Trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền, Locke luôn đặt nhân dân ở vị trí trang trọng, coi đó là lực lượng quan trọng nhất trong việc giới hạn quyền lực nhà nước, là người phân xử những tranh chấp giữa quyền lập pháp và hành pháp; giữa cơ quan nhà nước và nhân dân. Chỉ có nhân dân mới là người nắm quyền lực cao nhất, thông qua “khế ước xã hội” nhân dân chuyển nhượng quyền lực của họ cho cộng đồng nhưng không phải sự chuyển nhượng mọi quyền lực không thể thu hồi: "Không thể có ai trong xã hội vào một lúc nào đó lại có cái quyền khiến cho nhân dân bị tổn hại, dù rất khả dĩ và hợp lí là nhân dân không làm cái việc đặt những giới hạn cho đặc quyền hành động của các vị vua hay nhà cai trị nào không vượt quá những giới hạn của lợi ích công, vì đặc quyền hành động không là gì khác ngoài quyền lực của việc thực hiện lợi ích công không theo một quy tắc có sẵn" [24, 224]. Bất kỳ nhà cai trị nào cũng không được vượt qua giới hạn quyền lực của nhân dân, nếu giới hạn này bị phá vỡ thì đó là đặc quyền hành động của một nền bạo chính gây phương hại cho lợi ích của nhân dân. Locke đi đến phủ nhận sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế, vì một ông vua chuyên chế thường xâm hại đến quyền tự do sở hữu của nhân dân và không có gì đảm bảo chắc chắn các quyền khác của nhân dân lại không bị xâm phạm: "Quyền lực độc đoán chuyên chế, hay sự cai quản không có luật pháp thường trực và ổn định, không thể phù hợp với mục đích của xã hội và chính quyền" [24, 189]. Nếu nhân dân bị cai trị bởi
quyền lực chuyên chế và những nhà cai trị hành xử một cách tùy tiện thì đồng nghĩa họ đánh mất quyền tự do của mình. Để bảo vệ quyền thống nhất của con người, theo Locke, chính thể nhà nước thích hợp nhất là chính thể quân chủ lập hiến. Quan điểm này xuất phát từ lập trường giai cấp của ông đứng về phe nghị viện chống lại nền độc tài của vua Charles II, bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản. Với tư tưởng cách mạng, giải quyết vấn đề một cách triệt để, sẵn sằng xóa bỏ cái cũ để xây dựng cái mới khi cái cũ trở nên lỗi thời, cản trở sự phát triển. Vì thế John Locke được đánh giá là "đứa con của cuộc cách mạng 1688". Locke khẳng định cách mạng không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ mà chủ thể của nó không ai khác ngoài dân chúng.
Kế thừa quan điểm của Machiavelli đề cao vai trò của nhân dân với cách mạng và thể hiện một triết lí sâu sắc đối với nhà cầm quyền là phải được lòng dân, Locke khẳng định, quyền lực sẽ quay trở về xã hội khi một chính quyền gây ra những sai lầm nghiêm trọng, phản bội những giao ước đã cam kết, khi đó nhân dân không còn bị ràng buộc bởi những cam kết nữa, thì họ có quyền hành động với tư cách là quyền lực tối cao và tự mình tiếp tục công việc lập pháp. ông khẳng định: “Xây dựng một cơ quan lập pháp mới khác với cơ quan cũ, thông qua việc thay đổi con người trong đó hay hình thức của nó, hoặc thay đổi cả hai, khi họ nhận thấy đây mới là cái tốt nhất đem lại an toàn và lợi ích cho họ” [24, 282]. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự giải thể chính quyền?
Locke luận giải rất rõ ràng về nguyên nhân và giải pháp của sự giải thể chính quyền.
Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến sự giải thể chính quyền là do nước ngoài xâm chiếm, ông viết: “Cách thường gặp và hầu như là duy nhất để sự liên hiệp này bị tan rã là sự xâm nhập của vũ lực ngoại bang nhằm chinh phạt cộng đồng quốc gia này… xã hội bị tan rã thì chắc chắn chính quyền
của xã hội đó không thể tồn tại. Vì thế mà thanh gươm của những kẻ đi chinh phạt thường cắt bỏ chính quyền ngay từ gốc và xé nát xã hội ra thành từng mảnh” [ 24, 275]. Trong trường hợp bị nước ngoài xâm chiếm, mỗi cá nhân phải tự bảo vệ tự do cho bản thân họ vì lúc này xã hội không còn đủ khả năng bảo vệ cho mỗi người trước bạo lực nữa. Chính bản thân người đi xâm lược đã đặt họ vào trạng thái chiến tranh và đã xâm lấn một cách bất chính đối với quyền của người khác nên không bao giờ có được chính quyền đối với người bị chinh phục.
Locke bị ảnh hưởng quan điểm của Machiavelli về sức mạnh quyền lực của một quân vương. Theo Machiavelli, muốn thống nhất và mở rộng lãnh thổ Italia thì phải sử dụng sức mạnh của bạo lực trong đó có phương pháp tiếm quyền. Machiavelli viết: "Người tiếm quyền khi đã thôn tính xong một xứ sở, phải cấp tốc việc trừng phạt ngay và, chỉ một lần nới tay là không thể tiếp tục những hình phạt ấy hằng ngày được nữa, ngoại trừ trường hợp phải giảm nhẹ một số hình phạt tàn khốc để an lòng dân, rồi sau đó mới gia ân để thu phục dân chúng" [dẫn theo 41, 20]. Đồng quan điểm với Machiavelli, Locke cho rằng cần sử dụng đến vũ lực, nhưng bên cạnh đó ông chỉ ra không thể sử dụng vũ lực bất chính nhằm vào cuộc sống của người dân được. Việc sử dụng quyền lực theo kiểu này dẫn đến ngay cả bản thân người đi chinh phạt sẽ bị tiêu diệt và vấp phải sự phản kháng gay gắt của nhân dân, do vậy, “người đi chinh phục bằng một cuộc chiến tranh phi nghĩa, chính theo cách này mà không thể có địa vị nào đối với sự khuất phục và phục tùng của người bị chinh phục” [24 , 238], vì quyền lực bất chính sẽ xâm phạm đến quyền tự do của con người nói chung, vi phạm luật tự nhiên mà con người đã có.
Không đồng ý với quan điểm tiếm quyền bằng hình thức gây ra một cuộc chiến tranh phi nghĩa với nhân dân, Locke đưa ra quan điểm về một cuộc chinh phạt hợp pháp, Locke cũng đặt ra giới hạn cho quyền lực này,
không phải người đi chinh phạt có quyền lực tuyệt đối đối với quyền tự do, sinh mạng và tài sản của người khác, mà “bằng việc chinh phạt, ông ta có quyền tiêu diệt một cá nhân con người - nếu muốn, nhưng không vì thế mà có quyền chiếm hữu và thụ hưởng đối với tài sản để lại của người này” [24, 244]. Theo Locke, không có sự đồng ý của chính một người nào đó, sở hữu không thể bị tước bỏ khỏi anh ta. Ngay trong một cuộc chinh phạt thì con người vẫn có những quyền tự do nhất định mà không một ai có quyền được xâm phạm đến nó. Vì thế sự chinh phạt là nguồn gốc của chính quyền và cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của chính quyền.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự tan rã của chính quyền là chính quyền bị giải thể từ bên trong.
Trước hết là khi cơ quan lập pháp bị hoán đổi. Xã hội dân sự là một trạng thái hòa bình giữa những người sống trong đó, loại trừ được khỏi trạng thái chiến tranh nhờ vai trò của người phân xử với những gì họ đưa ra trong việc lập pháp của họ…Điều này nằm trong thẩm quyền lập pháp mà các thành viên của một cộng đồng quốc gia liên hiệp và kết hợp với nhau thành một cơ thể sống gắn kết. Đây là các linh hồn đem lại hình thể, đời sống, và sự thống nhất cho cộng đồng quốc gia [xem 24, 276].
Cơ quan lập pháp là sự thống nhất thể hiện ý chí của một cộng đồng quốc gia. Thông qua cơ quan lập pháp ban hành luật cho mỗi quốc gia đảm bảo sự liên kết giữa các thành viên trong xã hội. Nếu có quá nhiều người nắm lấy quyền làm luật mà không được nhân dân ủy nhiệm cho họ làm việc đó sẽ tạo nên các luật không có thẩm quyền nên không thể bắt buộc nhân dân phải tuân phục. Trong điều kiện đó nhân dân có thể thiết lập một cơ quan lập pháp mới có thể đảm bảo tốt hơn cho quyền lợi của họ.
Nhưng khi nào thì cơ quan lập pháp bị hoán đổi? Trả lời câu hỏi này, Locke cho rằng điểm mấu chốt dẫn đến sự thay đổi của cơ quan lập pháp đó là sự lạm dụng quyền lực chính trị.
Một là, một ông vua đặt ý chí độc đoán của chính mình vào luật pháp, vốn là ý chí của xã hội bị công bố bởi cơ quan lập pháp thì cơ quan lập pháp bị biến đổi.
Hai là, một quân vương cản trở cơ quan lập pháp vào thời gian quy định, hay cản trở nó hoạt động tự do và theo đuổi những mục đích mà vì đó nó được thiết lập.
Ba là, khi bằng quyền lực độc đoán của quân vương, giới cử tri hay cách thức tuyển cử bị hoán đổi mà không có sự chấp thuận của nhân dân và mâu thuẫn với quyền lợi chung của họ.
Bốn là, việc chuyển giao nhân dân đưa họ vào vòng khuất phục đối với quyền lực ngoại quốc, hoặc từ quân vương hoặc từ cơ quan lập pháp, chắc chắn là một thay đổi với cơ quan lập pháp. Vì mục đích của người dân gia nhập vào xã hội là muốn được bảo vệ từ một xã hội vẹn toàn, tự do và độc lập, là được cai quản bằng luật pháp của một xã hội như thế. Điều này mất đi bất cứ khi nào họ bị giao nộp cho quyền lực của nhà nước khác. Sự lạm quyền của một quân vương là một nguy hại cho quốc gia vì ông ta nắm trong tay sức mạnh vũ lực, ngân khố cùng các quan chức nhà nước nên có thể sử dụng quyền lực độc đoán này để đàn áp những người chống đối. Vua có quyền lực tuyệt đối và có thể giải thể cơ quan lập pháp. Bằng cách đó họ trở thành những cá nhân riêng biệt không thể chống lại nhà vua.
Nguyên nhân thứ ba làm cho chính quyền tan rã theo Locke là "khi người có quyền hành pháp tối cao sao nhãng và bỏ mặc nhiệm vụ này, đến mức các luật không còn có thể được thực thi. Điều này để mở khả năng cho sự biến đổi đến mức hoàn toàn vô chính phủ, và vì thế làm tan rã chính quyền hết sức hiệu quả" [24 , 282]. Những người hành pháp đại diện cho ý chí của nhân dân để thực thi quyền lực trong xã hội nhưng lại không thi hành luật đã làm ra thì điều đó chẳng khác nào trong xã hội không luật
pháp và nhân dân rơi vào một tư tưởng hỗn loạn. Không có được sự thống nhất giữa quyền lực lập pháp và hành pháp thì chắc chắn sẽ mất đi sức mạnh quyền lực của xã hội đối với nhân dân. Vì "nơi đâu không còn sự điều hành của công lý nhằm đảm bảo các quyền của con người, mà cũng không còn quyền lực bên trong cộng đồng để định hướng cho vũ lực hay cung ứng nó cho những điều thiết yếu của công chúng, nơi đó chắc chắn chính quyền không còn tồn tại" [24, 282]. Khi xã hội không còn quyền lực, bằng hành động của mình, nhân dân có thể xây dựng một cơ quan lập pháp mới thông qua việc thay đổi những con người hay hình thức của nó mà họ cho là thích hợp. Chỉ có một cơ quan lập pháp ổn định mới đảm bảo được sự công bằng của các luật làm ra và sự bình đẳng với nhân dân, đồng thời loại bỏ được chế độ chuyên chế: "Nơi nào luật pháp chấm dứt, nơi đó sự chuyên chế bắt đầu" [24, 264]. Locke cho rằng, cai trị bằng quyền lực chuyên chế là việc thực hiện quyền lực vượt quá quyền lực đã được trao bằng luật pháp thay vào đó là việc sử dụng vũ lực để đặt nhân dân dưới mệnh lệnh độc đoán của những nhà cai trị.
Nguyên nhân thứ tư và cũng là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến sự giải thể chính quyền nhà nước đó là khi cơ quan lập pháp hay quân vương, hoặc cả hai, hành động trái với sự ủy thác mà nhân dân đã giao cho họ.
Một cơ quan lập pháp bị coi là hoạt động trái với sự tín nhiệm của nhân dân khi xâm đoạt sở hữu của nhân dân. Quyền sở hữu được bảo toàn khi nhân dân tham gia vào xã hội dân sự, trong bất kỳ trường hợp nào sở hữu của con người không thể bị mất đi: “Lý do mà con người gia nhập vào xã hội - Locke khẳng định - là sự bảo toàn đối với sở hữu của họ, và mục đích tại sao họ chọn và trao thẩm quyền cho một cơ quan lập pháp, là để nơi này làm ra luật, định lên các quy tắc, với tư cách những cái bảo vệ và phòng vệ cho sở hữu của mọi thành viên trong xã hội” [24, 284]. Thông qua việc bảo toàn sở hữu của nhân dân thì họ mới chịu phục tùng dưới luật
pháp và khi nào các nhà lập pháp cố gắng lấy đi hay triệt phá sở hữu của người dân thì họ đã đặt chính họ vào trạng thái chiến tranh với nhân dân. Khi cơ quan lập pháp nắm quyền lực tuyệt đối, vi phạm sự ủy thác của nhân dân thì bản thân những người lập pháp đã đánh mất đi quyền lực mà nhân dân đã trao cho họ - đó chính là thời điểm mà nhân dân sẽ thiết lập một cơ quan lập pháp mới để bảo toàn cho quyền tự do và sở hữu của họ.