Đây là cuộc đàm phán đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh trong 50 năm qua kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt. Sáng ngày 23/04/2003, ba bên (Mỹ - Bắc Triều Tiên – Trung Quốc) tiến hành đàm phán tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư – Trung Quốc. Thực chất, cuộc đàm phán vẫn là đàm phán tay đôi giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Thái độ ban đầu của phía Mỹ rất cứng rắn khi không chấp nhận hành động vi phạm Hiệp ước NPT và Hiệp định khung năm 1994 của CHDCND Triều Tiên, kiên quyết yêu cầu nước này từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, phá huỷ các thiết bị sản xuất vũ khí hạt
nhân. CHDCND Triều Tiên tuyên bố, chỉ khi nào Mỹ từ bỏ chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên thì họ mới sẵn sàng làm tan đi nỗi lo ngại của Mỹ về vấn đề hạt nhân.
Đàm phán ba bên theo dự kiến sẽ kéo dài ba ngày, nhưng thực tế chỉ diễn ra trong hai ngày và không thu được kết quả đáng kể nào. Tuy nhiên, trên thực tế CHDCND Triều Tiên đã có nhiều nhượng bộ. Từ chỗ khăng khăng đòi Mỹ ký Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau, Bình Nhưỡng đã hạ thấp các yêu cầu: “Mỹ phải có cam kết không xâm phạm Triều Tiên, nếu như Mỹ đáp ứng yêu cầu này thì CHDCND Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Bên cạnh đó, CHDCND Triều Tiên cũng đưa ra kế hoạch cả gói về từ bỏ phát triển và thí nghiệm hạt nhân, đổi lấy việc đảm bảo cung cấp viện trợ kinh tế từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Do bất đồng quan điểm gay gắt, đàm phán ba bên đã đi vào bế tắc và chưa đạt được như mong muốn, đẩy Đông Bắc Á vào vòng luẩn quẩn đối đầu ngoại giao cũng như tăng thêm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán song phương Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. Vai trò của Trung Quốc vì thế sẽ tăng lên. Sự bế tắc đã làm cho Trung Quốc nắm giữ “vị trí then chốt” trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên. Trung Quốc mong muốn thông qua đối thoại để giải quyết hòa bình vấn đề bán đảo Triều Tiên, đó là chủ trương đúng đắn.
Kết quả của cuộc đàm phán khiến cho cộng đồng quốc tế tỏ ra thất vọng. Hầu như tất cả các nước láng giềng với Bắc Triều Tiên như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc đều không chấp nhận lập trường phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Thái độ này của họ vô hình chung đã liên kết các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc về một bên với chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nên phía Bắc Triều Tiên hầu như bị cô lập. Thái độ cứng rắn của Bắc Triều Tiên có thể dẫn tới các hành động quân sự của Mỹ. Bởi vậy, các nước đều mong muốn phải làm thế nào để
không xảy ra chiến tranh mà vẫn có thể ngăn chặn được khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và một cuộc hội đàm về vấn đề này sớm được tiến hành.