1. Đối tượng thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh (người dân)
Ra nhập WTO nghĩa là chúng ta phải đảm bảo cơ chế tự do thương mại. Thực tế nền kinh tế thị trường đang mang lại những chuyển biến trong việc nâng cao mức sống của người dân. Bên cạnh đó, khoảng cách giàu và nghèo đang có xu hướng tăng lên trong xã hội. Như trên đã phân tích chúng ta đã và đang thực hiện các chính sách tự chủ và xã hội hóa y tế nhằm đảm bảo bảo nguồn tài chính hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe, trong đó bệnh viện thu một phần viện phí từ người bệnh. Một số bệnh viện đã chủ động nâng cao chất lượng một số dịch vụ, trong đó có các gói dịch vụ khác nhau, dành cho những đối tượng nộp viện phí khác nhau như: Bệnh viện với phòng bệnh với chất lượng dịch vụ ba sao, bốn sao,...Do vậy có sự chênh lệch trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế giữa các tầng lớp giàu - nghèo.
Bên cạnh đó, đời sống một bộ phận người dân còn nghèo, không đủ khả năng chi trả các dịch vụ y tế. Mặc dù, nhà nước đã có chính sách bảo hiểm y tế đảm bảo sự tiếp cận y tế mang tính toàn dân. Song tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chỉ khoảng 60% dân số [29]. Chính sách của Đảng và Nhà nước bước đầu đã thành công trong việc chăm sóc y tế với các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng là phụ nữ, trẻ em và người già. nhưng vấn đề tài chính dàn trải, trong khi ngân sách dành cho y tế còn hạn hẹp là những rào cản trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ.
Trong thực tế và trong quy hoạch phát triển y tế có sự chênh lệch về mức độ đầu tư cũng như khả năng tiếp cận giữa các vùng, các miền trong cả nước. Thực tế cho thấy các bệnh viện chuyên khoa sâu, các bệnh viện Trung ương tập trung tại các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Trong khi một số tỉnh vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ là những nơi giao thông đi lại khó khăn, là những vùng sâu, vùng xa lại thiếu bệnh viện chất lượng cao đã làm hạn chế sự tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng của người dân tại các vùng đó. Thực tế, những người dân tại các Thành phố lớn có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhiều hơn những tỉnh thành khác.
Công tác xây dựng chiến lược phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định trong việc tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế tới toàn dân. Tuy nhiên, việc phát triển y tế cơ sở, CSSK ban đầu để mọi người dân được hưởng dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng với việc phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao để nâng cao trình độ và chất lượng dịch vụ y tế Việt Nam trong bối cảnh chi tiêu công cho y tế còn thấp là một khó khăn lớn.
Gia nhập WTO là điều kiện để người dân được sử dụng các sản phẩm có chất lượng xuất xứ nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài đang được lưu hành tại Việt Nam, các vụ thực phẩm được nhập thẩm thấu dưới dạng tạm nhập tái xuất đã phát hiện cho thấy nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh thực phẩm từ các sản phẩm nước ngoài là rất lớn. Hơn nữa, Việt Nam với đường biên giới trên biển
và trên đất liền là rất lớn, lực lượng biên phòng, lực lượng hải quan không đáp ứng được công tác phòng chống buôn lậu, các sản phẩm dược phẩm, hóa chất, mỹ phẩm và thực phẩm được nhập vào Việt Nam, không qua kiểm tra là những nguy cơ gây tác động đến sức khỏe người tiêu dùng.
2. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe được chuyển đổi về mô hình hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường trong thời kỳ hội nhập. Khi mà đời sống người dân được nâng lên, cùng với đó là sự phát triển khoa học, kỹ thuật y học thì nhu cầu người dân trong chăm sóc sức khỏe tăng lên. Nhiều đối tượng có khả năng chi trả và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có chất lượng. Do vậy, thay đổi cơ chế hoạt động là vấn đề mang tính tất yếu. Việc tự chủ và xã hội hóa đảm bảo việc cung cấp cá loại dịch vụ đáp ứng với nhu cầu các tầng lớp và người dân trong xã hội. Trên cở sở huy động các nguồn lực được đầu tư, ngành y tế được hiện đại hóa các trang thiết bị, nâng cao hiệu quả khám, và điều trị bệnh.
Các văn bản tạo điều kiện cho sự hoạt động theo cơ chế tự chủ và xã hội hóa gồm Nghị định số 10/2002/NĐ-CP về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 43) quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện Nghị định 43, Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT- BNV, Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BYT-BNV, Thông tư số 15/2007/TT-BYT, Quyết định số 29/QĐ-BYT, Quyết định số 260/QĐ-BYT tạo điều kiện cho cơ chế tự chủ trong các đơn vị y tế.Tại một số địa phương, HĐND, UBND cấp tỉnh có các văn bản phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp y tế.
Tính đến hết năm 2010, 100% các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế đã được thẩm định, phân loại đơn vị sự nghiệp trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp và giao triển khai thực hiện Nghị định 43. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có Nghị định số 95/NĐ-CP từ năm 1994 về việc thu một phần viện phí, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về việc thu một phần phí, viện phí. Tại các địa phương, hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện được phân loại vào nhóm tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên; hầu hết các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện thuộc nhóm do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên [25].
Vấn đề tự chủ, bước đầu đã có những kết quả khích lệ, đó là các đơn vị đã sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả, có mục đích mang lại lợi ích thiết thực như tái đầu tư tại đơn vị, tăng nguồn thu nhập cho cán bộ công nhân, viên chức tại các đơn vị và giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước..
Bảng 10 Nguồn thu sự nghiệp qua các năm
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Tổng nguồn thu
sự nghiệp Viện phí Bảo hiểm y tế Thu khác
2002 1.950,00 950,00 1.000,00 2003 2.340,00 1.161,00 1.179,00 2004 4.805,00 2.900,00 1.905,00 2005 5.792,87 3.240,00 2.311,00 241,87 2006 9.387,22 3.370,33 5.630,69 386,20 2007 12.312,00 3.898,50 8.018,00 395,50 2008 15.013,41 4.464,41 10.114,00 435,00 2009 23.045,00 7.200,00 15.195,00 650,00 2010 25.915,00 8.812,94 16,352.06 750,00 Như vậy ngân sách từ nguồn thu viện phí giai đoạn 2002-2006 chỉ tăng từ 1.950 tỷ lên 9.387,22 tỷ. Tuy nhiên giai đoạn 2007-2010 đã tăng từ 12.312 tỷ lên 25.915 tỷ, nguyên nhân được cho là có sự hoàn thiện hơn các văn bản nhà nước về thu phí, viện phí bên cạnh đó có cả yếu tố tăng giá dịch vụ. Nguồn viện phí đã bước đầu góp phần tăng cường tính cạnh tranh về chất lượng giữa các đơn vị y tế nhà nước, giữa các đơn vị y tế nhà nước và tư nhân. Từ đó chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã không ngừng được cải thiện [12][13] [14] [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22].
Sự thay đổi đời sống và nhu cầu người dân trong thời kỳ hội nhập thế giới. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong đó sự hình thành mạng lưới y tế tư nhân cũng đảm bảo các nguồn lực, đảm bảo sự cạnh tranh, tăng khả năng lựa chọn các dịch vụ có chất lượng.
3. Các doanh nghiệp trong nước
Gia nhập WTO nghĩa là chúng ta phải chơi trong một sân chung cùng với các sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, Việt Nam phải thực hiện các cam kết về thương mại. Trong khi đó, ngành công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, trang thiết bị y tế còn non trẻ, 60% lượng thuốc sử dụng phải nhập khẩu [29]. Việc bảo hộ nhà nước về công nghiệp và thương mại sẽ phải xóa bỏ, bên cạnh đó chúng ta phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng trong việc xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó làm cho nền công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất,
trang thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn. Thiếu khả năng thích ứng về các điều kiện như chất lượng sản phẩm, giá thành và chi phí sản xuất sẽ làm cho các doanh nghiệp phá sản.
Không đảm bảo được ngành công nghiệp trong nước sản xuất dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế, hóa chất và trang thiết bị y tế sẽ là những khó khăn không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu ảnh hưởng đến nền kinh tế trong việc trao đổi ngoại tệ, các vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho các doanh nghiệp dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, hóa chất, trang thiết bị y tế. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến công tác chăm sóc y tế cho người dân, mất tính chủ động trong công tác dự trữ thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, hóa chất, trang thiết bị. Từ đó cũng làm mất tính chủ động trong công tác chăm sóc y tế và sẽ gặp nhiều khó khăn đối với các dịch, bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Do vậy, không những sức khỏe người dân không được đảm bảo, mà hệ thống an ninh quốc phòng cũng chịu những tác động nhất định gây nên sự bất ổn trong đời sống xã hội của người dân.
4. Hệ thống kiểm dịch biên giới, kiểm định sản phẩm
Việc gia nhập WTO là điều kiện để việc lưu thông hàng hóa giữa các nước, là điều kiện tốt để người dân các nước có cơ hội được giao lưu, ngành du lịch cũng phát triển. Nhà nước phải đảm bảo được công tác kiểm dịch, kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài.
Hiện nay, hệ thống kiểm dịch y tế quốc tế còn chưa phát triển kịp thời với nhu cầu. Cả nước hiện có 13 Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, trong khi số tỉnh thành có cửa khẩu đường bộ và cửa khẩu hàng không là 41 tỉnh. Trang thiết bị tại các đơn vị kiểm dịch còn hạn chế, không đáp ứng được so với nhu cầu, đặc biệt là các trang thiết bị sử dụng trong labo xét nghiệm [33].
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã phát triển khá nhanh, chúng ta đã có 63 Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến tỉnh. Tuy nhiên, các trang thiết bị sử dụng cho công tác xét nghiệm kiểm tra thực phẩm còn hạn chế. Tuyến tỉnh chỉ thực hiện được một số các xét nghiệm vi sinh, hóa chất đơn giản. Phần lớn các xét nghiệm phức tạp vẫn phải gửi về các viện đầu ngành để xét nghiệm, đòi hỏi thời gian do đó gây ảnh hưởng lớn đến người kinh doanh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng khi các thực phẩm không được kiểm tra đầy đủ các độc tố phức tạp.
Các viện như Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur Trung ương và khu vực, viện Dinh dưỡng, Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế,... đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm định, kiểm nghiệm các sản phẩm trên cơ sở tham mưu cho Bộ Y tế trong việc lưu hành các sản phẩm thuộc chức năng của Bộ Y tế. Việc hội nhập sẽ tác động làm thay đổi cơ cấu, tổ chức hoạt động và công nghệ, kỹ thuật tại các viện phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
VI. CÁC KÊNH TRUYỀN TẢI TÁC ĐỘNG CỦA HỘI NHẬP QUỐC TẾ 1. Chính sách, chiến lược