Tư tưởng trọng nông nghiệp.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh qua một số tác phẩm tiêu biểu dưới triều Nguyễn (Trang 94)

Quản lý ruộng đất là một nội dung trọng tâm của quản lý nhà nước thời phong kiến. Bởi lẽ có nắm chắc được ruộng đất, Nhà nước mới có cơ sở thu tô thuế – mà trong các xã hội tiền tư bản, tô thuế ruộng đất là nguồn thu tài chính chủ yếu của Nhà nước. Hơn thế nữa, từ chỗ quản lý chặt chẽ và có hiệu quả ruộng đất, nhà nước mới có thể chi phối được mọi mặt đời sống xã hội, trong đó trước hết là chi phối người nông dân. Ngoài ra, trên cơ sở làm tốt công tác này quyền sở hữu tối cao của Nhà nước đối với vấn đề ruộng đất được xác lập một cách vững chắc. Chính vì vậy, coi trọng nông nghiệp đã được đặt ra từ các vua triều trước: “Đức Tiên đế ta tốn mấy vạn vàng đào con sông ấy (nhánh sông Hương Giang thông đến cửa Thuận) để lợi cho dân, nay thấy mùa màng tươi tốt, so với xưa hơn không biết bao nhiêu, như thế mới biết rõ rằng bậc thánh nhân làm việc gì là để đến muôn đời về sau” [59; 9]. Minh Mệnh nối ngôi lại tiếp tục chính sách đó.

Vua ban dụ bộ Hộ rằng: “Từ ngày trẫm thân chính đến nay, công việc trọng nông chưa từng một phút quên lãng” [59;13]. Nhà vua "lo nghĩ đến nhân dân, mỗi việc đều chú ý đến mục đích khuyến nông” [59; 10].

Minh Mệnh xác định được rằng: “Dân coi lương thực là trời” nên nhà vua rất lo lắng đến mùa màng và ảnh hưởng của thiên tai đối với nông nghiệp. Quan Cai bộ tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Kim Truy về chầu. Vua ban hỏi về công việc nghề nông. Khi được biết vùng đó một tháng trở lại đây không mưa, vua buồn mà phán rằng: “năm ngoái đã ân xá cho các địa phương trong (Kinh đô) cũng như ngoài (các địa phương), không nơi nào không thấm nhuần. Trẫm chỉ lo cho tỉnh Quảng Nam bị đói kém nhiều, trong một năm đã hai lần cho phát lúa kho ra bán cho dân, tưởng lòng thương dân như thế không phải chưa đến nơi đến chốn vậy; nay công việc mùa nông đang thời xúc tiến, đã hơn tuần (10 ngày) không được cơn mưa, sao mà riêng một phương nầy phải bị khốn khổ như thế, khiến cho trẫm đêm ngày âu lo vậy” [59; 9] và “năm ngoái sao Chổi hiện ra, trẫm lo bị mất mùa đói kém, mỗi đêm ở trong cung thường mật đảo chỉ một điều là ước ao mùa màng tươi tốt, nhân dân bình yên no đủ, nay gặp năm được mùa, rất mừng cho dân ta vậy” [59; 17].

Lo lắng cho dân, nhà vua “thân hành đến làm lễ trong kỳ bị hạn. Vua lấy việc nông làm lo nên ngày tế lễ thành khẩn khấn vái cầu đảo”[59; 12]. Cùng với việc “thành khẩn khấn vái cầu đảo”, nhà vua thực hiện “miễn giảm tô dịch cho dân”. Minh Mệnh có dụ “từ ngày trẫm lên ngôi tới nay ngày mỗi yêu quý dân hơn và đã luôn ban ơn miễn tô giảm dịch cho dân” [32; 306].

Năm 1828, Minh Mệnh khôi phục Lễ cày tịch điền. Ông đã trực tiếp bảy lần đích thân cày ruộng vào các năm 1829, 1830, 1831, 1832, 1833, 1834, 1837. Ông có chỉ dụ rằng: “Từ nay về sau, hàng năm {trẫm} sẽ tự cày cấy gieo trồng. Cho đến ngày lúa chín, các đường quan của 6 bộ phải cử người

luân phiên nhau, mỗi tháng 2 lần, mỗi lần một người đích thân tới ruộng tịch điền xem xét kỹ lưỡng rồi phiến trình. Phái viên này hãy tuỳ theo công việc, nhắc nhở nông phu cố gắng vun trồng, tưới tắm, cốt sao cho mùa màng xanh tốt, hàng năm được mùa. Lại yêu cầu các kinh doãn phải luôn luôn chăm lo xem xét, không được coi như người ngoài cuộc. Từ tháng 6 năm nay sẽ bắt đầu làm theo dụ này, để tỏ rõ sự coi trọng nghề nông và chú ý cái gốc của trẫm” [32; 304].

Nhà vua đưa ra các giải pháp để phát triển nông nghịêp và nâng cao đời sống của người dân: “khuyên dân trồng giặm thêm để đỡ thiệt hại và lợi cho công việc nông vậy”; “khuyên …các địa phương cày cấy nuôi tằm”; các công việc này không chỉ được khuyến khích ở dân mà còn được khuyến khích ngay trong hoàng tộc: “Các vua và hoàng hậu xưa đều coi trọng nghề nông và dâu tằm... Nay...có thể học theo người xưa:{Hoàng hậu} đích thân nuôi tằm ...để tỏ rõ sự khuyến khích nghề nông và dâu tằm, {khuyến khích} các địa phương nên làm các việc cày cấy ruộng tịch điền và nuôi tằm” [32; 353].

Cùng với các giải pháp trong nông nghiệp ở trên, Minh Mệnh còn đề ra chính sách khuyến khích việc khai khẩn hoang. Nhà nước mạnh dạn ban hành các qui định thưởng phạt thích đáng đối với quan lại các cấp trong việc tổ chức nhân dân khai phá ruộng hoang.

Trong các hình thức khai hoang, dinh điền là hình thức khai hoang chủ yếu ở vùng Bắc Bộ dưới thời Minh Mệnh. Chỉ trong thời gian một năm (từ tháng 3 năm 1828 đến tháng 3 năm 1829) “dưới sự tổ chức và lãnh đạo của dinh điền Nguyễn Công Trứ, hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) đã ra đời với tổng diện tích khai khẩn được là 33.590 mẫu”[47; 123-124]. Đây là hình thức khai hoang do nhà nước đứng ra tổ chức và cấp

vốn nên mang lại quyền lợi tương đối thoả đáng cho người khai hoang, trở thành động lực thúc đẩy công cuộc khẩn hoang phát triển.

Thành tựu khai hoang ở nửa đầu thế kỷ XIX đã góp phần đáng kể vào phục hồi và phát triển nông nghiệp, giải quyết một phần tình trạng dân xiêu tán. Đó là một chính sách tích cực của nhà Nguyễn đem lại những hiệu quả kinh tế – xã hội rõ rệt, góp phần mở rộng lực lượng sản xuất nông nghiệp.

Một vấn đề mấu chốt quyết định sự ổn định và phát triển của kinh tế nông nghiệp là công tác trị thuỷ. Minh Mệnh cũng đề ra các chính sách sửa đắp, bảo vệ hệ thống đê điều để giữ nước và tưới nước, bảo vệ mùa màng. Vua sai Phó đô Thống chế Phan Văn Thuý chỉ huy công tác đào sông Vĩnh Định (Quảng Trị) và dụ rằng: “Đào sông ấy có thể thông thương các đường thuỷ nối liền Thừa Thiên-Quảng trị, mà lại tiện cho công việc nhà nông” [59; 14], “việc khai đào sông ấy, vốn là muốn tiện cho dân, nhưng trước đó người đổng lý công việc không giỏi, nên đường sông chật hẹp, hai bờ cao dựng đứng, tát nước vào ruộng không tiện; nay nới rộng thêm ra, để vì lợi lâu dài cho dân ta…tiết dụng nhân công, làm việc đúng theo thời khắc, thì ai ai cũng đều vui vẻ, sẵn sàng cung ứng công việc vậy” [59; 15].

Minh Mệnh có chính sách cụ thể: “về việc đê sông của Bắc thành, trẫm đã hết sức lo liệu và để tâm nhắc nhở...truyền chỉ bằng ngựa sức hỏi xem hiện nay trời nắng mưa ra sao, nước sông chưa xuống hoặc đã xuống được bao nhiêu thước, vùng bị vỡ đê đã cạn chưa; dân bị thiên tai đã yên ổn làm ăn chưa. Nếu nước đã rút thì phải đốc thúc ngay các phủ huyện khuyến khích dân mau chóng cấy trồng bổ sung ngay để may ra còn thu hoạch được vụ. Nếu người nào nghèo khó không đủ sức cấy trồng bổ sung thì các thành xem xét cho vay giống để cho dân khỏi bỏ cơ nghiệp”[32; 275].

Cho rằng nông nghiệp vẫn là cơ bản, là cái gốc của sự ổn định và phát triển, nhà Nguyễn đã quên mất thực tế trước mắt là tình hình ruộng đất giờ đây không còn như thế kỷ XV nữa. Bức tranh kinh tế nông nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX dù đạt được những thành tựu nhất định (như khai hoang mở rộng diện tích canh tác, nạo vét và đào đắp hệ thống sông ngòi phục vụ tưới tiêu) nhưng nhìn chung xu hướng ngày một xấu đi. Cũng có những năm, những vụ, những địa phương được mùa, giá thóc gạo hạ, nhưng nhiều hơn vẫn là những năm, những vụ, những địa phương mất mùa, giá thóc gạo đắt đỏ. Nạn đói trở thành nỗi ám ảnh người Việt Nam trong suốt thời Nguyễn. Hàng ngàn hàng vạn nông dân dời làng đi kiếm ăn là cảnh tượng thường thấy ở nửa đầu thế kỷ XIX, nhất là trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Mặc dù triều đình áp dụng nhiều chính sách trọng nông đạt hiệu quả và tác động tích cực tới việc khôi phục nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam thời kỳ này nhưng do thiếu hiểu biết về kỹ thuật canh tác và đê điều nên năng suất canh tác rất thấp và luôn bị thiên tai đe dọa. Thêm vào đó, là chính sách ức thương, hạn chế phát triển tiểu thủ công nghiệp khiến cho nền kinh tế thời

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh qua một số tác phẩm tiêu biểu dưới triều Nguyễn (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)