B. Phần nội dung
2.1. Con người Ấn Độ dưới ngòi bút Hồ Anh Thái
Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn lấy con người làm trung tâm của sự nhận thức và phản ánh. Sinh ra và lớn lên trong những môi trường cụ thể và do vậy trong mỗi người ít hay nhiều đều mang trong mình những đặc trưng văn hoá của từng vùng miền. Mỗi nền văn hoá khác nhau sẽ sản sinh ra những con người với đời sống tâm hồn tình cảm khác nhau. Và muốn hiểu về nền văn hoá đó, điều đầu tiên là phải đi tìm mẫu số chung trong tính cách mỗi người.
Khi nói tới con người Ấn Độ, người ta thường hình dung ra những con số bí ẩn và đầy ma lực. Và vì càng bí ẩn nên người ta càng tò mò muốn cắt nghĩa, lý giải. Với Hồ Anh Thái, quãng thời gian sống và làm việc trên xứ Ấn đủ cho phép nhà văn đưa ra những cách cảm nhận của riêng mình về con người mảnh đất huyền thoại và phủ đầy trầm tích này. Nói theo một nhà phê bình nước ngoài thì tác phẩm của Hồ Anh Thái đã “điểm trúng huyệt tính cách con người Ấn Độ”. Vậy con người Ấn Độ - họ là những người như thế nào qua cảm nhận của một nhà văn, một người ngoại quốc, một nhà ngoại giao, một nhà nghiên cứu văn hoá phương Đông - Hồ Anh Thái?
2.1.1Tinh thần mộ đạo
Ấn Độ là quê hương của tôn giáo và người Ấn Độ cũng rất mộ đạo. Mộ đạo ở đây với nghĩa là tư tưởng sùng kính thánh thần, là vai trò tối cao của tôn giáo trong tâm linh con người. Một người mộ đạo tức là người hoàn toàn tin tưởng vào ý nghĩa và sự cao cả của tôn giáo cũng như của thánh thần trong đời sống. Họ hướng tới đó với sự sùng kính linh thiêng. Nếu như phương Tây thiên về đời sống vật chất và hành động thì phương Đông lại nghiêng về đời sống tâm linh và tình cảm. Đối với người phương Đông điều quan trọng không phải là hành động như thế nào mà là suy nghĩ như thế nào, không phải là phần nổi mà là phần chìm của tảng băng trôi.
Trong cuộc sống của người Ấn Độ thần linh có vai trò vô cùng quan trọng. Thần linh là hiện diện của uy quyền, của sức mạnh siêu nhiên, đồng thời cũng là biểu tượng của những gì cao đẹp nhất trong cuộc sống: lòng từ bi bác ái, sự công bằng và hướng thiện. Do vậy người Ấn luôn suy nghĩ và hành động dưới sự giám sát, bảo hộ và soi đường của thần linh. Thần linh là điểm tựa, là động lực, là sức mạnh của con
người. Theo đạo Hindu, các vị thần có vai trò quan trọng nhất là thần Sáng tạo Brahma; thần Bảo vệ Vishnu; thần Hủy diệt và Tái tạo Shiva; Nữ thần Sarasvati – biểu tượng của tri thức, giáo dục, thơ ca nhạc họa (vợ thần Brahma); Nữ thần Của cải và may mắn Laksmi (vợ thần Vishnu); Nữ thần Parvati (vợ thần Shiva); Thần Trí tuệ và Thịnh vượng Ganesha (con của Shiva và Parvati); nữ thần sông Hằng; thần khỉ Hanuman – thần sức mạnh và trung thành; Ngọc hoàng Indra cai quản cõi Trời, vua của các vị thần; thần Mặt trời Surya; thần Mặt Trăng Soma; thần Tình yêu Kama; thần Chết Yama… (Namaska! Xin chào Ấn Độ)
Thần linh được viện dẫn trong mọi hoạt động: trong lễ cưới, trong đám tang, trong khi sinh nở, trong lễ tẩy trần, trong lời hò hẹn thề nguyền…tất cả đều được làm dưới sự chứng giám của thần linh. Họ tin tưởng tuyệt đối vào thần linh và không hề có ý làm trái lại ý của thánh thần. Cưới xin – tưởng như đơn giản là việc của hai bên nhà trai và nhà gái thì cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào “thái độ” của thần linh. Nếu thần linh ưng thuận, lá số tử vi của cô dâu và chú rể hoà hợp với nhau thì lễ cưới mới được tổ chức. Công chúa Savitri sở dĩ có thể lấy được vị tiểu vương 60 tuổi vì “tử vi của ta và tử vi của vị tiểu vương kia hoà hợp. Sống cùng nhau đến lúc đầu bạc răng long”. Còn Nilam “vô tình” trở thành vợ của Amar vì “cung song ngư của Nilam chỉ hợp với cung Trinh nữ của Amar”. Và một khi thánh thần ngần ngại đưa lời thỉnh cầu của thầy tế sư lên chư thiên thì lễ cúng buộc phải hoãn lại, và do đó lễ cưới coi như bị huỷ bỏ vì thần linh không chứng nhận.
Các nghi lễ tôn giáo do vậy luôn được tiến hành một cách kính cẩn và thường xuyên để thể hiện lòng thành và sự sùng kính của người dân hướng tới các đấng tối cao. Đời sống tâm hồn và tình cảm của tín đồ Bàlamôn đã được thu nhỏ lại trong những buổi cầu kinh và buổi lễ thờ cúng đó. Đọc tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri
và tôi người đọc có cảm giác mình đang lạc vào một bầu không khí nghi ngút khói
nhang và những lời cầu kinh, tụng thánh. ở đó có những phép tắc và nghi lễ vòng đời mà ai cũng buộc phải tuân thủ; ở đó luôn vang lên những tiếng cầu kinh ngân nga thê thiết trong những ánh lửa bập bùng cầu xin sự bình yên (Omshanti), cầu xin sự thanh sạch, cầu xin sự giàu sang và trí tuệ, cầu xin hạnh phúc….
Niềm tin và sự sùng kính thánh thần đã tạo ra một bệ đỡ tinh thần to lớn cho con người. Trong tín ngưỡng của những người theo đạo Hinđu giáo thì “Nữ thần đồng
trinh là một vị thần sống, bằng xương bằng thịt, là hiện thân trên cõi trần của Parvati”. Nàng hiện diện là để bảo vệ cuộc đời trần thế này. Và dân chúng ngóng về lâu đài của Nữ thần Đồng Trinh mà yên tâm nàng đang ở đó canh cho họ làm ăn phát đạt, canh cho đời sống yên bình không giặc giã… Thậm chí ngay đến nhà vua cũng phải viếng thăm Nữ thần và “cúi đầu cung kính trước nữ thần” (cho dù nữ thần có khi mới dăm, bẩy tuổi), được nữ thần quệt lên trán vệt son đỏ tika ban phước. Tư tưởng sùng kính thánh thần đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một nét đặc trưng trong đời sống tâm linh và được thể hiện trong những sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian cộng đồng Ấn Độ.
Vì một lời thề trước sự chứng giám của thần linh mà người Ấn sẵn sàng chấp nhận đánh đổi tất cả. Anh chàng Ravin (Người Ấn) đã từng băn khoăn trước sự lựa chọn giữa tình yêu – tiền bạc và lời hứa với người mẹ quá cố. Lúc đầu anh đã chọn phương án trung hoà để vừa có tình yêu, vừa không vi phạm lời thề với mẹ. Nhưng khi niềm tin và lòng sùng kính bị tổn thương, anh đã quyết định đánh đổi tình yêu và hạnh phúc để lấy lại sự thanh thản trong lòng: ra đi, mang theo bộ hài cốt bị thiếu mất một xương ngón tay của người mẹ tội nghiệp. Hay như anh chàng Ananda (Người đứng một chân), cũng chỉ vì một lời hứa với dân làng và lòng tin vào sức mạnh cảm
hoá của thần linh mà anh đã tình nguyện suốt đời đứng một chân (mô phỏng lại dáng điệu của thần Shiva trong điệu múa làm rung chuyển vũ trụ), ở một vị trí cố định, sẵn sàng khước từ tình yêu, lạc thú ở đời cũng như sự cám dỗ của đồng tiền, bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự lạnh lùng của người đời và sự băng hoại của thời gian… kiên định một niềm tin cho tới chết. Đây là một người Ấn thực sự với tất cả mọi sự sùng kính, khổ hạnh, niềm tin dai dẳng… Và Người đứng một chân chính là sự bền bỉ của tinh thần Ấn truyền thống đã tồn tại hàng nghìn đời.
Có thể nói chính ý thức về đời sống tâm linh đã làm nên chiều sâu trong suy nghĩ của người Ấn, tạo nên sự khó hiểu đến bí hiểm trong tính cách của họ mà nếu chỉ nhìn bên ngoài sẽ không tránh khỏi những ngộ nhận… Người Ấn thâm trầm và ít nói, thiên về những suy tư mang sức nặng ở bề sâu hơn là những phát ngôn đao to búa lớn. “Cả một gia đình đi với nhau là thành riêng một thế giới, chuyện trò cười đùa huyên náo và suồng sã, như thể xung quanh thế giới của họ là một sa mạc không sự sống. Nhưng nếu chỉ đi có một mình thì một mình họ là cả một vũ trụ đang cần tự thám hiểm và họ chẳng mất công tản mát ra ngoài để bắt quen hoặc gây cảm tình với
những sinh vật đang nhốn nháo đứng ngồi” (Người Ấn). Và do vậy nhẫn nhịn, cam
chịu nhiều khi trở thành đặc trưng trong tính cách của họ. Họ không sợ khó khăn mà chỉ sợ niềm tin trong mình bị phai mờ. Họ sống bằng sức mạnh tinh thần hơn là dựa vào uy quyền của vũ lực. Nhân vật tôi “sau từng ấy năm trời sống với người Ấn Độ”, tự cho mình khả năng có thể nhận diện ra dễ dàng người Ấn dù cho họ đang chìm lấp giữa cả một hỗn hợp màu da và sắc tộc nhưng cũng đành bất lực trước “một vụ trụ đơn độc”… Quan sát hành động ban đầu của chàng trai người Ấn chỉ khiến nhân vật tôi đi hết từ khó hiểu này tới nghi ngờ khác: tại sao anh ta không tiếp chuyện dù “tôi đã tiến lại, chứng tỏ cái thâm niên Ấn Độ của mình bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ta để mà bắt chuyện”; tại sao anh ta lại quá coi trọng cái ba lô sọc đen sọc trắng hình chiếc thập tự đến nỗi “không đặt xuống nền nhà sạch sẽ và sáng bóng như tôi tưởng… mà đặt nó lên đùi mình” nâng niu như thể nó là một người thân. “Hai cánh tay vòng qua ôm gọn cái túi” anh ta đã quên phắt rằng người ngồi bên cạnh có thể trò chuyện với anh ta… Dường như trong mắt chàng trai này cái balô là tất cả thế giới và anh ta không cần quan tâm gì khác ngoài thế giới đã được thu nhỏ trong lòng bàn tay ấy. Anh ta cũng bí hiểm như chính cái ba lô anh đang nâng niu “Thế là chính chiếc ba lô lại trở thành một thế giới bí ẩn, thậm chí cái không khí bí ẩn lẫn lộn hồ nghi cứ mỗi lúc một đậm đặc bao quanh nó khiến tôi bất chợt nghĩ rằng anh chàng có món hàng mà hải quan nước nào cũng phát rồ lên vì sướng nếu như phát hiện được”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Kitty – một công dân xứ sở sương mù, sau những tháng ngày đắm chìm trong hoan lạc tình ái với Navin vẫn phải lặp đi lặp lại cái điệp khúc rằng “nàng không sao hiểu nổi người Ấn Độ ngay cả khi tưởng như đã hiểu”. Với cô, Navin giống như một ngôi đền thiêng, trông thì đẹp lắm, đáng yêu lắm, nhưng khó hiểu lắm… nó nằm ngoài sự lý giải theo tư duy lôgic khoa học thông thường của phương Tây.
Tâm hồn của người Ấn là một sự thách thức thật sự đối với bất kỳ ai muốn xâm nhập vào lãnh địa đó. Luôn có một bức màn vô hình ngăn cách và để vén được bức màn, để chiêm nghiệm những bí mật quả không phải là chuyện dễ. Thắc mắc của Navin suy cho cùng cũng chính là lời giải cho những băn khoăn trong lòng người ngoại quốc về con người và xứ sở huyền bí này: “Chẳng lẽ người Ấn cứ phải là trắng
tinh cả ra, tóc cứ vàng rực sáng bừng cả lên, tâm can cứ lồ lộ mồn một như lũ cá phơi bụng trong những tấm lưới cất lên từ dưới sông Hằng?”