Giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1930

Một phần của tài liệu Trước tác của Phan Mạnh Danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam (Trang 50)

B. Phần nội dung

2.2.Giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1930

2.2.1. Đời sống xã hội và văn học

Cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp đã đặt được ách thống trị trên đất nước ta. Về hình thức, triều đình phong kiến vẫn tồn tại nhưng mất đi tính chất tự chủ mà chịu sự ước thúc của thực dân Pháp. Trong hàng ngũ quan lại xuất hiện những cách ứng xử khác nhau: một số “tát nước theo mưa”; một số vin vào tuổi tác, khép áo, treo mũ từ quan về “vui thú điền viên”; một số trẻ hơn, thuộc thế hệ “ngộ quốc biến” thì nỗ lực tìm đường mong “đền nợ nước”. Trong đẳng cấp nhà Nho nói chung cũng có một sự phân hóa mãnh liệt: một bộ phận nhỏ nhạy bén với chính trị, mẫn cảm với thực trạng vong quốc chuyển sang hoạt động cách mạng trở thành những nhà nho duy tân; một bộ phận nhỏ khác kết hợp vốn cựu học với tân học nhưng định hướng cuộc đời vào chỗ thỏa mãn những nhu cầu cá nhân; đa số nhà Nho, nhất là những nhà Nho cấp thấp thì chìm ngập trong những giáo điều cổ lỗ, mê muội với thời cuộc nên bộc lộ tâm trạng chán chường, vô vọng.

Năm 1905, Tân thư, tân văn được truyền bá sâu rộng vào nước ta. Với tinh thần chung là phê phán sự hủ bại của xã hội phong kiến, ca ngợi văn minh Âu – Mỹ, yêu cầu cải cách đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Tân thư có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhà nho lúc bấy giờ: Lương Khải Siêu, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… Mặc dù, trước khi vào Việt Nam, Tân thư đã bị khúc xạ qua lăng kính của các nhà nho cải cách ở Trung Quốc, Nhật Bản nên không khỏi có những sai lệch. Nhưng về cơ bản vẫn phải thừa nhận rằng :“Tân thư đã làm thay đổi tư tưởng nho sĩ, đem lại cho họ một tầm mắt “doanh hoàn” nhìn rộng toàn cầu, một quan điểm cạnh tranh sinh tồn để nhìn xã hội, gợi

ý cho họ một đường lối cứu nước mới lấy dân làm động lực” [17, tr.47]. Tuy nhiên, do các học thuyết, tư tưởng mới ra đời không theo trình tự nội sinh mà xuất hiện bị động do sức ép từ bên ngoài nên bản thân nó chưa được hoàn thiện đầy đủ và phù hợp với môi trường xã hội nước ta. Những thay đổi của đời sống xã hội đã khiến cho “cái cũ mất đi vai trò, ý nghĩa lịch sử của nó song cái mới vẫn chưa đủ trưởng thành để đáp ứng những đòi hỏi của một tiến trình phát triển mạch lạc tiếp tục” [57, tr.46]

Văn học là bức tranh phản ánh đời sống xã hội. Tính chất phức tạp của văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỉ XX chính là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Cuối thế kỉ XIX, chữa Hán và chữ Nôm vẫn là thứ văn tự chủ yếu được các nhà nho sử dụng trong sáng tác. Từ sau năm 1903, các nhà nho trí thức đã nhận thấy tính đa tiện ích của chữ quốc ngữ nên đã phát động toàn dân học thứ chữ mới này. Từ đây chữ quốc ngữ đã chính thức có được “trước bạ” để dần dần trở thành chữ viết của toàn dân tộc. Các nhà Nho truyền thống vốn quen sử dụng chữ Hán, chữ Nôm nay đã sử dụng chữ quốc ngữ vào việc sáng tác văn chương. Báo chí quốc ngữ xuất hiện dày đặc, và do đó bản thân báo chí lại trở thành “phương tiện truyền bá và giáo dục chữ quốc ngữ có hiệu quả nhất” [57, tr.56].

Ngay sau khi Pháp đặt ách đô hộ, mặc dù vẫn duy trì chế độ khoa cử như trước nhưng trong tầng lớp danh sĩ đã xuất hiện tư tưởng “giã đám”. Một số vẫn đi thi như là để hoàn tất trọn vẹn cái sự học của mình chứ không đặt cái đích “vinh danh”; một số có tài năng xuất chúng đi thi, thi đỗ hoặc ra làm quan rồi lại cáo quan (Phan Châu Trinh) hoặc không chịu ra làm quan (tiêu biểu là Phan Bội Châu đỗ thủ khoa – Giải nguyên trường Nghệ năm 1900; Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đậu tiến sĩ năm 1904)... Không chỉ tỏ thái độ ứng xử chính trị, các nhà nho tiêu biểu nhất của lối văn cử tử còn dùng thơ văn để phê phán, bài xích,

khai tử cho chính nền cựu học đã đào tạo ra chính mình. Với bài “Chí thành

thông thánh”“Lương ngọc danh sơn phú” viết trong kì thi khảo hạch ở Bình

Định năm 1905, bộ ba xứ Quảng đã vừa thể hiện lòng yêu nước, căm thù giặc vừa tỏ thái độ mạnh mẽ, quyết liệt trong việc phủ nhận nền cựu học và chế độ khoa cử lỗi thời. Lời kêu gọi quẳng bút lông đi để suy nghĩ, tìm tòi một hướng đi mới để cứu nước đã có tác động mạnh mẽ tới đông đảo nho sinh và nhân dân trong vùng. Năm sau, Huỳnh Thúc Kháng lại làm bài thơ “Cái văn chương”

bằng chữ quốc ngữ khẳng định lối học khoa cử của nho gia đã đến hồi mạt vận cần phải thay đổi:

Cái văn chương là cái chi chi Mút ngòi bút mà hỏi cùng vũ trụ

Những nghĩa, những văn, những thi, những phú, Những trường thiên, đoản cú, tán, tự, bi, minh Nếp bồng trông mòn mỏi bấy công trình

Nền khoa cử lấy hiển vinh mày mặt Đậm lợt cáp phấn vua đôi nét

Rồi công danh phú quý dập dìu theo Này xe, này ngựa, này võng, này hèo

Này áo gấm xiêm thêu, này đai vàng thẻ bạc

Tò mò hỏi, năm châu ai lớn nhỏ

“Ủa! việc ngoại dương tau có biết mô na!” Cũng tai, cũng mắt, cũng người ta.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến sự “giã đám” trên, trước hết là do tình cảnh đất nước lầm than, cơ cực dưới ách đô hộ thực dân tác động trực tiếp, thường xuyên tới các nhà nho yêu nước, thôi thúc ở họ một quyết tâm cần phải hành động, phải tìm ra con đường cứu nước mới; sau nữa, hơn ai hết nhà nho là người hiểu sâu sắc nhất sự lạc hậu, trì trệ của nền giáo dục cũ, theo họ đây chính là nguyên nhân đẩy đất nước vào thảm cảnh “cha con tủi nhục, vợ chồng thở than”. Vì thế, tất yếu, sớm muộn gì cũng xảy ra sự kiện: năm 1915 khoa thi Hương cuối cùng đã diễn ra ở Bắc Kì và năm 1918 khoa thi Hội cuối cùng đã diễn ra ở Nam Kì. Từ đây nước ta chấm dứt việc tuyển dụng quan lại thông qua khoa cử Hán học. Cùng với đó, “ngày 21 -12 – 1917 toàn quyền Albert Sarraut đã ban hành Điều lệ chung của bộ Quốc dân giáo dục ở Đông Dương, hạn chế ngặt nghèo việc dạy chữ Nho trong nhà trường Pháp – Việt”, “ngày 14 – 7- 1919, triều đình Huế ban bố Chiếu chỉ Hoàng gia sát nhập nền giáo dục Nho học truyền thống vào nền giáo dục Pháp quốc – Bản xứ, phù hợp với những gì mà Albert Sarraut đã ban hành” [22, tr.436]. Chữ Hán đã không còn chiếm vị trí như trước nữa mà thay vào đó là chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Tuy vậy, chữ Hán vẫn không vắng bóng hẳn, “việc tự học chữ Hán (và chữ Nôm) vẫn tiếp tục diễn ra ở các tư gia, nhất là trong các gia đình vốn có truyền thống Nho học” [22, tr.436]. Xung quanh vấn đề “có nên bỏ chữ Hán hay không”, qua nghiên cứu Giáo sư Nguyễn Quang Hồng trong cuốn Khái luận văn tự học chữ Nôm cho rằng: rất ít người phủ nhận Hán học, phần đông đều nhận thấy ở Hán học có cái học cử nghiệp, nặng về từ chương thi cử thì nên bỏ, nhưng cái học về tri thức văn hóa Trung Hoa vốn tiếp xúc lâu đời với văn hóa Việt Nam, những cái gắn với sự hình thành và phát triển văn hóa Việt Nam thì cần phải được tiếp tục và phát huy. Điều đó là cơ sở, căn nguyên để trong suốt vài chục năm đầu thế kỉ XX chữ Hán vẫn lay lắt tồn tại, thơ văn bằng chữ Hán vẫn được sáng tác, lưu truyền và in

ấn.

Ba mươi năm đầu thế kỉ XX văn học Việt Nam vẫn đón nhận những tác phẩm “cuối mùa” viết bằng chữ Hán của đa số những tác giả có nền học vấn xuất thân là cựu học: Nguyễn Khuyến (1835 – 1910), Cao Xuân Dục (1843 – 1923), Đào Tấn (1845 – 1907), Phan Bội Châu (1867 – 1940), Nguyễn Thượng Hiền (1868 – 1925), Phan Châu Trinh (1872 – 1926), Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947), Ngô Đức Kế (1878 – 1929), Đào Nguyên Phổ (1861 – 1907), Chu Mạnh Trinh (1862 – 1905), Phan Mạnh Danh (1866 -1942), Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939), Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 – 1983). Số lượng các sáng tác bằng chữ Hán vẫn được công bố rộng rãi trên báo chí, song số lượng và chất lượng độc giả biết chữ Hán đã bị giảm sút nghiêm trọng khiến bộ phận văn chương Hán “bị rút gọn một cách bất ngờ” [57, tr.59].Vì vậy, nhiều tác phẩm Hán văn, để đến được với số đông người đọc, không có cách nào khác là phải cần đến tài năng của dịch giả hoặc, bản thân tác giả sáng tác và công bố sáng tác bằng hai thứ văn tự. Báo chí xuất hiện và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt tinh thần của tầng lớp thị dân đã tạo điều kiện cho đội ngũ tác giả là nhà nho, trí thức Tây học có thể sử dụng ngòi bút của mình để kiếm sống. Lực lượng sáng tác này chính là những người làm báo. Dần dần bằng con đường dịch thuật, phỏng tác một số người viết báo chuyển sang viết truyện ngắn, viết kịch. Từ đây văn chương chính thức trở thành một nghề. Tác phẩm viết ra là để công bố cho mọi người chứ không phải là thứ văn của nhà nho xưa viết để cho mình, viết vào văn tập, thi tập để lưu lại cho con cháu, để cất vào danh sơn.

Ngay những năm đầu của thế kỉ XX, phong trào dịch đã xuất hiện ở nước ta, sớm nhất là ở Nam Bộ dịch truyện cổ Trung Quốc. Sau phong trào dịch lan rộng và được nâng cao hơn ở Bắc Bộ: dịch các sách Tàu, sách phương Tây (chủ

yếu là sách Pháp) và sách Hán cổ của các cụ cha ông ta thuở trước. Chính những tác phẩm dịch này đã góp phần thay đổi quan điểm, thị hiếu của nhân dân ta (nhất là ở thành thị) và xây dựng quan điểm, thị hiếu thẩm mỹ mới. Trong những sách dịch của nước ngoài chiếm phần đa là các “tiểu thuyết “ngôn tình, nhu cảm” của Trung Quốc và Pháp, những tác phẩm của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực phê phán Pháp”[17, tr.215]. Nói về văn học dịch, trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu, Giáo sư Dương Quảng Hàm cũng nhìn nhận ra một thực tế là: trong các sách dịch của phương Tây chưa có sách “chuyên khảo về triết học và khoa học”, và “đó là một khuyết điểm trong nền học vấn của ta”, độc giả nước ta “chỉ thích xem những văn giải trí mà chưa chịu để tâm nghiên cứu các vấn đề cao sâu hoặc thiết thực” [19, tr.562].

Như vậy, trong ba thập niên đầu thế kỷ XX đời sống kinh tế, chính trị, giáo dục, văn học ở Việt Nam có sự thay đổi theo xu hướng một số giá trị cũ bị mất đi mãi mãi nhường chỗ cho một số giá trị mới xuất hiện, hoặc thay đổi để phù hợp với sự đổi thay của xã hội. Điều đó tác động đến văn học khiến cho văn học Việt Nam từ 1900 – 1930 có sự tồn tại song song của hai nền văn học cũ và mới với hai lực lượng sáng tác, hai công chúng, hai quan niệm văn học, hai loại ngôn từ văn học ở hai địa bàn khác nhau. Nền văn học mới đang dần ở thế thắng lợi tiến tới thay thế cho nền văn học cũ, song nền văn học cũ tuy đang trên con đường suy tàn nhưng hào quang của nó vẫn có tác dụng tích cực nhất định trong sự phát triển của văn học dân tộc.

Một phần của tài liệu Trước tác của Phan Mạnh Danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam (Trang 50)