Phức cảm OeDipe

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong tiểu thuyết Cái trống thiếc của Gunter Grass (Trang 39)

5. Cấu trúc Luận văn

2.2.4 Phức cảm OeDipe

Trong công trình Vật tổ và những điều cấm kỵ, Freud đã nghiên cứu huyền thoại OeDipe dưới ánh sáng của Phân tâm học, cho rằng huyền thoại nổi tiếng này là sự minh hoạ cho mặc cảm tâm lý - mặc cảm OeDipe có cơ sở là sự say mê dục tính đối với người sinh thành khác giới: “Bầy người nguyên thuỷ chuyển hoá chủng loài song song với việc tiến hành cấm loạn luân và giết cha, từ đây các quy tắc đạo đức bắt đầu được hình thành, tôn giáo được xây dựng dựa vào việc nhận thức được lỗi lầm với người cha như là tội lỗi đầu tiên”. Áp lực thường xuyên của mặc cảm OeDipe, việc đẩy vào trong tiềm thức sự thăng hoa của dục vọng bị ức chế, cấm đoán tạo nên phương diện quan trọng nhất của sự phát triển nhân cách.

Ông còn phát hiện ra những mặc cảm tương đối giống nhau hoặc đồng nhất trong thần hệ Hy Lạp. Trong thần hệ này, người ta luôn thấy kể về cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Thánh Cha và những Thánh Con (Uranus phế truất những đứa con khổng lồ của mình, Cronus thiến Uranus song lại nuốt con mình, trừ Zeus được mẹ cứu) để chiếm tình cảm của mẹ - đất (Hera, Gaia). Các

40

nhà nghiên cứu theo trường phái Freud coi huyền thoại là sự thể hiện công khai trạng thái tâm lý quan trọng nhất, và hiện thực hóa sự say mê dục tính có thể xảy ra trước khi hình thành thể chế gia đình trong lịch sử - tâm lý dục tính (libido) trong mỗi cá thể.

Có thể thấy rõ mặc cảm OeDipe mà Freud nói tới trong vô thức nhân vật Oskar. Trong mắt Oskar, người mẹ của mình luôn là một người đàn bà xinh đẹp và khôn ngoan, một người đáng ngưỡng mộ khi chơi trò đuổi bắt với cả hai người đàn ông và sau sự ra đi của bà, Oskar thực sự cảm thấy trống vắng:

“Nó muốn đi xuống huyệt cùng với mẹ và cái thai chưa lọt lòng. Và nó muốn ở lại đó trong khi những người còn sống ném những nắm đất xuống, không, Oskar không muốn trở lên nữa, nó muốn ngồi trên phần dưới thon nhỏ của áo quan, ngồi đó mà đánh trống nếu có thể, đánh dưới mặt đất, đánh đến khi đôi dùi rữa nát rụng khỏi tay nó và nó và mẹ đều cùng rữa nát ra, trao gửi thịt da cho đất và những cư dân của đất” [15,275].

Cảm tình giữa đứa con với người sinh thành khác giới rất rõ ràng trong tâm thức nhân vật Oskar. Oskar từng đổ lỗi cho bản thân trong cái chết của mẹ. Oskar là người duy nhất hiểu mẹ mình. “Ngay cả khi đã khép lòng lại, mẹ vẫn là cuốn sách mở đối với tôi” [15,271]. Từ đó nảy sinh tâm lý mà Freud gọi là “ghen với cha”. Trong mắt Oskar, hai người cha chỉ như những kẻ ngốc nghếch và yếu đuối. Cả hai sẽ chẳng là gì nếu không có người mẹ của Oskar. “Cả hai đều soi mình trong tâm hồn mẹ và nuôi dưỡng mình trên thân xác mẹ” [15,351]. Oskar phủ định quan hệ huyết thống với người bố trên danh nghĩa Matzarath: “Thật khó mà phát hiện ra được bất kỳ nét nào của Matzerath ở nơi tôi” [15,360]. Nhưng mặc dù khăng khăng mình là con của Jan Bronsky nhưng nhiều lúc Oskar coi Jan như một con rối để chơi đùa (đoạn dụ dỗ Jan lấy chuỗi ngọc). Berba đã từng nhận định về Oskar: “Chỉ vì ghen mà chú đâm giận người mẹ quá cố của chú. Chú cảm thấy nhục vì chính những người nhân tình chán ngắt kia” [15,285].

Tâm lý nguyên thủy ghen với cha ở Oskar được đẩy lên đỉnh điểm khi Oskar gián tiếp giết chết cả hai người cha của mình.

41

Khi sở Bưu chính Ba Lan bị quân Phát xít tiến vào chiếm đóng, Jan Bronsky đã kịp trốn khỏi sở Bưu Chính nhưng trên đường lại gặp Oskar. Chỉ vì không có trống nên Oskar đã nài nỉ Jan quay trở về sở Bưu chính để kiếm cho mình, khởi nguồn cái chết đầy hoảng loạn của Jan. Quân Phát xít bao vây, những nhân viên trong sở Bưu chính phải đầu hàng, trong đó có Jan và đi theo là Oskar. Oskar, mặc dù ngay từ khi sinh ra đã có đầu óc của một người trưởng thành, trước đó dùng vẻ ngây thơ tội nghiệp để dụ người mà y cho là cha đẻ vào chỗ chết, sau đó để bảo vệ mình và những cái trống lại dùng cái dáng vẻ trẻ con để tố cáo ông với bọn Phát xít khiến cho Jan bị xử bắn: “Oskar liền xán đến hai tay cảnh vệ nom có dáng ông-chú-hiền-hậu hòng tìm sự che chở, giả vờ khóc lóc thảm thiết và chỉ vào Jan cha mình với những cử chỉ tố cáo, biến con người tội nghiệp thành một tên ác ôn đã kéo một đứa bé tội nghiệp đến sở Bưu chính Ba Lan để làm bia đỡ đạn đúng với tính cách điển hình Ba Lan” [15,404]. Oskar đã thú nhận: “Chính cái trống của tôi, không, chính tôi, Oskar tên đánh trống, đã tống khứ, đầu tiên là mẹ tội nghiệp của tôi, rồi đến Jan Bronski, bác và cha tôi, xuống mồ” [15,406].

Cũng chính Oskar, ngây thơ một cách cố ý, đã tiếp tục đẩy ông bố khả thể Matzerath của mình vào cái chết. Như đã nói, Oskar đã yêu Maria – người sau này trở thành mẹ kế của mình, và con trai Maria – bé Kurt không rõ là con Oskar hay em trai Oskar. Oskar rõ ràng đã có một mối hận thù với bố mình - Matzerath vì đã cướp đi vợ và con trai của y: “Bụng người yêu tôi càng tròn căng, mối hờn ghét của Oskar càng lớn. Tôi chẳng phản đối gì việc nàng có chửa. Nhưng việc cái thai do tôi gieo mầm mai đây sẽ phải mang họ Matzerath, tước đi hết của tôi niềm vui chờ đợi đứa con trai thừa tự” [15,488]. Yêu mẹ và ghen với cha – phức cảm OeDipe vốn đã tồn tại trong tiềm thức lại càng có cơ hội trỗi dậy. Cũng giống như OeDipe xưa, Oskar một lần nữa giết chết ông bố thứ hai của mình.

Khi quân đồng minh tiến vào Danzig, cả nhà Oskar phải trốn xuống hầm. Ông bố Matzerath – người thần tượng Hitle đã nhanh tay vứt huy hiệu của Đức Quốc xã đi, nhưng Oskar con trai ông, dù biết rõ nó nguy hiểm nhường nào lại nhanh tay lượm nó về. “Tôi (Oskar) muốn bắt một con để xem cho kỹ vì tôi đã đọc khá nhiều về rận, lác đác ở Goethe, nhưng chủ yếu là ở Rasputin. Nhưng bắt giận bằng một tay thì rất khó, cho nên tôi quyết định dứt bỏ cái huy hiệu Đảng. Oskar cảm thấy có thể giải thích cách ứng xử của mình. Ờ, đây là điều tốt nhất gã

42

có thể làm: cái huy hiệu cồm cộm không ngăn cho tôi bắt được rận. Ngực ngã Kalmouk thì đã đầy huân chương và huy hiệu rồi. Cho nên, nhân Matzerath đang đứng ngay bên cạnh, tôi giao bàn tay nắm hờ cho ông” [15,648]. Oskar đã đưa trở lại cái huy hiệu nguy hiểm cho Matzerath. Khi Matzerath cố nuốt cái huy hiệu để phi tang đã bị quân đồng minh phát hiện và chúng bắn chết ông ngay tại chỗ. “Oskar tự thú nhận với mình rằng gã đã cố tình giết Matzerath bởi vì rất có thể Matzerath không chỉ là bố hờ mà là bố thực của gã; cũng bởi vì gã đã chán cái nỗi cứ phải kéo lê một ông bố theo mình suốt cuộc đời” [15,665].

Như chúng ta đã biết, sự chuyển giao quyền lực của thế hệ thần đầu tiên trong thần thoại Hy Lạp được ghi dấu bằng mối thù hằn giữa các Thánh Cha và Thánh Con. Uranus coi sự tồn tại của những đứa con khổng lồ là nỗi khó chịu và đe dọa đến địa vị của mình. Thần đã tìm cách đẩy hết những đứa con xuống địa ngục Tartar sâu thẳm. Cronus phế truất Uranus nhưng lại đi theo vết xe đổ của cha. Thần nuốt những đứa con của mình vào trong bụng ngay khi chúng vừa chào đời để ngăn ngừa sau này chúng có thể chiếm địa vị của thần. Zeus là đứa trẻ được sống sót nhờ mẹ giấu ở đảo Crete. Nữ thần đã thay Zues bằng một hòn đá cuốn trong mảnh vải và giao nó cho Cronus. Cronus đã nuốt ngay tảng đá vào bụng. Về sau, Zeus trở về lật đổ Cronus để trở thành vị thần tối cao trên đỉnh Olympe. Motif thần thoại và mặc cảm thù hằn cha – con trai lại một lần nữa tái hiện ở cuộc đời Oskar. Không chỉ gián tiếp giết chết hai người bố của mình, Oskar đã nhiều lần âm mưu giết đứa trẻ mà y vẫn khăng khăng cho rằng đó là con trai y ngay từ khi đứa trẻ còn nằm trong bụng Maria – hành động mà y coi là “tự vệ”:

“Khi Maria sang tháng thứ năm, tôi thực hiện cú đầu tiên trong mưu toan làm nàng sảy thai... Mọi khi chiếc thang được bắc vững chắc vào những giá gỗ, lúc này lại chỉ dựa hờ vào quầy. Maria ở tít trên, tay đầy những dải hoa giấy. Oskar ở dưới chân thang. Dùng đôi dùi trống làm đòn bẩy, với sự hỗ trợ của đôi vai và lòng quyết tâm không lay chuyển, tôi nhấc chân thang lên rồi đẩy sang một bên. Bùng nhùng giữa mớ hoa giấy và mặt nạ, Maria khẽ kêu lên một tiếng khiếp hãi” [15,488].

Âm mưu lần thứ nhất không thành, Oskar lại thực hiện tiếp âm mưu thứ hai. đoạn miêu tả Oskar định làm Maria sảy thai lần này ta thấy rõ mối ác cảm

43

thù hằn giữa Oskar và đứa bé còn trong bụng mẹ mà y khăng khăng là con trai y. Kèm theo đó là cái tên đảo Crete được nhắc đi nhắc lại khá nhiều mặc dù không liên quan gì đến hành động của Oskar. Điều này gợi huyền thoại về Zeus trốn ở đảo Crete để tránh sự truy sát của người cha – thần Uranus:

“Tiếng đài vặn nhỏ loan tin về một chiến thắng của lính dù ở Crete... Cái đồng hồ vẫn đó và con ruồi vo ve giữa ô kính cửa sổ và rèm trên nền của tiếng đài phát thanh vẫn nói về cái đảo đá Crete. Nhưng tất cả những cái đó nhanh chóng bị chìm lấp: tôi (Oskar) chỉ còn nhìn thấy cái bụng ấy. Tôi không còn biết cái bụng căng phồng ấy đang ở trong phòng nào, cũng như nó thuộc về ai, hay ai đã làm cho nó to thế. Tôi chỉ còn biết là tôi không thể chịu nổi nó: phải trừ bỏ nó đi, đó là một sai lầm, nó chắn tầm nhìn của mày, mày phải đứng dậy làm một cái gì đó... Thế là tôi tiến gần đến cái bụng và tiện tay vớ lấy một cái gì đó. Đây là một khối sưng phồng ác tính cần phải làm cho xẹp đi. Tôi giơ cao cái vật tôi vừa vớ được... Có thể tôi đã đứng đó thêm mấy giây nữa, tay vẫn giơ lên nhưng không cầm gì cả, tai bất giác lại nghe tiếng tích tắc đồng hồ, tiếng con ruồi vo ve, tiếng người phát thanh viên báo là bản tin về đảo Crete đã kết thúc. Tôi quay đằng sau và trước khi chương trình tiếp theo – nhạc nhẹ từ hai đến ba giờ - bắt đầu, tôi đã rời cái phòng khách trở nên quá chật đối với tôi vì cái bụng choán hết không gian kia” [15,489-490-491].

Cảm giác khó chịu, bứt rứt đến mức không thể chịu nổi về cái bụng choán

hết không gian, cái bụng chắn tầm nhìn, cái bụng khối sưng phồng ác tính

ràng không chỉ bắt nguồn từ mối quan hệ phức tạp của gia đình Matzerath mà còn bắt nguồn từ một mặc cảm sâu hơn trong vô thức có thể tìm thấy trong thần thoại mà Freud và các môn đệ của ông nói tới. Đến khi Kurt lớn, trong Oskar vẫn tiềm ẩn một nghi ngờ: “Tôi vẫn ngờ là con trai tôi đang âm mưu một điều gì đó chống tôi” [15,674].

Loạn luân, giết cha, giết con - sự rắc rối và quái đản trong các mối quan hệ gia đình Matzerath – Bronski mà Grass phỏng theo các motif thần thoại đã thể hiện sự suy đồi của các giá trị tốt đẹp, sự dã man, phi lý và ti tiện của xã hội hiện đại những năm chiến tranh thế giới II. Trăn trở về một thế giới cần phải tạo lập lại càng trở nên nhức nhối trong tác phẩm của Grass.

44

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong tiểu thuyết Cái trống thiếc của Gunter Grass (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)