Vòng bốn đàm phán sáu bên

Một phần của tài liệu Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (Trang 85)

Ngày 26/7/2005 vòng bốn đã được nối lại sau 13 tháng gián đoạn. Việc nối vòng bốn lần này đã nhen nhóm nhiều hy vọng cho việc ngăn chặn phổ biến hạt nhân cũng như an ninh nói chung trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Tuy chưa đưa đến những kết quả cụ thể, nhưng đã gợi mở nhiều vấn đề đáng chú ý về thể thức thương lượng quốc tế, lập trường của các bên đối với vấn đề phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên và những điều chỉnh chính sách của các bên trực tiếp liên quan đối với các vấn đề an ninh ở Đông Bắc Á.

Tuy các bên đều nhất trí với mục tiêu chung và cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng vẫn đang tồn tại những khác biệt cơ bản về thể thức và biện pháp tiến hành để thực hiện mục tiêu đó. Hai bên chủ chốt là Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn còn xung khắc về việc Mỹ đòi Bình Nhưỡng phải chấm dứt toàn bộ chương trình lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ trước nếu họ muốn nhận được viện trợ kinh tế và sự tiếp xúc rộng rãi của chính phủ. CHDCND Triều Tiên nói rằng họ sẽ chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân “nếu Mỹ từ bỏ đe dọa hạt nhân của mình chống lại chúng tôi và cùng nhay xây dựng lòng tin” [147; 66].

Xét về tổng thể, các bên đã có những bước điều chỉnh khá cơ bản về thể thức tiến hành thương lượng và qua đó phản ánh cách tiếp cận mục tiêu cuối cùng của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng đã có những bước điều chỉnh đáng chú ý.

Bắc Triều Tiên tuyên bố từ bỏ kế hoạch vũ khí hạt nhân một cách có điều kiện, như vậy việc giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đã có bước tiến bộ quan trọng nhất. Tuy vậy, để thực hiện mục tiêu cuối cùng, vẫn đòi hỏi phải giải quyết một số vấn đề cụ thể. Thứ nhất, Bắc Triều Tiên có thể sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình hay không và quốc tế giám sát thế nào? Thứ hai, Mỹ sẽ bù lại chỗ thiếu hụt năng lượng do Bắc Triều Tiên từ bỏ

kế hoạch hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ ra sao, Mỹ có xây dựng lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ cho Bắc Triều Tiên như đã cam kết hay không? Bất đồng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên về hai vấn đề nói trên vẫn có thể phá hỏng hiệp định bất cứ lúc nào, các vấn đề kỹ thuật chi tiết sau đó cũng có thể làm thay đổi toàn bộ xu hướng chung. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố sâu xa mang tính chiến lược liên quan đến các bên tham gia đàm phán.

Trong vòng đàm phán lần này, Mỹ đánh tín hiệu tán thành cho các bên khác nối lại viện trợ nhiên liệu cho CHDCND Triều Tiên nếu nước này cam kết sẽ hoàn toàn dỡ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Đây là những thay đổi có ý nghĩa trong lập trường của Mỹ vì trước đó Mỹ khăng khăng cho rằng “phần thưởng” cho CHDCND Triều Tiên chỉ có thể đưa ra sau khi nước này hoàn toàn dỡ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của họ. Ngoài ra, trong thời gian cuộc họp sáu bên bị đình chỉ 13 tháng sau, phía Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn có các cuộc tiếp xúc tay đôi. Mỹ cũng đã viện trợ cho Bắc Triều Tiên 50.000 tấn lương thực. Thời điểm tiến hành đợt viện trợ này được xem là một thái độ thiện chí của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên. Chính phủ Mỹ tuyên bố khoản viện trợ này mang tính nhân đạo và phủ nhận khoản viện trợ này liên quan đến chính sách ngoại giao hạt nhân.

CHDCND Triều Tiên tuyên bố họ sẽ không cần tới vũ khí hạt nhân nếu không bị Mỹ đe dọa, và sẽ tuyên bố ý định huỷ bỏ chương trình hạt nhân của mình: đình chỉ hoạt động của các cơ sở hạt nhân và cho phép thanh sát quốc tế vào làm việc; giải quyết vấn đề về tên lửa đạn đạo và cuối cùng là tiêu huỷ toàn bộ các cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, lập trường của CHDCND Triều Tiên là “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” chứ không chỉ các chương trình hạt nhân của riêng họ. Lập trường này được Trung Quốc và Nga ủng hộ. Phía CHDCND Triều Tiên cũng nêu mối đe dọa của vũ khí hạt nhân của Mỹ tại các

căn cứ quân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản và đòi hỏi cùng có một quá trình thanh sát đối với các căn cứ này.

Có thể thấy rằng do vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên liên quan đến vấn đề hòa bình hay chiến tranh và có lịch sử khá phức tạp về mối nghi kỵ sâu sắc giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên nên không thể hy vọng vào một sự đột phá nào trong vòng đàm phán này. Hơn nữa, cuộc thương lượng này có tính chất hai cấp độ và hết sức nhạy cảm cho nên mỗi bên có thể lấy bất cứ lý do gì để đổ lỗi cho bên kia và đình hoãn, thậm chí tẩy chay không quay trở lại bàn thương lượng. Những điều chỉnh về cách thức thương lượng và lời lẽ của các bên chủ chốt trong đợt thương lượng này là những dấu hiệu đáng mừng cho một cuộc đối thoại thực chất nhưng kết quả cụ thể thì còn phải chờ đợi ở những vòng tiếp theo.

Do tính chất phức tạp và lợi ích an ninh chồng chéo của các nước lớn nên việc giải quyết triệt để vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ còn phải mất nhiều thời gian. Cuộc thương lượng sáu bên chỉ có thể thành công nếu các bên, đặc biệt là hai bên chủ chốt – Washington và Bình Nhưỡng - thực sự muốn có giải pháp qua đối thoại, chứng tỏ được họ có cam kết chính trị để đưa vấn đề đến đích cuối cùng. Cho đến thời điểm này chỉ thấy tuyên bố về mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hai bên đều cam kết tìm kiếm giải pháp thông qua con đường ngoại giao thương lượng để đạt mục đích này. Lập trường cơ bản về cách giải quyết của hai bên chủ chốt vẫn còn cách xa nhau nên chưa tạo ra được một bước đột phá nào.

Ngày 19/9/2005, vòng đàm phán sáu bên lần thứ tư đã kết thúc ở Bắc Kinh với một Tuyên bố chung, trong đó Bình Nhưỡng “cam kết từ bỏ tất cả các loại vũ khí và chương trình hiện nay” để đối lấy viện trợ kinh tế và đảm bảo về an ninh. Có thể nói, kết quả này là một thành công ngoài mong đợi, nhằm tăng hướng giải quyết những bất đồng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên thông qua vai trò trung gian của Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này chỉ mới là sự

thoả hiệp ban đầu giữa các bên liên quan, mở ra một giai đoạn mới thúc đẩy nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng đối thoại nhằm ổn định môi trường an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Phải chẳng, tuyên bố chung trong đàm phán chỉ đóng vai trò như một văn kiện định hướng cho những nỗ lực tiếp theo và vào thời điểm này, hãy còn quá sớm để khẳng định rằng vấn đề hạt nhân được giải quyết một cách triệt để. Việc triển khai và cụ thể hóa nội dung tuyên bố chung cần tới những thỏa hiệp và nhượng bộ tiếp theo giữa các bên mà vòng đàm phán thứ năm dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới ở Bắc Kinh là một phương thức quan trọng.

Một phần của tài liệu Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (Trang 85)