Nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu Người tốt việc tốt trên báo chí hiện nay thực trạng và vấn đề đặt ra (Khảo sát trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Lao động từ năm 2004 - 2006 (Trang 43)

Muốn biểu dương đạt hiệu quả, vấn đề đặt ra là phải có cái nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này, bên cạnh đó cần nâng cao năng lực, kiến thức, thái độ và bản lĩnh của người làm báo. Đây là vấn đề hết sức cần thiết và là một đòi hỏi bức xúc vì:

Thứ nhất, việc phát hiện và phản ánh người tốt việc tốt là một công việc đòi hỏi nhiều tài năng, nhạy cảm chính trị và tinh thần trách nhiệm cao. Bởi lẽ, người tốt việc tốt không chỉ nằm trong những sự kiện phi thường, những người xuất chúng mà nó nằm trong cái rất bình thường, trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí còn nằm trong cái bề ngoài tưởng chừng như gai góc, ngược chiều, nghịch lý. Cũng có thể điển hình tiên tiến, các nhân tố mới chỉ là chiều hướng, là một điểm sáng nhưng ta cần phát hiện và nắm bắt được xu thế phát triển tất yếu của nó. Việc phát hiện ra vấn đề, con người, sự việc cần biểu dương hay phê phấn được hình thành từ việc nghiên cứu, quan sát, phân tích từ nhiều nguồn thông tin như: nghe báo cáo, qua mạng lưới thông tin viên, bạn đọc, đài phát thanh, truyền hình, các báo cáo, tự điều tra... Quá trình khai thác khám phá gương người tốt việc tốt, nhân tố mới là một quá trình lao động công phu,

nghiêm túc. Đối tượng tác động của báo chí là đông đảo quần chúng và hiệu quả của báo chí xét đến cùng là sự tác động của báo chí đến xã hội, đến con người, làm cho cái mới, cái tiến bộ chiếm ưu thế tuyệt đối trong nhận thức và hành vi của các tầng lớp quần chúng nhân dân. Do đó, người tốt việc tốt phải gắn với cái thật, cái đúng, cái chân lý. Đó phải là thái độ, trách nhiệm và tình cảm trân trọng của những người làm báo trước sự việc đang diễn ra xung quanh. Cái mới, cái tiến bộ không phải do ý muốn chủ quan mà có được. Thực tế ấy càng đòi hỏi nhà báo phải có một cái nhìn biện chứng để nắm bắt được bản chất, đặc điểm, chiều hướng phát triển của sự vật, hiện tượng trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Trong thời kỳ mới, báo chí không thể không tính đến con người mới trong sự kết hợp hài hoà giữa lợi ích vật chất với yếu tố lý tưởng xã hội vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ hai, biểu dương người tốt việc tốt cũng rất cần sự dũng cảm, chịu đựng khó khăn gian khổ. Bám sát thực tiễn tại các địa phương, cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, cùng chia sẻ cuộc sống còn đang gặp nhiều khó khăn, cảm nhận và chứng kiến sự vận động, vươn lên của nhân dân để phát hiện cái mới, cái tiến bộ là yêu cầu bắt buộc đối với nhà báo. Mặt khác, không có mô hình nào, sáng kiến nào ngay từ đầu đã hoàn thiện để người làm báo đưa tin, viết bài một cách dễ dàng. Không phải mọi sự vật vừa mới nảy sinh nhà báo đều có thể lý giải được. Có những vấn đề phải trải qua thử nghiệm, tổng kết đúc rút kinh nghiệm mới có thể nhân rộng. Những bài học thành công cũng như thất bại luôn có giá trị thực tiễn rất to lớn. Có những đề tài về một nhân tố mới mà nhà báo phải theo đuổi trong một thời gian dài, dám đấu tranh với tất cả những gì đang cản trở sự phát triển, đồng thời cũng cần có dũng khí để chỉ ra những khiếm khuyết có thể nảy sinh khi nhân tố đó được thừa nhận, khẳng định để tiếp tục hoàn thiện. Lăn lộn với phong trào cách mạng, hòa mình vào cuộc sống của nhân dân lao động cũng đòi hỏi nhà báo

phải có lòng dũng cảm, nhiệt tình, hăng say lao động, toàn tâm, toàn lực để phát hiện và cổ vũ cái mới.

Thứ ba, muốn nâng cao chất lượng biểu dương trên báo chí nhà báo nhất định phải trung thực và phản ánh thật khách quan. Yêu cầu đặt ra đối với nhà báo là phản ánh khách quan, trung thực, chống tô hồng, cường điệu cái mới một cách thái quá. Cần phát hiện và vun đắp cho những gương người tốt. Rõ ràng, muốn chọn lọc và phản ánh biểu dương cái tiến bộ, cái mới thì bản lĩnh chính trị của nhà báo có vai trò hết sức quan trọng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhân rộng các nhân tố mới, cái tiến bộ ra phạm vi rộng. Thực tế cho thấy chỉ có thể nhân rộng các nhân tố mới khi người lãnh đạo ở các cấp, các ngành nhận thức được ý nghĩa và hiệu quả của nhân tố mới, tiến bộ đó, khi các cơ quan tuyên truyền và các nhà báo cũng có tư duy mới, nhất quán, kiên quyết, tuyên truyền ủng hộ và có sự phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ tư, nhà báo phải có kiến thức sâu, rộng, có "cái tâm" trong sáng. Người tốt, việc tốt được phản ánh như thế nào, với mục đích gì, chân thật đến đâu, hình thức như thế nào, lượng thông tin đến đâu, có đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò chủ quan của nhà báo thông qua khả năng nhận thức hiện thực khách quan, sự nhạy bén chính trị, kinh nghiệm và trình độ nghề nghiệp của họ. Để có khả năng chọn lọc, đánh giá nghiêm túc và khoa học những vấn đề mới, những nhân tố mới, giải quyết những vấn đề lý luận phức tạp, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, thì người làm báo không thể hời hợt, nông cạn mà phải có đầy đủ tri thức cùng với tấm lòng trong sáng. Để có thể nắm bắt và phát hiện cái tốt đẹp, nhân tố mới tiến bộ thì nhà báo không chỉ phải đi nhiều, nghe nhiều mà còn phải đọc nhiều. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nêu: "trong bụng không có được 3 vạn quyển sách, trong mắt không có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì chưa chắc đã làm được văn". Nhà báo cách mạng cũng vậy, muốn khám phá và phát hiện được các nhân tố mới cũng phải không ngừng

tích luỹ vốn sống, rèn luyện sức đọc, sức nghĩ, rèn luyện tư duy. Khi viết cần tránh bệnh hời hợt, dễ dãi, tránh ngại khó, ngại khổ, né tránh những vấn đề gai góc, ít xông xáo thực tế, tự thỏa mãn với chính mình. Rõ ràng, mỗi nhà báo cần phải không ngừng trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó tạo cho mình tri thức cách mạng, kim chỉ nam đúng đắn về lý luận và phương pháp luận khoa học trong việc phân tích, đánh giá những vấn đề mới xuất hiện trong đời sống xã hội, dự báo được xu thế phát triển tất yếu của nó. Với tư cách là người tiếp cận, xử lý và phổ biến thông tin, nhà báo có nhiệm vụ hết sức nặng nề là khai thác, phản ánh cái mới, đề cao các điển hình tiên tiến, cổ vũ cho mọi sự tìm tòi sáng tạo, ủng hộ các nhân tố tích cực ngay từ đầu khi mới xuất hiện.

Có thể nói, những điều kiện khách quan và chủ quan có vai trò như điều kiện, môi trường để biểu dương trên báo có hiệu quả. Đó là những điều kiện mà báo chí, nhà báo không thể không trù tính đến, không thể không xem xét, lưu ý trong từng bước hoạt động nghề nghiệp của mình.

Tiểu kết chƣơng 1:

Trong chương 1 với đề mục “Một số vấn đề chung về báo chí và biểu dương gương người tốt việc tốt”, tác giả đã đưa ra và làm rõ những khái niệm về “người tốt việc tốt”, khái niệm về “biểu dương”, những tác động của gương người tốt việc tốt, cũng như những ảnh hưởng của những bài báo viết về gương người tốt việc trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra được những quan điểm, đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc biểu dương gương người tốt, việc tốt. Trách nhiệm, vai trò của báo chí cách mạng trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Từ đó thấy được sự quan tâm cũng như tầm quan trọng của việc biểu dương gương người tốt việc tốt trên báo chí là rất cần thiết.

Đặc biệt trong chương này, tác giả đã nêu ra những yếu tố, điều kiện ảnh hưởng đến chất lượng bài viết về gương người tốt việc tốt, trong đó có cả điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Đây chính là cơ sở để đi tìm hiểu và phân tích thực trạng của việc biểu dương người tốt việc tốt trên báo chí hiện nay - vấn đề cần được giải quyết trong chương 2.

Chương 2

THỰC TRẠNG VIỆC BIỂU DƢƠNG GƢƠNG NGƢỜI TỐT VIỆC TỐT TRÊN BÁO CHÍ TRONG THỜI GIAN QUA

2.1. Vài nét về cơ quan báo chí và chuyên mục Ngƣời tốt việc tốt luận văn khảo sát

2.1.1. Báo Nhân Dân

Báo Nhân Dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, ra số đầu ngày 11-3- 1951 tại Chiến khu Việt Bắc. Giai đoạn này, sau 6 năm bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, chúng ta đã giành được những thắng lợi quân sự quan trọng như chiến thắng Thu đông (1947), Biên giới (1950)... và cuộc kháng chiến có những thời cơ mới để đạt được những thắng lợi cuối cùng. Trước yêu cầu tuyên truyền phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng tới quần chúng nhân dân trong giai đoạn mới, Báo Nhân Dân ra đời giai đoạn này góp phần lớn vào công tác tư tưởng trong công cuộc kháng chiến. Báo Nhân Dân ra đời được đánh giá là đã kế tục truyền thống báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 21-6-1925. Đây cũng là sự tiếp nối và kế tục của các tờ báo như: Tranh Đấu, Dân Chúng, Cờ Giải Phóng, Sự Thật. Hiện nay, Báo Nhân Dân hằng ngày có lượng phát hành khoảng 180 nghìn bản, báo Nhân Dân cuối tuần khoảng 110 nghìn số mỗi kỳ, báo Nhân Dân hằng tháng khoảng 130 nghìn số mỗi kỳ. Báo in tại bảy điểm in (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định, Đắc Lắc), phát hành trên phạm vi toàn quốc và một số lượng nhất định được gửi ra nước ngoài. Nhân Dân điện tử ra số đầu với địa chỉ trên mạng Internet là . Đã có nhiều người giữ các vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước từng làm Chủ nhiệm Báo Nhân Dân như các ông Trường Chinh, Tố Hữu. Tổng biên tập báo Nhân Dân qua từng thời kỳ là Trần Quang Huy (1951 - 1953), Vũ Tuân (1953 - 1954), Hoàng Tùng (1951 và

1954 - 1982), Hồng Hà (1982 - 1987), Hà Đăng (1987 - 1992), Hữu Thọ (1992-1996), Hồng Vinh (1996-2001), Đinh Thế Huynh (từ 2001).

Là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, là tiếng nói của quần chúng nhân dân trong cả nước, Báo Nhân Dân giữ vai trò quan trọng trong đời sống báo chí nước nhà, là công cụ tuyên truyền hiệu quả của Đảng trước những yêu cầu lịch sử của từng giai đoạn cách mạng, góp phần thực hiện tốt công tác tư tưởng của Đảng trong từng thời kỳ... Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về biểu dương người tốt việc tốt trong công cuộc chiến đấu, lao động xây dựng tổ quốc, ngay từ khi ra đời, Báo Nhân Dân đã hình thành chuyên mục người tốt việc tốt. Chuyên mục này đặc biệt đạt được những thành tựu và góp phần đưa phong trào thi đua của nước nhà lên một tầm cao mới trong giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cổ vũ công cuộc giải phóng đất nước thời kỳ những năm 60 của thế kỷ XX. Có thể nhắc tới nhiều gương điển hình, nhiều phong trào đã được cổ vũ và xây dựng bởi chuyên mục người tốt việc tốt trên Báo Nhân Dân như: Gió đại phong; Cờ duyên hải... Trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch, bao cấp, tự cung tự cấp sang nền kinh tế thị trường giữa những năm 1980, Báo Nhân Dân đã góp phần tuyên truyền những mô hình kinh tế xuất hiện tại các địa phương, những nhân tố mới xuất hiện trong đời sống kinh tế xã hội.

Chuyên mục “người tốt việc tốt” và “Nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày” trên Báo Nhân Dân được duy trì khá đều đặn trong mỗi số báo, được in trang trọng ở trang 1. Tuy nhiên, cùng với thời gian và tình hình phát triển kinh tế trong thời kỳ mới, những biến động của xã hội, chuyên mục này ngày càng xuất hiện thưa hơn. Khảo sát Báo Nhân Dân trong giai đoạn 2004-2006 cho thấy, chuyên mục người tốt việc tốt đã không còn được duy trì thường xuyên trong các số báo. Từ chỗ xuất hiện hàng ngày trên Báo Nhân Dân,

chuyên mục người tốt việc tốt chỉ còn xuất hiện mỗi tuần từ 2 đến 3 số báo. Nguyên nhân cụ thể của tình trạng này sẽ được phân tích kỹ ở phần sau của luận văn. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, một trong những lý giải đầu tiên mà những người trực tiếp phụ trách chuyên mục này trên Báo Nhân Dân là lượng thông tin về các vấn đề của đời sống kinh tế xã hội của đất nước ngày càng nhiều. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế sâu như hiện nay, những tác động của kinh tế thế giới đối với nước ta là rất lớn. Từ đó, lượng thông tin về tình hình kinh tế, chính trị thế giới cũng cần được ưu tiên chuyển tải. Đó là một trong những lý do khiến cho “đất” dành cho chuyên mục này trên Báo Nhân Dân ngày càng bị thu hẹp lại. Một trong những lý do cũng được các nhà báo của Báo Nhân Dân đề cập đến nguyên nhân khiến cho chuyên mục người tốt việc tốt xuất hiện trên Báo Nhân Dân ngày càng ít hơn là xuất phát từ phía những người phụ trách chuyên mục trên báo này. Theo tìm hiểu của tác giả, chuyên mục này hiện đang được xây dựng và duy trì bởi Ban Thư ký biên tập. Người được phân công phụ trách chuyên mục đồng thời là người trực đường dây nóng của Báo Nhân Dân. Nhân sự thực hiện công việc chưa được quan tâm đúng mức cộng với các lý do khác như chế độ trả nhuận bút, tổ chức hệ thống cộng tác viên (mà người viết sẽ trình bày cụ thể ở phần sau của luận văn)... khiến cho chuyên mục này đang có tần xuất xuất hiện thấp ở trên Báo Nhân Dân.

2.1.2. Báo Quân đội nhân dân

Trước thời điểm ra đời Báo Nhân Dân không lâu, ngày 20/10/1950 Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phát hành số đầu tiên. Sự ra đời của Báo QĐND là sự kế thừa của các tờ báo tiền thân của lực lượng vũ trang như: Tiếng súng reo, Quân giải phóng, Sao vàng, Vệ quốc quân, Quân du kích. Như đã nói ở trên, giai đoạn này của lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng họp

tháng 1/1950 đã xác định rõ quan điểm chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân. Nghị quyết của Hội nghị đã xác định rõ: “một mặt chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, một mặt gấp rút bồi dưỡng và xây dựng Quân đội nhân dân; xây dựng bộ đội chủ lực phù hợp với tình hình mới” (50 năm Báo Quân đội nhân dân- Nxb Quân đội nhân dân. 2000). Trong bối cảnh lịch sử đó, vấn đề được đặt ra là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tấn báo chí trong quân đội nhằm động viên toàn quân phát huy thế trận tiến công trên khắp mọi miền đất nước, thực hiện tốt tinh thần nghị quyết của Trung ương Đảng và nhiệm vụ của quân đội trong thời kỳ mới. Việc sáp nhập các tờ báo của lực lượng vũ trang là một yêu cầu và Báo QĐND ra đời từ đó. Ngay khi ra đời, Báo QĐND đã thực hiện vai trò cổ vũ sức chiến đấu của toàn quân và toàn dân trong thời kỳ mới của cuộc cách mạng. Đáng chú ý là ngay từ khi ra

Một phần của tài liệu Người tốt việc tốt trên báo chí hiện nay thực trạng và vấn đề đặt ra (Khảo sát trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Lao động từ năm 2004 - 2006 (Trang 43)