- Về việc cấp giấy chứng nhận đã cai nghiện ma tuý:
2. PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Câu hỏi 26: Chúng tôi được biết Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng, đặc biệt đã ban hành Pháp lệnh Phòng chống mại dâm để điều chỉnh vấn đề này. Đề nghị cho chúng tôi biết Pháp lệnh quy định những hành vi cụ thể nào về mại dâm và liên quan đến mại dâm bị nghiêm cấm?
Trả lời:
Nhằm đảm bảo cho mỗi cá nhân hiểu và nhận thức đầy đủ về phòng, chống mại dâm, có ý thức tự giác chấp hành, góp phần giảm thiểu những tác động xấu từ tệ nạn mại dâm đến xã hội, Điều 4 của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm quy định cụ thể các hành vi trái pháp luật bị nghiêm cấm về mại dâm và liên quan đến mại dâm bao gồm: mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức bán dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm và các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm. Theo đó, các hành vi được hiểu như sau:
- Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
- Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
- Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm.
- Chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
- Tổ chức hoạt động mại dâm là hành vi bố trí, sắp xếp để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
- Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
- Bảo kê mại dâm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm.
- Cưỡng bức bán dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn buộc người khác phải thực hiện việc bán dâm.
Câu hỏi 27: Ở tổ dân phố nơi tôi cư trú đang phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân hưởng ứng thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, tích cực tham gia xoá bỏ mọi tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm. Đề nghị cho chúng tôi biết trách nhiệm của mỗi cá nhân công dân trong công tác phòng, chống mại dâm?
Trả lời:
Nhận thức rõ mại dâm là tệ nạn làm băng hoại giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ nền tảng hạnh phúc gia đình, làm mất ổn định xã hội, là nguyên nhân lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ sau, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm xác định việc phòng, chống mại dâm là trách nhiệm của cả cộng đồng, của toàn xã hội. Vì vậy, Pháp lệnh quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, gia đình và cá nhân trong phòng, chống mại dâm.
Tại Điều 8 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 đã quy định rõ: Mọi cá nhân và gia đình có trách nhiệm tham gia phòng chống mại dâm”. Việc thực hiện trách nhiệm này được tiến hành theo nhiều biện pháp khác nhau. Mỗi cá nhân cần nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vấn đề phòng chống mại dâm và tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục về công tác này; phát hiện, thông báo hoặc tố giác kịp thời với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các hành vi trái pháp luật về mại dâm và liên quan đến mại dâm; chấp hành sự thanh, kiểm tra của Nhà nước; cùng với các thành viên trong gia đình giáo dục lối sống lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hoá (Điều 10, Điều 13, Điều 18 và Điều 21 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003).
Bên cạnh đó, đối với một số cá nhân tham gia vào việc điều hành các cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi, và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt
động mại dâm) hoặc sản xuất, lưu hành, sử dụng dược phẩm kích thích tình dục…, bên cạnh trách nhiệm nêu trên còn phải tuân thủ theo đúng những yêu cầu mà Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định.
Câu hỏi 28: Ở thị trấn của tôi có nhà anh Th và nhà cô K mở cơ sở kinh doanh karaokê nhưng thực chất là chứa gái mại dâm và tổ chức các hoạt động mại dâm, gây nhiều bất bình cho bà con xung quanh. Vì không hiểu rõ luật pháp nên chúng tôi rất muốn biết anh Th và cô K có vi phạm pháp luật không, nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Chứa mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 của Nhà nước ta. Theo sự việc mà bạn phản ánh, anh Th và cô K đã vi phạm Điều 254 Bộ luật hình sự với tội danh "Tội chứa mại dâm".
Áp dụng điều luật trên, anh Th và cô K có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
- Có tổ chức;
- Cưỡng bức mại dâm; - Phạm tội nhiều lần;
- Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; - Gây hậu quả nghiêm trọng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; - Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, anh Th và cô K còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm do hành vi phạm tội của mình. Cơ sở kinh doanh của các đối tượng trên còn bị xem xét thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh.
Câu hỏi 29: Gần nhà tôi có nhiều anh xe ôm ban ngày chạy xe nhưng ban đêm lại hoạt động theo nghề "tay trái", đó là đi dắt mối cho các khách mua dâm và gái bán dâm hoạt động trong vùng. Đề nghị cho biết theo quy định của pháp luật thì hành vi này bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Hành vi của các anh xe ôm nói trên rất đáng lên án vì đã tiếp tay cho tệ nạn mại dâm phát triển và đã phạm vào "Tội môi giới mại dâm" được quy định tại Điều 255 của Bộ luật hình sự năm 1999, cụ thể họ sẽ bị xử lý như sau:
- Người nào dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; + Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp; + Phạm tội nhiều lần;
+ Tái phạm nguy hiểm; + Đối với nhiều người;
+ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; + Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.
Câu hỏi 30: Ông Y là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có tiếng của thị trấn X, bị phát hiện khi đang thực hiện hành vi mua dâm với cháu H. Theo kết quả điều tra của công an, tại thời điểm xảy ra sự việc, cháu H còn 2 tháng nữa mới đủ 17 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người trong gia đình ông Y thì cho rằng hành vi của ông Y chỉ đáng bị xử phạt hành chính, do cháu H cũng đã thoả thuận để bán dâm, chứ không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đề nghị cho chúng tôi biết pháp luật quy định xử lý đối với hành vi này như thế nào?
Trả lời:
Trong trường hợp này, hành vi của ông Y đã cấu thành tội danh "Tội mua dâm người chưa thành niên" được quy định tại Điều 256 Bộ luật hình sự năm 1999 vì khi ông Y phạm tội cháu H chưa phải là người thành niên (chưa đủ 18 tuổi).
Điều 256 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:
- Người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 03 năm đến 08 năm: Phạm tội nhiều lần; Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60 %.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.
- Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.