Những tư tưởng có liên quan đến phương pháp diễn dịch của ông chủ
yếu thể hiện trong Những quy tắc chỉ đạo lý tính và Phương pháp luận đặc
biệt nhất của tư tưởng Descartes là ông cho rằng trí tuệ con người trong quá trình nhận thức có thể sáng tạo ra bất kỳ chân lý nào. Nếu theo phương pháp quy nạp ở F. Bacon, quá trình nhận thức của con người luôn luôn vận động từ cái đơn nhất, cái bộ phận đi đến cái chung thì Descartes lại cho rằng quá trình đó bắt đầu từ những tri thức chung nhất của siêu hình học và từ chúng vận động đến những vấn đề mang tính bộ phận của vật lý học, sau đó đi đến những vấn đề của các khoa học cụ thể nhất, con đường đi từ cái chung đến cái riêng. Theo ông, trình độ của bất kỳ lĩnh vực tri thức nào cũng tỉ lệ thuận với trình độ toán học của nó. Kinh nghiệm và toán học đó là những động cơ chính của tri thức, đặc biệt là tri thức khoa học tự nhiên. F. Bacon sau khi tổng kết rất nhiều vấn đề có liên quan đến tri thức kinh nghiệm như là nguồn gốc của
những chân lý mới mà nhiều nhà triết học thời kỳ Cận đại đề cập đến, đã tập trung nghiên cứu quy nạp - kinh nghiệm vào tiêu điểm của phương pháp luận của mình. Nhưng F. Bacon xa lạ với tri thức toán học. Ngược lại phương pháp luận của Descartes được hình thành trong sự tác động quyết định của toán học.
Descartes là một trong những người sáng lập ra toán học của thời kỳ Cận đại. Ông đã phát triển các phương pháp hình thức hóa các tri thức toán học lên một trình độ mới so với thời kỳ Cổ đại - đại số học. Việc xem xét lại toán học Cổ đại thể hiện đặc biệt rõ ở chỗ những khái niệm của nó đã được định hướng sang hình học, là khoa học toán học cơ bản thời đó xét về mặt bản chất của nó. Descartes đã đưa đại số vào hình học và đã xây dựng nên hình học giải tích. Descartes hiểu toán học mà ông xây dựng không chỉ đóng khung trong bản thân nó, mà còn là cơ sở của các khoa học tự nhiên khác, vì thế ông gọi nó là toán học chung nhất. Và theo ông thì các khoa học khác chỉ là những bộ phận khác của toán học hay toán học ứng dụng. Từ những điều đã nói ta thấy rằng trong những sự tìm kiếm khoa học, đặc biệt là toán học Descartes đã đạt đến trình độ phương pháp luận khái quát cao. Trong nội dung của những quy tắc mới “Chỉ đạo lý tính” ta thấy những sự tìm kiếm về mặt phương pháp luận của tác giả luôn đi liền với toán học và có trước những
khoa học cụ thể. Còn trong Phương pháp luận tác giả đã chỉ ra rằng vấn đề
phương pháp luận ở trong mối liên hệ không tách rời với sự tiến bộ mạnh mẽ của những nghiên cứu và nhận thức khoa học. Trong bối cảnh ấy sự bất lực của tam đoạn luận truyền thống Aristotle trong vai trò là phương tiện phương pháp luận có hiệu quả trong việc phát minh ra chân lý khoa học mới trở thành dễ hiểu. F. Bacon đã từ chối nó và sử dụng phương pháp quy nạp - kinh nghiệm. Galile cũng đã sử dụng toán học. Descartes cũng sử dụng toán học và nhấn mạnh rằng lôgíc học truyền thống có chứa một số quy tắc đúng và có
ích, nhưng đa số trong đó là vô ích thậm chí có hại, còn xét tổng thể thì nó có lợi trong việc trình bày những cái đã biết hơn là phát minh ra những cái còn chưa biết. Xuất phát từ đó Descartes đã đưa ra phương pháp diễn dịch trực giác của mình bao gồm bốn quy tắc cơ bản.
Thật vậy, chúng ta xem xét quá trình hình thành tư duy khoa học của
Descartes được mô tả tỉ mỉ trong tác phẩm Phương pháp luận. Thoạt tiên
chúng ta thấy ông trăn trở với những gì ông học được trong nhà trường, một trường nổi tiếng của châu Âu thời đó. Ông bối rối trước bao nhiêu điều đáng hoài nghi và sai lầm trong lối học Kinh viện. Từ đó ông nảy ra ý định xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho các ngành khoa học. Trải qua bao nhiêu năm tháng suy nghĩ, cuối cùng ông đã đề xuất được mấy nguyên tắc nổi tiếng, còn giá trị cho đến ngày nay đối với những người làm khoa học, đặc biệt đối với những người trẻ mới vào đời. Những nguyên tắc này không phải diễn đạt bằng thuật ngữ khoa học và lôgíc mà bằng những ngôn từ giản dị và dễ hiểu như dạng những điều răn.
Nguyên tắc thứ nhất, và cũng là nguyên tắc cơ bản nhất có nền tảng từ “Cogito, ergo sum” của ông là chỉ coi là những chân lý những gì rõ ràng, rành mạch, những gì mà không gợi cho ta một chút nghi ngờ (perception clara et distincta). Không chấp nhận một điều gì là đích thực, trừ khi tôi tri thức điều đó một cách hiển nhiên: nghĩa là phải thận trọng tránh xa những hấp tấp và thành kiến, và trong các phán đoán, đừng có bao hàm một điều gì ngoài cái điều xuất hiện một cách rõ ràng và phân minh trước tâm trí tôi, đến nỗi tôi không có lý do gì để hoài nghi điều đó. Đây là quy luật được mệnh danh quy luật hiển nhiên: chỉ cái hiển nhiên được coi là chân lý và cái hiển nhiên lại được coi là cái mà từ nay chúng ta sẽ thấy luôn nhắc tới dưới ngòi bút của Descartes. Ông định nghĩa thế nào là quan niệm rõ ràng và minh bạch? Theo Descartes, trước hết nó phải là một quan niệm, nghĩa là một ý tưởng trừu
tượng của tư duy về bản tính bất biến của đối tượng, chứ không phải hiểu biết do giác quan đem lại: “…bây giờ tôi biết rõ một điều là, nói cho đúng, chúng ta chỉ quan niệm các vật thể bằng khả năng suy tưởng ở trong ta mà thôi, chứ không bằng trí tưởng tượng hoặc một giác quan nào hết” [9, 92]. Nói một cách đơn giản thì rõ ràng là cái hiện diện trước mặt ta hoặc trước tâm trí ta, tùy theo ta nói về sự xem hay về quan niệm. Còn phân minh là khi đối tượng hiện ra với chu vi rõ rệt đến nỗi ta không thể lẫn nó với đối tượng khác. Vì vậy, Descartes quan niệm một tri giác hay một quan niệm có thể rõ ràng mà không phân minh còn nếu như phân minh thì nhất định và tất nhiên rõ ràng.
Trực giác trí tuệ, với tư cách là khả năng trí tuệ cao nhất của con người, được Descartes coi là “ánh sáng tự nhiên” là tiêu chuẩn của chân lý. Lý tính, theo Descartes, không thể mắc sai lầm. Mọi sai lầm là do trong linh hồn của con người không phải chỉ gồm có lý tính, mà còn có cả ý chí nữa. Khi nào ý chí tức là khát vọng của con người vượt quá khả năng của lý tính, của trí tuệ con người thì ta dễ mắc sai lầm. Là nhà toán học, Descartes đơn giản nghĩ rằng tất cả mọi lĩnh vực tri thức khác nhau của khoa học đều phải chính xác, rõ ràng như trong toán học vậy.
Nguyên tắc thứ hai, là phân chia mỗi khó khăn mà chủ thể phải khảo sát thành nhiều phần hết sức, và tùy đòi hỏi, để giải đáp những khó khăn đó cho đúng cách hơn. Đây là quy luật phân tích: khi không giải quyết ngay được những khó khăn, chúng ta phải phân tích chúng thành nhiều thành phần để dễ thấy cơ cấu.
Nguyên tắc thứ ba, hướng dẫn các tư tưởng của tôi một cách có trật tự, bắt đầu từ những đối tượng đơn sơ và dễ hiểu hơn, rồi dần từng bước một cho tới những tri thức phức tạp nhất và phải giả thuyết có trật tự ngay cả những nơi những điều không có vẻ kế tiếp nhau một cách tự nhiên. Đây là luật trật tự, cũng gọi là luật phương pháp: phương pháp là gì nếu không phải là đi từ
những gì mình biết chắc chắn để rồi tìm ra, suy luận ra những gì mình chưa biết được một cách trực tiếp. Descartes đã theo phương pháp này khi ông đã từ Cogito, chân lý hiền nhiên đầu tiên và duy nhất, rồi suy diễn ra những chân lý khác của hệ thống triết học của ông.
Và nguyên tắc cuối cùng, kiểm kê mọi thành phần một cách cặn kẽ, rà soát lại hết sức tổng quát đến nỗi tôi có thể chắc chắn là không bỏ sót một điều gì. Đây là quy luật của tổng quát và duyệt xét: nếu phân tích mà không có tổng quát kiểm điểm lại để có cái nhìn tổng hợp thì ta không đạt được tri thức mong muốn, vì thay tri thức đối tượng trong toàn thể tính của nó, chúng ta đã dừng tại những phương diện nào đó, thành phần nào đó của nó.
Như vậy, nguyên tắc số một được coi là tôn chỉ của sự tìm kiếm chân
lý, còn ba nguyên tắc sau liên quan đến phương pháp làm việc khi đi tìm chân
lý: nguyên tắc hai dạy cho ta khởi sự bằng một công việc phân tích cái khó
khăn và phức tạp kia thành những yếu tố đơn sơ và dễ nhận định hơn, nguyên
tắc ba dạy ta khi lược qua các thành phần các yếu tố đó luôn phải đi từ những điều đơn sơ và dễ hiểu hơn rồi dần tới những yếu tố cao hơn và sâu hơn cứ thế ta nhận được chân lý khó nhất và phức tạp nhất.
Tuy nhiên, sau khi phân tích và giữ trật tự trong công việc tìm kiếm chân lý, chúng ta phải luôn có cái nhìn tổng quát để đừng bỏ sót dẫu là một thành phần hay một yếu tố nhỏ nào của đối tượng được xem xét. Ta xem xét yếu tố này hay yếu tố kia của nó bởi vậy đừng mắc vào “cây to che khuất rừng” tức đừng để yếu tố nào là quan trọng đến mức làm ta quên toàn thể tính
của đối tượng. Cả bốn nguyên lý phương pháp luận này đều là kết quả của sự
“vận dụng” của phương pháp toán học vào trong triết học, đòi hỏi phải nhận
thức sự vật một cách chính xác, đầy đủ. Nếu như nguyên tắc thứ nhất, nguyên
tắc nghi ngờ được coi là cơ bản nhất, thì ba nguyên tắc sau là cụ thể hóa phương pháp luận của Descartes.
Theo Descartes cùng với việc làm rõ bốn nguyên tắc trên lại sẽ xuất hiện những khó khăn khác trong việc nghiên cứu chân lý, tức là trong quá trình diễn dịch nhằm đi đến chân lý. Từ đó, theo ông sẽ xuất hiện vấn đề là: những chân lý nào có thể được thừa nhận là những chân lý không phải là hệ quả rút ra được từ bất kỳ chân lý nào khác mà lại hoàn toàn xác thực? Bản chất của các chân lý làm cơ sở sát thực của dãy dài các chân lý được rút ra từ chúng bằng diễn dịch là gì? Ông cho rằng tất cả những luận đề được tiếp cận với tư cách là những chân lý đều có một cái gì đó chung với nhau: Tất cả chúng đều nói về những quan hệ đã biết giữa các đối tượng của nhận thức chúng ta. Hơn nữa, những chân lý xác thực nói về những quan hệ như vậy giữa các đối tượng được xem xét bởi lý tính của chúng ta là hoàn toàn sáng sủa. Ngay từ luận văn đầu tiên về triết học của mình năm 1629, Descartes đã nói rằng trong đại dương mênh mông những ý kiến không xác thực và còn phải nghi ngờ, ông tìm thấy một chân lý hoàn toàn xác thực và không thể chối cãi đó là chân lý nói về sự tồn tại của chủ thể tư duy, ông cho rằng chỉ có tư duy là không thể tách rời chủ thể của nó, từ đó có một điều không thể nghi ngờ đó là tôi tồn tại. Và Descartes còn đi xa hơn, ông cố gắng xác định tính xác thực của chân lý là ở chỗ nào. Ông nhận ra rằng trong chân lý thì mệnh đề “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” là một mệnh đề duy nhất thuyết phục ông. Từ đó ông coi mệnh đề sau đây là quy tắc chung, tất cả những gì được chủ thể hình dung một cách rõ ràng và sáng sủa là chân lý. Vấn đề còn lại chỉ là cái mà chúng ta hình dung được một cách rõ ràng và sáng sủa là cái gì?
Descartes cho rằng những chân lý được xem xét một cách rõ ràng và sáng sủa không thể là những mệnh đề được xây dựng trên cơ sở của những tư liệu cảm tính. Bởi vì những tư liệu cảm tính là không đáng tin cậy nên bất kỳ sự khẳng định hay phủ định nào được xây dựng trên cơ sở của chúng có thể là giả dối, kể cả những sự khác nhau có tính chất thông thường giữa các hình
ảnh của tri giác và cả những hình ảnh của trí nhớ và biểu tượng cũng không xác thực. Sự khác nhau này bị bác bỏ bởi những mơ ngủ mà trong đó ranh giới những hình ảnh tri giác và biểu tượng bị lu mờ. Do đó những chân lý duy nhất được biết một cách rõ ràng và sáng sủa, được Descartes coi là trực giác của lý tính có nghĩa là những luận đề mà lý tính trực tiếp nhìn thấy mà không có sự giúp đỡ của chứng minh.
Những chân lý như vậy theo Descartes không thể là những mệnh đề được xây dựng dựa trên kinh nghiệm cảm tính. Ví dụ, những tư tưởng toán học theo Descartes không thể được khai thác từ kinh nghiệm cảm tính vì một lý do đơn giản là những tư tưởng về những hình trong hình học rõ ràng và sáng sủa hoàn toàn rất có thể chúng ta không gặp ở bất cứ kinh nghiệm nào ngoài thực tế. Kể cả tính chung nhất của các tiền đề toán học, tính phụ thuộc hoàn toàn của chúng vào sự tự do tưởng tượng của chúng ta, tính vĩnh viễn và tất yếu mà chúng ta tư duy về chúng theo Descartes, cũng không có nguồn gốc cảm tính. Những tiền đề của phép diễn dịch chân thực của chúng ta theo ông cũng là kết quả của trực giác của lý tính.
Descartes, coi trọng phương pháp diễn dịch. Diễn dịch của Descartes khác với diễn dịch của chủ nghĩa Kinh viện và lối giải các bài toán thông thường, bởi nó không chỉ dựa trên tam đoạn luận hay các tri thức thuần toán học. Diễn dịch ở Descartes còn đề cập cả những đối tượng, khái niệm không thể biểu thị bằng công thức hay ký hiệu. Phương pháp luận của Descartes chịu ảnh hưởng nhiều của toán học, nhưng không chỉ là phương pháp toán học, bởi từ đó khám phá ra không chỉ chân lý toán học, mà còn các tri thức siêu hình học và nhiều lĩnh vực khoa học khác. Descartes nghĩ rằng miễn là người ta tránh đừng thừa nhận cái gì không đích thực là đích thực, và người ta luôn theo trật tự thích ứng để rút cái này ra từ cái kia, thì điều gì dù xa xôi đến đâu mà chúng ta đạt tới và không có gì bí ẩn mà người ta không thể phám phá ra.
Nếu như phương pháp luận của F. Bacon thể hiện lập trường duy cảm, chịu ảnh hưởng của xu hướng phát triển của khoa học tự nhiên thực nghiệm, thì phương pháp luận của Descartes lại nghiêng về lập trường duy lý, chịu ảnh hưởng của xu hướng khoa học tự nhiên lý thuyết. Trong khi các nhà duy cảm khẳng định: “Không có gì trong lý tính mà trước đó lại không có trong cảm tính” [Trích theo 21, 49] thì Descartes thừa nhận tồn tại một số tư tưởng bẩm sinh. Vấn đề là ở chỗ trong quá trình nhận thức người ta có phát hiện ra chính những tư tưởng có sẵn một cách tiềm tàng trong trí tuệ người ta hay không. Trong thành phần những tư tưởng bẩm sinh này gồm những nguyên tắc lôgíc hay những tiên đề toán học. Hai đường thẳng song song không gặp nhau hay qua hai điểm chỉ có thể kẻ được một đường thẳng và chỉ một mà thôi, trong hình học Oclit. Tuy không hoàn toàn phủ nhận vai trò của cảm tính, của kinh