Những khó khăn, trở ngại có thể gặp phải khi Việt Nam gia nhập Quy chế Rome

Một phần của tài liệu Tòa án Hình sự Quốc tế và khả năng gia nhập của Việt Nam (Trang 57)

Quy chế Rome

3.2.1. Từ phía các quốc gia khác

Việc nhiều cường quốc trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc từ chối tham gia Quy chế Rome đã tác động đến nhiều quốc gia đang phát triển, tạo tâm lý ngần ngại khi tham gia điều ước này. Riêng đối với Hoa Kỳ còn vận động các quốc gia ký kết Thỏa thuận miễn trừ song phương với họ. Trong khi Quy chế Rome không hề có quy định nào ngăn cấm các quốc gia thành viên không được ký Thỏa thuận miễn trừ song phương với Hoa Kỳ, việc này thực chất đã làm xói mòn nghiêm trọng những nguyên tắc nền tảng của Quy chế Rome, bởi nội dung của Thỏa thuận miễn trừ là các quốc gia ký kết phải cam kết không truy tố và xét xử những binh sĩ và công dân Hoa Kỳ về các tội phạm trong Quy chế Rome. Những quốc gia được Hoa Kỳ đề xuất, nếu không tham gia ký kết Thỏa thuận miễn trừ song phương với họ cũng có thể phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về nhiều mặt (có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao; không cung cấp viện trợ; cấm vận kinh tế…).

Ngoài ra, mật độ tham gia Quy chế Rome của các khu vực, châu lục trên thế giới rất khác nhau, trong đó cao nhất là ở khu vực châu Âu, thấp nhất là ở khu vực châu Á. Tính đến nay, trong số 30 quốc gia vùng Nam Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Á, có mười nước đã phê chuẩn hoặc gia nhập (Bangladesh, Cambodia, Đông Timor, Maldives, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Philippines, Afghanistan và Tajikistan), có ba nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn (Thái Lan, Kyrgyzstan và Uzbekistan) [33]. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ tham gia Quy chế Rome ở khu vực châu Á còn thấp là vì châu lục này hiện đang là một trong những khu vực chịu sự

56

tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ trong việc ký kết Thỏa thuận miễn trừ song phương với Hoa Kỳ.

3.2.2. Từ phía Quy chế Rome

Trong hơn mười năm qua, kể từ khi thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế thì số lượng các quốc gia ký kết, gia nhập và phê chuẩn đã không ngừng tăng lên, một số vụ việc đã được Tòa đưa ra xét và mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả bước đầu đạt được và số lượng các thành viên tham gia chưa đảm bảo được yêu cầu và mục đích sứ mệnh như dự kiến ban đầu mà tổ chức quốc tế này đã kỳ vọng. Để đạt được những mục tiêu như mong đợi của những người sáng lập, Tòa án Hình sự Quốc tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều trở ngại ở phía trước.

Do nhận thức của một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á còn tỏ ra lo ngại về tính khách quan và vô tư trong hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế. Có quan điểm cho rằng, hoạt động của Tòa đe doạ chủ quyền của các quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào quyền tài phán trong nước của các quốc gia như đã khẳng định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, cũng có một số quan điểm cho rằng hoạt động tố tụng của Tòa sẽ bị chi phối bởi các động cơ chính trị, đặc biệt là khi Công tố viên có địa vị độc lập quá lớn, có thể dẫn đến sự lạm dụng trong hoạt động tố tụng. Ngoài ra, Quy chế Rome chưa thực sự được tin cậy vì một số đánh giá cho rằng vẫn có những quy phạm chưa đúng và chưa đầy đủ về quy trình.

Việc tôn chỉ nguyên tắc chỉ mang tính bổ sung cho hệ thống tư pháp quốc gia và Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ vào cuộc để đưa vụ việc ra xét xử khi hệ thống toà án của quốc gia thành viên bất lực hoặc không xét xử vụ việc đó, mà điều này do Tòa án Hình sự Quốc tế phân xử, như vậy thì bất cứ lúc nào

57

Tòa án Hình sự Quốc tế cũng có thể nhảy vào cuộc để xét xử một vụ việc xảy ra ở một quốc gia nào đó. Có thể thấy đây là một rủi ro lớn đối với các quốc gia thành viên liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền của họ. Hiện tại, Tòa án Hình sự Quốc tế vẫn đang phải chống chọi với nhiều lời chỉ trích cho rằng: Toà án này là mối đe doạ đến chủ quyền của các quốc gia và đến nguyên tắc không can thiệp vào quyền tài phán trong nước của các quốc gia như đã được khẳng định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Đã có không ít sự lo ngại về tính khách quan của trong hoạt động tố tụng của Tòa, và dự đoán cho rằng hoạt động tố tụng của Tòa sẽ bị chi phối bởi các động cơ chính trị, đặc biệt khi mà Quy chế Rome trao cho Công tố viên một địa vị độc lập quá lớn, có thể dẫn tới sự lạm quyền và lợi dụng. Hơn nữa, lịch sử một số thiết chế cũng đã từng chứng minh trường hợp tương tự xảy ra, khi mới thành lập cũng tôn chỉ những mục đích tốt đẹp, sau đó dần dần bị chính trị hoá và trở thành công cụ của những cường quốc chống lại các nước yếu thế hơn.

Thực tế kết quả hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế trong những năm qua cho thấy, số lượng vụ việc được đưa ra xét xử là quá ít so với một cơ quan tài phán có quy mô, và phạm vi hoạt động rộng lớn như Tòa. Như vậy, tương lai và sự phát triển của Tòa có thể đạt được như mong muốn của các nhà sáng lập hay không, cũng chưa ai có thể biết trước.

3.2.3. Về phía Việt Nam

Để tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước và nội luật hóa các chuẩn mực được quy định trong Quy chế Rome. Tuy nhiên, cho đến nay, do chưa có nhiều sự chuẩn bị, hệ thống văn bản pháp luật về hình sự nói chung của Việt Nam còn nhiều

58

điểm chưa tương đồng với Quy chế Rome. Trong thời gian tới, nếu Việt Nam có ý định gia nhập Quy chế Rome, Việt Nam cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quốc gia sao cho phù hợp với Quy chế Rome. Một số điểm không tương thích giữa Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật tố tụng hình sự 2003 của Việt Nam với Quy chế Rome cụ thể như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc không xét xử hai lần, Điều 20 Quy chế Rome quy định không người nào bị xét xử hai lần về cùng một hành vi vi phạm. Theo quy định này, nếu Tòa đã xét xử công dân của một quốc gia về một hoặc nhiều tội được quy định tại Điều 5 Quy chế Rome thì Tòa án quốc gia không được xét xử họ về một hoặc các tội đó. Ngược lại, nếu Tòa án quốc gia đã xét xử người này thì Tòa sẽ không xét xử họ. Trong Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật tố tụng hình sự 2003 của Việt Nam, chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc này. Việc công nhận và thi hành các bản án hình sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với quốc gia đó hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên đối với bản án của các toà án quốc tế, chưa hề có quy định nào điều chỉnh. Như vậy, tòa án Việt Nam vẫn có thể tiến hành xét xử một cá nhân phạm tội về những tội Tòa án Hình sự Quốc tế đã tha bổng cho họ. Trong trường hợp Việt Nam gia nhập Quy chế Rome, Việt Nam sẽ phải bổ sung nguyên tắc này trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự cho phù hợp với Quy chế Rome.

Thứ hai, về cơ sở chịu trách nhiệm hình sự, theo Điều 22 của Quy chế Rome, không ai bị coi là có tội nếu luật không quy định như vậy. Trong Quy chế Rome, nguyên tắc này có nghĩa mọi hành vi mà Toà án xem xét phải thuộc những hành vi đã được định nghĩa là tội phạm thuộc quyền tài phán của Toà án. Theo Điều 5 Quy chế Rome, khái niệm tội phạm bao gồm tội diệt

59

chủng, tội ác chiến tranh, tội chống nhân loại và cả tội xâm lược khi nó được định nghĩa chi tiết. Một số tội phạm nói trên cũng được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam nhưng không chi tiết và đầy đủ như định nghĩa trong Quy chế Rome. Đó là tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người và tội phạm chiến tranh. Trong khi đó, Điều 2 Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, do sự không tương thích giữa Quy chế Rome và Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam trong định nghĩa về tội phạm, công dân Việt Nam sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi không được quy định trong Bộ luật hình sự 1999 (mặc dù những hành vi này được quy định trong Quy chế Rome).

Thứ ba, về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 26 Quy chế Rome, “Toà án sẽ không có quyền tài phán đối với người dưới 18 tuổi tại thời điểm thực hiện tội phạm”. Theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam 1999 thì những người phạm tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người và tội phạm chiến tranh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ đủ 14 tuổi trở lên, sớm hơn nhiều so với quy định của Quy chế Rome.

Thứ tư, về trách nhiệm của người chỉ huy, Điều 28 Quy chế Rome quy định người chỉ huy quân sự hoặc làm việc như chỉ huy quân sự hoặc cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế ngay cả khi người này không phạm tội một cách độc lập hoặc với vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam, người chỉ huy chỉ chịu trách nhiệm hình sự về các tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người và tội phạm chiến tranh nếu tham gia với tư cách độc lập hoặc với vai trò đồng phạm.

60

Thứ năm, về quyền tài phán, quyền tài phán của Tòa được xây dựng dựa trên hai nguyên tắc của quyền tài phán là nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc quốc tịch. Như vậy, với hai nguyên tắc nói trên, nếu công dân của một quốc gia không phải là thành viên của Tòa phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia khác mà quốc gia thứ hai này là thành viên Quy chế Rome thì Tòa vẫn có quyền truy tố và xét xử công dân đó. Ngoài ra, Tòa cũng có quyền tài phán đối với công dân của các quốc gia không là thành viên nếu được những quốc gia này chấp nhận.

Tương tự Quy chế Rome, Điều 5 và Điều 6 trong Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam quy định, đối với các tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người và tội phạm chiến tranh, “áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và công dân Việt Nam “phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này”. Ngoài ra, Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam cũng quy định toà án quốc gia có thể có quyền tài phán đối với công dân nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước ngoài nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định như vậy. Tuy nhiên, pháp luật hình sự Việt Nam chưa có quy định về việc công dân Việt Nam có thể bị truy tố và xét xử bởi các toà án nước ngoài hoặc toà án quốc tế cũng như chưa có quy định về việc trao hay chuyển nhượng quyền tài phán này cho các toà án đó.

Thứ sáu, về định nghĩa tội phạm, trên cơ sở Công ước về tội diệt chủng 1948 và Công ước Geneva 1949, Quy chế Rome đã đưa ra những định nghĩa khá đầy đủ và chi tiết về các tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa là tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.

61

Việt Nam đã gia nhập Công ước 1948 về tội diệt chủng vào năm 1981 và Công ước Geneva 1949 vào năm 1957. Tuy nhiên, những định nghĩa về các tội nêu trong các Công ước nói trên chưa được chuyển hóa vào luật hình sự của Việt Nam mặc dù theo quy định trong các Công ước này, quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ ban hành văn bản pháp luật cần thiết để thực thi Công ước. Chương XXIV của Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam chỉ định nghĩa các tội phá hoại hòa bình, chống lại loài người và tội phạm chiến tranh một cách chung chung, khái quát và chưa đầy đủ.

Bộ luật hình sự 1999 đã đồng nhất tội diệt chủng với tội chống nhân loại và quy định thành một điều khoản chung về tội chống nhân loại. So với Quy chế Rome, định nghĩa về tội chống nhân loại, là “hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá huỷ nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hoá, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, cũng như có những hành vi diệt chủng khác hoặc những hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên”, trong Bộ luật hình sự 1999 cũng chỉ nêu được một phần nhỏ trong nhiều hành vi đặc trưng của tội chống nhân loại và chưa phản ánh được thực chất khái niệm hành vi diệt chủng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tội phạm chiến tranh được định nghĩa tại Điều 343 Bộ luật hình sự 1999 là hành vi của một người “trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm, cũng như có những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”. Ngoài ra, Điều 340 của Bộ luật hình sự 1999 có quy định về tội ngược đãi tù binh. Tuy nhiên, so với định nghĩa về tội

62

phạm chiến tranh trong Quy chế Rome, định nghĩa tội phạm chiến tranh trong Bộ luật hình sự Việt Nam là rất sơ lược và không đầy đủ.

Về tội xâm lược, Điều 341 Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam định nghĩa “Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một nước khác, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Với định nghĩa nói trên, Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam gộp hành vi phá hoại hòa bình và gây chiến tranh xâm lược làm một tội và dừng ở những yếu tố cấu thành chung về tội này, không quy định thành các hành vi cụ thể.

Như vậy, Bộ luật hình sự 1999 của Việt Nam có nêu định nghĩa về các tội diệt chủng, chống nhân loại, tội phạm chiến tranh và cả tội xâm lược. Tuy nhiên, các định nghĩa nói trên chỉ dừng ở nêu tội danh, chưa phải là các định nghĩa đầy đủ và chi tiết về các tội thuộc quyền tài phán của Tòa. Những quy định này có một khoảng cách khá xa so với các định nghĩa nêu trong những Công ước liên quan và Quy chế Rome.

Thứ bảy, về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, Điều 27 Quy chế Rome quy định không miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho nguyên thủ quốc gia, thành viên của Chính phủ hay Nghị viện, người đại diện do bầu cử hoặc công chức Chính phủ nếu họ phạm một hay nhiều tội thuộc

Một phần của tài liệu Tòa án Hình sự Quốc tế và khả năng gia nhập của Việt Nam (Trang 57)