Triển vọng đến 2020

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga giai đoạn 2000 - 2011 (Trang 104)

3.2.1. Phát triển theo hướng tốt lên

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga được dự báo trong tương lai sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp, dựa trên một số cơ sở sau:

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga được xây dựng trên một nền tảng vững chắc là mối quan hệ truyền thống lâu đời, hai nước đều có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ do được kế thừa những cơ sở vững chắc và những mặt tốt đẹp của mối quan hệ đồng minh Việt - Xô thời “Chiến tranh Lạnh”. Với những tính toán lợi ích chiến lược của mình, cả hai nước luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Hiện nay, mối quan hệ này càng khăng khít hơn khi hai nước đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”. Trên cơ sở ấy, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp hơn trong những năm tới. Điều này không chỉ có lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hai nước, mà còn góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Trong chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga với khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong chiến lược này. Bởi Hà Nội có những vị thế mà Moscow rất cần: có vị thế quan trọng về chính trị, đối ngoại, quân sự trong ASEAN; Việt Nam có mối quan hệ “đối tác chiến lược” với nhiều nước lớn trên thế giới: Trung Quốc, Mỹ (đã đặt quan hệ đối tác hữu nghị và toàn diện), Đức, Anh, Pháp; Việt Nam làm cầu nối quan trọng giúp Liên bang Nga thực hiện chiến lược “hướng Đông”, nhằm mục tiêu chấn hưng khu vực Viễn Đông và Siberia của Liên bang Nga, đồng thời là cầu nối quan trọng để Moscow mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Trong khi đó, phía Việt Nam cũng đánh giá rất cao vị thế của nước Nga. Bởi Liên bang Nga là quốc gia có tiềm lực: quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, đặc biệt Moscow hiện đang giữ quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - tổ chức chính trị quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Thông qua Liên bang Nga, Việt Nam có thể mở rộng mối quan hệ với các nước trên thế giới và xâm nhập vào những vùng ảnh hưởng truyền thống của nước Nga: khu vực không gian hậu Xô Viết và các nước SNG.

Một yếu tố quan trọng là hiện nay vị thế của Việt Nam và Liên bang Nga đã khác so với trước đây. Với tính toán lợi ích chiến lược của mình, cả hai bên đều

thừa nhận Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng bậc nhất của họ ở châu Á (ngang hàng Trung Quốc), thậm chí trên cả Ấn Độ. Khẳng định Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga tại khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Phía Việt Nam cũng thừa nhận: trước sau như một, coi Liên bang Nga là một nước lớn, có tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam cần sự giúp đỡ của Liên bang Nga trong vấn đề đối nội (để phát triển kinh tế) lẫn sự giúp đỡ các vấn đề đối ngoại (ủng hộ quan điểm của Hà Nội trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN). Với những nhân tố thuận lợi trên sẽ là nền tảng giúp quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga tốt lên trong tương lai.

Quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Nga ngày càng phát triển sâu rộng trong những năm gần đây. Hai nước đã tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực: năng lượng (dầu, khí đốt, than đá), nhiên liệu, công nghệ cao, viễn thông… Liên bang Nga là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trên các lĩnh vực: nông sản nhiệt đới, thủy sản, cà phê, cao su… Trong khi Việt Nam là thị trường quan trọng trong việc nhập khẩu các sản phẩm của Liên bang Nga: máy móc, hàng quân sự, công nghệ thông tin, các sản phẩm hóa dầu… Theo phân tích của các chuyên gia, kinh ngạch mậu dịch song phương hai nước có thể phát triển lên hàng chục tỉ USD, nếu hai nước thúc đẩy quá trình hợp tác sâu rộng hơn trong quan hệ kinh tế - thương mại. Vấn đề này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, do mối quan hệ chính trị hai nước ngày càng trở nên nồng ấm. Đây cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga tốt hơn.

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga là mối quan hệ lịch sử có bề dày truyền thống. Cơ sở hình thành quan hệ này do hai nước đã từng có sự tương đồng về ý thức hệ chính trị (đã từng chung chiến hào chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội). Đặc biệt, mối quan hệ này lại được các nhà lãnh đạo tiền bối của hai bên dày công vun đắp: Stalin, Hồ Chí Minh, Lenin… Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga đã từng được thử thách qua thời gian, không gian, nên luôn có ảnh hưởng nhất định đối với người dân và lãnh đạo hai nước, đúng như Tổng thống Liên bang Nga Putin đã từng nói người Việt Nam có câu: uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tôi phải thừa nhận

một thực tế rằng, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga là mối quan hệ giữa hai người bạn, không bao giờ có khái niệm của chữ “vụ lợi”. Đó là mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có trong thời đại ngày nay.

Một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển quan hệ hai nước chính là cộng đồng người Việt đã từng sinh sống, học tập, làm việc tại nước Nga. Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 20 vạn người đã từng được đào tạo dưới “mái nhà Xô Viết”. Lực lượng này có tình cảm đặc biệt với nước Nga, chính họ là lực lượng có thể đóng góp và tham mưu những đường lối chính sách để củng cố quan hệ hai nước. Một trong những nhân tố thúc đẩy quan hệ Việt - Nga trở nên tốt đẹp hơn, đó là vai trò cá nhân của các nhà lãnh đạo Liên bang Nga: Putin, Medvedev. Cả hai vị lãnh đạo này đều trưởng thành trong thời kì Liên Xô, do vậy họ đều có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Việc Liên bang Nga xây dựng và củng cố quan hệ vững chắc với Việt Nam có sự đóng góp to lớn của những nhà lãnh đạo này. Đây cũng là một nhân tố quan trọng giúp quan hệ hai nước phát triển thuận lợi trong những năm tới.

Hai nước ngày càng có những nhận thức tương đồng trong việc giải quyết nhiều vấn đề chính trị quốc tế và khu vực: vấn đề tranh chấp ở biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số quốc gia ASEAN; vấn đề giải trừ quân bị; chống phổ biến vũ khí hạt nhân; chống chủ nghĩa bá quyền trong quan hệ quốc tế… Đặc biệt, cả hai quốc gia hiện có sự hợp tác sâu rộng trong các tổ chức chính trị đa phương mà cả hai đều là thành viên: Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, ASEAN+…. Việc có cùng tiếng nói chung trong việc giải quyết nhiều vấn đề trên, đã giúp cả hai nước có sự thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau, góp phần nâng cao vị thế của cả hai trong khu vực và quốc tế. Như vậy, quan hệ hai nước hội tụ đầy đủ những nhân tố thuận lợi về mặt địa chính trị, kinh tế, văn hóa… để củng cố và tăng cường quan hệ trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.

Tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục có diễn biến nhanh chóng, nhưng hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Với sự hợp tác sâu rộng đã có trong quan hệ hai nước, Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và nâng cao vị thế hai nước trên chính trường khu vực và quốc tế.

3.2.2. Phát triển theo hướng bình thường, ổn định

Quan hệ hai nước có thể vẫn phát triển như giai đoạn hiện nay, nếu như: Giới lãnh đạo hai nước vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự… như giai đoạn hiện nay. Bởi họ cho rằng, quan hệ hai nước đã ở giai đoạn “chín muồi”. Cho nên, không cần phải có những biện pháp thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ này trong những năm gần đây.

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga vẫn dừng lại ở sự hợp tác trên bề rộng (hai bên mở rộng các cam kết trên văn bản), trong khi quá trình triển khai và đưa các cam kết trên vào thực tiễn còn nhiều hạn chế và thiếu hiệu quả. Điều này sẽ làm quan hệ hai nước luôn ở trạng thái ổn định, nhưng không có dấu hiệu tiến triển.

Vai trò của những nhà lãnh đạo có yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì, thúc đẩy sự phát triển quan hệ hai nước. Hiện nay, chính trường Liên bang Nga đang nằm dưới sự lãnh đạo và chi phối của Đảng nước Nga thống nhất của Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev - những nhà lãnh đạo có tình cảm đặc biệt và đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, Liên bang Nga là một nước lớn, họ có nhiều toan tính trong quan hệ với các quốc gia trên thế giới (kể cả những quốc gia bạn bè truyền thống như Việt Nam). Việc giới lãnh đạo Liên bang Nga điều chỉnh chính sách cho phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển của đất nước họ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, mối quan hệ hai nước rất có thể sẽ bị ảnh hưởng, khi giới lãnh đạo Nga có sự điều chỉnh chính sách.

Nước Nga đã đưa ra một chiến lược đầy tham vọng: đến năm 2020, họ sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới; là quốc gia có vị thế chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu tham vọng này của Nga trở thành hiện thực, sẽ là cơ hội rất thuận lợi thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng phát triển tốt lên. Ngược lại, nếu nước Nga không thực hiện được tham vọng, thì quan hệ Việt - Nga vẫn phát triển bình thường như giai đoạn hiện nay.

3.2.3. Phát triển theo hướng xấu đi

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga có những bước phát triển mới. Điều này đã góp phần đưa quan hệ hai nước trở thành hình

mẫu trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, hai nước cũng đứng trước những thử thách, khó khăn như:

Nền chính trị thế giới trong những năm đầu thế kỷ XXI luôn có những biến động phức tạp, theo chiều hướng thuận nghịch. Những biến động phức tạp trên nhiều khi đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đề ra và thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam và Liên bang Nga với tư cách là hai quốc gia trong cộng đồng thế giới, cũng ít nhiều chịu tác động của quy luật này. Thêm vào đó, trật tự quốc tế hiện nay đang ngày càng ngả theo xu hướng “đa cực hóa”. Trong trật tự này, vai trò của các nước lớn như: Mỹ, Trung Quốc, EU là rất quan trọng. Nhưng các nước lớn trên thường dựa vào sức mạnh chính trị, quân sự của mình để áp đặt và gây những bất lợi trong quan hệ với các quốc gia khác. Ngoài ra tình hình quốc tế vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định như: tranh chấp về quyền lực, biên giới, lãnh thổ, biển đảo và tài nguyên giữa các quốc gia. Các mối quan hệ giữa các nước trên thế giới thường có ích lợi đan xen nhau rất phức tạp. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam và Liên bang Nga, bởi Moscow luôn là mục tiêu kiềm chế của Mỹ và các nước phương Tây, còn Việt Nam là quốc gia thường bị các thế lực nước lớn lợi dụng, để phục vụ cho các toan tính chiến lược lâu dài của họ ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Nhân tố này dễ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ hai nước.

Liên bang Nga hiện nay là một quốc gia đa đảng (nhiều đảng phái chính

trị tham gia vào đời sống chính trị của đất nước), các đảng phái chính trị trên đều có đường lối, cương lĩnh chính trị, quan điểm và chiến lược đối ngoại hoàn toàn khác nhau… Trong những năm tới đây, nếu chính trường Nga không phải là “Đảng nước Nga thống nhất” và Tổng thống Putin, Thủ tướng Medvedev cầm quyền, mà là một đảng phái chính trị theo đường lối khác lên cầm quyền, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga sẽ bị tác động trực tiếp bởi những thay đổi này. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các toan tính chiến lược của Việt Nam trong quan hệ với nước Nga.

Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, đó là Liên bang Nga có thể thay đổi mô hình phát triển đất nước. Đặt giả thiết: nếu trong tương lai, nước Nga không đi theo mô hình phát triển theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc như

hiện nay, mà chuyển sang mô hình thị trường tự do của các nước tư bản phương Tây. Khi ấy quan hệ hai nước chắc chắn sẽ có những thay đổi đáng kể. Hoặc trường hợp nước Nga có thể xảy ra “cách mạng sắc màu” hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp của làn song “cách mạng” do phương Tây phát động trên, sẽ làm cho tình hình chính trị trong nước Nga thay đổi. Khi ấy, quan hệ của Việt Nam với Liên bang Nga sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, những động thái, thay đổi trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga có ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ với Việt Nam. Bởi chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn duy trì mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” trong quan hệ với Liên bang Nga trên các lĩnh vực, đồng thời mong muốn nền chính trị nước Nga luôn ổn định, cho dù bất kỳ đảng phái chính trị nào lên cầm quyền ở quốc gia này. Một nước Nga ổn định sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển quan hệ với Việt Nam được thuận lợi. Bởi nếu nước Nga bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội sẽ tác động và ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của Hà Nôi với Moscow. Vấn đề này có thể làm cho quan hệ hai nước phát triển theo chiều hướng xấu trong tương lai.

Liên bang Nga là nền kinh tế đứng thứ 9 thế giới, nhưng quốc gia này cũng đứng trước những khó khăn: nền kinh tế Liên bang Nga dựa quá nhiều vào xuất khẩu, năng lượng (dầu mỏ, khí đốt chiếm 50 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Moscow); cơ cấu kinh tế thiếu đa dạng; hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nga còn nhiều hạn chế… Với một nền kinh tế phát triển thiếu cân đối như Liên bang Nga sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển quan hệ với Việt Nam, do chúng ta hiện coi Liên bang Nga là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu. Điều này đỏi hỏi phía Việt Nam phải có những điều chỉnh chính sách đối ngoại trong quan hệ với Liên bang Nga.

Do Việt Nam và Liên bang Nga từng là những quốc gia có nền kinh tế phát triển theo mô hình “kinh tế kế hoạch hóa”, cách tổ chức, quản lý kinh tế dựa trên cơ chế hành chính tập trung, quan liêu bao cấp theo kiểu mệnh lệnh hành chính. Những lề lối làm việc theo kiểu này vẫn còn tồn tại trong tư duy của người Việt, người Nga. Do vậy, cả Việt Nam và Liên bang Nga cần phải có sự điều chỉnh tích cực nhằm thay đổi tư duy, tác phong và lề lối làm việc của người lao động ở cả hai quốc gia. Nếu không, đây sẽ là rào cản đối với sự phát triển của hai nước trong tương lai.

Một phần của tài liệu Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga giai đoạn 2000 - 2011 (Trang 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)