Tiểu sử Minh Mệnh và một số tác phẩm tiêu biểu.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh qua một số tác phẩm tiêu biểu dưới triều Nguyễn (Trang 30)

Minh Mệnh (1791 – 1841), tên huý là Phúc Đảm, còn có tên là Hiệu, con trai thứ tư của Gia Long, em trai cùng cha khác mẹ với hoàng tử Phúc Cảnh. Minh Mệnh sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25-5-1791) tại làng Tân Lộc tỉnh Gia Định. Mẹ của ông họ Trần, con gái Thọ quốc công Trần Hưng Đạt làm tới chức Tham tri bộ Lễ thời Gia Long, quê huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên.

Năm 1778, Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định. Năm 1781 tuyển bà vào cung lúc 14 tuổi, rồi tiến phong là Tả cung Tần hiệu là Nhị Phi. Năm 1791 khi bà sinh ra hoàng tử Đảm ( tức vua Minh Mệnh sau này) khi bà 24 tuổi.

Minh Mệnh, những năm bước vào tuổi đi học, cũng là thời kỳ Gia Long làm chủ hoàn toàn vùng đất Gia Định, sau đó, chiến tranh kết thúc (1802). Như vậy, nếu so với ba người anh của mình, "Minh Mệnh có điều kiện để ăn học đến nơi đến chốn hơn (không kể 2 người anh thứ hai và thứ ba bị chết khi còn ít tuổi, hoàng tử Cảnh từ lúc 12 đến 13 tuổi đã phải bôn ba đây đó, đến tuổi trưởng thành lại phải đi trận mạc và chết sớm(1801)"[69; 40]

Thày dạy trong thời gian dài của Minh Mệnh thời trẻ là Đặng Đức Siêu (người huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định) đỗ hương tiến (cử nhân sau này) được bổ sung vào Hàn Lâm Viện, là một trong vài nho sĩ Nam Hà nổi tiếng học hành sâu rộng như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định... và là những cố vấn thân cận của ông vua đầu triều Nguyễn về các vấn đề chính trị, văn hoá - xã hội. Sách Đại Nam thống chí nhận xét về nhân cách, cũng như vị trí của Đặng Đức Siêu: “Siêu được sung việc dạy bảo hoàng thân, giúp ích rất nhiều vào việc bồi dưỡng hoàng tử. Nhà Siêu theo đạo Gia Tô. Siêu bỏ đạo đi học, đức hạnh và tiết tháo nổi tiếng, đứng đầu nhân vật bản triều’’[69; 42].

Quá trình hoàn thiện tài năng còn được Minh Mệnh tiếp tục duy trì khi đã lên ngôi hoàng đế trị vì đất nước. Hàng ngày Minh Mệnh thường xuyên tham báo các sách vở cổ điển của Việt Nam và Trung Quốc. Trên cương vị tối cao của triều đình, Minh Mệnh vẫn tỏ rõ một con người siêng năng làm việc.

Tháng 3 năm Gia Long thứ 15 (1816), nhà vua chính thức thiết triều tại điện Cần Chánh sách lập Nguyễn Phúc Đảm làm hoàng thái tử, ban chiếu dụ trong ngoài biết. Gia Long chính thức phủ dụ các bề tôi “Trẫm nay làm việc đã mỏi, rất lo đến kế lớn của xã tắc. Thái tử là ngôi Trừ nhị (coi như vị vua thứ hai) của nước, cần phải sách lập để trọng chính thống mà giữ bền gốc nước” [69; 42-43].

Nguyên nhân sâu xa của việc truyền ngôi cho Minh Mệnh là đối ngoại. Hoàng tử Cảnh cùng vợ và con chịu ảnh hưởng lớn của Giám mục Bá Đa Lộc. Hơn thế nữa, hoàng tử Cảnh và vợ con lại là tín đồ của Ki tô giáo. Đó là điều rất khó chấp nhận ở một đất nước quân chủ Nho giáo, Gia Long vốn là người từng trải nhiều nên luôn thận trọng và cảnh giác trước việc truyền giáo của các giáo sĩ. Kinh nghiệm cho ông hay, các giáo sĩ không chỉ dừng lại ở việc truyền đạo. Mặc dù trong một thời gian dài, Gia Long có dựa vào sự giúp đỡ của Kitô giáo, thông qua vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc và người Pháp để đánh lại Tây Sơn. Song ông vẫn muốn rũ bỏ ân huệ đó, gạt bỏ Hoàng tôn Đán con của Đông cung Cảnh, người chịu ảnh hưởng khá sâu sắc Kitô giáo, và chọn Minh Mệnh. Đó chính là sự chuẩn bị của Gia Long để từng bước xa rời người Pháp, và về mặt này, Minh Mệnh cũng thực hiện trọn vẹn điều mà vua cha ngầm gửi gắm cho mình.

Minh Mệnh có đủ tư chất cần thiết của một vị hoàng đế có thể giải quyết những vấn đề phức tạp của tình hình đất nước đặt ra, đặc biệt trên phương diện chính trị.

Ông mất ngày 28 tháng 12 năm Canh Tý, tức 20 tháng 1 năm 1841, thọ 51 tuổi. Miếu hiệu là Thánh Tổ Nhân hoàng đế, lăng của Minh Mệnh là Hiếu Lăng, tại làng An Bằng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Được thờ ở Tả Nhất án Thế Miếu trong Đại Nội.

Việc phân tích tư tưởng cơ bản về chính trị – xã hội của Minh Mệnh đã được nhiều các công trình nghiên cứu nhưng trong phạm vi đề tài của mình, luận văn chỉ tập tìm hiểu trong hai tác phẩm “Minh Mệnh chính yếu”

“Minh Mệnh ngự chế văn”.

“Minh Mệnh chính yếu” là tác phẩm được ra đời khi vua Minh Mệnh phê chuẩn lời tâu xin của Hà Quyền và các đại thần khác trong viện Cơ Mật. Nhà vua đã “phái những bậc thông hiểu văn học, đem các bản châu phê cùng những bản ghi chú trong những lúc khởi, cư, động, tác chia loại vựng và đính thành một bộ nhan đề là “Minh Mệnh chính yếu toàn thƣ”[54;10]. Bộ sách được phê chuẩn biên soạn năm thứ 18 và hoàn thành năm thứ 21 đời Minh Mệnh. Nhà vua đã theo dõi quá trình kể trên và thường nêu ra những phương châm chỉ đạo. Sách gồm 26 quyển với 22 thiên với thiên, mục sau đây: kính thiên (kính trời), pháp tổ ( noi theo phép tắc của tổ tiên), đôn thân (hậu đãi người thân), thể thần (quan tâm đến công thần), cầu hiền (cầu người hiền tài), kiến quan (kén chọn quan chức), cần chánh (chăm lo chính trị), ái dân (thương dân), trọng nông (coi trọng nông nghiệp), sùng kiệm (thực hiện tiết kiệm), lễ nhạc (quy định về lễ nhạc), giáo hóa (quy định về việc giáo dục), chế binh (thể chế, chính sách đối với quân đội và tư tưởng quân sự), thận hình (thận trọng về việc hình), tài chính và thuế khóa, pháp tổ (quy chế, thủ tục, thể lệ của các lĩnh vực hoạt động của bộ máy và các cơ quan nhà nước), sùng văn (tôn trọng văn học), phấn võ (chăm lo việc võ bị, nêu các tư tưởng chỉ đạo và các biện pháp đánh dẹp các cuộc bạo loạn), quảng ngôn lộ (Mở rộng đường ngôn luận, cầu lời nói thẳng, đòi quần thần phải tâu thực tình hình, lắng nghe

lời can gián..), cố phong thủ (giữ vững bờ cõi- việc bố trí binh lực và tổ chức quốc phòng), phủ biên (công việc biên phòng, các biện pháp, chính sách phủ dụ dân vùng biên giới), nhu viễn (tư tưởng và chính sách ngoại giao đối với các nước láng giềng và một số nước phương Tây). Ở mỗi thiên, mục đều ghi lại những chỉ dụ và việc làm của nhà vua và đình thần trong từng năm.

Trước năm 1975, “Minh Mệnh chính yếu” đã được dịch và in thành nhiều tập, ra nhiều kỳ, do đó làm người đọc khó theo dõi. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của giới nghiên cứu, dựa vào những bản dịch trên, nhất là bản dịch của Uỷ ban dịch thuật do Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên xuất bản năm 1972 – 1975 ở Sài Gòn, Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế năm 1994 đã hiệu chỉnh lại và in thành bộ 3 tập:

Tập 1: Từ quyển đầu đến quyển 7 Tập 2: Từ quyển 8 đến quyển 17 Tập 3: Từ quyển 18 đến quyển 25

“Ngự chế văn tập” là tác phẩm tập hợp những chỉ dụ về tất cả những công việc triều chính trị vì đất nước của Minh Mệnh. Sau này, Ngự chế văn tập

được lựa chọn, chỉnh lý và khắc in thành “Ngự chế văn sơ tập” “Ngự chế văn nhị tập”.

“Ngự chế văn sơ tập” là do Minh Mệnh đích thân xem xét bỏ đi 4, 5 phần không quan trọng lắm trong số Ngự chế văn rồi sai “chép lại đúng sự thực để xem điều hay lẽ dở trong chính sự và sự chăm chỉ hay lười biếng trước sau, nhằm tự cổ vũ mình. Sau đó Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Khoa Minh; Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực; Thượng thư bộ Binh Trương Đăng Quế và 16 Tả, Hữư Tham Tri; Tả, Hữư Thị Lang; Các Đô Ngự sử; Thái bộc tự khanh, Thị giảng học sĩ thuộc các bộ viện vâng mệnh biên tập và dâng biểu

khắc in xong ngày 12 tháng giêng năm Minh Mệnh 15 (1834), gồm2 tập, 14 quyển.

“Ngự chế văn nhị tập”là do vua Thiệu Trị đích thân kiểm lại các Ngự chế văn của vua cha Minh Mệnh từ năm Tân Mão(1831) đến năm Canh Tí (1840) rồi chỉnh lý thành“Ngự chế văn nhị tập”gồm 10 quyển.

“Ngự chế văn sơ tập”“Ngự chế văn nhị tập” gộp lại gồm 588 đạo dụ do Minh Mệnh ban ra từ năm đầu mới lên ngôi (1820) đến năm ông qua đời (1840). Đây là những đạo dụ do chính tay Minh Mệnh soạn thảo và ban bố. Nội dung của chúng hầu hết có liên quan đến các hoạt động phản ánh tư tưởng chính trị, đường lối trị nước và phẩm chất một vị vua sáng, vị vua được lịch sử ghi nhận là tài giỏi của triều Nguyễn.

Tiểu kết chương1:

Sau khoảng gần 20 năm chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, vua Gia Long đã lãnh đạo, quản lý, khôi phục lại đất nước theo mô hình nhà nước Trung Hoa. Nho giáo được lấy làm hệ tư tưởng chính của triều đại. Đường lối trọng nông nghiệp được coi là đường lối kinh tế cơ bản để khôi phục lại nền kinh tế đất nước đã bị chiến tranh liên miên làm cho suy sụp. Đường lối ngoại giao truyền thống lấy Trung Quốc làm trọng tâm, chú ý mối quan hệ bang giao với các nước láng giềng để củng cố an ninh quốc phòng, xa lánh phương Tây được vua Gia Long coi là chiến lược đối ngoại. Những kết quả bước đầu của nền cai trị mới đó giúp cho đất nước từng bước được khôi phục về các mặt kinh tế, văn hoá. Tuy nhiên, bộ máy hành chính đất nước chưa thống nhất, nền kinh tế nông nghiệp chưa được phục hồi đáng kể, sự thống nhất nhân tâm hướng về một triều đại mới cần được củng cố, một đường lối ngoại giao dứt khoát với phương Tây cần được thực hiện… là những vấn đề thực tiễn mà Gia Long chưa thực hiện được trong giai đoạn trị vì của ông. Minh

Mệnh, vị hoàng tử thứ tư được lựa chọn để nối ngôi, có rất nhiều tiềm năng cho việc hoàn thành những ước nguyện chính trị của vua cha. Bằng năng lực tri thức, bản lĩnh chính trị cá nhân và sự ủng hộ của các triều thần giàu kinh nghiệm Minh Mệnh đã lãnh đạo xây dựng Việt Nam trở thành một trong những vương quốc hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á. Đường lối trị nước của Minh Mệnh được xây dựng từ những nguyên lý chính trị cơ bản nhất của Nho giáo kết hợp với kinh nghiệm chính trị của dân tộc và được ứng dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Đường lối chính trị này của Minh Mệnh được thể hiện tập trung trong hai bộ sách “Minh Mệnh chính yếu”“Ngự chế văn tập”. Trong chương 2 dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu vào tìm hiểu, phân tích những tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh cũng như ý nghĩa và hạn chế trong các tư tưởng đó của ông.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh qua một số tác phẩm tiêu biểu dưới triều Nguyễn (Trang 30)