Các cấp lãnh đạo, các nhà chuyên môn, những người làm công tác GD&ĐT cần coi trọng hơn nữa việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông, đặc biệt trong trường THPT hiện nay đang còn thiếu. Phải coi việc học nhạc là một trong những bộ môn quan trọng để hình thành và hoàn thiện nhân cách cho trẻ, hướng trẻ tới giá trị chân - thiện - mỹ. Chính nhờ môn âm nhạc trong nhà trường phổ thông, góp phần rất lớn vào việc giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc cho các em HS nói chung và HS THPT nói riêng trong thời gian tới một cách tốt nhất. Do đó, những vấn đề cơ bản cần điều chỉnh cho phù hợp để làm tốt công tác giáo dục âm nhạc trong nhà trường thời gian tới như:
Thứ nhất, cần xây dựng lại nội dung chương trình trong khung đào tạo ở trường phổ thông một cách thống nhất, đồng bộ và có hệ thống ở các cấp học. Thay đổi một số nội dung môn âm nhạc từ Tiểu học đến THCS và đưa thêm nội dung âm nhạc vào THPT nối tiếp theo một cách hợp lý. Mỗi chương trình học phải phù hợp với lứa tuổi, tâm lý, sinh lý và cả sự hiểu biết của HS thì mới mong đạt được kết quả giáo dục. Như vậy, sắp tới chúng ta cần làm một số điều sau:
Bỏ bớt những kiến thức nhạc lý mang tính nặng nề, cũng như phần tập đọc nhạc chiếm lượng lớn trong nội dung môn học ở Tiểu học và THCS hiện nay. Thay vào đó là tăng cường các kiến thức chung, khái quát về âm nhạc kết hợp với nghe và cảm thụ âm nhạc. Tăng cường các tiết dạy học hát cho HS với một số ca khúc hay, phù hợp lứa tuổi cả về nội dung lẫn tầm cữ giọng hát (hiện có nhiều ca khúc không phù hợp với tầm cữ giọng hát của HS cũng gây khó khăn cho các em khi thực hiện) và các bài dân ca phù hợp với từng vùng miền. Ngoài ra, thời lượng dạy hát cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp (có nhiều bài hát quen thuộc nhưng được ôn lại nhiều lần gây tâm lý nhàm chán cho HS). Không nên coi sách giáo khoa âm nhạc là “pháp lệnh”. Nên xây dựng giáo trình mở để giáo viên chủ động lựa chọn các ca khúc và nội dung giáo dục phù hợp với mỗi đối tượng HS và mỗi giai đoạn khác nhau.
Tiến hành các hoạt động dạy nhạc cụ (organ, guitar, đàn tranh, sáo, piano … tùy điều kiện của từng trường) hay là học hát hợp xướng trong trường học, ở các tiết học ngoài giờ như sau giờ học, hoặc đăng ký học tự chọn ở buổi 2 với những trường học bán trú 2 buổi/ngày, dưới các hình thức như tổ chức câu lạc bộ. Bởi vì, kinh nghiệm ở các nước phát triển đều cho thấy, dạy HS biết sử dụng một loại nhạc cụ khiến HS dễ hiểu nhạc lý, cũng như kỹ năng đọc nhạc và khả năng cảm thụ âm nhạc được tốt hơn. Bởi vì nhạc cụ là hiện thân của âm nhạc, là công cụ tuyệt vời nhất để tạo ra âm thanh. Tiếp xúc với nhạc cụ làm HS có thêm niềm vui, là bước khởi nguồn cho những sáng tạo nghệ thuật của các em. Thêm vào đó, Nắm nhạc lý để thực hành trong lúc đàn, cũng như thực hành xướng âm trong lúc đàn khiến các em nắm vững và ghi nhớ được độ cao của note nhạc và kiến thức nhạc lý đã học. Qua thực tế cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 7 vừa qua ở HS THPT của TP, cho thấy mức độ các em có mong muốn được học nhạc cụ có tỉ lệ lựa chọn cao nhất với 54% so với các nội dung khác. Bên cạnh đó, thông qua những câu lạc bộ học hát hợp xướng cũng rèn dũa cho các em có năng khiếu khả năng hát một mình và hát cùng người khác, biết nghe âm nhạc
nhiều bè… Điều đó cũng tác động đến sự hiểu biết và tăng thêm niềm yêu thích của các em với âm nhạc. Do đó, xây dựng chương trình giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông phải hướng tới việc coi trọng giáo dục thực hành cho HS thay vì nặng về lý thuyết như hiện nay.
Cần cải tiến việc kiểm tra, đánh giá môn âm nhạc: môn âm nhạc cần được kiểm tra và cho điểm (thang 10 điểm) giống như hầu hết các môn học khác. Nếu đánh giá bằng nhận xét, phải chia thành nhiều mức để xếp loại về năng lực và phát huy tính tích cực học tập của HS, ví dụ chia thành 4 mức: giỏi, khá, trung bình, yếu.
Tổ chức thực hiện giáo dục âm nhạc ở trường THPT là môn học tự chọn, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mỗi tuần có 2 tiết, mỗi trường THPT cần tối thiểu 1 giáo viên âm nhạc. Nội dung dạy học chủ yếu là học hát, học nhạc cụ, tập đọc nhạc, nhạc lý, âm nhạc thường thức và phải được kết cấu chặt chẽ, hợp lý với từng phân môn. Nên học tập mô hình giáo dục âm nhạc của Hàn Quốc hay một số nước phát triển trên thế giới hiện nay vào giáo dục âm nhạc ở bậc THPT tại Việt Nam. Nên phân thành 2 chương trình để cho HS được lựa chọn: chương trình 1: âm nhạc cơ bản và chương trình 2: âm nhạc trung tâm. Tương ứng với 2 chương trình trên, Bộ GD&ĐT cũng nên xây dựng nội dung môn học gồm hai học trình: Thứ nhất là học trình tự chọn cơ bản gồm âm nhạc và cuộc sống (dành cho cả 2 chương trình) ; Thứ hai là học trình tự chọn chuyên sâu gồm lý thuyết âm nhạc và thực hành âm nhạc (chỉ dành cho HS lựa chọn chương trình âm nhạc trung tâm). Chương trình âm nhạc trung tâm này nhằm đáp ứng nhu cầu của những HS yêu thích và có năng khiếu âm nhạc, giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập ở các trường đại học và chuyên nghiệp trong tương lai. Như vậy, nên đưa môn âm nhạc gắn với môn hướng nghiệp, dạy nghề ở nhà trường THPT.
Thứ hai, Sở GD&ĐT Tp.HCM phải có những chỉ đạo cho Ban giám hiệu, cho Đoàn trường tổ chức nhiều các hoạt động ngoại khóa để hướng các em vào những hoạt động biểu diễn âm nhạc lành mạnh, nghệ thuật như:
Liên hệ với các trung tâm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, Nhạc viện Tp.HCM để cho HS được tham quan, thưởng thức âm nhạc một cách trực tiếp thì mới mong kích thích sự yêu thích của các em đối với âm nhạc truyền thống dân tộc và các loại hình nghệ thuật cao.
Mời các nghệ sỹ biểu diễn nhạc dân tộc, các thể loại âm nhạc cổ điển – hàn lâm về trường biểu diễn và nói chuyện. Qua đó mới mong các em hiểu và hứng thú hơn với
các loại hình nghệ thuật này, thay vì chỉ dạy lý thuyết suông qua sách vở mà thiếu trải nghiệm thực tế (Các nước phát triển đều coi trọng hoạt động ứng dụng âm nhạc trong cuộc sống). Học phải đi đôi với hành. Có như thế mới mong các em yêu quý và trân trọng những giá trị âm nhạc đích thực của nhân loại, của dân tộc. Từ đó tiến tới việc suy nghĩ và hành động theo chuẩn mực của “cái đẹp” trong âm nhạc, nghệ thuật và cuộc sống.
Đặc biệt gần đây có 2 hoạt động thưởng thức âm nhạc hàn lâm rất đáng biểu dương
như: chương trình “Giai điệu trẻ” – một chương trình nghệ thuật giao hưởng – nhạc
kịch và vũ kịch dành cho giới trẻ Tp.HCM, do Thành đoàn và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Tp.HCM (HBSO) phối hợp tổ chức vào 20 giờ ngày 29 hàng tháng. Hay Nhạc viện Tp.HCM cũng đang triển khai chương trình hòa nhạc hướng đến đối tượng là HS, sinh viên với phương cách thuyết trình, diễn giải, trình chiếu kết hợp với biểu diễn để giúp khán giả có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Nhiều bạn đã kết hợp với nhau thành lập các nhóm nhỏ để tạo ra sân chơi cho những người yêu nhạc cổ điển được biểu diễn và thưởng thức. Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn là một trong những nhóm có nhiều hoạt động để lại dấu ấn.
Ngoài ra còn có hai hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống dân tộc miễn phí trong thời gian qua cũng rất có ý nghĩa như: Chương trình biểu diễn nhạc dân tộc miễn phí tại sảnh của Nhà hát TP vào thứ bảy hàng tuần nhằm quảng bá âm nhạc truyền thống dân tộc đến với quần chúng và người nước ngoài. Hay chương trình biểu diễn, giới thiệu nhạc cụ và âm nhạc dân tộc phục vụ các em HS, thầy cô giáo của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen Tp.HCM (Khởi động vào Sáng 17/3/2014, tại trường Tiểu học Thái Hưng, quận 8). Đây là chương trình nghệ thuật chính thức khởi động dự án đưa âm nhạc dân tộc vào học đường của nhà hát. Với mong muốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nhạc cụ và âm nhạc dân tộc đến với HS - sinh viên, từ đó giúp các em hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung, nét độc đáo của nhạc cụ dân tộc, âm nhạc truyền thống nói riêng, góp phần giáo dục lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ. Mỗi chương trình được thực hiện từ 30 đến 45 phút với toàn bộ kinh phí do Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và Sở VH-TT&DL Tp.HCM chịu trách nhiệm.
Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để ban giám hiệu các trường và trường THPT liên hệ đăng ký, nhằm tạo thêm những cơ hội để các em được tiếp cận gần hơn với nghệ thuật hàn lâm và truyền thống dân tộc. Nếu kết hợp cho HS của nhà trường đến
nghe các chương trình này sẽ tạo cho các em nhiều trải nghiệm thú vị và thêm hứng thú hơn với các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc và nghệ thuật đỉnh cao.
Tổ chức các hoạt động biểu diễn âm nhạc cho những HS đang theo học các chương trình âm nhạc trung tâm của nhà trường. Có thể liên hệ, kết hợp với các trường học khác trên địa bàn TP, các cuộc thi, hội diễn, hoặc các trung tâm biểu diễn để các em được biểu diễn, thi thố tài năng và giao lưu âm nhạc. Qua đó nhân rộng niềm đam mê, yêu thích âm nhạc trong HS THPT của TP, hướng các em vào những hoạt động âm nhạc lành mạnh, tiến bộ.
Thứ ba, mọi hoạt động giáo dục âm nhạc diễn ra ở nhà trường phổ thông phải nhằm tăng cường việc đưa di sản vào các nội dung giáo dục âm nhạc, tăng cường giáo dục âm nhạc mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. GS. Trần Văn Khê từng nhận
định “nếu để mất âm nhạc truyền thống thì ngàn vàng không thể mua lại được, mọi
hành động quay lưng với văn hóa là có tội với tổ tiên.”. Để làm sống lại văn hóa dân tộc trong lòng thế hệ trẻ, việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học là hết sức cần thiết để các em thấy được cái đẹp, cái hay dẫn tới hiểu và yêu âm nhạc của dân tộc mình. Điều này giúp vun đắp tâm hồn, nhân cách của HS cũng như lưu giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc trong đà phát triển chung của nhân loại. Lồng ghép các làn điệu dân ca, các giai điệu truyền thống dân tộc vào nhiều các hoạt động khác của nhà trường như: giờ chơi, tập thể dục giữa giờ, biểu diễn dưới cờ, thi hát dân ca vào các ngày lễ hội, cắm trại…
Như vậy, mục đích cuối cùng của giáo dục âm nhạc dành cho HS THPT của TP trong thời gian tới phải nhằm trang bị cho các em một lượng tri thức âm nhạc cơ bản. Nắm vững những cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc và những tinh hoa âm nhạc hàn lâm phương Tây của nhân loại, bên cạnh những thể loại âm nhạc hiện đại hiện nay. Từ đó, các em có một sự đánh giá và thưởng thức âm nhạc toàn diện, bao quát và đúng đắn. Qua đó có một thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc cao hơn, tiên tiến hơn. Nói về công tác giáo dục thẩm mỹ này, TS. Vĩnh Quang Lê cũng nhận
định một cách rõ ràng rằng: “Để có thể đạt hiệu quả, công tác truyền thụ kiến thức
thẩm mỹ phải đạt tới sự nhuần nhuyễn và phối hợp hài hòa các tri thức về cái đẹp truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới, kinh nghiệm và lý luận v.v…, nếu mỗi người bước vào cuộc sống với một giá trị thẩm mỹ nghèo nàn và một hướng đi không rõ rệt thì mọi hoạt động thực tiễn dễ bị lệch lạc, phiến diện.”[30, 22]