Trước hết, để hiểu được những nền tảng hình thành nên phương pháp diễn dịch của Descartes, chúng ta phải hiểu thế nào là diễn dịch. Diễn dịch theo nghĩa chung nhất của từ này là một loại hình tư duy mà khi dựa vào một hay một số luận điểm đã biết, ta rút ra được một luận điểm mới theo những quy tắc suy luận nhất định.
* Phương pháp: theo gốc tiếng Hy Lạp methodos, là cách thức, con đường để đạt được cái gì đó. Đó là cách thức được kế hoạch trước, hợp lôgíc, nhằm thực hiện những mục tiêu lý luận hoặc thực tiễn một cách chắc chắn và tối ưu trong các hoạt động tổ chức, kỹ thuật công nghệ hoặc nghiên cứu khoa học [21, tr 5].
* Phương pháp diễn dịch: là một phương pháp nhận thức, trong đó nhìn chung tiến trình tư tưởng đi từ những tri thức về cái chung đến tri thức về cái riêng, từ những chân lý đã biết đến những chân lý mới nhờ các quy luật và quy tắc của lôgíc học [46, 8].
Đứng trên lập trường phê phán, Descartes chê những nhà nghiên cứu đi tìm chân lý một cách vô phương hướng, ví họ như thể những người: “Nóng bỏng niềm khao khát đi tìm kho báu mà không có hiểu biết, cứ lang thang trên các đường phố để may ra nhặt được vật gì do người đi đường đánh rơi… chắc chắn những cuộc tìm kiếm không điều khiển và những suy tư hỗn độn loại này chỉ làm cho ánh sáng tự nhiên bị lu mờ và làm mù các khả năng trí khôn của chúng ta.” [52, 194]. Descartes hoàn toàn ý thức rõ tầm quan trọng của vấn đề phương pháp luận “Nếu chỉ có lý tính tốt thì chưa đủ, mà chủ yếu là phải áp dụng nó tốt. Một linh hồn vĩ đại nhất có thể đem lại những điều nhảm nhí nhất, nhưng cũng có thể đem lại điều tốt lành nhất, và những người nào, dù đi rất chậm, nhưng nếu anh ta đi đường thẳng, vẫn có thể vượt xa so với những ai mặc dù chạy nhưng lại không đi theo con đường thẳng đó” [Trích theo 56, 302]. Cũng như F. Bacon, Descartes nhận thấy hạn chế trong phương pháp luận của Aristotle giờ đây không còn đáp ứng với nhu cầu phát triển của triết học và khoa học thời Cận đại. Ông nói: “Những câu tam đoạn luận của Aristotle và đa số những điều Aristotle dạy chỉ có công dụng giải nghĩa cho người khác điều ta biết hơn là giúp ta hiểu biết những điều đó. Đó là lý do làm cho tôi nghĩ phải tìm một phương pháp nào khác” [9, 59].
Đối với Descartes, tam đoạn luận, và nói chung phương pháp luận của Aristotle chỉ giúp chúng ta giải nghĩa những gì ta đã biết, giống như một thứ cẩm nang để dùng làm điển ngữ, chứ không cho ta phương pháp tìm ra những chân lý mới, không giúp chúng ta sáng tác, khám phá và phát minh khoa học. Phương pháp luận của Aristotle, như Descartes nói một cách hình tượng, không giúp chúng ta có thể từ một khối cẩm thạch điêu khắc ra được pho
tượng. Ông viết cuốn Phương pháp luận không phải bằng tiếng Latinh như
nhiều nhà triết học đương thời mà bằng tiếng Pháp, với hàm ý phê phán triết học Kinh viện truyền thống. “Thay cho triết học trừu tượng được giảng dạy ở
các trường học, có thể lập ra một thứ triết học thực tiễn mà nhờ đó nếu nhận biết được các sức mạnh và tác dụng của lửa, nước, không khí, sao, trời và tất cả các vật thể khác xung quanh ta cũng rõ rệt như ta biết các công cụ khác nhau của những người thợ thủ công lành nghề của chúng ta thì chúng ta sẽ có thể, giống như họ, sử dụng những lực lượng ấy như với tất cả các công cụ của chúng, và do đó, trở thành người chủ và người thống trị tự nhiên” [Trích theo, 8 , 15-16]. Descartes đặt vai trò của trí tuệ, lý tính lên hàng đầu, lấy con người làm chuẩn mực trong quá trình nhận thức. Descartes không coi trọng kinh nghiệm, mà là trực giác (intuition), khả năng trí tuệ, lý trí cao nhất. Theo cách hiểu của Descartes, Trực giác là sự mẫn cảm, tự nhận biết những chân lý lộ ra trong lý tính và mối tương tác giữa chúng, và theo nghĩa đó, là dạng nhận thức trí tuệ cao nhất. Descartes cho rằng trí tuệ của chúng ta có sẵn hai khả năng, trực giác và diễn dịch. Descartes quyết định xây dựng toàn thể tòa nhà tri thức của mình, trên nền tảng trực giác và diễn dịch. Ông lý giải “Hai phương pháp này là những con đường chắc chắn nhất dẫn đến tri thức và bất cứ phương pháp nào khác đều bị loại trừ như là đáng nghi ngờ có sai lầm và nguy hiểm.” [Trích theo 52, 194]. Trực giác theo Descartes hiểu là một hoạt động hay cái nhìn hoàn toàn sáng sủa khiến cho không còn một sự hoài nghi nào trong trí tuệ. Trực giác cho chúng ta cái nhìn rõ ràng, một số chân lý cơ bản, đơn sơ và không thể giản lược về thực tại và mối tương quan giữa một chân lý với một chân lý khác. Chẳng hạn, rằng hình cầu chỉ có một bề mặt duy nhất và hai vật bằng một vật thứ ba thì bằng nhau. Descartes hiểu diễn dịch tương tự như trực giác vì cả hai đều có chân lý. Qua trực giác chúng ta biết được chân lý một cách trực tiếp, còn diễn dịch giúp chúng ta đạt đến chân lý qua một tiến trình. Ông đã có giải thích mới cho diễn dịch của mình so với tam đoạn luận của Aristotle, vì tam đoạn luận cho thấy tương quan giữa các khái niệm với nhau, còn diễn dịch cho thấy tương quan giữa các chân lý với
nhau. Đi từ một sự kiện đã biết chắc chắn tới một kết luận mà sự kiện đó bao hàm bằng diễn dịch như Descartes nêu lên thì khác với đi từ một tiền đề tới một kết luận như trong tam đoạn luận. Descartes nhấn mạnh sự khác biệt giữa suy luận từ một sự kiện và suy luận từ một tiền đề, vì cái quan trọng nhất trong phương pháp của ông là ở chỗ này. Descartes hiểu là người ta có thể suy luận một cách chặt chẽ từ một tiền đề, ông lý luận rằng giá tri của một kết luận còn phụ thuộc vào tiền đề có đúng hay không.
Quan niệm của Descartes coi con người là chuẩn mực của quá trình nhận thức thể hiện ở tư tưởng nghi ngờ của ông. Mệnh đề “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Cogito, ergo sum) là xuất phát điểm của cả triết học và phương pháp luận. Khác với các nhà hoài nghi luận thời Cổ đại, nghi ngờ ở Descartes, có mục đích là để tìm ra chân lý. Tuy vậy, luận điểm này gây tranh cãi cho nhiều nhà triết học đương thời và sau đó. Thomas Hobbes rằng, câu nói đó cũng chẳng khác gì câu: “Tôi dạo chơi, vậy tôi tồn tại”. Theo tinh thần của các nhà duy vật thì phải khẳng định ngược lại: “Tôi tồn tại, vậy tôi suy nghĩ”, bởi muốn suy nghĩ thì trước hết phải tồn tại đã.
Tuy nhiên, những quan niệm duy tâm của Descartes chủ yếu ở lập trường nhị nguyên luận của ông trong lý giải mối quan hệ giữa tinh thần và vật chất, Thượng đế và thế giới, chứ không phải chủ yếu ở “Cogito, ergo sum”, bởi ở đây nghi ngờ, tư duy chỉ là phương tiện để khẳng định là “tôi tồn tại”. Trong luận đề này, Descartes không có ý khẳng định tư tưởng là nguồn gốc của mọi vật. Mặt khác, ta cần thấy trong lịch sử triết học, những nhà triết
học lớn thường là những nhà duy tâm (Plato, Augustin, Thomas d’ Aquy ,
Leibniz, Kant, Hegel,...). Đóng góp của họ đối với nền triết học nhân loại không ít hơn các nhà duy vật. Lênin nhận xét: “Chủ nghĩa duy tâm thông minh còn tiến sát đến chân lý hơn những nhà duy vật tầm thường.” [Trích theo, 20, 46] Descartes thuộc vào số những nhà duy tâm thông minh đó. Khác
với Augustin cho rằng: “Thượng đế suy nghĩ trong tôi, phải thông qua tôi”, Descartes khẳng định sự độc lập của cái tôi, của con người đối với Thượng đế. Đây cũng là sự khẳng định sự độc lập, không lệ thuộc của ông đối với triết học Kinh viện. Coi xuất phát điểm của triết học là “Tôi tư duy” chứ không phải là “Tôi cảm nhận” như Berkely nói sau này. Descartes khẳng định sự ưu việt của trí tuệ, lý tính so với kinh nghiệm cảm tính. Cái Tôi chỉ có được với tư cách là đang hoạt động. Bên cạnh đó, luận điểm “Cogito, ergo sum” của Descartes còn khởi thảo, tiếp cận một quan niệm triết học mới: Thế giới là thế giới trong suy nghĩ của con người. Người quan niệm về thế giới như thế nào, thì thế giới tồn tại trong suy nghĩ người ta như thế đó. Con người là chủ thể của quá trình tư duy, quá trình nhận thức. Những tư tưởng này về sau được Shelling khai thác triệt để, tạo ra bước ngoặt từ “Tôi suy nghĩ” tới “Tôi hoạt động”, biến con người trở thành chủ thể của hoạt động.