để nuôi họ và họ phải có nghĩa vụ duy trì trật tự xã hội, phục vụ nhân dân chu đáo. Có người khi còn là nhân viên, chưa có chức tước gì thì gặp dân còn niềm nở, từ tốn nhưng khi có chức có quyền rồi là thay đổi thái độ ngay. Gặp ai cũng như là người xa lạ, chuyện đơn giản cũng cho là quan trọng. Rồi thì khất hẹn,
thậm chí cả vòi vĩnh…Từ đó dễ xảy ra tình trạng chính quyền không hiểu dân, xa dân, dẫn đến những quyết định, chủ trương sai với đường lối và nhu cầu thực tế bức xúc của cuộc sống nhân dân và là rào cản của sự phát triển.
- Tránh tình trạng tiếp dân mang nặng tính hình thức, thủ tục tiếp dân rườm rà, không đúng hẹn. Tiếp dân mà để dân ra về trong lòng không thoả mãn, không “tâm phục khẩu phục”, thì không thể coi là có hiệu quả được. Làm thế nào khi người dân ra về, dù không đạt được kết quả như ý muốn ban đầu ( vì các kiến nghị không phải lúc nào cũng chính đáng) nhưng họ vẫn không có điều gì phiền trách cán bộ tiếp dân.
- Tất nhiên trong thực tế, công tác tiếp dân không phải lúc nào cũng kết thúc thuận buồm xuôi gió. Cũng đã có những trường hợp có các phân tử quá khích lợi dụng các buổi tiếp dân để kích động, quấy rối, hoặc có những công dân đưa ra những đòi hỏi quá đáng, phi lý v.v… đẩy cán bộ tiếp dân vào thế bị động, lúng túng để từ đó, tạo điều kiện cho các phần tử xấu, có cơ hội nói xấu chính quyền, xuyên tạc sự thật, tung tin thất thiệt gây mất lòng tin trong nhân dân. Trong những trường hợp này, người cán bộ lãnh đạo phải thật tỉnh táo, tránh nóng giận, điềm tĩnh giải thích để giải quyết có tình có lý. Trường hợp cần thiết phải có biện pháp trấn áp thích đáng nhưng phải đảm bảo không vi phạm pháp luật.
- Công tác tiếp dân sẽ phát huy hiệu quả khi lãnh đạo sâu sát, có tâm, có tầm, có trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Đồng thời cũng cần lên án tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, việc thuộc thẩm quyền ở cấp xã, phường lại không chịu tiếp dân để giải quyết mà đùn đẩy lên quận, huyện, quận huyện lại đùn đẩy lên tỉnh, thành phố. Kết quả là vụ việc kéo dài, người dân phải vất vả, tốn kém thời gian, có khi cả tiền bạc một cách không đáng có. Và trên hết việc tiếp dân phải dựa trên cơ sở những chủ trương, quy định mang tính xuyên suốt và cơ bản của nhà nước cấp trung ương và địa phương, không “đao to búa lớn” không “quan trọng hoá” vấn đề, làm cho dân lo, dân sợ và cũng tránh xuê xoa, tuỳ tiện trong giải quyết các vướng mắc, tồn đọng, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các chủ trương, chính sách chung.