Cổ mẫu Sông trong ca từ Quan họ

Một phần của tài liệu Ca từ dân ca quan họ qua lăng kính vô thức tập thể (Trang 120)

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Cổ mẫu Sông trong ca từ Quan họ

Nước là một trong những Cổ mẫu gốc của vô thức tập thể nhân loại với những đặc tính đặc biệt sâu sắc. Với người Việt, do đặc trưng quần cư trên địa bàn có bề mặt nước phổ biến lại sống tụ cư quanh các khu vực nước, phát triển kinh tế gốc trên nước nên Cổ mẫu nước là một trong những Cổ mẫu xuất hiện sớm nhất, dày dạn nhất. Nó thậm chí còn tiêu biểu hơn nhiều khi so với các dạng Cổ mẫu vật chất phổ quát khác như lửa, đất, gió...

Trong L'Eau et les Rêves (Nước và những giấc mơ), Bachelard thú nhận rằng nghiên cứu Nước đặc biệt khó. Có lẽ vì Nước là nguyên tố có tuổi đời già nhất. Có lẽ, do bản chất “nữ”, “đằm sâu”, “bền vững” “kín đáo”, “đơn giản” của mình, Nước thường hiện ra trước mắt ta ở phương diện bề mặt, như là cái phông trang trí, hơn là tiếng gọi cội nguồn thẳm sâu của nó. Vậy nên, theo G. Bachelard, đi tìm những “nét đẹp tư duy của nước”, ta phải xuyên qua các bề nổi để thấy bề sâu, xuyên qua trí tưởng tượng hình thức để khai mở trí tưởng tượng về nội dung. G. Bachelard xếp nước là “sự biến hoá bản thể học giữa lửa và đất” và khẳng định “Trong bề sâu của mình, con người đã có định mệnh của nước đang chảy”; [S. Freud – C.G. Jung – G. Bachelard – G. Tucci – V. Dunde, Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật (nhiều người dịch), NXB Văn hoá Thông tin, 2000].

Cũng trong Cổ mẫu về nước, các nhà Phân tâm học thống nhất được đặc trưng mẫu tính. Mang tính nữ, tính mẹ, hình tượng Nước khơi dậy những mơ mộng vĩnh cửu về sự ấm áp chở che và thuần khiết. Nước trong tiềm thức con người có ý nghĩa rất quan trọng. “Những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Ba chủ đề này thường gặp trong những tiểu thuyết cổ xưa nhất và hình thành những tổ hợp hình tượng đa dạng nhất và đồng thời cũng chặt chẽ

nhất” [Jean Chevailier & Alain Gheerbrant, 2002, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng, tr.709].

Đối với châu Á, nước ở dạng thức thực thể của thế giới, là nguồn gốc sự sống, là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính tinh khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh. “Nước còn là nguồn gốc và phương tiện chuyển tải sự sống, là hình tượng của hơi thở sự sống (prâna)” [Jean Chevailier & Alain Gheerbrant, sđd, tr.710]. Nước được coi là biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào.

Đối với vô thức tập thể người Việt, Cổ mẫu nước được nhìn nhận nổi bật ở thiên tính mẫu, nơi chất chứa những nguồn sống mãnh liệt. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng bản địa của người Việt và không phải ngẫu nhiên mà nó gắn chặt với biểu tượng vật thể nước.

Cổ mẫu nước trong tác phẩm văn chương có thể biểu hiện ra như một dòng chảy, một đặc tính hay hiện hữu thông qua biển, sông, hồ, suối. Trong Dân ca Quan họ, Cổ mẫu nước được định danh qua nhiều biểu tượng mà rõ nhất là biểu tượng Sông.

Tính theo đơn vị giọng Tính theo đơn vị dòng

Toàn bộ hệ thống ca từ

Quan họ 213 3427

Số lần xuất hiện biểu

tượng chữ Sông 55 76

Làm một so sánh nhỏ trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy nếu hiện thân của Cổ mẫu lửa trong Quan họ tập trung nhất thông qua biểu tượng Đèn

thì chữ Đèn cũng chỉ xuất hiện ở 22 dòng ca từ Quan họ, chiếm tỉ lệ chưa bằng 1/3 biểu tượng Sông. Như thế đủ thấy sự ảnh hưởng của Cổ mẫu nước, thông qua biểu tượng Sông đến Quan họ là khá đậm nét.

Quan họ ra đời, phát triển trên một địa bàn có nhiều dòng sông len lách nên dễ hiểu Sông trở thành đại diện cho Cổ mẫu về nước, là nơi để Cổ mẫu nước truyền tải thông điệp.

Đó có thể là những con sông cụ thể:

Tỉnh Bắc sông Cầu

(Tỉnh Bắc sông Cầu)

Sông Thương nước chảy đôi dòng

(Quán dốc chợ Cầu)

Thấy đôi người bạn gái cũng về sông Dâu

(Cắp nón ra đi)

Mùa hè tắm mát ở sông Lục Hà

(Vui bốn mùa) Đó cũng có thể là không gian tượng trưng cho ngăn cách đôi bờ nhân duyên mà đôi lứa vượt qua:

Bắc cầu qua sông cái để thầy mẹ sang

(Suông hời – Con chim chiện chà)

Trăm sông cũng lội, nghìn đèo cũng qua

(Yêu nhau bao núi cũng trèo)

Vì em mong bạn, vì em nhớ bạn, Nên em phải đi tìm sang bên sông

Vì tình em phải sang sông

(Dọn bến đóng thuyền) Và với thiên tính mẫu vĩnh cửu, sông trong Quan họ còn là nơi bao bọc, che chở, khơi dậy sự êm ấm, nghĩa tình:

Đôi người xinh đứng ở bên sông

Tay trao cho đồng hồ bạc, kết tơ hồng hay chưa

(Người xinh)

Cây trúc xinh trúc mọc bờ sông

Người còn không hay đã có nơi nào, chối còn không

(Cây trúc xinh)

Ngồi bờ sông ăn tiện quả đào

Hỏi duyên bên ấy có dao cho tôi mượn cùng

(Ăn tiện quả đào)

Thuyền câu lơ lửng bên sông

Thuyền chai lơ lửng giữa dòng người đợi ai

(Tưởng đến gần xa) Cổ mẫu Nước mà đại diện ở Quan họ thông qua biểu tượng Sông vẫn giữ nguyên những đặc tính, phẩm chất của Cổ mẫu này trong chiều dài nhân loại. Nhưng rõ ràng đến Quan họ, sắc màu tâm linh, tâm thức về sự sống - cái chết đã giảm đi rất nhiều trong những gì còn hiện hình lên ca từ Quan họ. Ở đây, sự tác động của yếu tố xã hội, của đời sống lao động của nhân dân trở lại vô thức tập thể là khá đậm nét. Đồng thời, khi nhìn nhận và mở rộng ra, Cổ mẫu Sông trong Quan họ và những nét nghĩa của biểu tượng Cổ mẫu này đã trở thành nền tàng cho việc định hình, phát triển Cổ mẫu này sang các loại hình

khác, sang văn học thành văn và các sáng tác về sau khá đậm. Như thế, quá trình tác động và ảnh hưởng của vô thức tập thể đến sáng tạo nghệ thuật rõ ràng có bằng chứng cho thấy sự tác động hai chiều.

Một phần của tài liệu Ca từ dân ca quan họ qua lăng kính vô thức tập thể (Trang 120)