PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

Một phần của tài liệu CẨM NANG PHÁP LUẬT DÀNH CHO THANH NIÊN (Trang 47)

- Về việc cấp giấy chứng nhận đã cai nghiện ma tuý:

3. PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

Câu hỏi 31: Thế nào là HIV/AIDS? HIV/AIDS lây truyền qua các con đường nào?

Trả lời:

HIV là loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người.

Các con đường lây truyền HIV/AIDS: HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu (mà ở nước ta hiện nay, tỷ lệ người tiêm chích ma tuý nhiễm HIV/AIDS rất cao) hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.

Câu hỏi 32: Để phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) thì những hành vi nào bị nghiêm cấm?

Trả lời:

Các hành vi bị nghiêm cấm:

- Các hành vi mua dâm, bán dâm, tiêm chích ma tuý và các hành vi làm lây truyền HIV/AIDS;

- Người bị nhiễm HIV/AIDS không được có hành vi làm lây truyền bệnh cho người khác và phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây truyền bệnh cho gia đình và cộng đồng theo quy định và hướng dẫn của cơ quan y tế, không được cho máu, cho tinh dịch, cho mô, cơ quan hoặc một bộ phận của cơ thể mình cho người khác.

- Người bị nhiễm HIV/AIDS không được tiếp tục trực tiếp làm những nghề bị lây truyền HIV/AIDS đã được quy định trong danh mục những nghề dễ bị lây truyền HIV/AIDS theo Thông tư Liên bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế, cụ thể:

+ Các dịch vụ y tế có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của cơ thể người.

+ Các dịch vụ phẫu thuật chỉnh hình, dịch vụ thẩm mỹ có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của cơ thể người.

Trong trường hợp xét nghiệm HIV/AIDS thì Giám đốc bệnh viện, người phụ trách cơ quan y tế từ cấp quận, huyện trở lên được quyền thông báo kết quả xét nghiệm cho người bị nhiễm HIV/AIDS, cho vợ hoặc chồng hoặc người thân trong gia đình của người đó và cơ quan, tổ chức hoặc người có trách nhiệm trực tiếp chăm sóc sức khoẻ người bị nhiễm HIV/AIDS. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được thông báo kết quả xét nghiệm của người bị nhiễm HIV/AIDS có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin đó

Câu hỏi 33: Công dân có trách nhiệm gì trong việc tham gia phòng, chống HIV/AIDS?

Trả lời:

Trong việc tham gia phòng, chống HIV/AIDS, công dân có trách nhiệm: - Thực hiện các biện pháp phòng, chống việc lây truyền HIV/AIDS để bảo vệ cho mình, cho gia đình và xã hội; tham gia các hoạt động phòng, chống nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng.

- Mọi người trong gia đình tuyên truyền, vận động và giáo dục các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

Mọi người trong gia đình của người bị nhiễm HIV/AIDS có trách nhiệm cùng xã hội chăm sóc sức khoẻ, động viên tinh thần người bị nhiễm HIV/AIDS để họ được sống hoà nhập trong gia đình và cộng đồng.

- Chủ động phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS qua đường tình dục, tiêm chích.

- Nghiêm cấm thực hiện các hành vi mua dâm, bán dâm, tiêm chích ma tuý và các hành vi làm lây truyền HIV/AIDS khác.

- Thầy thuốc và nhân viên y tế tại các cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện các quy định chuyên môn về xử lý nhiễm HIV/AIDS trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế, dịch vụ kỹ thuật kế hoạch hoá gia đình.

- Các cơ sở và người làm dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ khác có thể lây truyền HIV/AIDS phải tuân theo các quy định của pháp luật về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

Ngoài ra công dân là người trong các cơ quan, tổ chức có liên quan còn có trách nhiệm thực hiện những biện pháp cần thiết của cơ quan, tổ chức mình nhằm phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả nhất.

Câu hỏi 34: Anh A biết mình bị nhiễm HIV và do căm tức anh B nên đã lấy máu của mình vào kim tiêm và đâm vào người anh B làm anh B bị nhiễm vi rút HIV. Như vậy, A phạm tội gì và bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Anh A biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác, thì theo quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự năm 1999, anh A đã phạm tội cố ý lây truyền HIV cho người khác, và sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra, Điều 117 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

- Đối với nhiều người;

- Đối với người chưa thành niên;

- Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình; - Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Câu hỏi 35: C là nữ y tá tại một bệnh viện, do căm tức Nguyễn Văn D nên đã lấy máu nhiễm HIV cho vào lượng máu truyền cho anh khi anh phải truyền máu. Như C phạm tội gì và bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

C không nhiễm HIV mà do căm tức nên đã lấy máu có nhiễm HIV truyền cho anh D nên C phạm tội cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 118 của Bộ luật hình sự năm 1999.

- Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 1999, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

+ Có tổ chức;

+ Đối với nhiều người;

+ Đối với người chưa thành niên;

+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Lợi dụng nghề nghiệp.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy, C lợi dụng nghề nghiệp của mình có hành vi cố ý truyền HIV cho người khác nên C sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 118 của Bộ luật hình sự, có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Một phần của tài liệu CẨM NANG PHÁP LUẬT DÀNH CHO THANH NIÊN (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w