Trong lịch sử nước ta, Nho giáo từng chiếm được địa vị độc tôn từ thời Lê Sơ. Đến thế kỷ XVIII, các vương triều Lê – Trịnh - Nguyễn tuy vẫn đề cao Nho giáo, vẫn không đưa giáo lý Phật giáo vào chương trình giáo dục và thi cử nhưng đều sùng bái Phật giáo. Nhiều nhà nho lớn của thế kỷ đã viết nhiều tác phẩm để luận chứng cho thuyết “tam giáo đồng nguyên”. Tiến sĩ Nho học, nhà chính trị lỗi lạc Ngô Thì Nhậm thì viết hẳn một tác phẩm Phật học –“Trúc
lâm tông chỉ nguyên thanh”. Có những thiền sư nổi tiếng có những quan niệm tiến bộ độc đáo, như thiền sư Toàn Nhật. Một sự trỗi dậy như vậy của Phật giáo mặc nhiên làm cho Nho giáo mất địa vị độc tôn trong tư tưởng của triều đình và giới trí thức đương thời. Tuy nhiên ở đây cần lưu ý hai điều rất quan trọng có ảnh hưởng đến thái độ của nhà Nguyễn đối với Phật giáo. Một là, những người nổi tiếng nhất, có vai trò hàng đầu trong việc phục hưng Phật giáo với tư cách là học thuyết như Ngô Thì Nhậm và Toàn Nhật đều đã phục vụ triều Tây Sơn. Hai là, Phật giáo thế kỷ XVIII phát triển mạnh theo hướng phù thuỷ, bùa chúa, mê tín, dị đoan; một số sư tăng không phải là những người gương mẫu điển hình về đạo đức, chùa chiền thường là nơi tụ hội, ẩn náu của những người phiến loạn hoặc lười biếng. Nhà Nguyễn tất phải tính đến hai đặc điểm đó của Phật giáo mà thế kỷ XVIII bàn giao cho thế kỷ XIX và tất yếu phải nghi ngờ, đề phòng và hạn chế Phật giáo để đảm bảo an ninh cho vương triều và để có thể huy động đến mức tối đa sức người, sức của vào nhu cầu kinh tế, xã hội và quân sự.
Trước thực tế đó, vua Gia Long đã đưa ra chủ trương độc tôn Nho giáo trong chính sách cai trị của mình. Tuy nhiên, Phật giáo cùng với các tín ngưỡng khác vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân.
Lúc này, các giáo sĩ phương Tây đã thực hiện một sự truyền bá Ki tô giáo rộng rãi. Ki tô giáo vào Việt Nam đã thách thức nhiều chuẩn mực giá trị cơ bản của xã hội lấy Khổng giáo làm trọng. Tư tưởng chính trị của Khổng giáo dựa trên nền tảng của ba mối quan hệ xã hội chính là vua – tôi, chồng – vợ và cha – con. Các vua qua các triều đại, đặc biệt là Lê Thánh Tông, Gia Long, rồi đến Minh Mệnh đều tụ xưng “thiên tử” là biểu tượng của quốc gia, nên trung với vua đồng thời cũng là trung với nước. Tuy nhiên chính sự gắn kết giữa trung quân với ái quốc khiến một số nhà Nho không phân biệt được
rằng trong lịch sử dân tộc từng có những vị vua phản quốc nên đã trung quân một cách mù quáng.
Nếu trung quân là khí tiết quan trọng nhất của nhà Nho thì người Kitô giáo lại coi Jesus Christ là đối tượng của đức tin. Tuy chủ trương sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa, và vẫn phục tùng hoàng đế, nhưng rõ ràng trong đời sống tinh thần và tình cảm của người công giáo, vị trí hoàng đế bị đặt xuống hàng thứ hai so với Đấng cứu thế. Hơn nữa Công giáo không cho phép được thờ cúng tổ tiên và thực hiện chế độ một vợ một chồng.
Sự phân biệt giữa Nho giáo và Kitô giáo không chỉ trên phương diện vấn đề nghi lễ thờ cúng mà còn trên phương diện chính trị. Sự trải nghiệm trong cuộc sống đã đưa Gia Long đến quyết định phải thận trọng và cảnh giác trước sự truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây và thực hiện chính sách cấm đạo đối với Kitô giáo. Nguyễn Ánh – Gia Long ban hành chỉ dụ cấm đạo như sau: “ Nay ta muốn loại khỏi đất nước ta một thứ tôn giáo của châu Âu… Một tôn giáo không nhận cha, không nhìn nhận vua; không thờ kính thần linh; suốt đêm, đọc kinh đọc sách… vô công nhàn rỗi, không làm gì cả để sản xuất và tích luỹ”[65; 51].
Vì vậy, trong hệ tư tưởng thời kỳ đầu nhà Nguyễn mặc dù vẫn có sự dung hợp giữa Nho – Phật – Lão, trong đó Nho giáo giữ vị trí thống trị nhưng Kitô giáo bị cấm.
Văn hoá nửa đầu thế kỷ XIX cũng có những thành tựu đáng ghi nhận Trên phương diện văn học. Nửa đầu thế kỷ XIX đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của văn học viết. Giáo dục và khoa cử Nho học được phục hồi. Tầng lớp nho sĩ ngày càng đông đảo, trở thành lực lượng sáng tác chủ yếu của văn học viết thời kỳ này. Nổi lên nhiều nhà thơ, nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu. Văn học dân gian tiếp tục
phát triển với các loại thơ ca, hò về, ca dao, tục ngữ...hết sức phong phú, đa dạng. Bên cạnh những tác phẩm viết bằng chữ Hán (bao gồm cả văn xuôi và thơ) khuynh hướng dùng chữ Nôm trong sáng tác văn học vẫn tiếp tục đà phát triển của thế kỷ trước với nhiều tác phẩm đạt đến đỉnh cao. Hai tác giả đại biểu kiệt xuất cho dòng văn học chữ Nôm nói riêng và văn học Việt Nam nói chung là Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
Thành tựu chủ yếu của thời kỳ này là sự ra đời các tác phẩm lịch sử, địa lý lịch sử và bách khoa toàn thư lớn như “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép theo biên niên với hai phần Tiền biên và chính biên. Bộ sử này phản ánh tương đối toàn diện, sinh động mọi mặt của đời sống đất nước những thập niên cuối thế kỷ XVIII và gần như suốt thế kỷ XIX. Ngoài ra, bộ “Khâm định Việt sử thông giám cƣơng mục”; “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của Nội các triều Nguyễn; “Lịch triều hiến chƣơng loại chí” của Phan Huy Chú cũng là những bộ sử lớn rất có giá trị của triều Nguyễn. Kỹ thuật vẽ bản đồ cũng đạt được những thành tựu mới. Đặc biệt là dưới thời Minh Mệnh bản đồ nước Đại Nam được thống nhất, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài khu vực biển Đông.
Trên phương diện nghệ thuật, nền nghệ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX có một bước chuyển biến quan trọng. Từ một nền nghệ thuật dân gian nở rộ trong các thế kỷ trước, dưới thời Nguyễn, nền nghệ thuật cung đình được phục hồi với nhiều thành tựu lớn, giá trị cao. Trước hết là thành tựu của kiến trúc Việt Nam thế kỷ XIX với các kiến trúc ở kinh thành Huế, bao gồm hệ thống thành luỹ, cung điện, đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền, nhà ở, phố phường…Hệ thống thành luỹ ở Kinh thành Huế được xây dựng và gia cố trong suốt mấy chục năm đầu triều Nguyễn. Di sản kiến trúc Huế là điển hình của kiến trúc cung đình Việt Nam còn lại tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay. Giá trị của di sản này thể hiện ở tính chất phong phú của các loại hình
kiến trúc, dù có ảnh hưởng ít nhiều của bên ngoài nhưng cơ bản vẫn là sự tiếp nối và nâng cao truyền thống kiến trúc dân tộc (nhất là giai đoạn đầu), ở nghệ thuật trang trí phong phú và cầu kỳ đạt đến trình độ hoàn mỹ, ở sự hài hoà với thiên nhiên, sự kết hợp hữu cơ giữa các công trình kiến trúc với môi trường thiên nhiên, được đánh giá là “đẹp như một bài thơ”- bài thơ kiến trúc. Tại địa phương, trấn tỉnh nào cũng có thành. Nhiều phủ, huyện cũng có thành luỹ. Kiến trúc dân gian dù không thật nở rộ như những thế kỷ trước nhưng vẫn thể hiện sức sống mạnh mẽ. Đình làng vẫn tiếp tục được xây dựng, dù số lượng không nhiều. Có những ngôi đình khá lớn, có giá trị nghệ thuật cao, như đình Mông Phụ (Hà Tây) xây dưới thời Gia Long. Văn Miếu –Quốc tử giám Hà Nội tuy không còn là trung tâm Nho học của cả nước, nhưng dưới thời Nguyễn được tu bổ, tôn tạo. Khuê Văn Các được xây dựng năm 1804 là công trình kiến trúc độc đáo hài hoà tổng thể kiến trúc Văn Miếu- Quốc tử giám Thăng Long, đã trở thành đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn và là biểu tượng của văn hiến thủ đô Hà Nội ngày nay. Bên cạnh Khuê Văn Các, cột cờ thành Hà Nội và nhiều công trình kiến trúc cung đình cũng như dân gian đã trở thành “cái gạch nối” của kiến trúc truyền thống và hiện đại Việt Nam.
Nhã nhạc (nhạc cung đình) đã xuất hiện từ các triều đại trước, nhưng đến thời Nguyễn thì phát triển đến đỉnh cao, là một bộ môn nhạc truyền thống Việt Nam dùng trong cung đình. Những người sáng tạo và biểu diễn nhạc cung đình hầu hết là những nhạc sĩ, nghệ sĩ từ dân gian, có trình độ biểu diễn cao, được sung vào cung đình làm việc.
Như vậy, thời kỳ đầu vương triều Nguyễn đã sản sinh ra những giá trị văn hoá phong phú và đa dạng. Tất cả những giá trị đó góp phần hình thành những tư tưởng chính trị- xã hội của Minh Mệnh.