B. Phần nội dung
2.2.1. Sự phân chia đẳng cấp
Ấn Độ là đất nước có chế độ phân chia đẳng cấp nặng nề kéo dài hàng nghìn năm. Người dân Ấn đã “ăn đời ở kiếp” với sự phân biệt này và thậm chí đã tạo nên
những đặc trưng riêng trong tính cách và suy nghĩ của họ. Trong hành trình về với xứ Ấn, Hồ Anh Thái không quên phản ánh ý thức đẳng cấp này trong tác phẩm của mình.
Tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi lấy bối cảnh chính là xã hội Ấn ở thế kỷ V – VI TCN. Đây là giai đoạn ra đời và phát triển của Đạo Phật trong khi đạo Bàlamôn đã định hình và chi phối sâu sắc mọi mặt đời sống. Trong xã hội Bàlamôn giáo, đẳng cấp quyết định số phận con người. Do vậy mỗi người phải tự ý thức được thân phận của mình (cao sang/thấp hèn) mà có cách ứng xử phù hợp. Qua cuộc đối thoại giữa công chúa Savitri và tế sư (mà thực chất là cuộc “sát hạch” kiến thức), vấn đề này đã được đề cập rõ ràng: Trong xã hội Ấn Độ tồn tại 4 đẳng cấp. Cao nhất là
Brahmin (tăng lữ), đẳng cấp giáo sĩ Bàlamôn và các nhà tư tưởng. Đứng thứ hai là Kshatriya (vũ sĩ), đẳng cấp tướng lĩnh cầm quyền và binh sĩ. Thứ ba là Vaisya (bình dân tự do), đẳng cấp thương nhân và chúa đất. Thứ tư là Sudra (tiện dân), đẳng cấp
đầy tớ và thợ thủ công. Ngoài ra còn có một tầng lớp nằm ngoài 4 đẳng cấp kể trên là tầng lớp hạ lưu (quét rác, thu lượm đồ phế thải…). Bốn đẳng cấp trên đều sinh ra từ thân thể của Thần Sáng Tạo Brahma (vị thần tối cao). Đẳng cấp Brahmin sinh ra từ miệng. Đẳng cấp Kshatriya sinh ra từ cánh tay. Vaishya từ bắp đùi. Sudra từ bàn chân. Chính điều này quyết định vai trò và vị thế của từng đẳng cấp trong xã hội. Giáo sĩ Balamôn cai quản tinh thần cho tất thảy. Đẳng cấp vũ sĩ quản lý chính quyền trong vương quốc. Hai đẳng cấp cuối có trách nhiệm phục tùng và cung phụng cho 2 đẳng cấp bề trên.
Tầng lớp tăng lữ có toàn quyền trong mọi việc. Và kẻ đại diện tiêu biểu cho chế độ phân chia đẳng cấp Varna là vị đạo sư “tài cao đức trọng” đứng đầu triều đình. Mỗi lời ông nói ra đều sặc mùi tôn giáo và kỳ thị đẳng cấp “… đẳng cấp nhiều khi thay cho pháp luật. Nó giữ cho những kẻ không chịu bằng lòng với thân phận của mình phải ở yên vị trí tiền định. Công là công mà cú là cú. Cú không thể mượn lông công. Cáo không thể mượn oai hùm”. Vì thế vị đạo sư “mặt mới đỏ lựng … hằm hằm … nổi cơn thịnh nộ” khi thấy anh dọn rác Kumar xuất hiện trước điện thờ (hạng người như anh thuộc tầng lớp hạ lưu “chuyên làm những công việc bẩn thỉu” nên không được bước chân vào điện thờ). Sự kỳ thị đẳng cấp nặng nề đến nỗi “chạm tay vào giống hạ lưu cũng làm cho bàn tay mình ô uế. Chỉ cần để cho bóng anh Kumar đổ
lên người thôi cũng đủ bị uế tạp rồi”, do vậy khi công chúa Savitri ngã vào người anh chàng Kumar thì đồng nghĩa với việc thân thể và linh hồn công chúa “đã bị ô uế. Ô uế trầm trọng” “đe doạ lấy mất đẳng cấp vũ sĩ cao quý của công chúa”. Một lễ thanh tẩy phải diễn ra ngay sau đó với những nghi thức bắt buộc: hai người giữ hai cánh tay Kumar. Không giãy giụa vùng vằng được. Tế sư phụ lễ, một tay bóp mồm Kumar cho mồm há ra, một tay bốc nắm phân bò trát vào mồm anh ta. Phân tươi. Nhoe nhoét trên môi trên mũi. Tế sư thứ hai ghé bát nước giải bò dốc vào miệng Kumar. Coi như súc miệng. Sạch. Sạch tinh tươm”. Lẽ ra vị tế sư cũng phải chịu cảnh thanh tẩy như thế này nhưng ông ta đã thoát và tâm hồn vẫn không hề ăn năn về sự xúc phạm nghiêm trọng đó!
Cùng với sự phân chia đẳng cấp là sự phân biệt giàu nghèo ngày một sâu sắc trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Sự giàu có của tế sư thực chất đuợc xây đắp trên mồ hôi và máu xương của các tầng lớp bình dân. Từ ma chay, cưới xin… đến việc làm lễ thanh tẩy cũng một tay thầy đảm nhiệm. Và mỗi lần “chăm sóc tinh thần” như thế đồng nghĩa với việc tài sản trong dinh tế sư không ngừng tăng lên (trâu, bò đực, dê, tiền bạc….) khiến công chúa Savitri cũng phải thốt lên “Dinh cơ ấy không ra ẩn viện của một bậc đạo sư. Nó là chốn đề huề huởng lạc thì đúng hơn”. Thậm chí nhà vua cũng bị chi phối trong những lời nhận định của tế sư, ngậm ngùi nhìn đứa con thân yêu lên dàn hoả thiêu và tạm lắng lòng với lời hứa danh dự của đạo sư “sẽ làm lễ cầu siêu thật chu đáo” cho Savitri. Ở đây thần quyền đã lấn át và thắng thế quyền. Là vua một nước nhưng đức vua cũng bị lép vế “Lợi tức từ công việc trị quốc, giáo sĩ bao giờ cũng hưởng phần nhiều hơn vua. Giáo sĩ không từ một cơ hội nào để bày vẽ tế lễ. Tế lễ là dịp giáo sĩ vơ vét tài sản của đất nước và con dân. Các giáo sĩ Bàlamôn đã làm cho thời buổi của chúng ta đang sống trở nên đen tối và bế tắc chưa từng có”.
Ngày nay, mặc dù Ấn Độ là một nước theo nền cộng hoà với chủ trương “bình đẳng giai cấp và giải phóng đẳng cấp” nhưng những dư âm của sự phân biệt đẳng cấp hàng ngàn năm trước vẫn còn đọng lại trong đời sống, trong tâm thức người dân. Hệ thống đẳng cấp vẫn tồn tại ngấm ngầm, đặc biệt là ở nông thôn và những vùng xa đô thị, lặng lẽ sắp đặt ngôi thứ và trật tự trong các làng xó. Cho đến nay, chuyện người đẳng cấp cao tàn sát đẳng cấp thấp, đẳng cấp thấp trả thù bằng cách phục kích, đốt nhà, chém giết… vẫn thường xảy ra. Ở một đất nước rộng lớn có quá nhiều vấn đề
phải giải quyết như Ấn Độ, phân biệt đẳng cấp là một vấn đề phức tạp và vẫn luôn là thử thách với mọi chính phủ (Namaska! xin chào Ấn Độ).
Trước cái hôn “hơi lâu” của một người đàn bà Tây phương, anh chàng hướng dẫn viên du lịch Navin đã gỡ mình ra được một cách khôn khéo. Anh không thể dễ dàng đón nhận nụ hôn đó vì “Người mẹ quá cố đã dạy cho tôi tương đối chu đáo về thân phận mình. Cuộc sống trong làng chằng chịt đẳng cấp đã dạy cho tôi chính xác đâu là vị trí của mình”. Khi “lửa tình dường đã xiêu xiêu” anh chàng vẫn kìm được bản thân mình không đi quá xa trong một mối quan hệ mờ ám và bất chính với người đàn bà đã có chồng “Đã nhiều lần tôi cảm ơn cái ý thức đẳng cấp mấy ngàn năm của Ấn Độ đã giúp tôi không đi quá xa trong quan hệ với cô chủ”. Phải chăng cũng chính ý thức giai cấp này đã góp phần tạo nên tính cách cam chịu, nhẫn nhịn nhiều khi đến khó hiểu của người Ấn?