Cổ mẫu Thuyền trong ca từ Quan họ

Một phần của tài liệu Ca từ dân ca quan họ qua lăng kính vô thức tập thể (Trang 113)

5. Cấu trúc luận văn

3.1 Cổ mẫu Thuyền trong ca từ Quan họ

Cổ mẫu vốn là những motif và chủ đề giống nhau, có thể được tìm thấy trong nhiều hệ huyền thoại khác nhau, những biểu tượng hình ảnh trở đi trở lại trong huyền thoại các dân tộc cách xa trong thời gian và không gian có khuynh hướng mang một ý nghĩa chung hoặc, chính xác hơn, có khuynh hướng gợi ra những phản ứng tâm lí phục vụ những chức năng văn hoá giống nhau. Cổ mẫu phản ánh chiều sâu đời sống tâm linh của loài người và chúng có tính bền vững về mặt ý nghĩa. Cổ mẫu được xem như là đôi hài bảy dặm bay ra từ huyền thoại, như là cái nhìn lắng đọng của tâm thức con người qua muôn ngàn thế hệ, là đôi mắt bên trong, những cửa sổ tâm hồn của văn hoá. Cổ mẫu nối liền và góp phần xoá mờ ranh giới giữa văn học với nhân học, tâm lí, văn hoá bởi “cái thế đứng cheo leo” đặc biệt của nó như là những cây trái mọc lên nơi giáp ranh của khu vườn lí trí và khu rừng bản năng trong tâm thức con người. Do đó, Cổ mẫu có khả năng chi phối đến sự hình thành nhân cách, di truyền văn hoá và sáng tạo nghệ thuật. Quan họ - một sản phẩm tinh thần tinh tuý của dân gian ta cũng là cả một kho Cổ mẫu giàu giá trị văn hoá. Một trong những Cổ mẫu tiêu biểu của Quan họ có thể kể tới trước tiên là Cổ mẫu Thuyền.

Thuyền thực chất vốn là một Cổ mẫu trong tâm lí vô thức người Việt nói chung trong mạch nguồn vô thức nhân loại tổng thể. Thuyền là một hình ảnh

ưa dùng trong sinh hoạt văn hoá của nhân dân ta được ghi nhận với nhiều hệ dấu tích phổ biến, đa dạng. Chẳng hạn, trên hầu hết các trống đồng đã khai quật được đều có hoa văn trang trí hình thuyền. Một số dụng cụ đồ đá thời kì đồ đá mới cũng có hoa văn hình thuyền. Nhiều địa phương có hội bơi chải, đua thuyền. Nhiều địa phương có các điệu hò chèo thuyền hay tồn tại nhiều hình thức văn nghệ có liên quan đến thuyền như Chèo, Dặm, Dô, Mái đẩy, Mái nhì, hò Đò dọc, hò Đò ngang...

Thuyền là công cụ lao động liên quan đến vùng sông nước. Ở nước ta đâu đâu cũng có sông suối ao hồ. Do đó thuyền xuất hiện sớm và có vai trò quan trọng trong đời sống. Theo các tài liệu cổ, thì vào đầu công nguyên, các dân tộc trên lãnh thổ nước ta đã nổi tiếng về chế tạo và sử dụng thuyền. Hoa văn xuất hiện trên các dụng cụ đồ đá, đồ đồng, tín ngưỡng dân gian đã chứng minh điều đó. Trong văn hoá nghệ thuật, thuyền cũng đã sớm trở thành một motif thẩm mĩ thân thuộc.

Dân ca khắp các vùng đều nhắc tới motif thuyền rất thường xuyên. Chẳng hạn, Dân ca Thanh Hoá:

Thuyền tôi ván táu sạp lim

Đôi mạn sang lẻ lại có con chim Phượng Hoàng

Dân ca Huế:

Thuyền về Đông Ba, thuyền qua Đập Đá Thuyền về Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình

Hay Đò đưa xứ Nghệ:

Thuyền ngược ta bỏ sào ngược Ta chống chẳng được ta bỏ sào xuôi...

Hoặc ở hát ví Nam Định:

Thuyền tôi chở lưới chở cau Thuyền đâu mà chở hàm râu ông già

Trong Hát ví Hưng Yên có:

Thuyền buôn lái chở đi đâu Có thương đến kẻ hái dâu một mình

Hay nữa, ở hát phường Vải:

Thuyền chai, thuyền lái, thuyền câu Biết thuyền nhân ngãi đi đâu mà tìm

Rồi đến ca dao:

Thuyền ơi có nhớ bến chăng Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

Như vậy, cùng với sự xuất hiện rất sớm trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, Cổ mẫu thuyền cũng rất sớm đi vào văn nghệ dân gian. Là một Cổ mẫu từ xa xưa, được bảo tồn, phát triển, bồi đắp liên tục qua không gian, thời gian, biểu tượng thuyền mang nhiều nét nghĩa biểu trưng phong phú, nhiều tính chất tâm lí đa dạng. Truy nguyên từ thời kì mông muội, công xã, thời kì đồ đá, đồ đồng mọi mặt của đời sống tâm thức người Việt đều xuất hiện Cổ mẫu thuyền. Ấy là con thuyền chất chở linh hồn, con thuyền kết nối thế giới thế tục và huyền linh, con thuyền nối những bờ cõi ảo diệu. Rồi khắp trong tiến trình phát triển của cộng đồng, Cổ mẫu thuyền trong tâm thức Việt từ chỗ là công cụ lao động, sản xuất; công cụ hướng tới tâm linh còn mang nhiều lớp nghĩa biểu trưng khác nữa. Thuyền trở thành biểu tượng của sự hoà hợp âm dương; biểu tượng hoá của ước vọng no đủ, được mùa, hoà thuận gió mưa;

biểu tượng của sự giao thương, trù phú... Tất cả những lớp ý nghĩa biểu tượng đó cứ xếp chồng lên nhau mãi trong tâm thức lớp lớp thế hệ cư dân người Việt. Tựu trung lại, không mang sắc thái tượng trưng cho khát vọng vươn xa, khám phá thế giới như ở đời sống phương Tây, trong vô thức tập thể người Việt, Cổ mẫu thuyền từ tâm lí gốc của cộng đồng sâu xa đã biểu trưng cho sự hoà hợp, sự êm ấm, thuận với đất trời. Cùng với quá trình phát triển của lịch sử cộng đồng mà Cổ mẫu thuyền còn mang theo nhiều lớp nghĩa biểu tượng khác nữa.

Ngả bóng vào Quan họ, Cổ mẫu thuyền cũng rất nhiều lần trực tiếp được nhắc tới:

Tính theo đơn vị giọng Tính theo đơn vị dòng

Toàn bộ hệ thống ca từ

Quan họ 213 3427

Số lần xuất hiện biểu

tượng chữ Thuyền 23 54

Xuất phát từ vô thức tập thể sâu thẳm, Cổ mẫu thuyền bước vào Dân ca Quan họ tự nhiên, dung dị, gần gũi, là hình ảnh của cuộc sống sinh hoạt đời thường. Trên một khu vực Kinh Bắc rộng lớn, Quan họ tập trung phát triển ở các khu vực dân cư men theo các vùng đất trù phú cạnh bờ các con sông len lỏi trong vùng này. Những chiếc thuyền ở vùng này là thuyền nhỏ trên sông (không phải thuyền lớn ra biển) đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên dòng sông Cầu, sông Tiêu Tương... Thuyền trong Quan họ từ đó mà gắn với vẻ đẹp nên thơ, gần gũi. Nó khác với vẻ đẹp hùng vĩ của con thuyền ở phương Tây, hay con thuyền luôn bó chặt với tín ngưỡng tâm linh trong văn hoá các cộng

đồng dân tộc ít người vùng núi cao. Thuyền trong Quan họ mộc mạc, hồn hậu, gần gũi.

Đó có khi là những con thuyền tri kỉ, gắn bó thân thiết:

Đêm qua ngồi tựa mạn thuyền

Trăng in mặt nước càng nhìn non nước càng xinh

(Ngồi tựa mạn thuyền) Có khi là thuyền hoa:

Bốn chúng tôi như chiếc thuyền hoa Chèo ra bãi bể nước non đầm đìa

(Sắt cầm song đã đủ đôi) Nhưng tập trung nhất, thuyền trong Quan họ hoá thân thành thuyền tình đặt trong tương quan có đôi có lứa hoà hợp, cứ xuất hiện thuyền là gợi đến nét hữu tình, có cặp, có đôi. Nó có thể được làm đối chiếu với những cảnh đơn côi, cô độc hay gợi lên nét tình tự tự nhiên, có cặp, có duyên:

Cái con thuyền tình chở một mình tôi Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương

(Lênh đênh phận nổi duyên bèo)

Nhìn xem phong cảnh hữu tình

Dưới dòng Vị Thuỷ thuyền kề lênh đênh

(Chia rỗ cho người)

Thuyền ai lơ lửng bên sông

Có chờ, có đợi hay không hỡi thuyền

Một biểu tượng phái sinh của Cổ mẫu thuyềnđò. Tuy nhiên thuyền và đò ngoài những nét tương đồng trong cùng một hệ Cổ mẫu thì cũng có những nét tâm lí khác nhau được truyền đạt. Ví như thuyền trong Quan họ rất hay xuất hiện với tư thế một sự vật đơn thuần trong sinh hoạt, kiểu như:

Thuyền tôi xuôi ngược dòng sông Cầu Chị Hai ơi! Tôi là con trai Bắc Ninh

(Xuôi ngược sông Cầu)

Nước trong xanh thuyền xuôi lên cạn Gió đưa cánh buồm về nơi thị kì

(Đường trường tiếng đàn ) Còn đò thì thường trực gắn với thân phận, đến thời duyên đôi lứa. Trong tâm thức, đò thậm chí còn nhỏ hơn, không di chuyển xa như thuyền mà những chuyến đò dọc, đò ngang gắn với việc chở khách đôi bờ. Tính nhịp điệu, đi về theo chuyến của đò khiến vô thức về đò sinh ra liên tưởng tới chuyện đôi lứa trong thời điểm của cuộc đời. Trong Quan họ, biểu tượng đò xuất hiện trực tiếp không ít.

Tính theo đơn vị giọng Tính theo đơn vị

dòng

Toàn bộ hệ thống ca từ

Quan họ 213 3427

Số lần xuất hiện biểu

tượng chữ Đò 12 43

Đò như một sự vật biểu tượng kết nối không gian, kết nối xa cách nỗi niềm đôi bờ đôi bên:

Chị Hai ơi! Cách sông nên phải lụy đò

Hay kết nối nghĩa tình son sắt:

Chuyến đò nên nghĩa, nên tình từ đây

(Lỡ bước sang ngang)

Chuyến đò nên nghĩa, trăm năm Châu Trần

(Chuyến đò nên nghĩa) Đò gắn với thời điểm, tuổi xanh, lứa thì đôi lứa duyên tình:

Để em đi lại, kẻo phiền đò ngang

(Khách đến chơi nhà)

Chuyến đò tôi vẫn đợi chờ từ lâu

(Đón bạn sang ngang)

Càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyến đò

(Gọi đò – Thị Cầu) Cổ mẫu thuyền/đò từ vô thức tập thể dân gian đã trở về Quan họ với màu sắc thân thuộc, gần gũi và tình tứ như thế. Bớt đi tính chất tâm linh, chỉ còn giữ đậm ước vọng hoà hợp âm dương, giao hoà, lại thêm các lớp nghĩa về thân phận, về lứa thì, rõ ràng Cổ mẫu thuyền/đò khi vào Quan họ đã khoác thêm những lớp áo xã hội tươi mới mang đặc thù của cư dân nông nghiệp lúa nước. Cổ mẫu thuyền/đò cứ tự nhiên như thế, trôi từ vô thức dân gian vào từng câu hát Quan họ, để chất chở thêm những nét đặc trưng mới, riêng của con người Kinh Bắc. Thế mới thấy Quan họ không chỉ bảo tồn Cổ mẫu mà còn di chuyển định hướng Cổ mẫu hoà nhập với đời sống tâm hồn người Quan họ một cách tinh tế, thuần hậu.

Một phần của tài liệu Ca từ dân ca quan họ qua lăng kính vô thức tập thể (Trang 113)